Đất và người Long An

60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023)

31/10/2023 10:55:24AM
Màu chữ Cỡ chữ

   60 năm đã trôi qua, nhưng thắng lợi vang dội và những bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng Hiệp Hoà năm 1963 vẫn có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần được tiếp tục phát huy, vận dụng sáng tạo trong giáo dục chính trị tư tưởng, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Sau cuộc “Đồng khởi” (1960-1961), chính sách cai trị độc tài, phát xít của chính quyền Ngô Đình Diệm đã thất bại căn bản. Trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, Mỹ - Diệm buộc phải áp dụng chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, cốt lõi của chiến lược là “quốc sách ấp chiến lược” (kế hoạch Stalây – Taylor), tham vọng bình định miền Nam trong vòng 18 tháng (1-1961 đến 11-1962) với chỉ tiêu thành lập 16 ngàn ấp chiến lược.

Địa bàn Long An được Mỹ-Diệm xác định là ưu tiên số 1 (là các tỉnh xung quanh Sài Gòn), nên ngay từ đầu năm 1962, chúng tiến hành rầm rộ trên phạm vi toàn tỉnh.

Ở Long An, sau khi quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương Cục và Khu ủy khu 8 (Đảng bộ Long An, Kiến Tường nằm trong Khu ủy khu 8), Tỉnh uỷ chủ trương kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, binh vận, nhanh chóng hình thành lực lượng vũ trang ở ba cấp, phát động phong trào thanh niên tòng quân nhập ngũ, phát triển công binh xưởng sản xuất vũ khí thô sô, phát triển các tổ chức quần chúng … Kết quả phong trào đấu tranh, gom dân lập ở Long An trong năm 1962, tỉnh đã tiêu diệt và bức rút 70 đồn, loại khỏi vòng chiến hàng trăm tên địch, thu nhiều súng, mủi binh vận tổ chức được hơn 40 trận đánh có cơ sở binh vận tham gia, mũi đấu tranh chính trị tổ chức hàng trăm cuộc biểu tình. Kết quả này đã ngăn chặn chương trình gom dân, lập ấp của địch. Nguy cơ thất bại hoàn toàn chương trình gom dân, lập ấp tại Long An và toàn miền là không thể tránh khỏi.

Do đó, ngay đầu năm 1963, địch tăng cường thêm nhiều lực lượng về Long An. Chúng tăng số quân cấp trung đoàn 46 về Đức Hòa, Bến Lức đến Thủ Thừa, chiến đoàn biệt động quân về Cần Giuộc, chiến đoàn thủy quân lục chiến về Cần Đước; tăng cường số lượng xe bọc thép hoạt động trên lộ 4 đoạn từ Tân An đến Bến Lức; tăng cường thêm 2 giang đoàn chiến đấu trên sông Vàm Có Đông, tăng thêm số lượng súng đạn.

Mỹ - Diệm bắt đầu tổ chức những cuộc hành quân bình định có quy mô lớn - cấp chiến đoàn hỗn hợp, tiến hành gom dân, lập ấp chiến lược. Chương trình lập ấp chiến lược của địch ở Long An tiến triển với tốc độ rất nhanh. Đến tháng 9-1963, địch đã lập được 240 ấp chiến lược trên phạm vi Long An và Kiến Tường.

Với lợi thế về quân giới, địch đã đẩy lực lượng cách mạng của tỉnh Long An vào thế khó khăn về nhiều mặt: thiếu căn cứ đứng chân và địa bàn hoạt động quân sự, thiếu quân số, thiếu nguồn cung cấp lương thực từ quần chúng, quan trọng nhất là chưa tìm ra cách đánh và phá triệt để ấp chiến lược. Lực lượng huyện, xã cũng ở tình trạng tương tự.

Thực tế tình hình trên phản ánh tương quan lực lượng trên địa bàn Long An. Hoạt động quân sự của ta kém hiệu quả do tương quan lực lượng quá chênh lệch đã dẫn đến tình trạng bị thu hẹp vùng giải phóng và ảnh hưởng đến tất cả các mặt của cuộc kháng chiến trong tỉnh.

Trước những khó khăn thực tế của tình hình, đầu tháng 9 - 1963, Tỉnh ủy Long An triệu tập cuộc họp mở rộng. Hội nghị Tỉnh ủy nêu quyết tâm: “Kiên quyết phá toàn bộ ấp chiến lược của địch, mở rộng căn cứ, khôi phục lại thế của vùng giải phóng như cũ, tạo điều kiện đẩy chiến tranh nhân dân lên một bước mới..”.

Sau khi có Nghị quyết, toàn Đảng bộ bắt tay vào công tác chuẩn bị mọi mặt cho việc thực hiện quyết tâm.Tỉnh củng cố lại lực lượng vũ trang ở cả ba cấp. Tăng cường quân số và đầu đơn vị, trang bị thêm một số vũ khí lớn; mỗi huyện thành lập một đại đội tập trung, các xã phải có từ 1 đến 2 trung đội du kích... phát động phong trào toàn dân, toàn quân đào công sự chiến đấu trên tất cả các khu vực địa hình.

Chú trọng công tác các mũi đấu tranh chính trị và binh vận, đưa cán bộ, đảng viên và du kích mật thâm nhập vào các ấp chiến lược và tích cực hoạt động. Đến cuối năm 1963, phần lớn các ấp chiến lược của địch ở Long An đều đã có cơ sở cách mạng và cơ sở binh vận của ta. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để hình thành cao trào phá ấp chiến lược ở Long An.

Từ quan điểm sử dụng đòn tấn công quân sự đi trước để tạo thế nổi dậy cho nhân dân trong cao trào phá ấp chiến lược, tỉnh chỉ đạo lực lượng vũ trang chọn một mục tiêu quân sự tương đối lớn và phải chuẩn bị thật kỹ để đánh chắc thắng nhằm tạo sự rúng động mạnh đối với tinh thần quân địch. Tỉnh đã chọn mục tiêu là Trung tâm huấn luyện biệt kích của địch ở Hiệp Hòa, quận Đức Hoà. Việc lựa chọn căn cứ Hiệp Hòa làm mục tiêu trận đánh mở đầu cho phong trào phá ấp chiến lược là rất táo bạo và bảo đảm đáp ứng được những yêu cầu của tỉnh đề ra là bảo đảm chắc thắng và gây tiếng vang lớn.

Căn cứ huấn luyện biệt kích của địch ở Hiệp Hòa có quy mô tương đối lớn, có hình tứ giác, mỗi chiều rộng từ 100 mét đến 150 mét, ở mỗi góc có một lô cốt lớn gắn súng đại liên, giữa mỗi cạnh có một lô cốt phụ và rất nhiều lỗ châu mai. Bên trong căn cứ có nhiều dãy nhà lính, trận địa pháo binh, khu thông tin, nhà chỉ huy, khu hậu cần tiếp liệu và kho tàng, đạn dược. Bên ngoài có 11 lớp hàng rào dây kẽm gai kết hợp với mương sâu và hệ thống mìn bẫy dày đặc. Căn cứ Hiệp Hòa có sức chứa khoảng 500 quân do 21 sỹ quan ngụy và 14 cố vấn Mỹ chỉ huy, tầm hoạt động của nó bao trùm nhiều tỉnh của Nam Bộ. Ở căn cứ Hiệp Hòa, ta đã xây dựng được 3 cơ sở nội ứng. Dựa trên sơ đồ do nội ứng cung cấp, cán bộ chỉ huy và đặc công, trinh sát của ta đã nhiều lần điều tra bên trong căn cứ tương đối kỹ và lập phương án rất chặt chẽ.

Sau khi nắm chắc tình hình, tỉnh quyết định sử dụng tất cả lực lượng tập trung của tỉnh, huy động hàng trăm dân công của nhiều huyện để phục vụ trước và sau trận đánh.

Trong khi Long An đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị mọi mặt để bước vào cao trào phá ấp chiến lược thì tình tình chính trị ở Sài Gòn có biến động rất lớn, lực lượng đối lập làm đảo chính lật đổ chính quyền của Diệm-Nhu vào ngày 01-11-1963. Nhận thức được thời cơ đó, Tỉnh ủy Long An chủ trương nhanh chóng phát động cao trào phá ấp chiến lược trên phạm vi toàn tỉnh.

Đêm 22 tháng 11 năm 1963, trận tiến công căn cứ Hiệp Hoà diễn ra mở đầu cho cao trào phá ấp chiến lược của tỉnh. Trận đánh do đồng chí Huỳnh Công Thân, chính trị viên Tỉnh đội và đồng chí Tư Vũ, Tỉnh đội trưởng trực tiếp chỉ huy chỉ đạo. Trận đánh diễn ra trong khoảng 45 phút, ta hoàn toàn làm chủ căn cứ, diệt tại chỗ hàng chục tên địch, bắt hơn 100 tên, trong đó có 4 tên cố vấn Mỹ, thu một kho trên 500 súng, có 2 súng cối 81 ly, 10 đại liên, 18 trung liên, 100 tiểu liên và nhiều quân trang, quân dụng của địch. Về phía ta, có 5 đồng chí hy sinh và 16 đồng chí bị thương. Sáng ngày 23-11-1963, ta diệt thêm 2 trung đội tiếp viện bằng sự kết hợp với binh vận và chính trị.

Ngay sau trận đánh, Long An chủ trương mở đợt hoạt động cao điểm để phát huy khí thế của chiến thắng Hiệp Hòa. Ở Đức Hòa, 8 xã được giải phóng. Ở Đức Huệ phong trào đấu tranh chính trị chống gom dân diễn ra khá quyết liệt tại Mỹ Quý Tây, Bình Thành. Nhiều ấp chiến lược ở Bến Lức bị nhân dân nổi dậy tự phá bỏ. Ở Châu Thành, lực lượng vũ trang phá banh một số ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng. Ở Cần Đước, địch ở nhiều đồn bót bỏ chạy, nhiều ấp chiến lược bị phá banh. Cần Giuộc giải phóng 7 xã. Tình hình ở các huyện khác của Long An cũng diễn ra rất sôi động và thực sự đã hình thành một cao trào toàn dân tham gia phá ấp chiến lược.

Trên cơ sở phong trào phát triển rộng rãi, Tỉnh ủy chỉ đạo lực lượng tập trung tổ chức những trận đánh lớn hơn để thúc đẩy cao trào phát triển nhanh hơn. Thực hiện chủ trương đó, đại đội 1 và đại đội 2 đã đánh trận tập kích ở Mương Trám (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức), tiêu diệt một tiểu đoàn biệt động quân của địch. Sau đó, cuối tháng 4-1964 đánh trận tiêu diệt trung tâm huấn luyện dân vệ của địch ở Gò Đen. Trận đánh này đã làm cho địch không còn khả năng bổ sung quân số cho các đồn bót buộc chúng phải rút bỏ một số đồn bót kéo theo sự tan rã của các ấp chiến lược mà các đồn bót bảo vệ.

Sau 5 tháng tấn công liên tục, cuối tháng 4 năm 1964, toàn tỉnh đã giải phóng được 23 xã, phá được 193/237 ấp chiến lược, tiêu diệt và bức rút 60 đồn bót, trong đó có hai căn cứ lớn Hiệp Hoà và Gò Đen, giải tán hơn 2 nghìn thanh niên chiến đấu, dân vệ. Vùng giải phóng của tỉnh phát triển thành thế liên hoàn từ huyện Đức Huệ đến Bến Thủ và xuống huyện Cần Đước. Ta đã cơ bản đánh bại quốc sách ấp chiến lược của địch, đưa phong trào cách mạng của tỉnh phát triển lên thế vững chắc. Làm thất bại hoàn toàn chương trình bình định của địch ở một trong những địa bàn trọng yếu nhất của chúng là Long An.

Tỉnh ủy Long An phát động cao trào phá ấp chiến lược trong điều kiện tình hình mọi mặt của tỉnh còn vô cùng khó khăn. Nhưng cao trào đã phát triển mạnh mẽ và thu được kết quả lớn. Sự thắng lợi và phát triển vượt bậc ấy có nhiều nguyên nhân:

Về lãnh đạo, tỉnh đã tìm ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tình trạng để địch thực hiện được kế hoạch gom dân, lập ấp một cách nhanh chóng. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy đã vận dụng những kinh nghiệm chỉ đạo ở những thời kỳ trước để đề ra những chủ trương mới rất táo bạo và sát với tình hình thực tiễn.

Về tổ chức thực hiện, Đảng bộ lực lượng vũ trang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tấn công quân sự, tạo thế và tạo lực cho cao trào phá ấp chiến lược của toàn dân.

Về điều kiện khách quan, cao trào phá ấp chiến lược của Long An diễn ra khi chính quyền Sài Gòn đang lâm vào tình trạng khủng hoảng triền miên sau cuộc đảo chính Diệm ngày 1-11-1963. Do đó chúng có phần buông lỏng việc thực hiện chương trình bình định và bộc lộ nhiều sơ hở.

Thắng lợi của trận Hiệp Hòa có ý nghĩa lịch sử to lớn, cổ vũ mạnh mẽ quyết tâm chiến đấu của quân và dân Long An, làm rúng động tinh thần của ngụy quân, ngụy quyền, là sự mở đầu giòn giã cho cao trào phá ấp chiến lược của Long An.

Trận Hiệp Hòa là một điển hình về sự vận dụng và tạo sức mạnh tổng hợp bằng cách kết hợp chặt chẽ 3 múi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận.

Chiến thắng Hiệp Hòa đã mở rộng được hành lang nối liền miền Đông Nam bộ với miền Tây Nam bộ và Đông Nam Campuchia.

Chiến thắng Hiệp Hòa là một chương oanh liệt trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Long An giai đoạn 1961-1965. Thắng lợi to lớn của cao trào phá ấp chiến lược là thành tích đổi bằng xương máu của toàn quân, toàn dân Long An. Thắng lợi ấy đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ Long An về lãnh đạo chiến tranh và gây dựng phong trào toàn dân đánh giặc.

60 năm đã trôi qua, nhưng thắng lợi vang dội và những bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng Hiệp Hoà năm 1963 vẫn có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần được tiếp tục phát huy, vận dụng sáng tạo trong giáo dục chính trị tư tưởng, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Ngô Thành Trung

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Hồng Đào- Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Gia Định (14/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối