Đất và người Long An

Đồng chí Nguyễn Như Hạnh – Bí thư Thành uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn

12/05/2023 02:57:43PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, cả những khi bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, đồng chí luôn giữ vững lòng trung thành với Đảng, luôn nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng giao phó. Tận tụy với công việc, gắn bó với nhân dân, với trí thức, đồng chí luôn được đồng chí, đồng bào yêu mến, tin cậy.

Đồng chí Nguyễn Như Hạnh sinh ngày 10 tháng 12 năm 1916 tại xã Hòa An, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), trong một gia đình trung nông.

Ngay từ khi còn là học sinh ở Đà Nẵng, Huế, đồng chí đã tích cực tham gia phong trào thanh niên, tham gia hoạt động trong Đoàn Thanh niên Dân chủ. Vì những hoạt động cách mạng này, tháng 02 năm 1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt cầm tù ở Huế 8 tháng. Bị quản thúc, đồng chí vẫn bí mật tham gia các hoạt động ở địa phương trong công tác truyền bá quốc ngữ, tổ chức các hội tương tế, thể thao….

Sau khi mãn hạn quản thúc, đồng chí Nguyễn Như Hạnh ra Hà Nội tiếp tục học và tham gia phong trào Đông Dương Đại hội. Tháng 12 năm 1936, đồng chí Nguyễn Như Hạnh được đồng chí Phan Bôi giới thiệu và trực tiếp kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 6 năm 1938, đồng chí được phân công về hoạt động ở Huế, Đà Nẵng, Hòa Vang.Tại đây, đồng chí Nguyễn Như Hạnh tiếp tục hoạt động phong trào Đông Dương Đại hội, phụ trách việc biên dịch các tài liệu tiếng Pháp ra tiếng Việt cho các nhà xuất bản ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Đồng chí còn trực tiếp tuyên truyền, vận động nhiều đồng chí và đông đảo nhân dân địa phương tham gia các hoạt động đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Về Đảng, do sự giới thiệu không được rõ ràng, đồng chí Nguyễn Như Hạnh phải kết nạp Đảng lần hai vào tháng 9 năm 1938 tại Huế, do đồng chí Phan Đăng Lưu tổ chức. Tháng 12 năm 1939, khi phong trào ở địa phương bị khủng bố, đồng chí bị thực dân Pháp tầm nã, kết án vắng mặt 3 năm tù.

Tên đường mang tên Nguyễn Như Hạnh tại thành phố Đà Nẵng, quê hương đồng chí.

Theo yêu cầu của tổ chức, đồng chí Nguyễn Như Hạnh chuyển vào hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại đây, đồng chí Nguyễn Như Hạnh gặp đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và được phân công phụ trách công tác vận động thanh niên học sinh và trí thức. Sau khi đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và một số Thành ủy viên bị bắt, đồng chí Nguyễn Như Hạnh liên lạc với đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy, ngoài công tác vận động thanh niên, trí thức, đồng chí còn được giao thêm nhiệm vụ cùng một số đảng viên khác xuống công tác ở vùng Cầu Kho, Vĩnh Hội, Khánh Hội, Tân Thuận và Phú Xuân, vùng Bến Tàu. Tại đây, đồng chí tích cực vận động công nhân và quần chúng lao động, xây dựng cơ sở cho Đảng.

Tháng 6 năm 1940, đồng chí Nguyễn Như Hạnh được giới thiệu tham gia vào Ban vận động chỉnh đốn tổ chức Thành ủy. Tháng 8 năm 1940, Thành ủy được lập lại, đồng chí Nguyễn Như Hạnh được phân công làm Bí thư. Tháng 9 năm 1940, cùng với việc làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng chí Tạ Uyên còn phổ biến trong một cuộc họp của Thành ủy là đồng chí Nguyễn Như Hạnh được giới thiệu vào Xứ ủy phụ trách vận động trí thức và binh lính.

Thời gian này, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng chí Nguyễn Như Hạnh cùng các tổ chức Đảng, các tổ chức quần chúng ráo riết chuẩn bị. Phong trào quần chúng rất sôi sục, kể cả trong binh lính địch khi được tin sẽ bị điều ra trận ở biên giới. Nhiều nơi đã thành lập tổ chức Thanh niên phản đế, Phụ nữ phản đế, Nông hội phản đế, Binh sĩ phản chiến. Tất cả đã sẵn sàng chờ lệnh phát ra.

Cuối tháng 8 năm 1940, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn họp Hội nghị mở rộng nghe đồng chí Tạ Uyên truyền đạt Nghị quyết của Xứ ủy tháng 7 năm 1940 và nghe đồng chí Nguyễn Như Hạnh (trong Hội nghị này chính thức là Bí thư Thành ủy) báo cáo tình hình phong trào cách mạng, đặc biệt là tình hình cơ sở Đảng và các tổ chức trong Thành phố, nhất là công tác binh vận. Tháng 9 năm 1940, sau Hội nghị Xứ ủy ở Xuân Thới Đông, Thành ủy lại họp mở rộng. Hội nghị nhất trí thành lập Ủy ban Khởi nghĩa cấp thành, quận; cử đồng chí Tạ Uyên - Bí thư Xứ ủy làm Trưởng ban Khởi nghĩa của thành phố, đồng chí Nguyễn Như Hạnh là Bí thư Thành ủy, kiêm công tác binh vận. Sau Hội nghị Xứ ủy 11 năm 1940, đồng chí Nguyễn Như Hạnh được phân công liên lạc với các cơ sở Đảng trong các trại lính, trong đó có cả lính của trại Ô Ma mới chuyển lên Thủ Dầu Một.

Ngày 20 tháng 11 năm 1940, Thường vụ Xứ ủy họp khẩn cấp quyết định khởi nghĩa sẽ nổ ra vào 24 giờ đêm 22 tháng 11 năm 1940. Sáng ngày 22 tháng 11, đồng chí Nguyễn Như Hạnh gặp đồng chí Tạ Uyên - Bí thư Xứ ủy kiêm Trưởng ban Khởi nghĩa thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn ở cơ quan Xứ ủy số nhà 41 đường đAyot (nay là đường Nguyễn Thái Bình, Quận 1) nhận chủ trương của đồng chí Tạ Uyên triệu tập Hội nghị Thành ủy mở rộng đến bí thư, trưởng ban cán sự quận và các đồng chí phụ trách các bộ phận chuyên môn của Thành ủy để nghe phổ biến lệnh khởi nghĩa và Chỉ thị của Xứ ủy.

Sau khi nhận chỉ thị và bàn bạc công việc với đồng chí Tạ Uyên, vào lúc 10 giờ sáng, khi đồng chí Nguyễn Như Hạnh ra khỏi cơ quan thì bị mật thám vây bắt. Để báo động cho cơ sở, đồng chí la lớn: “Giáo Hạnh bị bắt, giáo Hạnh bị bắt” Tại Sở mật thám Catinat, khám người đồng chí Nguyễn Như Hạnh, địch còn bắt được tờ Hiệu triệu quần chúng.

Vì sự này, nội thành Sài Gòn không nhận được lệnh khởi nghĩa, không nổ súng được như Gia Định, Chợ Lớn sát nách Sài Gòn và đồng loạt các tỉnh của Nam Kỳ. Do chưa hội đủ các điều kiện khách quan, chủ quan, do kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, khởi nghĩa Nam Kỳ đã thất bại. Nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng bị địch bắt.

Bắt được đồng chí Nguyễn Như Hạnh, địch tra tấn rất dã man nhưng chúng không khai thác được gì. Sau đó, chúng đưa đồng chí ra tòa án binh, kết án khổ sai chung thân và đày đi Côn Đảo. Tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí cùng các đồng chí của mình biến nhà tù thành trường học, tranh thủ học tập lý luận và kiến thức, kinh nghiệm của các đồng chí khác.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám1945, đồng chí Nguyễn Như Hạnh được cách mạng đón về đất liền về Nam Bộ. Từ năm 1945 đến 1947, đồng chí là Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Trà Ôn, phụ trách Chủ nhiệm Việt Minh, sau đó được cử vào Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn, Trưởng ban Dân vận tỉnh.

Nnăm 1947 đến 1948, đồng chí Nguyễn Như Hạnh được điều động sang Rạch Giá, được cử vào Thường vụ Tỉnh ủy, sau đó làm Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá, Trưởng ban Tuyên huấn, Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh.

Năm 1948 đến 1949, đồng chí Nguyễn Như Hạnh được Xứ ủy điều động về Khu ủy Khu 7 phụ trách Trưởng ban Tuyên huấn, Trưởng ban Dân vận, Trưởng ban Cán sự Liên Việt Khu, Tổng Thư ký Ủy ban Kháng chiến Hành chính Khu. Năm 1950 đến 1951, đồng chí được giao làm công tác Ban Mặt trận Xứ ủy, phụ trách Miên vận.

Năm 1951 đến 1954, đồng chí được điều động công tác tại tỉnh Sóc Trăng, phụ trách Trưởng ban Mặt trận, Trưởng ban Miên vận, Tôn giáo vận, Chủ tịch Liên Việt tỉnh, Trưởng ban Điền địa Tỉnh ủy.

Sau Hiệp định Genève, từ năm 1954 đến 1955, đồng chí là Ủy viên Đoàn kiểm tra Trung ương Cục miền Nam công tác ở vùng Cà Mau, Giá Rai, phụ trách Thị ủy Giá Rai.

Tháng 02 năm 1955, đồng chí Nguyễn Như Hạnh tập kết ra Bắc, công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương.

Năm 1955 đến 1956, đồng tham gia đi cải cách ruộng đất, được cử làm Đội trưởng, đề bạt làm Đoàn ủy viên Đoàn theo dõi và kiểm tra của Ủy ban cải cách Khu 3, được tặng thưởng Huy hiệu của Hồ Chủ tịch.

Năm 1956 đến 1957, đồng chí phụ trách công tác chính trị ở trường đại học, là Thường vụ Đảng ủy Đảng bộ các trường đại học. Sau đó đồng chí về lại Ban Tuyên giáo Trung ương, được cử đi làm Vụ trưởng Vụ Đào tạo công nhân kỹ thuật thuộc Bộ Lao động, rồi làm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa. Tháng 2 năm 1964, theo yêu cầu của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí được điều lại về Ban Tuyên giáo Trung ương. Đồng chí mất năm 1993.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối