Sinh hoạt tư tưởng

Cảnh giác với chiêu trò “không biết, không bầu”

23/04/2021 10:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Những hoạt động chống phá Đại hội Đảng lần thứ XIII không thành công nhưng các thế lực thù địch nước ngoài và cơ hội chính trị trong nước vẫn không từ bỏ âm mưu, thủ đoạn thâm độc của chúng. Đặc biệt, chuẩn bị cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026, chúng lại đưa ra những lời lẽ xuyên tạc về công tác chuẩn bị bầu cử và phát động phong trào “không biết, không bầu”. Đây vẫn là chiêu trò cũ nhưng nhân dân cần phải cảnh giác, không để mắc mưu những kẻ muốn phá hoại đất nước.

Như chúng ta đã biết, bầu cử là quá trình các cử tri của cả nước đưa ra quyết định của họ theo các cách thức mà pháp luật quy định để chọn ra các đại biểu đại diện cho mình nắm giữ các chức vụ trong cơ quan dân cử của chính quyền ở Trung ương và địa phương trong phạm vi lãnh thổ của đất nước. Ở nước ta, các cuộc bầu cử có tính chất pháp lý rất quan trọng: là một khâu thiết yếu để thành lập các cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương; là phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực của mình. Bầu cử ở nước ta gồm bầu cử Quốc hội (ở trung ương) và bầu cử HĐND các cấp (ở địa phương). Bầu cử ở nước ta thể hiện tính dân chủ, tự do và công bằng khi người dân có quyền lựa chọn những đại biểu uy tín, có tâm, có tầm để thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan.

          Năm 1953, trong các bài viết về “Thường thức chính trị” đăng trên báo Cứu Quốc, Hồ Chí Minh tiếp tục đề cập tới vấn đề quyền bầu cử của nhân dân. Người viết: “Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái, trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hoá, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách rất hợp lý để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình”. Về ý nghĩa của cuộc bầu cử, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”. “Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”, và “Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri…”. Từ đó, Bác khẳng định: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết”.

          Trên thực tế, Quyền và nghĩa vụ bầu cử của công dân Việt Nam chỉ có được sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành lại độc lập, tự do. Đó là cuộc Tổng tuyển cử ngày 06 - 01-1946, bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thắng lợi của tinh thần yêu nước của toàn thể nhân dân Việt Nam phấn đấu cho một quốc gia độc lập, thống nhất, vì cuộc sống hòa bình, tự do, hạnh phúc. Đó là thắng lợi của chế độ mới, của chính thể dân chủ cộng hòa lần đầu tiên được thiết lập trên đất nước ta. Đó còn là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, của chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã chứng minh sự giác ngộ chính trị của các tầng lớp nhân dân - lần đầu tiên thực hiện quyền làm chủ đất nước và xã hội qua lá phiếu bầu ra những đại biểu của mình.

          Bất chấp ý nghĩa tốt đẹp về bầu cử đã được hiến định, quy định trong luật bầu cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân, thời gian qua, một số đối tượng bất mãn chính trị trong nước đã có những bài viết kêu gọi “không biết, không bầu”. Điển hình như, tổ chức phản động Việt Tân đã cho lập mới hơn 300 tài khoản và nhiều diễn đàn kín, duy trì gần 1.000 tài khoản mạng xã hội, đăng tải, chia sẻ những bài viết, thông tin tiêu cực trong xã hội để thổi phồng, phá hoại tư tưởng. Thực chất âm mưu của chúng là thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, tấn công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra “những khoảng trống” để dần đưa hệ tư tưởng tư sản thâm nhập cán bộ, đảng viên, từng bước “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó, chúng sử dụng thư điện tử phát tán các tài liệu phản động với tiêu đề: “Hiến pháp Việt Nam năm 2021”, “Giải trình Hiến pháp Việt Nam năm 2021”…, kích động số đối tượng chống đối, cơ hội chính trị trong nước thành lập các hội, nhóm, lôi kéo người dân tham gia chống phá bầu cử, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự.  Mới đây, trên face book mang tên Nguyễn Đình Cống có bài viết cho rằng có việc dân chủ giả hiệu trong bầu cử, về các thủ đoạn loại bỏ người tự ứng cử và việc các cơ quan Trung ương giới thiệu nhân sự bầu đại biểu Quốc hội về các địa phương để ứng cử  là do “Đảng cử, dân bầu”. Đồng thời ông ta kêu gọi cử tri, thực hiện phong trào: “Không biết, không bầu”...

          Phong trào “Không biết, không bầu” là rất thâm độc. Nó không chỉ cổ xúy cho chủ nghĩa “tự do” tùy tiện và chủ nghĩa dân túy đang là ác mộng của nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, “không biết, không bầu” là đi ngược lại với hiến pháp và luật quy định về bầu cử ĐBQH và HĐND. Thế nên, nếu thực hiện phong trào tự phát “không biết không bầu” thì tự mình đã đánh mất quyền công dân, quyền cử tri mà pháp luật đã quy định. Mặt khác, việc phát tán thông tin sai lệch, trái luật khiến cho nhiều người nhầm tưởng, hiểu sai về chế độ chính trị ở Việt Nam, cổ xúy cho phòng trào dân chủ quá trớn, gây bất ổn xã hội. Bên cạnh đó, thông qua “không biết, không bầu”, các “dân chủ cuội” còn muốn hạ thấp uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Qua đó, ngăn cản sự hợp tác của các nước trên thế giới với Việt Nam. Điều đó, kéo theo nhiều hệ lụy như người dân mất việc làm, thu nhập không ổn định, kinh tế chậm phát triển, làm giảm động lực hướng tới khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường.

          Nêu cao tinh thần cảnh giác đối với những chiêu trò phá hoại cuộc bầu cử Đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam. Chính vì thế, hơn ai hết, mỗi người dân cần phải sáng suốt nhìn nhận bản chất của những thế lực thù địch, của những đối tượng phản động, nhận diện được mưu đồ của chúng để đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Sự đồng thuận, đồng lòng, ủng hộ của mỗi người dân chính là sức mạnh to lớn để Đảng ta vững vàng chèo lái, dẫn dắt đất nước vượt qua khó khăn. Đất nước ổn định, kinh tế phát triển là điều mà ai cũng mong muốn, chỉ có những kẻ thù địch, phản động mới muốn chia rẽ, chống phá hòng thực hiện mưu đồ đen tối của chúng. Những gì mà chúng ta đang làm, được cả thế giới ghi nhận là câu trả lời đanh thép cho những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước cùng với lòng yêu nước, sự đoàn kết đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

An Nam

Các tin khác

  • Bài học về phát huy sức mạnh “lòng dân” trong cách mạng tháng 8/1945 (09/08/2023)
  • Ngăn “bệnh xa dân” (18/07/2023)
  • Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ Đảng (03/02/2023)
  • Niềm tin không thể xói mòn (13/11/2022)
  • “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng” (01/02/2022)
  • Ứng xử văn hóa trong môi trường mạng xã hội (12/12/2021)
  • Âm nhạc góp sức xây dựng “vùng xanh” tinh thần chiến thắng dịch bệnh (24/09/2021)
  • Vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống dịch covid-19 hiện nay (23/09/2021)
  • Cảnh giác với chiêu trò bôi nhọ, xuyên tạc thành quả cách mạng tháng Tám (01/09/2021)
  • Dựa vào dân, bài học quý trong công tác phòng chống dịch Covid-19 (30/08/2021)
  • Trang đầu 1234 Trang cuối