Sinh hoạt tư tưởng

Nhận diện chiêu trò kích động “Bất tuân dân sự”

24/08/2021 01:45:0PM
Màu chữ Cỡ chữ

“Bất tuân dân sự” là một trong những âm mưu vô cùng nguy hiểm của các thế lực phản động, thù địch trong thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” để chống phá cách mạng Việt Nam.

 Thủ đoạn bọn chúng dùng là kêu gọi người dân tham gia các hoạt động công khai từ chối tuân theo, hoặc vi phạm một cách cố ý và có ý thức đối với một số  đạo luật nhất định nhằm cản trở quá trình thực thi chính sách, luật pháp của nhà nước; là hình thức phản kháng bất bạo động, gây áp lực buộc nhà nước phải thay đổi chính sách, luật pháp, thậm chí lật đổ chính quyền; bản chất là hành vi vi phạm pháp luật. Để không mắc mưu, chúng ta cần nâng cao cảnh giác, nhận rõ “bất tuân dân sự”.

Với quyết tâm chặn đứng đại dịch Covid 19, thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản khẩn siết chặt giãn cách từ ngày 23/8. Theo đó, kể từ 0h ngày 23/8 đến hết 6/9, TPHCM sẽ tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch”. Người dân thực hiện quy định giãn cách xã hội, "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố - ấp cách ly khu phố - ấp; phường - xã - thị trấn cách ly phường - xã - thị trấn.  Lực lượng quân đội sẽ lập các đội công tác đặc biệt với sự tham gia của cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên… vừa làm công tác tuyên truyền vận động, giám sát người dân thực hiện nghiêm việc cách ly vừa đưa lương thực, thực phẩm, gói an sinh, gói thuốc điều trị đến từng nhà dân. Ngoài ra, lực lượng quân y cũng sẽ cùng với các trạm y tế lưu động, tổ y tế cộng đồng tham gia điều trị, hỗ trợ y tế cho người nhiễm Covid-19 đang điều trị tại nhà cũng như các trường hợp y tế khẩn cấp khác.

Thế nhưng đi ngược lại với sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Quân đội, cấp ủy, chính quyền các cấp, trên các trang mạng xã hội của các tổ chức phản động Việt Tân, Voice…lại đưa ra những luận điệu xuyên tạc như: “Hà Nội huy động lực lượng quân đội vào Sài gòn để dẹp loạn; Mang quân đội vào để giữ trật tự, trị an, vì dân 'ĐÓI' sẽ làm loạn…”, kèm theo đó là những hình ảnh đã được chỉnh sửa, giả mạo như xe thiết giáp chạy, người mặc áo bảo hộ cầm súng trên những con đường của thành phố Hồ Chí Minh. Mặt khác, chúng tung tin thất thiệt về việc mất đoàn kết giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, những kẻ phản động live trực tiếp trên face book cá nhân, Youtobe để kích động, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình, kèm theo những lời thô tục, khiếm nhã để chống lại lệnh của Chính phủ, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. Mục đích của chúng là để người dân mất niềm tin vào Đảng, Chính phủ và chính quyền các cấp, tạo nên một xã hội mất kiểm soát. Qua đó, tạo cớ cho nước ngoài nhảy vào để can thiệp công việc nội bộ của đất nước dưới sự giúp sức của các thế lực thù địch, phản động, chống đối chính quyền. 

Để thực hiện “bất tuân dân sự”, các thế lực phản động, chống đối đã chuẩn bị từ trước như phổ biến kinh nghiệm, giới thiệu các nguyên tắc, hình thức tham gia, hướng dẫn cách đề ra khẩu hiệu, cách mang mặc trang phục và công cụ mang theo của những người tham gia,… với cái gọi là “cẩm nang cho bất tuân dân sự”. Các tổ chức phản động ở nước ngoài, như: Việt Tân, Voice mở nhiều lớp huấn luyện nội dung, hình thức “bất tuân dân sự” cho các thành viên để đưa về Việt Nam thực hiện hành động phá hoại.

Thực tế ở Việt Nam, mầm mống hoạt động "bất tuân dân sự" đã diễn ra từ nhiều năm trước, có nguy cơ trở thành "phong trào" nguy hại trực tiếp đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nếu không nhận diện và đấu tranh kịp thời... Có một số vụ việc mang bóng dáng "bất tuân dân sự", "bất tuân" quy định về thành lập hội (nhóm), đòi lập các tổ chức xã hội dân sự (thực chất là phản động trá hình) như "Hội anh em dân chủ", "Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam", "Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam", "Hội văn đoàn độc lập Việt Nam", "Hội nhà báo độc lập Việt Nam"; “bất tuân” để phản đối Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2014), Luật An ninh mạng (năm 2018)… Các hình thức như kích động tài xế phản đối trả phí BOT giao thông; tẩy chay hàng hóa nước ngoài... cũng có nhiều vụ việc bị lợi dụng, biến tướng. Gần đây, trong thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, nhiều đối tượng đã có những hành vi gây rối, chống đối các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ, như có cá nhân ý thức kém, thường xuyên ra ngoài không đeo khẩu trang, cố tình tranh cãi với lực lượng công an với mục đích chống đối, hay như cá nhân ra khỏi nhà không có lý do chính đáng, bị lập biên bản xử phạt đã tự đốt xe của bản thân…

“Bất tuân dân sự" được một số tổ chức phản động nước ngoài như Việt Tân, Voice công khai giật dây. Đồng thời, chúng gắn kết chặt chẽ giữa “bất tuân dân sự” với “xã hội dân sự”, sử dụng các tổ chức “xã hội dân sự” để chỉ đạo, điều hành “bất tuân dân sự”. Thủ đoạn chủ yếu là tiếp tục sử dụng các chiêu bài “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”; lợi dụng bức xúc của người dân trước những vấn đề dân sinh, như: vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, ô nhiễm môi trường; những bất cập, chưa sát thực tiễn của một số chủ trương, chính sách cụ thể; hay những hạn chế, yếu kém của chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý xã hội; hoặc lợi dụng sự ngộ nhận của người dân trước những thông tin bịa đặt, xuyên tạc mà các thế lực phản động, cơ hội,… tuyên truyền để kích động họ tụ tập, phản đối, không thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Qua đó, thúc đẩy hình thành các mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền, hợp thức hóa việc thực hiện mưu đồ tập hợp lực lượng, chống đối chính quyền, để khi mâu thuẫn lên cực điểm, chúng sẵn sàng kêu gọi kết hợp đấu tranh bất bạo động với bạo động để chống chính quyền, như vụ biểu tình, phá hoại tài sản của các doanh nghiệp trong việc phản đối Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vụ gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản nhà nước ở Bình Thuận (tháng 6/2018).

Với những mưu đồ thâm độc của kẻ thù, mỗi người dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ thành quả cách mạng chính mình, cần hết sức tỉnh táo, nhận định, đánh giá đúng bản chất sự việc để không tụ tập tạo thành điểm nóng; không tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, tạo cơ hội cho những kẻ thừa cơ hội “nước đục thả câu”. Kịp thời phát hiện, báo cáo với chính quyền về những đối tượng có hành vi âm mưu lật đổ chính quyền nhà nước. Đồng thời, cả hệ thống chính trị phải phát huy sức mạng để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân. Chính quyền các cấp phải thực tốt chế độ tiếp công dân, kịp thời giải quyết các bức xúc của người dân, không để khiếu kiện kéo dài, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch kích động phong trào bất tuân dân sự. Kiên quyết xử lý nghiêm minh số đối tượng cốt cán, cầm đầu, những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; có biện pháp phù hợp quản lý, giáo dục, động viên, giúp đỡ những đối tượng bị dụ dỗ, lôi kéo...

An Nam

Các tin khác

  • Bài học về phát huy sức mạnh “lòng dân” trong cách mạng tháng 8/1945 (09/08/2023)
  • Ngăn “bệnh xa dân” (18/07/2023)
  • Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ Đảng (03/02/2023)
  • Niềm tin không thể xói mòn (13/11/2022)
  • “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng” (01/02/2022)
  • Ứng xử văn hóa trong môi trường mạng xã hội (12/12/2021)
  • Âm nhạc góp sức xây dựng “vùng xanh” tinh thần chiến thắng dịch bệnh (24/09/2021)
  • Vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống dịch covid-19 hiện nay (23/09/2021)
  • Cảnh giác với chiêu trò bôi nhọ, xuyên tạc thành quả cách mạng tháng Tám (01/09/2021)
  • Dựa vào dân, bài học quý trong công tác phòng chống dịch Covid-19 (30/08/2021)
  • Trang đầu 1234 Trang cuối