Đất và người Long An

Đồng chí Nguyễn Văn Mùi (Nguyễn Minh Đường) - Người con ưu tú quê hương Cần Đước, Long An

20/09/2022 08:41:6AM
Màu chữ Cỡ chữ

   Năm 16 tuổi đồng chí Nguyễn Văn Mùi đã tham gia cách mạng, 18 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Đồng chí Nguyễn Văn Mùi giữ nhiều chức vụ quan trọng ở các tỉnh Nam bộ, trong đó có chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Tân An năm 1949.

Đồng chí Nguyễn Văn Mùi (Nguyễn Minh Đường) sinh ngày 30/6/1919 tại xã Phước Vân, Huyện Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn (nay là thuộc tỉnh Long An), trong gia đình lao động làm nghề thợ bạc, có truyền thống yêu nước và cách mạng. Thân sinh đồng chí là một trong những đảng viên Đảng Cộng sản đầu tiên của Chi bộ làng Phước Vân. Đồng chí là con thứ tư trong gia đình có chín anh chị em. Trừ bốn người mất sớm, những người còn lại đều tham gia cách mạng và là đảng viên cộng sản.

Xuất thân từ vùng quê có truyền thống đấu tranh hào hùng và gia đình cách mạng nổi tiếng nên đồng chí Nguyễn Văn Mùi tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương từ năm 1935. Từ năm 1936 đến năm 1937, đồng chí chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng ở báo Dân chúng (Le Peuple), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), báo Lao động (Le Travail), cơ quan của Tổng Công đoàn Đông Dương. Tháng 11/1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1940 đến năm 1941, đồng chí tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Cần Đước. Năm 1942, tham gia xây dựng cơ sở đảng bí mật ở địa phương. Tháng 8/1945, đồng chí lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Cần Đước. Từ tháng 8/1945 đến cuối năm 1946, đồng chí đảm đương nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Đước. Lúc này, đồng chí cùng với Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng chính quyển cách mạng, ổn định đời sống nhân dân, tích cực chuẩn bị lực lượng và tiến hành kháng chiến chống quân Pháp khi chúng tiến đánh huyện Cần Đước. Sau Hiệp định sơ bộ (ngày 06/3/1946), Xứ ủy tổ chức một Hội nghị củng cố Tỉnh ủy tại Biện Sinh (trên vùng kênh Lý Văn Mạnh), đồng chí Nguyễn Văn Mùi được phân công là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch tỉnh, phụ trách Đảng đoàn. Cuối năm 1946, đồng chí được điều lên tỉnh và giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Chợ Lớn. Tháng 01/1947, tại căn cứ Vườn Thơm, cùng với đồng chí Trần Trung Tam - Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí tham gia chủ trì Hội nghị Tỉnh ủy Chợ Lớn mở rộng. Hội nghị kiểm điểm tình hình qua hơn một năm kháng chiến; tổ chức quán triệt nhiệm vụ Xứ ủy Nam Bộ đề ra; đẩy mạnh hoạt động vũ trang, diệt ác, trừ gian, bám trụ, chống địch hành quân; củng cố cơ sở đảng, hội đoàn cứu quốc, mặt trận, nhân sự các cấp...

Tháng 4/1947, hệ thống cơ quan thông tin tuyên truyền xây dựng từ tỉnh đến huyện, đồng chí Nguyễn Văn Mùi phụ trách về chính trị của cơ quan. Đồng chí chỉ đạo Ty Thông tin mở lớp thông tin tuyên truyền 15 ngày với 20 học viên, nội dung gồm lý luận, nghiệp vụ thông tin văn nghệ. Nhờ đó, phong trào bảo chí, thông tin phát triển. Trong tỉnh lưu hành tờ báo Chống xâm lăng, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh Sài Gòn - Chợ Lớn. Bên cạnh đó còn có tờ thông tin tuyên truyền của cơ quan Việt Minh Thông tin của Chính phủ. Ở Trung Huyện có tờ Chiến thắng của Việt Minh Trung Huyện, cuối năm 1947 nâng lên thành tờ báo của tỉnh. Ở các huyện đều có hoạt động thông tin văn nghệ, nổi bật như đội văn nghệ Quốc vệ đội Cần Đước.

Đổi thay trên quê hương Cần Đước. Ảnh từ Internet

Tháng 5/1947, thực hiện Chỉ thị 4/NV của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Văn Mùi cùng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chợ Lớn chỉ đạo tổ chức cho hơn 6.000 viên chức, 5.000 thợ chuyên môn và giáo chức ở đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn (trong đó có nhân sĩ nổi tiếng như bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, bác sĩ Trần Nam Hưng, Đô trưởng Sài Gòn Phan Văn Chương, nhiều thợ chuyên môn bậc cao) ra chiến khu từ căn cứ Vườn Thơm.

Tháng 12/1949, Tỉnh ủy Tân An triệu tập Hội nghị mở rộng. Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Mùi, nguyên Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Chợ Lớn được chỉ định giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy thay cho đồng chí Nguyễn Văn Nguyên được cử đi học.

Tháng 5/1950, Xứ ủy Nam Bộ thành lập tỉnh Đồng Tháp, bao gồm toàn bộ huyện Mộc Hóa của tỉnh Tân An, phần phía bắc Lộ 16 của hai huyện Cai Lậy, Cái Bè thuộc tỉnh Mỹ Tho và một phần của huyện Cao Lãnh thuộc tỉnh Sa Đéc. Đồng chí Nguyễn Văn Mùi thôi giữ nhiệm vụ Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Tân An và được Xứ ủy chỉ định giữ chức Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh mới lập Đồng Tháp.

Ngày 07/6/1951, Xứ ủy Nam Bộ giải thể, theo đó, tỉnh Đồng Tháp được giải thể. Tỉnh Tân An cùng với các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công sáp nhập lại thành lập tỉnh mới gọi là tỉnh Mỹ Tho (mới), đồng chí Phạm Hữu Lầu làm Bí thư, đồng chí Ngô Ngọc Sáng làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh. Đến tháng 10/1951, đồng chí Nguyễn Văn Mùi giữ trách nhiệm Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh.

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Tỉnh ủy tháng 8/1954, các cơ quan dân, chính, đảng của tỉnh, huyện, xã, các đơn vị vũ trang bố trí lực lượng đi tập kết. Đồng chí Nguyễn Văn Mùi được Đảng phân công ở lại miền Nam tiếp tục hoạt động.

Từ tháng 8/1954, Liên Tỉnh ủy Khu VIII - Trung Nam Bộ được Trung ương Cục miền Nam chỉ định thành lập, gồm 3 đồng chí: Nguyễn Văn Mùi (Nguyễn Minh Đường), Nguyễn Văn Chim (Ba Chim) và Phan Thành Long (Tư Long). Các đồng chí đều là những người đã tham gia cách mạng trước năm 1945 và được thử thách qua nhiều nhiệm vụ lãnh đạo quan trọng trong kháng chiến chống Pháp. Các đồng chí Ba Chim và Tư Long kiêm nhiệm Bí thư các Tỉnh ủy Mỹ Tho và Long Xuyên. Đồng chí Nguyễn Văn Mùi (Sáu Đường), Xứ ủy viên kiêm Bí thư thường trực Liên Tỉnh ủy Khu VIII. Trong khoảng thời gian 20 năm làm Bí thư Khu ủy, đồng chí cùng với tập thể Ban Thường vụ Khu ủy đã bám sát chiến trường, đề ra chủ trương đúng đắn, sáng tạo, sát hợp với tình hình Khu VIII đưa phong trào cách mạng ở toàn Khu tiến lên mạnh mẽ.

Huyện Cần Đước hôm nay. Ảnh từ Internet

Tháng 5/1974, đồng chí Sáu Đường - Bí thư Khu ủy được rút về Miền làm Trưởng Ban Mặt trận Trung ương Cục miền Nam kiêm Phó Ban Chỉ đạo đồng bằng sông Cửu Long.

Từ năm 1976 đến năm 1983, đồng chí là Phó Ban Dân vận Mặt trận Trung ương Đảng và Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ban Cải tạo công thương nghiệp Trung ương.

Đồng chí mất ngày 30/3/2002, thọ 84 tuổi. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí được tặng thưởng: Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất và nhiều huân huy chương khác.

Trung Ngô

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối