Sinh hoạt tư tưởng

Niềm tin không thể xói mòn

13/11/2022 10:32:29AM
Màu chữ Cỡ chữ

Tại phiên họp ngày 8/11/2022, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm; vi phạm pháp luật và phòng, chống tham nhũng năm 2022. Trong đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và xử người vi phạm trên lĩnh vực này được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm. Nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện quan điểm phải kiên quyết đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và “hiến kế” để việc thực thi của các cơ quan bảo vệ pháp luật đối với loại tội phạm này hiệu quả hơn.

Theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, năm 2022 tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các lĩnh vực đất đai, y tế, chứng khoán, đấu thầu… Trong đó, xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp về tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng. Năm 2022, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện tăng gần 41% so cùng kỳ với nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp khiến người dân bức xúc, làm chùn bước nhà đầu tư, doanh nghiệp, xói mòn niềm tin của Nhân dân; đồng thời đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tập trung xử lý mạnh tay hơn nữa chống tham nhũng, tiêu cực.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Phải xử lý một cách kiên quyết, nghiêm túc, triệt để, để có tính răn đe, cảnh báo về các hành vi có thể xảy ra tham nhũng. Và một điều rất quan trọng là chúng ta phải đặt vấn đề “phòng” là chính cho nên phải tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kịp thời phát hiện ngay trong chính đội ngũ, trong nội bộ của mỗi cơ quan, đơn vị, đừng để các hành vi tham nhũng khi nó ở mức độ cao mới đem ra xử lý. Tôi cho rằng công tác “phòng” là hết sức quan trọng đối với sự nghiệp phòng chống tham nhũng hiện nay”.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhấn mạnh: Hiện nay “tham nhũng vặt” diễn ra đa dạng và ngày càng tinh vi, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc hay giải quyết không đến nơi đến chốn, giải quyết không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách bóp chặt. Với cách làm đó, người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi phải quà cáp biếu xén... thậm chí nhiều vụ việc thì còn đòi hỏi phí bôi trơn. Điều đáng lo ngại là điều này ngày càng trở nên phổ biến. Tình trạng “tham nhũng vặt” như “vòi bạch tuộc” đeo đẳng, bám chặt đã gây bức xúc lớn cho Nhân dân, doanh nghiệp, làm chùn bước các nhà đầu tư, làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, làm xói mòn lòng tin của Nhân dân.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, phòng, chống tham nhũng chỉ có thể làm được tốt hơn, hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là của Nhân dân và của quần chúng. Do đó, cần phổ biến chính sách pháp luật nhiều hơn, rộng hơn; phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan, nhất là cơ quan dân cử các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thời gian qua, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện, xử lý những sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng; tổng kết, xây dựng Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2030 và nhiều đề án quan trọng về công tác PCTN. Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, như: Công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy tắc ứng xử; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng; đẩy mạnh cải cách hành chính, nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thường xuyên công khai, công bố, cập nhật thủ tục hành chính; mở rộng ứng dụng khoa học trong quản lý, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt...

Năm 2022, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và có bước tiến mạnh, đột phá với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Các cơ quan thụ lý điều tra 687 vụ án, hơn 1.400 bị can; đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 336 vụ/765 bị can. Thiệt hại trong các vụ án thụ lý gần 3.000 tỉ đồng, 233.300m2 đất, 21 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tài sản thu hồi là trên 2.300 tỉ đồng, hơn 20.000 cổ phiếu và kê biên 10 nhà đất (trị giá khoảng trên 100 tỉ đồng)... VKSND các cấp thụ lý giải quyết 506 vụ với khoảng 1.300 bị can. TAND các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 577 vụ với gần 1.400 bị cáo; xét xử 410 vụ/945 bị cáo về tội tham nhũng. Trong đó, tòa án cấp sơ thẩm đã phạt tù chung thân và tử hình 8 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm 43 bị cáo; trên 7 năm đến 15 năm với 106 bị cáo và hơn 800 bị cáo bị phạt tù dưới 7 năm. Tổng tài sản tham nhũng phải thu hồi trong gần 4.000 vụ việc khoảng 89.600 tỉ đồng, đã thi hành xong gần 16.000 tỉ đồng.

Nhìn vào con số thống kê các vụ phạm tội tham nhũng và chức vụ tăng cao cũng đồng nghĩa với việc công tác đấu tranh PCTN đã có những chuyển biến tích cực, thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng của các cơ quan bảo vệ pháp luật, như  khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 “công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự đã trở thành phong trào, xu thế “không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận”.

Chúng ta đã có và đang ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật; sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; sự vào cuộc của các cơ quan thực thi pháp luật; sự đồng thuận của Nhân dân, chắc chắn công tác đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực sẽ ngày càng quyết liệt, hiệu quả, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, giữ vững niềm tin của nhân dân./. 

P.TTTT & LLCT (tổng hợp)

Các tin khác

  • Bài học về phát huy sức mạnh “lòng dân” trong cách mạng tháng 8/1945 (09/08/2023)
  • Ngăn “bệnh xa dân” (18/07/2023)
  • Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ Đảng (03/02/2023)
  • “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng” (01/02/2022)
  • Ứng xử văn hóa trong môi trường mạng xã hội (12/12/2021)
  • Âm nhạc góp sức xây dựng “vùng xanh” tinh thần chiến thắng dịch bệnh (24/09/2021)
  • Vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống dịch covid-19 hiện nay (23/09/2021)
  • Cảnh giác với chiêu trò bôi nhọ, xuyên tạc thành quả cách mạng tháng Tám (01/09/2021)
  • Dựa vào dân, bài học quý trong công tác phòng chống dịch Covid-19 (30/08/2021)
  • Nhận diện chiêu trò kích động “Bất tuân dân sự” (24/08/2021)
  • Trang đầu 1234 Trang cuối