Đất và người Long An

Đồng chí Nguyễn Văn Lộng - Bí thư Thành uỷ Sài Gòn-Gia Định

10/05/2023 03:30:39PM
Màu chữ Cỡ chữ

    Cuối năm 1935 - đầu năm 1936, khôi phục lại Thành ủy, đồng chí Nguyễn Văn Lộng làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Ở Sài Gòn, đồng chí Nguyễn Văn Lộng tổ chức các cuộc mít tỉnh biểu thị tinh thần đấu tranh chống thực dân Pháp, đoàn kết lao động Pháp với nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Văn Lộng sinh năm 1907 ở làng Bình Nhâm, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một (nay là xã Bình Nhâm, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Cha là ông Nguyễn Văn Lộ (Tám Lộ), là thợ thủ công giỏi nghề mộc, bản thân đồng chí Nguyễn Văn Lộng cũng là thợ mộc, làm công nhân ở xưởng Ba Son (Sài Gòn). Vợ là bà Phạm Thị Thêm (tức Phạm Minh Ngọc) hay còn gọi là Tư Thêm, chị Chùa, chị Lộng quê ở xã An Xuyên, huyện Cà Mau. Từ những năm 1929 - 1930, bà Tư Thêm lên Sài Gòn tham gia cách mạng từ trong tổ chức thanh niên yêu nước, làm công tác vận động phụ nữ ở các địa phương (Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Dĩ An...), là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Lộng có 4 người con là Nguyễn Sơn Kim, Nguyễn Thanh Tòng, Nguyễn Văn Hồng và Nguyễn Văn Chân đều tham gia cách mạng.

Thủ Dầu Một xưa - quê hương của đồng chí Nguyễn Văn Lộng

Từ năm 18, 19 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Lộng tham gia phong trào thanh niên cách mạng ở quê nhà vùng Bình Nhâm, Lái Thiêu và vùng Dĩ An, Búng - Thủ Dầu Một. Với danh nghĩa là thành viên của Hội Thanh niên Thể thao, đồng chí Nguyễn Văn Lộng đã hoạt động cách mạng, đi vận động gây dựng cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một.

Năm 1929 - 1931, đồng chí Nguyễn Văn Lộng xuống Sài Gòn - Chợ Lớn tham gia chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản. Theo khẩu hiệu vô sản hóa của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Lộng vào làm trong xưởng Ba Son rồi cùng các đồng chí khác tại đây tổ chức vận động công nhân đấu tranh đình công, bãi công,... Đồng chí Nguyễn Văn Lộng là một trong những người sáng lập và tham gia Ban Lãnh đạo Tống Công hội tại Sài Gòn.

Năm 1932 - 1933, phong trào cách mạng bị thực dân Pháp đàn áp, khủng bố, đồng chí Nguyễn Văn Lộng cùng với vợ tạm lánh lên chùa Phật Tổ ở Núi Tượng thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh Châu Đốc (nay là tỉnh An Giang), làm thầy chùa để che mắt bọn mật thám đang truy nã và tiếp tục hoạt động.

Năm 1934, đồng chí trở về quê hương Bình Nhâm hoạt động, cùng vợ mở tiệm cà phê để làm địa điểm liên lạc các cơ sở tổ chức Đảng trong tỉnh Thủ Dầu Một và nối liên lạc với các cơ sở Đảng ỡ Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, nhất là trong lực lượng công nhân.

Từ năm 1935 - 1939, đồng chí Nguyễn Văn Lộng cùng vợ chuyển về Sài Gòn hoạt động, cư trú ở nhiều địa bàn khác nhau, công tác như một cán bộ của Xứ ủy Nam Kỳ, tham gia vào Thành ủy Sài Gòn giữ vai trò Thành ủy viên (do đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai làm Bí thư), phụ trách mảng công đoàn. Về mặt công khai, đồng chí đứng đầu nhóm lao động, là Trưởng Ban đại biểu thợ thuyền và lao động tại Sài Gòn - Chợ Lớn; phụ trách về mặt Đảng của tờ báo Lao động - cơ quan bênh vực quyền lợi cho giai cấp công nhân lao động phát hành tại Sài Gòn.

Cuối năm 1935 - đầu năm 1936, khôi phục lại Thành ủy, đồng chí Nguyễn Văn Lộng làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Ở Sài Gòn, đồng chí Nguyễn Văn Lộng tổ chức các cuộc mít tỉnh biểu thị tinh thần đấu tranh chống thực dân Pháp, đoàn kết lao động Pháp với nhân dân Việt Nam. Năm 1937, trong tình hình đấu tranh ngày càng mạnh mẽ của nhân dân ta và nhân dân Pháp, Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp cử Đặc phái viên Justin Godart thuộc Đảng cấp tiến - Đại biểu Quốc hội Pháp sang tìm hiểu và điều tra tại Việt Nam. Thời điểm này, đồng chí Nguyễn Văn Lộng tích cực thu thập ý nguyện dân chúng và đưa đơn dân nguyện đến, đòi cải cách chế độ chính trị - xã hội ở - thuộc địa (Đông Dương). Trong quá trình hoạt động phong trào công đoàn, đồng chí Nguyễn Văn Lộng cùng các đồng chí khác đã đấu tranh chống lại bọn cơ hội Trosky phá hoại, xuyên tạc phong trào Đông Dương Đại hội, bảo vệ đường lối cách mạng của Đảng, tháng 8 năm 1938, Chi bộ cộng sản xã Bình Nhâm được thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Lộng cùng 4 đồng chí: Ba Phèn, Hồ Văn Cống (Hai Cống), Nguyễn Văn Tiết (Sáu Tiết) và Đinh Văn Sáng (Tám Sáng) tham gia và trở thành lớp đảng viên đầu tiên của Chi bộ.

Tỉnh Bình Dương - quê hương của đồng chí Nguyễn Văn Lộng hôm nay

Cuối năm 1939, Chính phủ Bình dân Pháp bị lật đổ, bọn thực dân Pháp trở lại đàn áp phong trào cách mạng; báo Lao động bị đóng cửa. Năm 1940, đồng chí Nguyễn Văn Lộng cùng nhiều đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt, giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Trong tù bọn địch tìm đủ mọi cách tra khảo, dụ dỗ để khai thác tài liệu, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Lộng vẫn giữ vững ý chí và tinh thần cách mạng, không nao núng, không làm gì có hại cho Đảng, cho nhân dân. Không khai thác được bằng chứng gì về hoạt động bí mật, tòa án Pháp kêu án đồng chí Nguyễn Văn Lộng 8 tháng tù.

Sau khi ra tù (năm 1941), đồng chí Nguyễn Văn Lộng tiếp tục hoạt động cách mạng, là cán bộ của Xứ ủy Nam Kỳ, phụ trách công tác liên minh. Đồng chí cùng vợ tham gia vận động nông dân, phát triển tổ chức Đảng, gây dựng cơ sở cách mạng ở các tỉnh, nối liên lạc các cơ sở cách mạng thành phố với các tỉnh từ miền Tây đến miền Đông. Địch theo dõi và bắt hụt ông mấy lần ở Tân Hưng, sông Trẹm (Cà Mau).

Năm 1945, đồng chí Nguyễn Văn Lộng hoạt động tích cực chuẩn bị và tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám ở tại Sài Gòn, Gia Định, Thủ Dầu Một.

Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Nguyễn Văn Lộng về Sài Gòn giữ chức Thường trực Thành ủy một thời gian, sau đó được Xứ ủy Nam Bộ cử làm Thanh tra Chính trị miền Đông Nam Bộ. Năm 1946. Tổng tuyển cử Quốc hội khóa I, đồng chí Nguyễn Văn Lộng cùng với một số đồng chí khác được bầu làm Đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Tại Hà Nội, đồng chí dự họp Quốc hội khóa đầu tiên để thành lập Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó đồng chí được cử phụ trách quân lương và vận tải của cơ quan Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam (đóng ở Nam Trung Bộ).

Trong chuyến đi công tác Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Văn Lộng tái phát bệnh ho ra máu (di chứng từ những cuộc tra tấn của nhà tù đế quốc). Năm 1950, Trung ương Cục miền Nam đưa đồng chí về điều trị bệnh ở Bạc Liêu. Ngày 10 tháng 8 năm 1951, đồng chí Nguyễn Văn Lộng qua đời tại vùng căn cứ tỉnh Bạc Liêu (nay là xã Tân Hòa, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối