Đất và người Long An

Đồng chí Nguyễn Văn Chí, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn - Người con Bến Lức kiên trung

22/09/2022 09:38:11AM
Màu chữ Cỡ chữ

   Tham gia cách mạng từ rất sớm, trải qua nhiều vị trí, lĩnh vực công tác, đồng chí Nguyễn Văn Chí (1921 - 2015) đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Nguyễn Văn Chí (Sáu Chí), sinh ngày 15 tháng 10 năm 1921, tại xã Long Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, trong một gia đình nông dân.

Đồng chí sớm tham gia cách mạng, từ năm 1936 đồng chí làm liên lạc, năm 1938 đồng chí là cán bộ Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương và in ấn tài liệu tuyên truyền cho tổ chức Đảng tại tổng Long Hưng Hạ.

Sau 4 năm hoạt động sôi nổi, giác ngộ cách mạng, thể hiện được tấm lòng kiên trung nên ngày 1 tháng 5 năm 1940, đồng chí Nguyễn Văn Chí được kết nạp chính thức vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1940, chấp hành chỉ thị khởi nghĩa của Xứ ủy, Tổng ủy Long Hưng Hạ bầu ban lãnh đạo khởi nghĩa, gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Nhâm - Trưởng ban, và các ủy viên: đồng chí Nguyễn Văn Chí, Nguyễn Văn Sĩ, Lại Văn Dưỡng, Chín Điểu. Theo chỉ đạo, Tổng ủy Long Hưng Hạ ngoài nhiệm vụ tổ chức khởi nghĩa tại địa phương còn huy động 200 quân lên thành phố Sài Gòn phối hợp với 300 quân của Bà Điểm, Hóc Môn để đánh chiếm Khám lớn Sài Gòn và Tòa án.

Khởi nghĩa không thành, thực dân Pháp đàn áp dữ dội, khủng bố trắng. Do vậy, đồng chí Nguyễn Văn Chí được Tổng ủy phân công phụ trách khôi phục cơ sở trong vùng Long Hưng Hạ và trực tiếp làm Bí thư Chi bộ xã An Thạnh; sau năm 1944, cơ sở hồi phục, đồng chí tiếp tục khẩn trương lãnh đạo Tổng ủy Long Hưng Hạ ráo riết chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Lúc này, đồng chí giữ nhiệm vụ Bí thư Tổng ủy và trực tiếp phụ trách Thanh niên Cứu quốc.

Thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An

Sau Cách mạng tháng Tám, đồng chí Nguyễn Văn Chí giữ nhiệm vụ Bí thư Trung Huyện, được Xứ ủy chỉ định tham gia vào Tỉnh ủy Chợ Lớn, phụ trách trực tiếp quận. Sau Hội nghị củng cố Tỉnh ủy vào tháng 10 năm 1945, đồng chí Nguyễn Văn Chí đi các địa phương để nắm tình hình, chuẩn bị cho cuộc họp thông qua kế hoạch kháng chiến, công tác Đảng, công tác Mặt trận… Trong giai đoạn hai năm đầu kháng chiến, đồng chí Nguyễn Văn Chí đã tham gia tích cực vào việc chuẩn bị các hội nghị quan trọng của Tỉnh ủy, đó là Hội nghị họp ở khu vực Biện Sinh (vùng kênh Lý Văn Mạnh), Hội nghị ở Miếu Ông Lão (xã Bình Lợi), Hội nghị Gò Xoài. Đây là các hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng, củng cố tư tưởng, tổ chức và nâng cao hiệu lực lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ tỉnh Chợ Lớn.

Từ năm 1949 đến năm 1950, đồng chí là Thường vụ Tỉnh ủy Chợ Lớn, phụ trách Quốc gia Tự vệ Cuộc và công tác thanh niên của tỉnh. Đến năm 1951, đồng chí được điều động giữ nhiệm vụ Bí thư Thanh vận của Xứ ủy (đến năm 1956).

Sau đó, đồng chí về công tác lại ở Tỉnh ủy Chợ Lớn, giữ nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy trong một thời gian ngắn, trước khi Tỉnh Chợ Lớn và Tân An sáp nhập thành tỉnh Long An năm 1957.

Từ năm 1958 đến năm 1968, gần 10 năm đồng chí tham gia lãnh đạo Liên Tỉnh ủy các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Cụ thể, từ năm 1958 đến năm 1962, đồng chí là Phó Bí thư rồi Bí thư Liên Tỉnh ủy các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Xứ ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ.

Năm 1963 đến 1964, Thường vụ Phân liên Khu ủy miền Đông, trực tiếp giữ nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa và phụ trách Bí thư Đảng ủy đặc biệt vùng Duyên Hải. Từ năm 1965 đến năm 1968, đồng chí là Phó Bí thư Phân liên Khu ủy miền Đông Nam Bộ.

Từ năm 1969 đến năm 1972, đồng chí Nguyễn Văn Chí là Ủy viên Trung ương Cục, giữ nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc 4, 5. Sau đó, đồng chí chuyển sang giữ nhiệm vụ Phó Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam từ năm 1973 đến năm 1975.

Đô thị huyện Bến Lức

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV, V), giữ nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban Kiểm tra Trung ương (từ năm 1976 đến năm 1986).

Có quá trình tham gia cách mạng từ rất sớm, trải qua nhiều vị trí, lĩnh vực công tác, đồng chí Nguyễn Văn Chí có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng bảo vệ Tổ quốc; đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương cao quý khác.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối