Sinh hoạt tư tưởng

Ứng xử văn hóa trong môi trường mạng xã hội

12/12/2021 06:00:0PM
Màu chữ Cỡ chữ

Hiện nay, mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông, giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng và ưa thích. Bên cạnh những lợi ích của mạng xã hội mang lại, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nhưng mạng xã hội cũng nảy sinh không ít vấn đề, nhiều cá nhân lợi dụng mạng xã hội để đăng thông tin sai sự thật, hoặc có ứng xử thiếu văn hóa; đòi hỏi cần có những giải pháp nhằm chấn chỉnh.

Không gian mạng đã và đang mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho xã hội. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ và hệ thống mạng Interner toàn cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã  góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số. Là phương tiện giúp cho mọi người dân trao đổi, chia sẻ thông tin trực tuyến để hạn chế tiếp xúc trực tiếp, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhất là COVID-19. Mạng xã hội là một thành tựu khoa học kỹ thuật của con người. Nó đem con người đến gần với nhau hơn. Nó giúp người ta nói lên suy nghĩ của mình được nhiều hơn. Và đặc biệt, nó giúp cho con người truyền tải cảm hứng, giúp cho cộng đồng gần gũi nhau hơn. Khi mà con người đã coi mạng xã hội là “môi trường xã hội”, thì văn hóa ứng xử ở đó lại là một vấn đề cần được quan tâm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều câu chuyện không hay đã diễn ra trên mạng xã hội cho thấy, việc cộng đồng trong xã hội kêu gọi xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đang trở nên cấp thiết. Vậy mạng xã hội là gì ?

Mạng xã hội được quy định tại Khoản 22 Điều 3 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, theo đó: Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác. Trong bối cảnh hiện nay, internet và mạng xã hội đã không còn xa lạ đối với cuộc sống, Internet và mạng xã hội giúp chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt được các thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau với tốc độ lan truyền nhanh chóng, vượt ra ngoài những giới hạn về địa lý và thời gian. Có thể sử dụng các loại điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối Internet thì việc tham gia các trang mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam hiện nay như: Facebook; Twitter; TikTok; Zalo; Instagram; Youtube… có thể tiến hành mọi lúc, mọi nơi. Việc sử dụng các trang mạng xã hội vô cùng dễ dàng và phổ biến và rộng khắp ở nhiều độ tuổi và vùng miền khác nhau, theo số liệu thống kê tính đến tháng 6 năm 2021 của NapoleonCat (công cụ đo lường các chỉ số Mạng xã hội) tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số toàn quốc, tăng 31 triệu người dùng so với năm 2019. Trong đó, độ tuổi phổ biến nhất vẫn là từ 25 đến 34 tuổi và sự chênh lệch về giới tính là không đáng kể. Chính vì sự tiện ích, dễ dàng này nên mọi người đều tham gia vào mạng xã hội.

Sức thu hút từ mạng đối với giới trẻ

Trẻ em, học sinh, sinh viên đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện về mặt tâm sinh lý, là đối tương dễ bị tác động và ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, từ đó dẫn đến có lời nói hành động bạo lực, vi phạm pháp luật trên không gian mạng và trong trường học. Thực trạng một bộ phận không nhỏ giới trẻ, học sinh nghiện game online, nhất là những game có nội dung bạo lực, chém giết, cướp giật, tạo thành nhóm cùng “chiến đấu” có thể làm tăng tính “gây hấn”, “hiếu chiến”, học sinh nghiện game online thường có hành động, cử chỉ giống “nhân vật ảo”, “cuộc sống ảo”, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng nguy cơ bạo lực học đường trong học sinh. Không gian mạng thực sự đã mở ra một thế giới vô cùng hấp dẫn với người dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin tích cực, thúc đẩy sự phát triển xã hội, một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ có xu hướng nghiện mạng xã hội, mất quá nhiều thời gian cho việc lên mạng xã hội, điều đó dễ dẫn đến bị cận thị, trầm cảm, ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc chạy theo lối sống ảo, làm giảm tương tác trực tiếp giữa người với người. Mạng xã hội vẫn còn tồn tại những tiêu cực, ảnh hưởng đến người dùng nếu chúng ta không am hiểu pháp luật, không tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội, nếu không cảnh giác, thì cũng có thể có nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân, bị lừa đảo về kinh tế; việc một số cá nhân, tổ chức “lợi dụng” quyền tự do ngôn luận cung cấp những thông tin sai trái, độc hại, không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, thậm chí có những thông tin xuyên tạc, gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Như vậy, mạng xã hội có xây dựng được văn hóa ứng xử lành mạnh hay không chính là phụ thuộc vào hành vi của mỗi người sử dụng, do đó người dùng phải có trách nhiệm hơn trong mỗi lời nhận xét, phê bình, hay gắn biểu tượng cảm xúc của mình khi tham gia mạng xã hội. Phải kiểm chứng nội dung từ các nguồn tin có bảo đảm cao, như các trang, cổng thông tin chính thức của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã được cấp phép. Người dùng cũng cần kiểm tra sự đồng nhất giữa tiêu đề và nội dung, tránh các bài viết giật tít để câu view trong khi thông tin không liên quan, tránh trở thành nạn nhân của tin giả hay lừa đảo... Nên lan tỏa những thông tin, hình ảnh tốt đẹp về các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc, hướng tới thông điệp nhân văn, xây dựng văn hóa người Việt thanh lịch, văn minh. Đồng thời cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, không sử dụng ngôn ngữ tục tĩu, cá biệt, có tính bạo lực; chỉ đăng, phát thông tin rõ nguồn gốc, đã được kiểm chứng. Không khai thác trái phép dữ liệu cá nhân của người khác cho mục đích thương mại, hoặc các mục đích khác. Đặc biệt, không được lập nhóm, hội để nói xấu, công kích lẫn nhau; không đăng tải, chia sẻ thông tin có thể gây xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự cá nhân; không theo đám đông khi chưa hiểu rõ về vụ việc đó, hoặc không có căn cứ, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Hoạt động truy cập và lướt mạng xã hội để tìm hiểu, khám phá, giải trí và học tập là nhu cầu cần thiết hiện nay

Hiện nay, về cơ bản, các quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội đã được quy định rất rõ trong các Luật và Nghị định liên quan. Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng là một biện pháp góp phần cải thiện việc ứng xử văn hóa trên không gian mạng, nâng cao trách nhiệm người dùng mạng xã hội. Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt; vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh. Trung ương Hội sinh viên Việt Nam cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông để cải thiện văn hóa ứng xử trên không gian mạng, với một số khẩu hiệu thiết thực cần được lan tỏa rộng rãi như: “Nội dung lành, lướt mạng sạch” , “Thông tin là tài sản, tài khoản là riêng tư”; “Đưa tin có trách nhiệm, dẫn tin đã kiểm nghiệm”; “Chuyện đẹp tin tốt quanh ta, phải share mạnh mẽ mới là văn minh”. Những quy tắc ứng xử mạng xã hội là sự định hướng cần thiết trong xu hướng tham gia môi trường mạng hiện nay của cộng đồng. Việc ứng xử có văn hóa trong cuộc sống hàng ngày đặc biệt là trên không gian mạng góp phần nuôi dưỡng, hướng con người vươn tới chân, thiện, mỹ, để xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh.

Cẩm Hưng

Các tin khác

  • Bài học về phát huy sức mạnh “lòng dân” trong cách mạng tháng 8/1945 (09/08/2023)
  • Ngăn “bệnh xa dân” (18/07/2023)
  • Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ Đảng (03/02/2023)
  • Niềm tin không thể xói mòn (13/11/2022)
  • “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng” (01/02/2022)
  • Âm nhạc góp sức xây dựng “vùng xanh” tinh thần chiến thắng dịch bệnh (24/09/2021)
  • Vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống dịch covid-19 hiện nay (23/09/2021)
  • Cảnh giác với chiêu trò bôi nhọ, xuyên tạc thành quả cách mạng tháng Tám (01/09/2021)
  • Dựa vào dân, bài học quý trong công tác phòng chống dịch Covid-19 (30/08/2021)
  • Nhận diện chiêu trò kích động “Bất tuân dân sự” (24/08/2021)
  • Trang đầu 1234 Trang cuối