Sinh hoạt tư tưởng

Đảng là đạo đức, là văn minh

26/07/2021 03:00:0PM
Màu chữ Cỡ chữ

Tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, khẳng định sự vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm giáo dục, bồi dưỡng, khích lệ tinh thần quyết tâm phấn đấu của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đồng thời, đập tan mọi quan điểm sai trái, xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị đối với Đảng và Nhà nước ta, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Sự kiện lịch sử trọng đại Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930 là cuộc gặp gỡ tất yếu giữa chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam được hun đúc và sục sôi suốt mấy chục năm đầy gan góc, đầy hy sinh oanh liệt của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước, thương nòi. Sự kiện lịch sử trọng đại này gắn liền với sự nỗ lực không mệt mỏi và sự chỉ đạo sáng suốt của Bác Hồ.

      Vừa mới ra đời, Đảng ta trở thành người lãnh đạo, người tổ chức của cách mạng Việt Nam. Suốt hơn 91 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng, dân tộc ta và nhân dân ta vượt qua muôn vàn thử thách gian lao, biến động của lịch sử, đấu tranh gian khổ lâu dài, đẩy lùi nghèo nàn lạc hậu, đổi bằng xương máu giành độc lập tự do, làm nên những kỳ tích anh hùng, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, viết tiếp những trang sử vàng của dân tộc.

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, luôn trung thành với mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, đại diện trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế của thời đại và thực tiễn của đất nước, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Đảng và dân kết thành một khối vững chắc. Dân tin Đảng, nguyện đi theo Đảng, coi sự tồn tại và phát triển của Đảng là lẽ sống của chính mình.

Chính tấm gương đạo đức của những lãnh tụ hàng đầu như V.I.Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với toàn thể loài người. Do ngưỡng mộ những nhân cách vĩ đại như vậy, đã có biết bao lớp người trẻ tuổi tình nguyện đứng vào hàng ngũ đảng cộng sản, hiến dâng đời mình cho cuộc đấu tranh vì tự do, độc lập, vì hạnh phúc của nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội. Theo gương của Bác Hồ vĩ đại, đã có biết bao cán bộ, đảng viên và chiến sĩ ta sẵn sàng chấp nhận những thiệt thòi về vật chất để theo đuổi những giá trị tinh thần như liêm khiết, thanh cao, công bằng, chính trực... Chính những tấm gương cộng sản mẫu mực ấy, Người đã tự hào khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, bởi Đảng đã trọn vẹn tấm lòng thủy chung vì dân tộc, vì Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân mà hành động nhất quán trong suốt những chặng đường cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng, Đảng ta thật là vĩ đại”(1). Những ngôn từ giản dị mà bộc lộ tư chất vĩ đại của Bác, để mỗi đảng viên đều nhận thức và thấm nhuần bản chất đó nhằm rèn luyện và giữ gìn phẩm chất của chính mình, xây dựng nên một Đảng ta là đạo đức, là văn minh - một luận điểm hết sức sâu sắc, kết tinh những giá trị đặc sắc của Người vừa phản ánh mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vừa thể hiện những phẩm chất cao đẹp của một Đảng đầy bản lĩnh, trí tuệ, danh dự và lương tâm.

Đảng là đạo đức, là văn minh, bởi nền tảng tinh thần của Đảng là đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Đảng biết vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, biết đặt mình trong sinh mệnh của nhân dân, gắn bó với lợi ích quốc gia, hết lòng vì dân, vì nước. Đó là một Đảng biết nêu cao trách nhiệm, từ nghĩ suy, lo toan đến hành động chỉ một mực lo cho dân, “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên, Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân”(2).

“Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta”(3). Đảng ở nhân dân mà ra, vì nhân dân mà hy sinh phấn đấu, “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”(4). Đây cũng chính là đạo đức và văn minh của Đảng. Do vậy, lý tưởng cách mạng của đảng viên là phải suốt đời hy sinh phấn đấu cho lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Người nhấn mạnh “phải giữ chủ nghĩa cho vững” và “ít lòng ham muốn về vật chất”(5); không được xa dân, rời dân, tự biến mình thành “quan chủ”, mà “lên mặt quan cách mạng”. Nếu xa dân là khởi đầu của sự suy yếu, dễ đánh mất lòng dân. Phải tẩy sạch nạn tham nhũng, lãng phí và bệnh quan liêu, nếu không nó sẽ làm hại đến công việc của ta, nhất là “mỗi người phải nhận rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước với dân”(6) … và tự làm hoen ố thanh danh của Đảng. Cho nên, Đảng phải “dĩ công vi thượng”, không che giấu khuyết điểm sai lầm, là việc pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề gì. Bác Hồ đã chỉ rõ: “Nói tóm tắt thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”(7), mọi đảng viên phải suốt đời hy sinh phấn đấu cho lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Đó chính là sự vĩ đại của Đảng ta - như nhà thơ Tố Hữu viết trong bài “Ba mươi năm đời ta có Đảng”: Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt/ Đảng ta đây xương sắt da đồng/ Đảng ta muôn vạn công nông/ Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin.

Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta vượt qua nhiều thách thức, khó khăn và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi căn bản diện mạo đất nước và con người Việt Nam, tạo ra thế mới, lực mới của dân tộc là không thể phủ nhận, nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh - đây cũng chính là tâm nguyện cuối cùng của Bác Hồ viết trong Di chúc thiêng liêng hơn 50 năm qua “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(8).

Tuy nhiên, truyền thống đó hiện nay đang bị thách thức nghiêm trọng. Những vấn đề đạo đức xã hội thường nổi cộm lên ở những lúc cách mạng chuyển giai đoạn: từ chiến tranh sang hòa bình, từ nông thôn vào thành thị, từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường... Những thay đổi trong đời sống kinh tế - xã hội tác động vào nhận thức, tư tưởng của con người, gây nên những biến động nhất định về quan điểm giá trị, trong đó có giá trị về đạo đức. Nghiêm trọng hơn là thực trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nếu không đủ sức phòng tránh và quyết tâm đẩy lùi tình trạng suy thoái nêu trên, hiểm họa và hậu quả sẽ khôn lường.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật và đánh giá đúng sự thật, Ðảng luôn nêu cao quyết tâm xây dựng Ðảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu để Ðảng ta luôn trong sạch, vững mạnh, mãi xứng đáng với vai trò là Ðảng cầm quyền, là đạo đức, là văn minh.

Song, dù giá trị đạo đức của xã hội có biến động như thế nào thì lý tưởng chính trị và lý tưởng đạo đức của người đảng viên cộng sản vẫn không hề thay đổi. Đó là kết hợp thống nhất việc nước việc nhà, ích nước lợi nhà, làm giàu cho Tổ quốc, làm giàu cho xã hội và làm giàu cho bản thân. Đó là cái ham muốn tột bực của Bác Hồ: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Nếu tất cả mọi đảng viên đều tâm niệm một niềm ham muốn tột bực như Người, chắc chắn không ai có thể “Diễn biến hòa bình” được chúng ta.

Thách thức và thời cơ đan xen, đòi hỏi Đảng ta phải “là đạo đức, là văn minh” theo quan điểm Hồ Chí Minh mới hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình. Chèo lái con thuyền kinh tế đất nước ra biển lớn hội nhập vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, phải là những cán bộ, đảng viên có đủ đức, đủ tài, mà trước tiên phải có đạo đức cách mạng trong sáng, nói đi đôi với làm, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; gắn bó máu thịt với quần chúng nhân dân là một trong những nguyên tắc sống còn - cội nguồn tạo nên sức mạnh của Đảng. Do vậy, bất luận trong hoàn cảnh điều kiện nào, Đảng phải luôn ở trong dân, không đứng trên dân, “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(9); “Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Ðảng và Chính phủ có lỗi”(10).

Đây là phương sách tốt nhất để tạo sự đồng thuận giữa Đảng với nhân dân, để hai tiếng “Đảng ta” với niềm tự hào, lòng biết ơn, kính trọng của nhân dân mãi mãi trường tồn với dân tộc Việt Nam.  

Ths Nguyễn Thanh Hoàng

Các tin khác

  • Bài học về phát huy sức mạnh “lòng dân” trong cách mạng tháng 8/1945 (09/08/2023)
  • Ngăn “bệnh xa dân” (18/07/2023)
  • Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ Đảng (03/02/2023)
  • Niềm tin không thể xói mòn (13/11/2022)
  • “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng” (01/02/2022)
  • Ứng xử văn hóa trong môi trường mạng xã hội (12/12/2021)
  • Âm nhạc góp sức xây dựng “vùng xanh” tinh thần chiến thắng dịch bệnh (24/09/2021)
  • Vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống dịch covid-19 hiện nay (23/09/2021)
  • Cảnh giác với chiêu trò bôi nhọ, xuyên tạc thành quả cách mạng tháng Tám (01/09/2021)
  • Dựa vào dân, bài học quý trong công tác phòng chống dịch Covid-19 (30/08/2021)
  • Trang đầu 1234 Trang cuối