Đất và người Long An

Đồng chí Hoàng Dư Khương- Phó Bí thư Xứ uỷ Nam kỳ

26/04/2023 03:41:40PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Nhằm chuyển hướng công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới ở miền Nam, tháng 10 năm 1954, tại Căn cứ Chắc Băng (Vĩnh Thuận, Cà Mau), Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Bộ được tiến hành. Đồng chí Lê Duẩn, Ủy viên Bộ Chính trị giữ nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy và Phó Bí thư gồm hai đồng chí Phạm Hữu Lầu và Hoàng Dư Khương.

Đồng chí Hoàng Dư Khương tên thật là Hoàng Xang, sinh ngày 02 tháng 02 năm 1911, tại làng Bình Thái, xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang, nay thuộc quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Sau khi đỗ thành chung, đồng chí thi vào trường bán công Huế (1933- 1935). Năm 1936, tham gia phong trào Đông Dương Đại hội, đến năm 1937, vào Sài Gòn, hoạt động trong công nhân cao su ở đồn điền Dầu Tiếng, rồi làm công nhân hỏa xa ở Tháp Chàm (Bình Thuận).

Đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1942 và hoạt động trong giới công nhân, lao động ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Đầu năm 1943, ở Sài Gòn có hai lực lượng đảng viên hoạt động mạnh: một là của đồng chí Nguyễn Oanh, làm công tác gây dựng cơ sở, hoạt động trong nội thành; hai là của đồng chí Bùi Văn Dự do các đồng chí từ miền Tây Nam Bộ lên tổ chức, hoạt động chủ yếu ở vùng Bà Quẹo và ra báo Giải phóng theo kinh nghiệm làm báo Chiến đấu. Lực lượng này tự nhận là Thành ủy. Báo Giải phóng ra được 5 số thì bị địch phá vỡ và phần lớn các đồng chí bị bắt. Những người còn lại bát liên lạc được với các đồng chí Hoàng Dư Khương (từ Bình Thuận vào), đồng chí Hoàng Tế Thế (Sài Gòn), Nguyễn Thị Thập (Liên Tỉnh ủy Mỹ Tho) lên, Lê Hữu Kiều (Hà Nội vào), Lê Minh Định, Trần Văn Trà (miền Trung vào) móc nối với nhau để hoạt động và lại ra tiếp tờ Giải phóng, làm cơ quan ngôn luận, đã phát hành số 1 báo Giải phóng vào ngày 01 tháng 6 năm 1943, số 2 ra ngày 01 tháng 7 năm 1943 và liên tục cho đến gần ngày Nhật đảo chính Pháp (09 tháng 3 năm 1945) dù nhiều lần bị địch phá.

Tháng 8 năm 1945, tham gia lãnh đạo giành chính quyển ở Sài Gòn.

Cuối tháng 10 năm 1945, vòng vây của ta xung quanh Sài Gòn - Chợ Lớn bị địch phá vỡ. Thực dân Pháp mở rộng cuộc xâm lược ra toàn Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Ngày 15 tháng 10 năm 1945, đồng chí tham gia Hội nghị cán bộ toàn Xứ tại Cầu Vĩ (Mỹ Tho) để bàn việc thống nhất Đảng và thống nhất Việt Minh nhằm củng cố Đảng thêm vững mạnh để lãnh đạo phong trào kháng chiến. Hội nghị đã bầu ra một Xứ ủy thống nhất gồm 11 đồng chí: Tôn Đức Thắng (Bí thư), Lê Duẩn, Phạm Hùng, Trần Ngọc Danh, Lê Văn Sĩ, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Kỉnh, Hoàng Dư Khương, Nguyễn Thị Thập, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp (những đồng chí mới từ Côn Đảo trở về và một số đồng chí trong Xứ ủy Tiền phong và Xứ ủy Giải phóng). Những cán bộ ưu tú của Đảng ta bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo được đưa về đất liền (tại tỉnh Sóc Trăng) ngày 22 tháng 9 năm 1945, ngay lập tức trực tiếp tham gia vào cơ quan lãnh đạo của Đảng. Đây là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với Đảng bộ Nam Bộ.

Cuối tháng 10 năm 1945, đồng chí Hoàng Dư Khương tham dự Hội nghị của Tỉnh ủy Gia Định, tổ chức tại đình Mỹ Hạnh (huyện Đức Hòa), thành phần tham dự gồm các đồng chí Xứ ủy và Tỉnh ủy Gia Định (nhóm Giải phóng): Hoàng Dư Khương, Trần Văn Trà, Tô Ký, Cao Đức Luốc, Ba Súng, Năm Râu, Phan Văn Voi, Phan Đức, Sáu Ngói, Hoàng Tường, Ba Nhỏ... để bàn về việc thống nhất lực lượng vũ trang Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa, lấy tên là Giải phóng quân Liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa. Lực lượng này đóng vai trò nòng cốt cho sự thống nhất lực lượng vũ trang Nam Bộ.

Bộ Chỉ huy gồm có: Đồng chí Tô Ký làm Tư lệnh; đồng chí Hoàng Dư Khương làm Chính trị viên. Bộ Chỉ huy có các ban: tuyên truyền, hậu cần, quân giới, giúp việc...

Trường Tiểu học mang tên Hoàng Dư Khương tại Thành phố Đà Nẵng. Ảnh từ Internet

Tháng 11 năm 1946, tại Chiến khu Đồng Tháp Mười, Hội nghị cán bộ Xứ gồm các đồng chí: Ung Văn Khiêm, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Kỉnh, Hà Huy Giáp, Hoàng Dư Khương, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Đức Thuận, Trần Văn Trà... đã quyết định củng cố lại Liên Tỉnh ủy miền Đông, miền Trung và miền Tây Nam Bộ. Trên cơ sở của Nghị quyết Hội nghị Xứ ủy tháng 11 năm 1946 về sự thống nhất tổ chức và lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất về tổ chức của Mặt trận Việt Minh và giai cấp công nhân toàn Nam Bộ, các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể của thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và tỉnh Gia Định cũng được khẩn trương củng cổ và phát triển.

Đầu năm 1949, đồng chí Hoàng Dư Khương cùng các đồng chí của Xứ ủy là đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) thay mặt Xứ ủy dự Hội nghị Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn họp Hội nghị tại Thiên Hộ (Mỹ Tho). Hội nghị dưới sự định hướng, chỉ đạo của Xứ ủy đã đề ra nhiệm vụ chung cho Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1949, để ra những chủ trương công tác, khẩu hiệu đấu tranh phù hợp với yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ trong thời kỳ mới, có tính đến nguyện vọng của quần chúng; những mặt yếu, mạnh của ta và địch. Nhờ vậy, bước vào năm 1950, phong trào kháng chiến tại thành phố vẫn giữ được khí thế đấu tranh và tiếp tục giành thắng lợi.

Tháng 8 năm 1950, chấp hành nghị quyết của Xứ ủy Nam Bộ, việc tổ chức, chỉ huy chiến trường toàn Nam Bộ được phân chia, sắp Xếp lại. Khu Sài Gòn - Chợ Lớn và Khu 7 sáp nhập lại, gồm 6 tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Gia Định, Chợ Lớn, Tây Ninh. Đồng chí Hoàng Dư Khương được Xứ ủy phân công giữ nhiệm vụ Bí thư Khu ủy.

Sau Hiệp định Genève, đồng chí được phân công ở lại hoạt động tại miền Nam.

Nhằm chuyển hướng công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới ở miền Nam, tháng 10 năm 1954, tại Căn cứ Chắc Băng (Vĩnh Thuận, Cà Mau), Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Bộ được tiến hành. Đồng chí Lê Duẩn, Ủy viên Bộ Chính trị giữ nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy và Phó Bí thư gồm hai đồng chí Phạm Hữu Lầu và Hoàng Dư Khương.

Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Bộ, với bộ máy tổ chức gọn nhẹ, Xứ ủy Nam Bộ đã bám trụ hoạt động kiên cường trong điều kiện bí mật để nắm sát tình hình cách mạng miền Nam, báo cáo kịp thời những diễn biến tình hình cho Trung ương và để quán triệt, cụ thể hóa mọi chủ trương của Đảng trong chỉ đạo cách mạng ở miền Nam. Đồng chí Hoàng Dư Khương đã đóng góp vai trò không nhỏ trong giai đoạn đặc biệt khó khăn này.

Tháng 3 năm 1955, Xứ ủy cho xây dựng cơ sở và dời Văn phòng Xứ ủy về khu vực chợ Ông Tạ (đường Phạm Văn Hai, Tân Bình). Đồng chí Hoàng Dư Khương về Sài Gòn hoạt động, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Văn phòng, đến cuối năm 1955, do bị một tên chỉ điểm nên đồng chí Hoàng Dư Khương bị địch bắt, đày đồng chí ra Côn Đảo.

Bị đày ra Côn Đảo, đồng chí đã cùng với đồng đội kiên trung chống thủ đoạn “ly khai” của địch. Bất chấp mọi cực hình, đàn áp dã man, chịu đựng mọi đói khát, hành hạ của kẻ địch, đồng chí bị giam ở Chuồng Cọp nhiều năm, hai chân bại liệt không đi lại được.

Sau Hiệp định Paris (1973), ở Côn Đảo nổi lên cuộc đấu tranh đòi thả tù chính trị. Để che giấu, chúng lựa chọn một số tù già yếu, bệnh tật, đưa về đất liền, rồi tìm cách “phóng thích” chứ không trao trả chính thức như điều đã thỏa thuận trong hiệp định. Trong số này có Hoàng Dư Khương. Chúng đưa đồng chí về sân bay Biên Hòa, thay vì đến sân bay Lộc Ninh (địa điểm trao trả), rồi giữ tại nhà giam Bình Dương, báo cho thân nhân đến nhận. Biết tin này, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã bố trí cơ sở tìm cách liên lạc đón đồng chí, đưa về căn cứ. Đồng chí Hoàng Dư Khương từ trần vào ngày 13 tháng 12 năm 1983.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối