Sinh hoạt tư tưởng

Ngăn “bệnh xa dân”

18/07/2023 08:20:27AM
Màu chữ Cỡ chữ

Cán bộ là công bộc của Nhân dân. Theo đó, Nhân dân là người chủ, cán bộ nhà nước là người thừa hành, gánh vác những việc chung cho dân, phải nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, phụ trách trước Nhân dân và coi đó là vinh dự cao quý; mối quan hệ giữa nhân viên nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa người phục vụ và người được phục vụ.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: cán bộ, đảng viên phải bám dân, vận động dân, giác ngộ dân, dựa vào dân mà sống và hoạt động. Đảng không có dân như cá không có nước; dân không có Đảng như không có người dẫn đường chỉ lối. Người đã để lại một tư tưởng lớn cho Đảng và nhân dân ta: “Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”, “Dân vận kém thì việc gì cũng kém; dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đảng ta đã vận dụng tư tưởng đó vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam và Đảng đã có nhiều thành công trong tổ chức lực lượng cách mạng thông qua công tác dân vận.

Thế nhưng không ít địa phương, không ít cán bộ, đảng viên đã quên hay cố tình không quan tâm đến nội dung này. Thực tế, nhiều kế hoạch, nhiều chủ trương, dự án liên quan mật thiết đến đời sống Nhân dân mà người dân chỉ được biết khi sự việc đã rồi. Hay như khi người dân đến làm thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền thì có một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà mà không hướng dẫn tận tình cho nhân dân. Một số vấn đề người dân không biết nên hỏi cán bộ, thay vì tận tình hướng dẫn cho người dân hiểu thì lại tỏ ra thái độ hách dịch, xưng hô với người dân “anh, chị… làm phiền cán bộ”. Bên cạnh đó, có địa phương né tránh, vòng vo trong giải quyết khiếu nại tố cáo dẫn đến những bức xúc của Nhân dân.

Vừa qua, trong kỳ họp Hội đồng nhân dân của một tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết, môt cử tri đã hơn 80 tuổi, là thương binh nặng, hỏng một mắt đã đến tận nhà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phản ánh việc cấp sổ đỏ đã đề nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được cấp. Sau khi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhờ chủ tịch UBND huyện kiểm tra thì điều kiện đất nhà cử tri hoàn toàn đủ điều kiện cấp sổ đỏ, không có vướng mắc, nhưng cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện đã làm việc không tận tâm, tận lực và quan liêu.

Bệnh xa dân là một căn bệnh nguy hiểm, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi khi nói về vai trò của Nhân dân trong việc thịnh suy của vận nước “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Và thực tiễn trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 của nhà Trần, Vua Trần Nhân Tông đã mở hội nghị diên hồng để hỏi ý kiến các bô lão về chủ trương “hòa hay chiến” vào tháng Chạp năm Giáp Thân (1284). Với quyết tâm giữ nước, các bô lão đã đồng thanh “nên đánh”, ý chí đó đã kết thành hào khí non sông giúp vua cầm quân thắng giặc, viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc. Còn đối với Nhà Hồ, cuộc kháng chiến chống quân Minh thất bại là một trong những nguyên nhân không quy tụ được quần chúng Nhân dân mà chỉ dựa vào thành lũy.

Đất nước ta có được cơ đồ như ngày hôm nay là do sự đoàn kết của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Dân tin Đảng, Đảng chăm lo cho dân. Cùng với đó, để ngăn chặn bệnh quan liêu, xa rời nhân dân, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Quy định số 11-QĐi/TW “về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Quy định này đã yêu cầu đội ngũ bí thư, cấp ủy và rộng hơn là mỗi cán bộ phải khắc phục biểu hiện thiếu sâu sát thực tế cơ sở, xa dân; cần coi việc gần dân, công tác tiếp dân, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên. Trong đó 1 trong 27 biểu hiện suy thoái là “quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là một trong những nội dung quan trọng để đội ngũ cán bộ, đảng viên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức trong sáng, thực sự hết lòng vì lợi ích của nhân dân.  Bên cạnh đó, Trong dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công, Bộ Nội vụ đã đề xuất 5 chuẩn mực đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và đang tiến hành lấy ý kiến nhân dân. Cùng với đó, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý các cán bộ, đảng viên vi phạm của Đảng và Nhà nước đã được thực hiện nghiêm túc với tinh thần đưa những cán bộ không đủ phẩm chất năng lực lãnh đạo ra khỏi bộ máy nhà nước.

Ngoài những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để ngăn ngừa bệnh xa dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tự ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, thực hiện nhiệm vụ công, chính, liêm, minh, hết lòng phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Việc ngăn chặn bệnh xa dân hay nói cách khác là gần dân, hiểu dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân chính là chìa khóa quan trọng để xây dựng đất nước hùng cường. Đồng thời, ngăn chặn có hiệu quả các âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch phá hoại thành quả cách mạng của Đảng.

An Nam

Các tin khác

  • Bài học về phát huy sức mạnh “lòng dân” trong cách mạng tháng 8/1945 (09/08/2023)
  • Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ Đảng (03/02/2023)
  • Niềm tin không thể xói mòn (13/11/2022)
  • “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng” (01/02/2022)
  • Ứng xử văn hóa trong môi trường mạng xã hội (12/12/2021)
  • Âm nhạc góp sức xây dựng “vùng xanh” tinh thần chiến thắng dịch bệnh (24/09/2021)
  • Vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống dịch covid-19 hiện nay (23/09/2021)
  • Cảnh giác với chiêu trò bôi nhọ, xuyên tạc thành quả cách mạng tháng Tám (01/09/2021)
  • Dựa vào dân, bài học quý trong công tác phòng chống dịch Covid-19 (30/08/2021)
  • Nhận diện chiêu trò kích động “Bất tuân dân sự” (24/08/2021)
  • Trang đầu 1234 Trang cuối