Sinh hoạt tư tưởng

Sống chung với…mạng

05/05/2020 09:45:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Nếu coi internet là một trong những thành tựu của khoa học kỹ thuật vĩ đại nhất của thế kỷ XX thì mạng xã hội cũng xứng đáng với tư cách là một trong những ứng dụng kỹ thuật số vĩ đại nhất của thế kỷ XXI. Những lợi ích không thể đo đếm cũng không thể phủ nhận của mạng xã hội điều mà ai cũng nhận ra. Tuy nhiên với tốc độ phát triển làm choáng ngợp cả năng lực tiếp nhận của con người thì nó cũng đã xuất hiện không ít những hệ lụy.

 Nhận thức là một quá trình, thừa nhận, đến chấp nhận, rồi sống chung với nó là một câu chuyện về tư duy kéo dài nhiều tập. Hình như đã có một thời, ai đó đã phát biểu đâu đó về cái gọi là “nói không với mạng xã hội”. Coi mạng xã hội như là thủ phạm của rắc rối và vô bổ. Ai đó đã từng nổi tiếng vì phát biểu “những người trên mạng xã hội đang vô công rỗi nghề”. Cũng có người gọi những facebooker là “đám quần chúng ít hiểu biết”. Cá nhân tôi không giận hờn với phát biểu ấy cho dù bản thân là facebooker tức là cũng trong cái “đám quần chúng ít hiểu biết” như ai đó nói.

Họ đã đứng ở các hệ quy chiếu khác nhau để quan sát và nhìn nhận vấn đề. Họ dồn thị lực khắt khe vào những nhược điểm mà quên đi, hay nói đúng hơn là đánh mất đi những ưu điểm. Không thể khước từ mạng xã hội, vấn đề là khai thác thế nào để phần lợi ích được tận thu tối đa nhất có thể và phần tổn thương thì lại ở mức tối thiểu nhất có thể. Rất nhiều thông điệp sử dụng mạng xã hội thông minh và trách nhiệm đã được phát đi nhưng rồi người thông minh thì chưa hẳn là trách nhiệm và ngược lại. Thiết lập hàng rào kỹ thuật như “tường lửa” hay “lọc rác” cũng chỉ là giải pháp tình thế nhằm giảm đau chứ không xoay chuyển được dụng ý nếu đã trở thành tiêu cực của con người.

       Cái gì cũng có tính hai mặt mà mạng xã hội là đại diện rõ ràng nhất của nhận định ấy. Nói về lợi ích thì không ngoa nếu dùng chữ bất tận. Ví dụ như khai thác thông tin chẳng hạn. Có lẽ chưa có bao giờ chúng ta “xả láng” như bây giờ. Ngoài “bác Google” còn có cả hàng trăm cách thức rê chuột khác nhau để lấy thông tin. Hay ứng dụng phổ biến nhất là nhịp cầu kết nối con người với con người. Còn nhớ cách đây chừng 30 năm, gọi một cuộc điện thoại bàn có khi cũng phải đi cả mấy cây số đến bưu điện. Lại còn phải khai báo số máy bên kia vào mảnh giấy, kính cẩn trao cho cô nhân viên quay số nữa chứ. Cha con “a lô” cho nhau cũng phải soạn trước nội dung sao cho đủ, cho gọn không khéo một cuộc điện thoại ra nước ngoài rề rà mất toi cả một tạ lúa chứ chẳng chơi. Giờ thì mạng xã hội bùng nổ “buôn” chuyện thoải mái, buôn miễn phí, không chỉ buôn phần tiếng mà buôn cả phần hình. Mọi ngăn cách không gian dường như vô nghĩa trước sự xuyên thấu ngoạn mục của công nghệ. Mua sắm online, hội họp online, học tập online! Yêu oline giận cũng online, vay online trả cũng online, lập công online chuộc tội cũng online…

      Trong quản lý thì mạng xã hội cũng góp không ít công sức. Trước hết nó là công cụ tuyệt vời để trao đổi công việc thông thường, trao đổi những thông tin ít bảo mật, hay trao đổi kinh nghiệm công tác. Chưa hết, mạng còn là nơi để chúng ta nắm bắt tâm lý xã hội, nắm bắt nhu cầu nguyện vọng công dân, và cũng có thể là nơi chúng ta tham gia một cách có trách nhiệm để định hướng dư luận. Bỏ trống mạng xã hội là bỏ trống một trận địa vàng của công tác. Một người bạn của tôi tâm sự rằng. “Muốn biết lính tráng của mình nghĩ như thế nào, sống ra sao, trách nhiệm xã hội đến đâu thì cứ chịu khó lên trang cá nhân của họ mà tham khảo”. Tôi không phải là cán bộ lãnh đạo nên không quan tâm trải nghiệm vấn đề này, nhưng thiết nghĩ, nếu làm công tác cán bộ mà bỏ qua mạng xã hội thì sẽ là một thiệt thòi. Không ít các đơn vị sử dụng mạng xã hội như là một công cụ trong thực thi công việc. Cũng không ít các vị có trách nhiệm, có địa vị tham gia mạng xã hội, lấy mạng xã hội làm môi trường tương tác với quần chúng. Cái mất thì chưa rõ, nhưng cái được thì quá nhiều. Được biết, được hiểu, được nghe, được tư vấn, thậm chí có khi còn được thông cảm, được khen! Rõ là từ khi mà mỗi người dùng mạng xã hội là một “nhà đài” vừa quay phim vừa biên tập vừa chịu trách nhiệm…xuất bản thì vai trò giám sát cộng đồng đã được nâng lên một bước. Hiệu ứng “share” không phải là con ngáo ộp nhưng quả là đáng dè chừng.

        Không ít lần những ý kiến khởi phát trên mạng xã hội đã “lọt” vào tận nghị trường và góp phần như một kênh tham khảo có giá trị. Cuồng với mạng xã hội, coi mạng xã hội như bảo kiếm để “chém” là sai lầm hiếm gặp, nhưng cực đoan đến mức bài xích hay xỉ vả mạng xã hội là một tổn thất chết người. Hãy nên nhớ thế giới 7 tỷ người thì đã có khoảng 5 tỷ người dùng mạng xã hội, chỉ riêng lượng dùng facebook thì Việt Nam chúng ta đã xếp thứ 7 thế giới. Anh làm quản lý mà không quan tâm tức là anh đứng bên lề cuộc chơi để quản lý…cuộc chơi.

        Mạng xã hội nếu thả rông sẽ như một cái chợ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hệ lụy của nó vẫn là một trong những ung nhọt mà có lẽ bất kỳ một thể chế nào tồn tại trên hành tinh này cũng phải đối diện. Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện một video clip chiếu cảnh hỏa hoạn. Ngọn lửa ngùn ngụt trong căn nhà, hàng loạt tiếng kêu la thất thanh nhưng không thấy người cứu hộ vì họ còn đang bận livestream. Rồi nữ sinh đánh nhau cũng chỉ để tung lên mạng “lấy le”. Rồi thì rửa tiền, rồi thì lừa tiền, rồi thì đánh bạc, rồi thì cổ súy tự tử, rồi thì truyền đạo trái phép, rồi thì lạm dụng tình dục trẻ em…muôn cơ ngàn trùng là tệ nạn mà mạng xã hội đã “thay mặt” internet làm phiền chúng ta. Mạng xã hội có công trong việc mang lại nhịp cầu kết nối những người xa nhau nhưng lại là thủ phạm trong việc triệt tiêu đi môi trường tương tác trực tiếp. Chuyện 4 người rủ nhau ra quán cà phê hàn huyên nhưng rồi cả 4 người cắm mặt vào 4 chiếc điện thoại đến hết buổi là ví dụ điển hình. Trong gia đình cũng vậy, cha một máy, mẹ một máy, anh một máy, và cả em cũng một máy, bữa cơm gia đình thành nơi để đọc bình luận và đếm…like! Rồi vấn nạn tin giả nữa. Theo thống kê chưa chính thức, mới chỉ 16 người nhiễm Covd 19 mà có đến hơn 200 người bị phạt tiền hoặc bị cơ quan chức năng mời làm việc vì “nói nhảm” tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội về dịch bệnh Corona! Thật không thể hiểu nổi, cũng không thể chấp nhận nổi!

     Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, cơ hội và thách thức chi đều cho mọi người. Đừng than vãn nhưng cũng đừng hoảng sợ, đừng lạm dụng cũng đừng thờ ơ. Mạng xấu hay tốt không tùy thuộc vào quan điểm và nhìn nhận nữa mà tùy thuộc vào trách nhiệm của mỗi người dùng, một phần tùy thuộc vào công cụ kiểm soát của các nhà quản trị xã hội. Sống chung với mạng là điều hiển nhiên, hãy sống sao cho khỏe mạnh và an lành, cố gắng đừng để…mất mạng!

 

Huyền Linh

Các tin khác

  • Bài học về phát huy sức mạnh “lòng dân” trong cách mạng tháng 8/1945 (09/08/2023)
  • Ngăn “bệnh xa dân” (18/07/2023)
  • Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ Đảng (03/02/2023)
  • Niềm tin không thể xói mòn (13/11/2022)
  • “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng” (01/02/2022)
  • Ứng xử văn hóa trong môi trường mạng xã hội (12/12/2021)
  • Âm nhạc góp sức xây dựng “vùng xanh” tinh thần chiến thắng dịch bệnh (24/09/2021)
  • Vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống dịch covid-19 hiện nay (23/09/2021)
  • Cảnh giác với chiêu trò bôi nhọ, xuyên tạc thành quả cách mạng tháng Tám (01/09/2021)
  • Dựa vào dân, bài học quý trong công tác phòng chống dịch Covid-19 (30/08/2021)
  • Trang đầu 1234 Trang cuối