Đất và người Long An

Đồng chí Nguyễn Hồng Đào- Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Gia Định

14/07/2023 02:35:2PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Để ghi nhận công lao của đồng chí cho cách mạng, Nhà nước đã truy tặng đồng chí Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Đồng chí Nguyễn Hồng Đào, bí danh Tư Hồ sinh năm 1920, quê quán xã Tân Sơn Nhì, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh). Từ khi Đảng ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ ở Ba Son, Phú Riềng, Dầu Tiếng, Bà Điểm... Trong khí thế cách mạng đó, khi còn là thiếu niên nhưng Nguyễn Hồng Đào đã tham gia cách mạng cùng các anh ruột là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương làm liên lạc, dán truyền đơn, biểu tình...

Từ năm 1937 đến năm 1945, đồng chí bị thực dân Pháp bắt cùng với hai anh trai và bị đày đi Côn Đảo. Năm 1939, đồng chí đã được kết nạp vào Đảng tại Chi bộ Nhà tù Côn Đảo. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, từ Côn Đảo, đồng chí trở về tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Giai đoạn này, đồng chí Nguyễn Hồng Đào tham gia kháng chiến trong lực lượng bộ đội Huỳnh Tấn Chùa và sau đó, đồng chí là bộ đội Giải phóng quân Liên quận Hóc Môn - Bà Điểm.

Tháng 12 năm 1945, Xứ ủy lâm thời Nam Bộ họp Hội nghị mở rộng tại Bình Hòa Nam (Chợ Lớn), quyết định tổ chức Nam Bộ thành 3 khu: Khu VII, Khu VIII và Khu IX. Địa bàn Khu VIII gồm Thành phố Sài Gòn, các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh do đồng chí Nguyễn Bình là Khu bộ trưởng, đồng chí Dương Văn Dương là Khu bộ phó và đồng chí Trần Xuân Độ làm Chính ủy. Miền Đông Nam Bộ thuộc tổ chức quân sự Khu VII và Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, sau là Phân liên khu miền Đông. Đến giữa 1946, trên chiến trường miền Đông Nam Bộ có 17 chi đội và tiểu đoàn Vệ quốc đoàn. Trong giai đoạn 1946 đến 1948, đồng chí Nguyễn Hồng Đào là Chính trị viên của Đại đội 2 thuộc Chi đội 12 Vệ quốc đoàn Gia Định do đồng chí Tô Ký làm Chi đội trưởng.

Tháng 12 năm 1947, Xứ ủy Nam Bộ họp hội nghị quân sự chủ trương phát triển lực lượng du kích rộng khắp, xây dựng bộ đội chủ lực khu với nhiệm vụ tăng cường chống địch càn quét bình định; đánh phá giao thông và cơ sở kinh tế của địch; bảo vệ căn cứ và hành lang vận chuyển tiếp tế của ta. Chấp hành nghị quyết này, từ đầu năm 1948, Bộ Tư lệnh Khu VII xúc tiến việc xây dựng các trung đoàn và củng cố sự thống nhất trong các đơn vị bộ đội tập trung. Ngày 27 tháng 3 năm 1948, Khu ủy Khu VII họp hội nghị xây dựng các trung đoàn trên cơ sở nâng cao về chất các chi đội hoặc hợp nhất nhiều chi đội có sẵn. Sau hội nghị này, các chi đội xúc tiến việc xây dựng trung đoàn, trên địa bàn miền Đông Nam Bộ lần lượt hình thành 10 trung đoàn và 1 tiểu đoàn lưu động. Trung đoàn có 3 tiểu đoàn mang phiên hiệu 934, 935, 936. Trong giai đoạn này, đồng chí Nguyễn Hồng Đào là Chính trị viên Tiểu đoàn 934.

Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng đã quyết định thành lập Trung ương Cục thay cho Xứ ủy Nam Bộ. Đầu năm 1951, Xứ ủy quyết định bố trí lại chiến trường, sắp xếp lại lực lượng, kiện toàn tổ chức toàn Nam Bộ cho phù hợp với điều kiện mới. Theo quyết định này, các Khu VII, VIII và IX giải thể, các tỉnh được sát nhập lại. Cuối tháng 6 năm 1951, theo chủ trương của Trung ương Cục, Nam Bộ được chia làm hai phân liên khu, miền Đông và miền Tây. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ tiến hành điều chỉnh lại tổ chức địa giới. Việc thành lập tỉnh mới kéo theo sự sắp xếp lại bộ máy hành chính, tổ chức quân sự và xây dựng căn cứ đứng chân của tỉnh. Trong giai đoạn từ năm 1951 đến 1954, đồng chí Nguyễn Hồng Đào là Phó Bí thư Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội dân quân Hóc Môn.

Sau Hiệp định Genève 1954, tỉnh Gia Định Ninh tách ra thành hai tỉnh như cũ: Tây Ninh và Gia Định. Đồng chí Nguyễn Hồng Đào ở lại miền Nam tiếp tục tham gia lực lượng kháng chiến và giữ chức Bí thư Huyện ủy Hóc Môn.

Những tháng cuối năm 1957, cơ quan lãnh đạo Sài Gòn - Gia Định bị tốn thất nặng. Toàn bộ Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và tỉnh Gia Định bị thiệt hại nặng do bị bắt và mất liên lạc. Chỉ riêng quận Hóc Môn, cho đến lúc này chỉ còn gần 100 đảng viên có tổ chức trong số hơn 1.000 đảng viên ở đây sau năm 1954. Số 100 đảng viên này đang đứng trước tình thế sẽ tiếp tục bị bắt, và thực sự đến năm 1959 chỉ còn 1 đảng viên. Từ năm 1957 đến năm 1958, đồng chí Nguyễn Hồng Đào là Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Định và đến năm 1959, đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định.

Đầu năm 1960, để tạo ra một thế trận mới và điều kiện tốt thực hiện nhiệm vụ mới trên cơ sở thống nhất địa bàn trong và ven đô, Xứ ủy chấp nhận giải thể Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và Tỉnh ủy Gia Định, hợp nhất thành lập Khu ủy Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư, các đồng chí trong Tỉnh ủy Gia Định là Phó Bí thư và Thường vụ Khu ủy. Sau khi hợp nhất, Khu ủy họp Hội nghị mở rộng đầu tiên tại xã An Thành, Bến Cát, Bình Dương để sắp xếp tổ chức. Tham dự hội nghị có các đồng chí trong Khu ủy như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hồng Đào, Đoàn Công Chánh (Sáu Bảo), Phạm Khải (Ba Ka), Phan Thành Long...

Tháng 7 năm 1960, Xứ ủy mở Hội nghị lần thứ 5 đánh giá tình hình, để ra nhiệm vụ trước mắt là: “Tiếp tục tấn công chính trị làm cho địch thất bại hơn nữa trên mọi mặt nhằm đánh bại từng bước âm mưu, chính sách của địch, tạo điều kiện và thời cơ cho cuộc khởi nghĩa, đánh đổ toàn bộ chính quyền Diệm”. Hội nghị quyết định các khu “đồng khởi” phối hợp với Khu VIII trong đợt mở ra từ ngày 24 tháng 9 năm 1960. Để giữ vững và mở rộng thành quả đợt đầu nổi dậy, các cấp ủy chủ trương đẩy mạnh tốc độ xây dựng lực lượng vũ trang và hoạt động vũ trang để hỗ trợ cho quần chúng tiếp tục vùng lên giành quyền làm chủ. Tuy nhiên, sau những ngày cuối tháng 9, đồng chí Võ Văn Kiệt nhận thấy cách làm ở Khu 8 chỉ hợp với Củ Chi, còn ở Hóc Môn, Gò Vấp, Bình Chánh, Thủ Đức... phải làm khác, phải tổ chức du kích mật, hoạt động theo phương châm đánh đau, đánh hiểm nhưng không có tiếng vang. Do đó, từ sau tháng 9, trừ Củ Chi làm như Khu 8, các huyện ven đô khác hoạt động theo phương châm trên. Tháng 10 năm 1960, Ban Quân sự Khu ủy Sài Gòn - Gia Định được thành lập do đồng chí Nguyễn Hồng Đào phụ trách.

Ngày 15 tháng 02 năm 1961, Quân giải phóng miền Nam được thành lập từ sự thống nhất của lực lượng vũ trang miền Nam. Hệ thống cơ quan chỉ huy quân sự từ miền đến xã được thành lập. Tháng 3 năm 1961, Bộ Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định thành lập các Quân khu miền Nam và Bộ Chỉ huy Quân sự Miền. Mật danh đầu vào Nam Bộ là R, các Quân khu là T, các tỉnh là U. Miễn Đông Nam Bộ có Quân khu Sài Gòn - Gia Định (mật danh T4 hay I4) và Quân khu Miền Đông (T1) gồm 4 tỉnh Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa. Đoàn cán bộ “khung chỉ huy” của Miền và các Quân khu (lấy mật danh là “Phương Đông 1”) xuất phát từ Hà Nội ngày 04 tháng 5 năm 1961 vào đến Nam Bộ ngày 15 tháng 8 năm 1961. Số này cùng với số cán bộ tại chỗ thành lập các cơ quan quân khu. Bộ Chỉ huy Quân sự Sài Gòn - Gia Định gồm các đồng chí Nguyễn Hồng Đào là Chính ủy; đồng chí Trần Hải Phụng là Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng; Nguyễn Ngọc Lộc - Chủ nhiệm Chính trị; Nguyễn Văn Thanh - Chủ nhiệm Hậu cần. Căn cứ đầu não đặt ở khu vực Hố Bò, Bắc Củ Chi.

Cuối năm 1961, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định được bổ sung gồm 13 đồng chí, đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Hồng Đào làm Phó Bí thư,

Ngày 06 tháng 10 năm 1962, đồng chí hy sinh trong lúc dự hội nghị của Quân khu tại xã An Thành, Bến Cát, Bình Dương.

Ngô Thành Trung (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối