Vùng Đồng Tháp Mười trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Qua lời kể của các bô lão tại địa phương vùng Đồng Tháp Mười, từ những ngày đầu ông cha đi mở đất cho đến thế kỷ XVII, Đồng Tháp Mười vẫn còn là một vùng đầm lầy, rừng rậm hoang vu thưa thớt bóng người. Nhưng từ đầu thế kỷ XVII trở đi toàn cảnh vùng này bắt đầu có những biến đổi lớn.
Nhiều nông dân nghèo ở miền Trung đã rời bỏ quê hương, lưu tán đến vùng Đồng Nai – Gia Định với hy vọng tạo dựng một cuộc sống mới, ở một vùng đất mới nghe nói là dễ sống và ở đó chế độ phong kiến hà khắc chưa với tới. Đến nữa thế kỷ XVII, lưu dân đến Tân An từng bước phát triển việc khai phá lên phía Tây Bắc ( bao gồm phần đất phía Bắc Quốc lộ 1 đến Đồng Tháp Mười). Đến giữa thế kỷ XVIII, dân số vùng này đã khá đông lên tới vạn người và ruộng nương khai phá cũng được mở rộng, tuy vậy đến cuối thế kỷ XVIII, vùng thượng lưu sông Vàm Cỏ Đông "ruộng mới khai khẩn, còn nhiều vùng rừng rú", vùng thượng lưu sông Vàm Cỏ Tây thì đường nước quanh co, cỏ cây rậm rạp, đất đai bùn lầy đến lúc mưa lụt nước đầy tràn ngập…. trên đất liền đi thuyền cũng được. Mặc dù còn nhiều khó khăn và hạn chế, thành quả lao động của những lớp người khai phá và xây dựng trong hai thế kỷ XVII – XVIII là to lớn và đáng khâm phục. Họ đã biến vùng đất hoang vu , sình lầy, đầy rừng rậm, cỏ lác… thành một khu vực dân cư trù phú phát triển nhiều mặt như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao lưu hàng hóa, làm cầu nối giữa đồng bằng sông Cửu Long tỏa đi khắp nơi. Trong quá trình chinh phục thiên nhiên để tạo dựng cuộc sống, những đức tính truyền thống vốn có như: cần cù, chịu khó, kiên cường, bất khuất… của những lớp người này đã càng ngày càng được bồi đắp thêm, đồng thời làm nảy nở những đức tính tốt đẹp trong quan hệ của những người cùng cảnh ngộ nghèo khó, phiêu bạt, lao động cực nhọc để kiếm sống như chuộng tình nghĩa ,sống thủy chung sẵn sàng chia bùi sẻ ngọt trọng nghĩa, khinh tài…. Thiên nhiên của vùng đất bao la vừa hào phóng vừa khắc nghiệt với lúa trời, bông súng, tôm, cá, cùng những sinh vật hoang dã… đã góp phần tạo cho họ một nếp sống hào hiệp phóng khoáng ưa thích tự do….
Nhưng ở thời bây giờ, những người dân phiêu tán ấy dù lên rừng, xuống biển hay dấn mình vào những vùng hoang vu sình lầy để kiếm sống, trước sau họ cũng không thoát khỏi bàn tay của chế độ phong kiến thống trị sớm muộn sẽ vươn tới. Vào những năm cuối thế kỷ XVII (1698), với việc Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu vào kinh dinh đất Đồng Nai, chính quyền phong kiến họ Nguyễn đã bắt đầu "chuẩn bị thuế Dinh điền và lập bộ tịch thực dinh điền" nhằm thu thuế, tô, vơ vét sản phẩm lao động của người lưu dân khai phá.
Chính quyền phong Kiến còn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho một số địa chủ giàu có ở Miền Trung, tận dụng mọi tiềm lực vốn có của họ như: tiền bạc, phương tiện, tôi tớ…. đẩy mạnh việc khai khẩn đất đai, dùng mọi thủ đoạn biện pháp… chiếm đoạt dần từng mảnh ruộng đất của những nông dân, lưu tán gặp khó khăn. Những nông dân bị mất ruộng buộc phải trở thành tá điền hoặc thành người chuyên cày thuê cuốc mướn… mất ruộng họ mất luôn cả quyền tự do ít nhiều đã có trước đây. Cuộc sống của họ vốn đã vất vả nay lại càng khổ cực hơn.
Khi thực dân Pháp chiếm được Nam Bộ, nhân dân ta lại lâm vào cảnh "một cổ - hai tròng", cuộc sống những người nông dân Đồng Tháp Mười lại thêm phần điêu đứng . Bọn điền chủ Pháp, điền chủ Việt Nam không chỉ chiếm ruộng đất, mà còn tìm cách chiếm luôn cả địa bàn và các khu rừng, thậm chí cả luôn đến chim trời, cá nước, con rùa, con rắn, con ong đều là những gia sản riêng của bọn chúng, bị bóc lột bị tước đoạt mọi thứ, cuộc sống của những người nông dân vùng đồng lầy nước nổi này bị đẩy đến cùng cực. Không sắm nỗi cái mùng họ phải ngủ nóp ngủ đất. Không mua nỗi thước vải họ phải mặc quần bàng áo bố. Sống trên vựa lúa, vựa cá mà họ phải đi đốn củi đốt than, bắt từng con chim con rắn… đem đổi gạo từ phía Cao Lãnh, Mỹ Tho, Tân An về để sống.
Có áp bức bóc lột thì có đấu tranh, giống như những thân cây tràm mọc thẳng giữa Tháp Mười lộng gió quanh năm, người dân ở đây cương trực coi khinh cường quyền, bất chấp bạo lực, đương nhiên không chịu cuối đầu khuất phục bất công và họ đã đứng lên đấu tranh.
Ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp tiến đánh Niền Nam Việt Nam, trong những năm 1862-1963-1864, nghĩa quân Trương Định đã kịp thời đánh địch ở Tân An, Gò Công. Đầu năm 1864, khi Trương Định mất, một số đơn vị nghĩa quân có Thiên Hộ Dương (còn gọi là Võ Duy Dương), Đốc Binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều) lãnh đạo, rút về Đồng Tháp Mười lập chiến khu kháng Pháp. Nhiều nông dân ở đây đã hết mình hưởng ứng các phong trào trên. Những địa danh Đồn Tả (đường từ Gò Bắc Chiêng đi lại), Đồn Hữu (đường từ Cần Lố sang), Đồn Tiền (đường từ Cái Nứa đi lên)… đó chính là những cứ điểm phòng thủ.
Tổng hành dinh Gò Tháp. Riêng con đường từ Gò Bắc Chiêng nối với sông Vàm Cỏ Tây cũng là một cửa ngỏ giao thông có tầm cỡ chiến lược của nghĩa quân. Nối liền trung tâm căn cứ kháng chiến với phần Đông Bắc Đồng Tháp Mười bao la một vùng hậu cần quan trọng của cuộc kháng chiến, đồng thời nó còn là đầu nối liên lạc với Tây Ninh và nhiều nơi khác ở Miền Đông Nam Bộ. Nơi đỉnh Gò Bắc Chiêng khi xưa Võ Duy Dương đã xây dựng đồn Tuyên Oai thuộc loại vững mạnh, có chừng 120 nghĩa quân đống giữ được trang bị 15 súng bắn đá (năm 1945 khi đào khẩn hoang vùng này, một số người dân tại đây đã phát hiện một số khẩu súng loại này).
Cũng như các phong trào kháng Pháp của nhân dân ta thời bấy giờ, cuộc kháng chiến của người dân Đồng Tháp Mười, trong đó có Mộc Hóa cuối cùng đã thất bại. Tuy phong trào kháng chiến lần lượt bị dập tắt nhưng ý chí đấu tranh bất khuất của người dân thì không hề bị mai một. Năm 1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời lãnh đạo cách mạng, nhân dân Mộc Hóa lại đứng lên theo Đảng bước vào cuộc chiến đấu mới, một cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do hết sức gay go quyết liệt, đầy hy sinh gian khổ… để có được những ngày tháng hạnh phúc cuối năm 1945. Cách Mạng Tháng Tám thành công cùng với đồng bào cả nước, nhân dân Mộc Hóa thật sự được đổi đời, vui sống trong không khí tưng bừng của những ngày đầu nước nhà được độc lập tự do. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì thực dân Pháp đã đem quân trở lại xâm lược nước ta,bắt đầu đánh chiếm Nam Bộ, huyện ủy Mộc Hóa được thành lập đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Tân An – Chợ Lớn, đã lãnh đạo nhân dân địa phương vào cuộc kháng chiến trường kỳ lâu dài gian khổ nhưng cũng rất anh dũng hào hùng.
Khi thực dân Pháp mở rộng đánh chiếm Nam Bộ thì riêng Mộc Hóa trừ một số nơi bị địch chiếm, còn lại hầu hết vẫn là đất thuộc vùng tự do. Mộc Hóa một mặt ra sức xây dựng bảo vệ vùng giải phóng, đóng vai trò hậu phương căn cứ, mặt khác phát triển chiến tranh nhân dân. Nhân dân Mộc Hóa cùng bộ đội chủ lực tiến công địch ở vùng tạm chiếm, đồng thời sẵn sàng đánh trả địch tiến công càn quét ra vùng tự do, bảo vệ hậu phương của ta. Qua quá trình kháng chiến vùng đất Đồng Tháp Mười nói chung và Mộc Hóa nói riêng có thể được xem như là đường hành lang chiến lược nối liền miền Đông với miền Tây (từ Tây Ninh xuống Long An – Mộc Hóa – Kiến Phong – An Giang… xuống miền Tây. Sang phía Đông, từ Đồng Tháp Mười có thể đi về các tỉnh Mỹ Tho – Gò Công – Bến Tre – Trà Vinh). Đi qua Campuchia thì từ Mộc Hóa theo đường Kompom-rau và Prasaut nối liền với lộ số 1 chỉ dài 25km. Do có vị trí chiến lược hết sức quan trọng như vậy, nên ngay từ thời kỳ đầu kháng chiến, Đồng Tháp Mười được chọn làm căn cứ Xứ ủy Nam Kỳ của khu 8, của Sài Gòn Gia Định…. cùng với Xứ ủy, còn có các cơ quan dân, chính, Đảng, các công binh Xưởng của Khu và Tỉnh, trường học, trường huấn luyện cán bộ. Đây cũng là nơi ra đời của các đơn vị chủ lực đầu tiên của Nam Bộ như Tiểu đoàn 307; Tiểu đoàn 404; Chi đội 14 (sau đổi thành Trung đoàn 120; Trung đoàn Đồng Tháp…). Ở vùng đất này những cơ quan bí mật của Đảng, chính quyền, lực lượng du kích , vũ trang vẫn tồn tại trong sự chở che, đùm bọc của nhân dân. Chính sự có mặt của các cơ quan đầu não kháng chiến với đông đảo cán bộ, bộ đội…. cùng ăn ở sống với dân, đã góp phần thay đổi đời sống vật chất và tinh thần của xã hội vùng đất hẻo lánh này. Một quan hệ xã hội mới, một nếp sống văn hóa mới trong vùng do chính quyền cách mạng quản lý được hình thành. Nói sao hết sự vui mừng của những người nông dân Mộc Hóa nói riêng và nông dân vùng Đồng Tháp Mười nói chung, khi họ thật sự làm chủ ruộng đất. Nhà nhà, mọi người đều hăng hái sản xuất và xây dựng cuộc sống mới. Những việc đổi đời ở Mộc Hóa thực sự đã trở thành gương sáng cho nhiều nơi trong vùng Đồng Tháp Mười và có tiếng vang xa.
Để xây dựng và bảo vệ căn cứ kháng chiến Đồng Tháp Mười, nhân dân Mộc Hóa bằng công sức và xương máu đã có những đóng góp lớn lao… Các loại cây gỗ quí, những chiếc xuồng ghe lớn …. Bà con cũng không tiếc mà đem đến, cùng với hàng ngàn hàng vạn ngày công đổ ra để xây bè đắp cảng ở các con kênh lớn như: cảng kênh Dương Văn Dương, cảng Kênh 12, cảng Cả Tôm ngăn sông Vàm Cỏ Tây… Nhằm chặn không cho tàu chiến địch nhảy vào căn cứ. Những nơi được xác định, địch có thể tiến qua được thì bà con đào kênh, đào mương, để làm cho chúng cơ động khó khăn. Nhờ có công sức của người dân, các xã, ấp chiến đấu được xây dựng ở nhiều nơi. Hàng ngàn hầm tránh bom Pháp được đào khắp xóm làng, trong nhà, ngoài vườn, trường học, chợ búa cạnh đường đi…. chẳng những đủ cho nhân dân ẩn nấp mà còn đủ cho bộ đội hoặc những người qua lại có chỗ phòng tránh an toàn an toàn. Bà con còn trồng cây gây rừng tại địa hình thuận tiện cho cơ quan và bộ đội ăn, ở, làm việc và chiến đấu. Mặc dù đời sống còn eo hẹp, bà con nơi đây còn vận động nhau góp tiền, góp gạo để nuôi cán bộ, bộ đội, du kích hết năm này đến năm khác. Đi đôi với phục vụ chiến đấu, người dân Mộc Hóa còn tham gia đánh địch với nhiều hình thức như đánh mìn, lựu đạn, chông, đạp lôi…. Kể sao cho hết tình nghĩa đậm đà của quân dân Đồng Tháp Mười thời kỳ ấy.
Để phối hợp với bộ đội chủ lực phòng thủ căn cứ, các xã trong huyện Mộc Hóa đều có đội du kích vững mạnh. Riêng huyện đã thiết lập được một hệ thống canh gác, báo động liên hoan, chặc chẽ và liên tục trên dọc sông Vàm Cỏ Tây, bảo đảm khi tàu địch vừa rời bến ngay Tân An thì sau đó không lâu tin tức này đã được truyền về đến Mộc Hóa để bộ đội và nhân dân chuẩn bị đối phó. Nhờ vậy mà nhiều lần giặc tràn vào căn cứ ta luôn ở vào thế chủ động sẵn sàng đánh trả lại chúng, bảo vệ được chiến khu và bảo vệ được tính mạng tài sản của nhân dân.
Thực dân Pháp vô cùng lo ngại trước tầm quan trọng và sức lớn mạnh không ngừng của chiến khu Đồng Tháp Mười, chúng liên tục tổ chức nhiều cuộc càn quét qui mô vào đây mong tìm diệt những cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Điển hình như cuộc hành quân Vêga, tiến hành từ ngày 14/2 - 18/2/1948 do tên Đại tá Đờ Sê-ri-nhê chỉ huy một lực lượng là 11 tiểu đoàn bộ binh và dù có pháo – thiết giáp- thủy quân- không quân phối hợp chi viện. Sau bốn ngày bao vây, tiến công, lùng sục…. cuộc hành quân qui mô lớn nhất của Pháp ở Nam Bộ, kể từ khi bắt đầu chiến tranh đã thất bại. Cũng như cuộc hành quân Vêga, nhiều cuộc tiến công càn quét lớn nhỏ khác nhaucủa địch dánh vào ĐồngTháp Mười diễn ra những năm sau đó, tuy có gây cho ta một số tổn thất, nhưng nói chung đều không đạt được ý đồ là tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và đánh qụi chủ lực ta. Có thể khẳng định rằng : Sự đứng vững và phát triển của chiến khu Đồng Tháp Mười là một trong những kỳ tích của kháng chiến Nam Bộ, mà trước hết là của quân dân Đồng Tháp Mười, trong đó có sự đóng góp rất lớn lao về sức người sức của….. của quân dân Mộc Hóa.
Trên chiến trường Đồng Tháp Mười chín năm kháng chiến chống Pháp (1945- 1954) đã diễn ra nhiều trận đánh lớn nhỏ khác nhau, ghi dấu chiến công của quân đội ta, mãi mãi đi vào lịch sử chống ngoại xâm của Nam Bộ và cả nước: Năm 1946, một đại đội của Trường Quân Chính Khu 8 đánh địch ở ngã tư Kênh 12 diệt một trung đội, thu được cả trung liên (FM). Năm 1948 Trung đoàn 120 phối hợp Tiểu đoàn 307 cùng bộ đội địa phương Mộc Hóa và du kích xã Bình Hiệp bằng cách đánh "công đồn đả viện" đã diệt Đồn Mộc Hóa và đánh thiệt hại nặng hơn 1 Tiểu đoàn địch đến cứu viện. Chiến công lừng lẫy này đã được các chiến sĩ, nghệ sĩ điện ảnh quay thành cuốn phim chiếu đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng. Năm 1951 Đồn Mộc Hóa lần thứ hai bị Tiểu đoàn 309 tấn công tiêu diệt, từ đó địch không dám đem quân về đây chốt đóng nữa… những chiến thắng hào hùng ấy mãi là niềm tự hào chung của quân đội ta: Một quân đội được tôi luyện và trưởng thành trong kháng chiến . Đặc biệt đến ngày nay người dân Đồng Tháp Mười vẫn còn kể cho nhau nghe về "Trận Mộc Hóa năm 1948" thắng lợi vang dội thời kháng chiến chống Pháp xâm lược. Một trận thắng gắn liền với tên tuổi những anh bộ đội Cụ Hồ thuộc Tiểu đoàn 307 và mrung đoàn 120, Một trận thắng đã đi vào lịch sử và đi vào thơ ca, nhạc họa… giống như hàng trăm câu chuyện truyền thuyết nói về vùng đất nơi đây./.
P.TTTT & LLCT (tổng hợp)
----------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Địa chí Long An: NXB Long An – NXBKHXH 1989, Thạch Phương, Lê Quang Tuyến, chủ biên.
2. Địa phương chí Tỉnh Kiến Tường – Tài liệu lưu trữ của tỉnh Kiến Tường cũ – XB 1963.
3. Gia Định thành thông chí- NXB Sài Gòn 1972 – quyển I – II – III (bản dịch tiếng Việt) Trịnh Hoài Đức.
4. Giai thoại về Đồng Tháp Mười – NXB Đồng Tháp 1988- Nguyễn Hữu Hiếu sưu tầm và chỉnh biên.
5. Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười – NXB Long An 1989 Nguyễn Hiến Lê.
6. Kiến Tường lịch sử kháng chiến cách mạng cứu nước, NXB Quân đội nhân dân, năm 1933,trang 22,.
7. quần bàng: quần đang bằng cộng bàng, áo bố : bằng bao bố bằng sợi đai.
8. Võ Duy Dương với cuộc kháng chiến Đồng Tháp Mười, NXB Tổng hợp Đồng Tháp năm 1992, trang 170, Nguyễn Hữu Hiếu chủ biên.
Các tin khác
- Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
- 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
- Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
- Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
- Võ Duy Vương (24/08/2023)
- Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
- Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
- Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
- Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
- Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
- Kế hoạch tổ chức Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024
- Kế hoạch tổ chức Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Ba, năm 2023
- GIẢI BÁO CHÍ TOÀN QUỐC “BÁO CHÍ VỚI CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ” LẦN THỨ TƯ NHẬN TÁC PHẨM THAM DỰ ĐẾN NGÀY 31/8/2023
- Thông báo về việc nghỉ Tết và treo cờ Tổ quốc nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023
- Thông báo về việc nghỉ Tết và treo cờ Tổ quốc nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023
- Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2022 diễn ra từ tháng 10/2022 đến tháng 12/2022
- Thông báo về việc nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc nhân kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022)
- Thông báo việc nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc Tết Dương lịch năm 2022
- Thông báo nghỉ Tết Dương lịch năm 2022 và treo cờ Tổ quốc
- Thông báo thể lệ cuộc tuyển chọn ảnh đẹp du lịch tỉnh năm 2021