Đất và người Long An

Đồng chí Dương Công Nữ-Bí thư Tỉnh uỷ Chợ Lớn

08/05/2023 02:58:2PM
Màu chữ Cỡ chữ

    Để tưởng nhớ công ơn của đồng chí, năm 2015, tỉnh Trà Vinh đã quyết định đặt tên đường mang tên Dương Công Nữ tại thành phố Trà Vinh.

Đồng chí Dương Công Nữ sinh 1915 tại làng Long Hậu, tổng Bình Trị Hạ, quận Ô Lác (nay là xã Long Hậu, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), đồng chí Dương Công Nữ được cha mẹ cho đến trường học sơ học ở Cầu Ngang, rồi tiểu học ở tỉnh Trà Vinh. Năm 1928, tốt nghiệp tiểu học, đồng chí Dương Công Nữ được gia đình gửi lên Collège de Mỹ Tho học năm thứ nhất ban Thành chung. Tại trường Collège de Mỹ Tho, cuộc biểu tình để tang cụ Phan Tây Hồ (Phan Châu Trinh) của học sinh toàn trường dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phạm Hùng đã khơi đậy ý chí đấu tranh của đồng chí Dương Công Nữ, đồng chí bắt đầu tham gia các phong trào hoạt động cách mạng trong trường. Các loại sách báo bí mật tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, tư tưởng đấu tranh của Lênin từ trường Mỹ Tho đã được đồng chí Dương Công Nữ mang về trở thành tài liệu sinh hoạt, học tập cho các đồng chí trong Chi bộ Long Hậu.

Hưởng ứng cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động, nhân dịp khai giảng năm học mới 1930 - 1931, Chi bộ học sinh trường Collège de Mỹ Tho vận động cuộc bãi khóa toàn trường. Nhiều học sinh bị bắt, một số bị đày ra Côn Đảo, Phú Quốc, bị giam trong nhà lao ở Mỹ Tho. Riêng đồng chí Dương Công Nữ do là học sinh năm thứ 2 ban Thành chung, còn ở tuổi vị thành niên nên chỉ bị giam gần hai tháng rồi bị đuổi học về quê.

Trở về quê hương, khi Chi bộ Long Hậu bị thực dân Pháp khủng bố trắng, người bị tù đày, người tạm thời lánh đi nơi khác, Dương Công Nữ nhanh chóng tìm cách bắt liên lạc với một số đảng viên còn lại và những quần chúng nòng cốt tiếp tục đấu tranh với kẻ thù. Đồng chí Dương Công Nữ tạo được niềm tin mạnh mẽ nơi quần chúng và đã trở thành một nhân vật cốt cán trong phong trào cách mạng vô sản ở Long Hậu, Câu Ngang.

Cuối năm 1933, đồng chí Trần Văn Giàu về Trà Vinh củng cố lại các tổ chức Đảng. Đồng chí Trần Văn Giàu đã về Long Hậu 3 ngày trực tiếp làm việc với Dương Công Nữ và các đảng viên khác. Tại đây, đồng chí Trần Văn Giàu đã chính thức kết nạp đồng chí Dương Công Nữ vào Đảng. Huyện Cầu Ngang được sắp xếp lại do đồng chí Dương Công Nữ làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo năng nổ, sáng tạo của Bí thư Dương Công Nữ, các chi bộ Long Hậu, Mỹ Hòa, Mỹ Thập, Hiệp Mỹ, Vĩnh Kim, Long Vĩnh... được củng cố; các tổ chức như nông dân, thanh niên, phụ nữ thu hút được đông đảo lực lượng hơn, hoạt động bài bản hơn.

Năm 1934, đồng chí Trương Văn Nhâm, Xứ ủy viên được cử về trực tiếp làm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Tỉnh ủy Trà Vinh được củng cố lại, đồng chí Dương Công Nữ được bầu là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang. Năm 1935, Tỉnh ủy điều đồng chí đi xây dựng phong trào các huyện Tiểu Cần, Trà Cú, Châu Thành.

Năm 1936, Ủy ban Hành động Trà Vinh được thành lập từ cấp tỉnh đến cơ sở. Do thực tế phong trào các hoạt động trọng tâm của Tỉnh ủy và Ủy ban Hành động tỉnh chỉ diễn ra ở tỉnh ly và địa bàn huyện Châu Thành, đồng chí Dương Công Nữ được điều động về làm Bí thư Huyện ủy Châu Thành, kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành động huyện, là thành viên Ủy ban Hành động tỉnh Trà Vinh. Thời gian này, đồng chí đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh quần chúng có tiếng vang tại Nguyệt Hóa và tỉnh ly.

Tháng 7 năm 1937, đồng chí Dương Công Nữ được chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, đồng thời phụ trách Thường trực Ủy ban Hành động tỉnh. Ở cương vị quan trọng này, bằng tài năng và phẩm chất cách mạng trong sáng, đồng chí đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Trà Vinh. Hệ thống tổ chức đảng được xây dựng củng cố đều khắp các huyện, từ tỉnh đến nông thôn, các phong trào quần chúng phát triển.

Năm 1939, khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, thực dân Pháp nhanh chóng phát xít hóa bộ máy và chính sách của chúng ở Đông Dương, tăng cường đàn áp, khủng bố Đảng Cộng sản. Trước tình hình trên, Đảng ta nhanh chóng chuyển sang hoạt động bí mật, đồng chí Dương Công Nữ được để bạt Xứ ủy viên và chuyển địa bàn hoạt động lên Sài Gòn - Chợ LớnGia Định để tránh sự truy nã ráo riết của địch.

Huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, quê hương đồng chí Dương Công Nữ

Sau Hội nghị Tân Hương (Mỹ Tho) tháng 7 năm 1940, đồng chí Dương Công Nữ được cử về làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Tại địa bàn Chợ Lớn, để chuẩn bị cho Khởi nghĩa Nam Kỳ, tháng 9-1940, đồng chí Dương Công Nữ trực tiếp truyền đạt Nghị quyết của Xứ ủy cho đồng chí Nguyễn Văn Trân (Bảy Trân) và cử đồng chí Bảy Trân làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa các địa phương Chợ Lớn, Nhà Bè và Gò Công, với nhiệm vụ cụ thể là tổ chức lực lượng cánh phía Nam gồm các quận Nhà Bè, Cần Giuộc, Cần Đước. Tỉnh ủy quyết định không lập Ban Khởi nghĩa tỉnh mà chỉ lập Ban Khởi nghĩa ở các quận, tổng. Đồng chí Dương Công Nữ và đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh trực tiếp tham gia Ban Khởi nghĩa của một số tổng giáp ranh với thành phố.

Sáng 22 tháng 11 năm 1940, đồng chí Dương Công Nữ thay mặt Tỉnh ủy triệu tập các đồng chí Trưởng Ban Khởi nghĩa các quận, cán bộ chủ chốt của tỉnh về tại chùa Cao Đài, làng Phú Lạc (tổng Tân Phong Hạ, Trung Huyện), có đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh tham dự, để truyền đạt lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy. Đồng chí Nữ nhác nhở các quận phải nghiêm túc thực hiện chủ trương đưa người lên thành phố tham gia khởi nghĩa, đồng thời hạ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền thắng lợi. Đồng chí Dương Công Nữ được phân công nắm các lực lượng lính khố nội ứng. Tuy nhiên, do bị lộ, địch chuyển toàn bộ các lực lượng lính khố xuống tàu trước thời hạn, đồng thời tung bọn mật thám, lính kín truy bắt các đảng viên cộng sản.

Tháng 5 năm 1941, dưới sự chỉ điểm của mật thám, thực dân Pháp bắt đồng chí Dương Công Nữ. Chúng dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man, điên cuồng nhưng chúng đã bất lực trước ý chí sắt đá của đồng chí. Cuối cùng chúng đưa đồng chí ra Côn Đảo với bản án chung thân.

Ở Côn Đảo, đồng chí Dương Công Nữ gặp nhiều đồng chí từng gắn bó trong quá trình chiến đấu như Phạm Hùng, Phạm Thái Bường, Phan Trọng Tuệ... Đồng chí Dương Công Nữ được đề cử vào Đảng ủy nhà tù, lãnh đạo anh em tù chính trị ốn định cuộc sống, đấu tranh chống nhục hình, khủng bố và tố chức nhiều chuyến bè vượt ngục.

Ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, Tỉnh ủy Trà Vinh đã cử đồng chí Trần Long Chu trở về Mỹ Long, mang đoàn ghe ra Côn Đảo đón các đồng chí trong đó có đồng chí Dương Công Nữ, Phạm Thái Bường. Nhưng do sắp xếp của Đảng ủy nhà tù, hai đồng chí Dương Công Nữ và Phạm Thái Bường được đón trên tàu Phú Quốc, do Xứ ủy trực tiếp cử ra. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, đoàn tàu Phú Quốc về đến Đại Ngãi, hôm sau đoàn về đến thị xã Sóc Trăng. Các đồng chí được Xứ ủy phân công trở về cùng Đảng bộ và nhân dân địa phương gấp rút chuẩn bị mọi mặt để đối phó với tình hình mới.

Trở về Trà Vinh, đồng chí Dương Công Nữ làm Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Trà Vinh. Với cương vị Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh, đồng chí thường xuyên có mặt chỉ đạo công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị cộng hòa vệ binh, dân quân, lực lượng thanh niên Tiền phong; đồng chí trực tiếp chỉ đạo việc bố trí phòng tuyến chiến đấu phía Vũng Liêm, chỉ đạo dân quân đắp mặt cản trên vàm sông Long Bình để phòng địch tiến công bằng đường thủy... Nhờ có sự chuẩn bị chủ động và bài bản, các chiến sĩ của ta đã ngăn cần thành công gần 2 ngày bước tiến công của địch trên mặt trận Vàm Trà Vinh vào ngày 02 tháng 12 năm 1945, tạo ra quỹ thời gian quý báu để các cơ quan đầu não của tỉnh và nhân dân kịp thời rời khỏi thị xã, bảo toàn lực lượng; ngoài ra, Ủy ban Kháng chiến còn tổ chức các mặt trận chiến đấu làm chậm bước tiến của địch về nông thôn như trận Bàng Đa, Chùa Hang, Cầu Cống, Ranh Hạt... Cuối năm 1945, để bảo toàn lực lượng, Tỉnh ủy Trà Vinh chủ trương tạm rút về Chắc Băng, Khu IX. Cuộc rút lui được chia làm hai cánh, cánh đường thủy do đồng chí Phạm Thái Bường chỉ huy, cánh đường bộ đo đồng chí Dương Công Nữ chỉ huy.

Đầu năm 1946, chấp hành chỉ thị của Xứ ủy Nam Bộ, các cơ quan lãnh đạo và lực lượng vũ trang kháng chiến tỉnh Trà Vinh rời U Minh trở về địa phương, xây dựng căn cứ. Đồng chí Dương Công Nữ về xây dựng cơ sở trên địa bàn huyện Châu Thành và Càng Long. Nhưng không lâu sau, đầu tháng 3 năm 1946, đồng chí bị địch bắt tại Càng Long. Chúng dụ dỗ, mua chuộc đồng chí. Biết mình không thể thoát được bọn kẻ thù, đổng chí Dương Công Nữ đã yêu cầu sẽ có những tuyên bố theo ý của tên Chánh Tham biện Garric nếu hắn tổ chức một buổi họp mặt các quan chức, nhân sĩ, trí thức thị xã Trà Vinh. Buổi gặp mặt được tên Garric đồng ý với ý nghĩ đồng chí Dương Công Nữ sẽ tuyên bố từ bỏ cách mạng theo chúng, nhưng bất ngờ, tại buổi gặp mặt, đồng chí dõng dạc tố cáo tội ác thực dân xâm lược, khẳng định tính tất thắng của cách mạng, sau đó đồng chí đòi được dạo một vòng trên các con phố của thị xã thân yêu. Trên xe, đồng chí điềm tĩnh vẫy tay từ biệt quần chúng và kêu gọi mọi người tin vào cách mạng, vào kháng chiến. Tên Garric đã bí mật đưa đồng chí Dương Công Nữ ra bắn ở cầu tàu Vàm Trà Vinh, rồi hất xác xuống sông Cổ Chiên vào sáng ngày 09 tháng 3 năm 1946. Trước lúc hy sinh, đồng chí Dương Công Nữ giật phăng khăn bịt mặt dõng dạc hô vang:

Hồ Chủ tịch muôn năm!

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!

Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm! Cảm phục trước cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi và sự hy sinh oanh liệt của nhà cách mạng Dương Công Nữ, nhân dân Long Trị mấy ngày đêm ngược xuôi dòng Cổ Chiên tìm xác đồng chí, nhưng lúc này thực dân Pháp khủng bố ác liệt quá, ngày nào cũng có năm, bảy xác người trôi sông, cuối cùng họ đã vớt tất cả những người trôi sông mang đi chôn với ý nguyện đáp lại sự hy sinh cao cả của người chiến sĩ cách mạng quên thân vì nước,

Để tưởng nhớ công ơn của đồng chí, năm 2015, tỉnh Trà Vinh đã quyết định đặt tên đường mang tên Dương Công Nữ tại thành phố Trà Vinh.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối