Đất và người Long An

Tổng lãnh binh Nguyễn Văn Tiến

09/06/2022 04:03:53PM
Màu chữ Cỡ chữ

     Hàng năm, nhân dân xã Mỹ Lệ huyện Cần Đước, tỉnh Long An cứ đến ngày 3 tháng 10 âm lịch đều chăm lo sửa sang phần mộ lãnh binh Nguyễn Văn Tiến một cách thân tình, chu đáo, tổ chức lễ giỗ trang trọng nhằm ghi nhớ công ơn của ông và những người hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc

Nguyễn Văn Tiến (1848 - 1883), theo Địa chí Long An, cha ông là Nguyễn Văn Xương, một thầy võ nổi tiếng, mẹ tên Phan Thị Yến, ở làng Quảng Tập, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An). Lúc giặc Pháp chiếm Gia Định (28-12-1861), ông mới 13 tuổi. Những biến cố ở trong vùng lúc bấy giờ, như vụ đốt tàu Étxprêrăng nơi vàm Nhựt Tảo, trận công đồn Cần Giuộc oai hùng đã dội vào lòng cậu thiếu niên con nhà võ đất Quảng Tập. Năm l6 tuổi, Nguyễn Văn Tiến bỏ nhà, tham gia chiến đấu trong hàng ngũ nghĩa quân, dưới cờ của Nguyễn Trung Trực. Sẵn lòng căm thù giặc, lại thêm võ nghệ cao cường, Nguyễn Văn Tiến đã tỏ ra là một người chỉ huy xuất sắc, nên được phong là Chưởng cơ, điều khiển cánh nghĩa quân hoạt động ở vùng Tân An, Vàm Cỏ, Cần Đước, Cần Giuộc ngày nay.

Ảnh: từ Đài PTTH Long An

Sau ngày Nguyễn Trung Trực mất (27-10-1868), nghĩa quân tôn ông làm Tổng lãnh binh. Đây cũng là lúc cuộc kháng chiến của nhân dân Lục tỉnh đi vào giai đoạn khó khăn, toàn bộ Nam kỳ rơi vào tay quân Pháp nhiều chỉ huy kháng chiến nổi danh như Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân lần lượt bị giết hoặc bị bắt, bị đày. Bùi Quang Là, một bạn kháng chiến của ông, người đã chỉ huy đánh trận Cần Giuộc nổi tiếng, cũng đã dao động, đầu hàng Pháp. Trong một cuộc gặp gỡ tại cầu Làng, xã Mỹ Lệ, ông Là khuyên ông nên hạ vũ khí, quy thuận giặc đề dân chúng được sống yên ổn và ông cũng sẽ được Pháp trọng dụng, nhưng Nguyễn Văn Tiến kiên quyết chối từ, mặc dù trước đây ông rất khâm phục vị Đốc binh này.

Sau lần hội kiến ấy, Nguyễn Văn Tiến di binh ra vùng Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa. Tuy rất kiên quyết chống giặc, nhưng ông lại độ lượng khoan dung đối với những kẻ lầm đường. Lòng nhân ái và bao dung đó đã có tác dụng mạnh mẽ đến đám “thân binh” theo giặc và gia đình họ lúc bấy giờ.

Trong một trận tập kích bất ngờ ở vùng Bình Đăng (Bình Hưng ngày nay), giặc Pháp bắt được ông. Chúng cho một số bạn bè cũ đã đầu hàng Pháp, được Pháp trọng dụng, đến khuyên dỗ, thuyết phục ông kêu gọi những quân sĩ dưới quyền nên hạ vũ khí ra đầu thú chúng, nhưng trước sau ông đều kiên quyết từ chối.

Thấy không thể lung lạc, lay chuyển được lòng dạ và ý chí của ông, nên sáng ngày 3 tháng 10 năm Quý Mùi (22-11-1883), bọn giặc đã đưa ông ra xử chém ở chợ Trạm.

Ảnh: từ báo Long An

Trước giờ hành quyết, giặc Pháp đã sai người dọn cho ông một mâm cơm thịnh soạn có thịt, có rượu Tây, nhưng ông không ăn, dùng chân đá đổ mâm cơm và chửi thẳng vào mặt bọn cướp nước.

Sau khi giặc Pháp rút đi, bà con trong vùng đã tập trung làm lễ an táng ông rất trọng thể. Nguyễn Văn Tiến hy sinh ở tuổi 35. Ông chết đi, nghĩa quân mất một người chỉ huy tài năng, đồng bào mất đi một người bạn, người thầy giàu lòng ưu ái, một tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Hình ảnh bất tử của người anh hùng chống Pháp vẫn sống mãi trong lòng mọi người dân trong vùng. Hàng năm, đồng bào xã Mỹ Lệ, huyệ Cần Đước cứ đến ngày 3 tháng 10 âm lịch đều chăm lo sửa sang phần mộ một cách thân tình, chu đáo, tổ chức lễ giỗ trang trọng nhằm ghi nhớ công ơn của ông và những người hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc

Mộ và lăng thờ ông ở cách chợ Trạm 200m, thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Trên mộ chí có ghi dòng chữ: “VIỆT NAM ÁI QUỐC TỔNG LÃNH BINH NGUYỄN VĂN TIẾN, SINH NĂM 1848. VỊ QUỐC VONG THÂN NGÀY 3 THÁNG 10 NĂM QUÝ MÙI, TỨC 22-11-1883”.

Trung Ngô

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối