Sinh hoạt tư tưởng

Bài học về phát huy sức mạnh “lòng dân” trong cách mạng tháng 8/1945

09/08/2023 02:22:28PM
Màu chữ Cỡ chữ

Cách mạng tháng 8/1945 thành công là một thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đây là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Qua đó, cho chúng ta bài học quý giá về phát huy sức mạnh “lòng dân” trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

Từ khi được thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng luôn đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Các hoạt động của Đảng luôn trong điều kiện bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai đàn áp, khủng bố ác liệt. Nhiều lần, nhiều tổ chức Đảng bị phá vỡ, nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng bị bắt và bị giết hại. Trong 15 năm đầu thành lập Đảng, có tới 4 Tổng Bí thư của Đảng bị bắt và sát hại (các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ). Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bị một  án tử hình vắng mặt do Tòa án Nam triều tuyên cuối năm 1929 tại Vinh, Nghệ An; bị chính quyền thực dân Anh tại thuộc địa Hong Kong kết án tù từ giữa năm 1931 đến đầu năm 1933 và chính quyền Tưởng Giới Thạch tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc kết án tù từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943. Cùng với đó, việc giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân là một thách thức lớn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên trước những khó khăn đó, Đảng ta vẫn nêu cao ngọn cờ đấu tranh, giữ vững ngọn lửa cách mạng, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Để có được cuộc Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Đảng đã đưa ra đường lối, chủ trương đúng đắn về xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị về thành lập “Hội phản đế Đồng Minh” - Hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn cách mạng nước ta. Sau đó, tùy theo từng giai đoạn cách mạng, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam có những hình thức và tên gọi khác nhau như: Hội Phản đế Đồng minh (11/1930 - 3/1935), Hội Phản đế Liên minh (3/1935 - 10/1936), Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương (10/1936 - 3/1938), Mặt trận Dân chủ Đông Dương (3/1938 - 11/1940), Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế (11/1940 - 5/1941), Mặt trận Việt Minh (5/1941 - 3/1951)… Với mục tiêu chung nhất của Đảng ta là tập hợp toàn thể Nhân dân Việt Nam yêu nước thành khối đại đoàn kết để đứng lên đấu tranh giành độc lập.

Với những chủ trương đúng đắn của Đảng, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc đã được phát huy, chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945 (từ 13 đến 28/8/1945) với 25 triệu đồng bào ta, với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta” đã nhất tề vùng lên giành chính quyền, tổng khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng tháng 8 thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!

78 năm đã trôi qua, những giá trị và bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của cuộc cách mạng tháng 8/1945 vẫn còn vẹn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Đứng trước thời cơ, vận hội mới cùng với những thách thức hiện nay, Đảng ta lại một lần nữa thể hiện được đường lối đúng đắn trong lãnh đạo Cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, xây dựng ý chí và tinh thần đoàn kết được xác định là đường lối chiến lược của Cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định:“Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Đồng thời, xác định rõ “Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam”.

Chủ trương, đường lối đúng đắn trên đã được thể hiện bằng những hành động cụ thể. Có thể nói đại dịch Covid 19 là một trong những tai họa lớn nhất của thế kỷ 21, thế nhưng Việt Nam đã trở thành một hình mẫu của thế giới vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế ổn định. Bằng sức mạnh đoàn kết, giữa thời điểm khó khăn nhất, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần ý chí rất cao. Những người chiến sĩ áo xanh, áo trắng, tình nguyện viên đã xung phong ra tuyến đầu chống dịch. Vùng xanh hỗ trợ vùng đỏ trong việc cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Chính phủ đã ưu tiên huy động tối đa nguồn lực chống dịch. Người Việt Nam ở nước ngoài và cả bạn bè năm châu cũng chung tay giúp đỡ đất nước Việt Nam chống dịch.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em với các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau nhưng đều có chung một cội nguồn dân tộc. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng phát huy các giá trị văn hóa đậm đà, bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước luôn chăm lo đời sống, vật chất tinh thần cho Nhân dân; kêu gọi cộng đồng cùng chia sẻ, hỗ trợ cho Nhân dân gặp khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, mới đây, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Lễ phát động ủng hộ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên với chủ đề “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”. Tại chương trình, đã có hơn 280 tỷ đồng tương đương với hơn 5.600 căn nhà Đại đoàn kết đã được các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức, cá nhân ở Trung ương và địa phương ủng hộ và đăng ký ủng hộ đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Trong phát huy nguồn lực xây dựng đất nước, ngày 31/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 899/QĐ-TTg, phê duyệt “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Với mục tiêu, xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số... Qua đó, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Với bài học thực tiễn từ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sẽ khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng thành công chế độ xã hội chủ nghĩa.

An Nam

Các tin khác

  • Ngăn “bệnh xa dân” (18/07/2023)
  • Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ Đảng (03/02/2023)
  • Niềm tin không thể xói mòn (13/11/2022)
  • “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng” (01/02/2022)
  • Ứng xử văn hóa trong môi trường mạng xã hội (12/12/2021)
  • Âm nhạc góp sức xây dựng “vùng xanh” tinh thần chiến thắng dịch bệnh (24/09/2021)
  • Vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống dịch covid-19 hiện nay (23/09/2021)
  • Cảnh giác với chiêu trò bôi nhọ, xuyên tạc thành quả cách mạng tháng Tám (01/09/2021)
  • Dựa vào dân, bài học quý trong công tác phòng chống dịch Covid-19 (30/08/2021)
  • Nhận diện chiêu trò kích động “Bất tuân dân sự” (24/08/2021)
  • Trang đầu 1234 Trang cuối