Đất và người Long An

Tổng Bí thư Trường Chinh

29/12/2022 02:47:51PM
Màu chữ Cỡ chữ

    Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp kiệt xuất cho cách mạng Việt Nam. Từ năm 1940-12/1986, đồng chí Đặng Xuân Khu - Trường Chinh có 46 năm liên tục là Ủy viên Thường vụ - Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng; 8 tháng làm Quyền Tổng Bí thư (9-1940 - 5-1941), 15 năm làm Tổng Bí thư lần thứ nhất (1941 - 1956) và từ tháng 7 – 12/1986, làm Tổng Bí thư lần thứ hai trong vòng 5 tháng.

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 09/02/1907 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trong dòng họ khoa bảng, nhiều người học rộng tài cao. Từ nhỏ, Đặng Xuân Khu được cha và ông nội dạy chữ Nho, đã đọc được Tứ Thư, Ngũ Kinh. Năm 1923, Đặng Xuân Khu học Trường Thành Chung ở thành phố Nam Định, bắt đầu tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng, là người tổ chức cuộc bãi khóa để đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Châu Trinh tại trường. Từ năm 1927 – 1929 Đặng Xuân Khu lên Hà Nội xin vào học tại Trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương. Năm 1927, Đặng Xuân Khu được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Anh hoạt động tích cực trong Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, anh sáng lập và làm Tổng biên tập của báo Dân cày, Người sinh viên. Khi báo Búa liềm - cơ quan ngôn luận của Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, Đặng Xuân Khu làm biên tập viên cho tờ báo và là thành viên tích cực của Đông Dương Cộng sản Đảng, trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập đầu năm 1930.

Ngày 14/11/1930, mật thám Pháp bắt được đồng chí, tòa án thực dân kết án đồng chí 12 năm tù đày ở Hỏa Lò - Hà Nội, lên Nhà tù Sơn La rồi lại quay về nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội. Ngày 29/9/1936, đồng chí Đặng Xuân Khu cùng nhiều đồng chí khác được thả tự do.

Từ năm 1936-1939, đồng chí hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp ở Hà Nội, phụ trách báo chí công khai của Xử ủy Bắc Kỳ. Khi Ủy ban sáng kiến - tên gọi của Ban Vận động tái lập Xử ủy Bắc Kỳ ra đời, đồng chí Đặng Xuân Khu là thành viên hoạt động công khai của Ủy ban, phân công đảm trách cơ quan tuyên truyền. Tháng 3/1937, Xứ ủy Bắc Kỳ được lập lại, Đặng Xuân Khu làm Xứ ủy viên phụ trách hoạt động tuyên truyền công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp. Đồng chí là đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương trong Ủy ban Mặt trận Dân chủ Bắc Kỳ. Thời kỳ vận động cách mạng 1936 - 1939, đồng chí là biểu tượng của Đảng trên mặt trận báo chí công khai, trực tiếp phụ trách các tờ báo Tin tức, Đời nay, Tập mới, Notre Voix (Tiếng nói chúng ta), Ngày mới và Người mới; cùng với đồng chí Võ Nguyên Giáp viết cuốn sách nổi tiếng Vấn đề dân cày 2 tập (bút danh là Qua Ninh - Vân Đình). Đầu năm 1940, khi Đảng rút vào hoạt động bí mật, đồng chí đã trực tiếp chỉ thị và trực tiếp xây dựng căn cứ An toàn khu ở ngoại thành Hà Nội và vùng phụ cận, tiếp tục cho xuất bản báo Giải phóng - cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Bắc Kỳ - trực tiếp làm chủ bút.

Cuối năm 1939, đầu 1940, tại Sài Gòn - Gia Định, hầu hết cán bộ lãnh đạo của Đảng bị địch bắt, tổ chức bị vỡ, Ban Chấp hành Trung ương không còn. Vì vậy, ở vùng lân cận Hà Nội, các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hạ Bá Cang, Đặng Xuân Khu thống nhất phải lập lại Ban Chấp hành Trung ương để lãnh đạo phong trào cách mạng. Đầu tháng 9/1940, tại làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã diễn ra Hội nghị khôi phục lại Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Các đồng chí Đặng Xuân Khu, Hoàng Văn Thụ, Hạ Bá Cang được bầu vào Ban Thường vụ, đồng chí Đăng Xuân Khu làm quyền Tổng Bí thư của Đảng. Sau Hội nghị Trung ương, Quyền Tổng Bí thư Đặng Xuân Khu đã để nghị đồng chí Hoàng Văn Thụ sang Trung Quốc đón đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước.

Ngày 28/01/1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc ở Cao Bằng và bắt tay vào chuẩn bị Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Quyền Tổng Bí thư Trường Chinh và Thường vụ Trung ương đã soạn thảo các văn kiện cho hội nghị sắp tới. Từ ngày 10 - 19/5/1941, tại rừng Khuổi Nậm, Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau 10 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương đã quyết định nhiều vấn đề hệ trong mang tầm vóc của một Đại hội Đảng. Hội nghị đã thông qua Nghị quyết, Điều lệ tóm tắt của Đảng, Vấn đề Đảng, Chương trình Việt Minh,... Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ do đồng chí Đặng Xuân Khu làm Tổng Bí thư, kiêm Trưởng ban Tuyên huấn, Trưởng ban công vận Trung ương, chủ bút báo Cờ Giải phóngTạp chí Cộng sản.

Trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Đặng Xuân Khu chủ trì nhiều Hội nghị Thường vụ Trung ương để ra nhiều chủ trương cần kíp để toàn Đảng thực hiện. Đặc biệt năm 1943 đồng chí đã trực tiếp soạn thảo để Hội nghị Thường vụ Trung ương thông qua Để cương Văn hóa Việt Nam còn nguyên giá trị cho đến tận ngày nay.

Từ sau Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, cơ quan lãnh đạo của Đảng chịu tổn thất nặng nề. Đồng chí Phùng Chí Kiên - Ủy viên Trung ương Đảng hy sinh, đồng chí Hoàng Văn Thụ - Ủy viên Thường vụ Trung ương bị xử bắn. Cuối năm 1944, đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Thường vụ Trung ương được cử sang Trung Quốc công tác, gần giữa năm 1945 mới về nước. Đặc biệt lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cũng hai lần sang Trung Quốc (8/1942 – 10/1944), (02/1945 – 5/1945) và bị chính quyền Tưởng Giới Thạch cầm tù 14 tháng. Vì vậy toàn bộ công việc hệ trọng của Đảng giai đoạn này để tiến tới Tổng khởi nghĩa gần như trên vai Tổng Bí thư Trường Chinh.

Năm 1943, Tòa án binh Hà Nội xét xử vắng mặt kết án đồng chí tử hình.

Ngày 28/01/1945, lần đầu tiên trên báo Cờ giải phóng: số 10, xuất hiện bút danh Trường Chinh. Cái tên Trường Chinh gắn với đồng chí Tổng Bí thư từ đây cho đến tận ngày nay.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Trường Chỉnh, ngày 7/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa và ngày 10/8 ra Lời kêu gọi “Sắm vũ khí! Đuổi thù chung”. Đêm 09/3/1945, Tổng Bí thư Trường Chỉnh triệu tập Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng để ra chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, chủ trương “Đánh đuổi phát xít Nhật” và phát động cao trào cách mạng “kháng Nhật, cứu nước” Từ ngày 15- 20/4/1945, tại Hạ Hòa - Bắc Giang thuộc ATK2, đồng chí Trường Chinh triệu tập và chủ trì Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ để chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, đã xác định: “Đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp trong lúc này”

Đảng đã thành lập, tổ chức lại các chiến khu, củng cố mạnh mẽ hệ thống tổ chức Đảng và hệ thống tổ chức của Mặt trận Việt Minh để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị về việc tổ chức các Ủy ban giải phóng dân tộc. Ngày 04/6/1945, Tổng bộ Việt Minh thành lập Khu giải phóng Việt Bắc. Ngày 12/8/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng Tổng Bí thư Trường Chinh và Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định Tổng khởi nghĩa. Ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc gồm 5 người được thành lập do đồng chí Trường Chinh phụ trách và 23 giờ đêm ra Quân lệnh số 1 hạ lệnh Tống khởi nghĩa.

Từ ngày 13 - 18/8/1945 tại Tân Trào - Tuyên Quang điển ra hai sự kiện lớn, đó là Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc đân Đại hội do lãnh tụ Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh chủ trì quyết định kế hoạch Tổng khởi nghĩa trong cả nước, cử ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam có chức năng như Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên, do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và đồng chí Trường Chinh làm Ủy viên. Sau hội nghị, Đảng ra lời hiệu triệu, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi cả nước Tổng khởi nghĩa. Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra và thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân.

Nhà Lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh

Mặc dù là Tổng Bí thư của Đảng, nhưng khi thành lập Chính phủ lâm thời và các Chính phủ liên hiệp sau này, đồng chí không tham gia để Chủ tịch Hồ Chí Minh mở rộng thành phần Chính phủ. Đồng chí chỉ tham gia Ủy ban Kiến thiết quốc gia và Ủy ban soạn thảo Hiến pháp,

Trong những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ, cho đến khi bước vào toàn quốc kháng chiến, đồng chí Trường Chinh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết sách lịch sử. Ngày 11/11/1945, Đảng tuyên bố giải tán để rút và hoạt động bí mật phục vụ cho việc bảo vệ chế độ mới và thành lập Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, thành lập báo Sự thật và Nhà xuất bản Sự thật do Tổng Bí thư trực tiếp phụ trách, kế tục báo Cờ giải phóng. Ngày 25/11/1945, Đảng ra chỉ thị Kháng chiến kiến quốc. Trong suốt năm 1946, đồng chí Trường Chinh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng làm hết sức mình để bảo vệ nền độc lập non trẻ vừa giành được. Ngày 06/3/1946, Chính phủ Hồ Chí Minh ký với Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ, thì ngày 09/3/1946, Tổng Bí thư Trường Chính thay mặt Thường vụ Trung ương ký ban hành Chỉ thị Hòa để tiến. Sau những nỗ lực ngoại giao bất thành, chiến tranh với Pháp là không thể tránh khỏi, trong hai ngày 18-19/12/1946, Thường vụ Trung ương họp quyết định tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc và ban hành Chỉ thị Toàn dân kháng chiến. Ngay trong đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Để phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và tự lực cánh sinh, tháng 3/1947, Tổng Bí thư Trường Chinh cho công bố tác phẩm rất nổi tiếng Kháng chiến nhất định thắng lợi trình bày đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng.

Từ ngày 11-19/12/1951, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ hai diễn ra tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Trường Chinh tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư.

Có thể nói, Tổng Bí thư Trường Chinh cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) lâu dài và gian khổ đưa đến thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đuổi đế quốc Pháp ra khỏi bán đảo Đông Dương.

Từ ngày 25/8-05/10/1956, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương mở rộng đã họp và đồng ý để đồng chí Trường Chinh thôi giữ chức Tổng Bí thư (chỉ còn là thành viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư).

Tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa I họp tháng 4/1958, đồng chí Trường Chinh được phê chuẩn giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách văn hóa, khoa học, giáo dục. Đến kỳ họp thứ chín, họp tháng 12/1958, Quốc hội phê chuẩn đồng chí kiêm thêm chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II họp từ ngày 06 - 15/7/1960, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội và liên tục giữ chức vụ này suốt bốn khóa Quốc hội: khóa II (1960 - 1964), khóa III (1964 - 1971), khóa IV (1971 - 1975), khóa V (1975 - 1976).

Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí Trường Chinh tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Trung ương bầu lại vào Bộ Chính trị; được phân công công tác Quốc hội, công tác lý luận và công tác lịch sử Đảng.

Ngày 25/4/1976 đã diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội chung cho cả nước. Từ ngày 24/6-03/7/1976, Quốc hội chung thống nhất, dưới sự chủ trì của đồng chí Trường Chinh đã họp tại Hội trường Ba Đình - Hà Nội. Quốc hội đã quyết định đồng chí Trường Chinh là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bầu đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch Ủy ban dự thảo Hiến pháp mới thay thế Hiến pháp 1959.

Tháng 12/1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đã bầu đồng chí Trường Chinh vào Ban Chấp hành Trung ương và Ban Chấp hành Trung ương bầu lại đồng chí vào Bộ Chính trị, được tiếp tục phân công phụ trách công tác Quốc hội, Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng và Trưởng ban Lý luận của Đảng.

Ngày 18/12/1980, dưới sự chủ trì soạn thảo của đồng chí Trường Chinh, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa VI thông qua - gọi tắt là Hiến pháp 1980.

Tháng 3/1982, trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Quốc phòng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã tiếp tục tín nhiệm bầu đồng chí Trường Chinh vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, do đồng chí Lê Duẩn làm Tổng Bí thư.

Ngày 10/7/1986, Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời tại Hà Nội. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt bầu đồng chí Trường Chỉnh làm Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn.

Tháng 12/1986 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư. Đồng chí Trường Chinh làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, giao trọng trách Phó ban soạn thảo Cương lĩnh và Chiến lược kinh tế kiêm Trưởng tiểu ban Cương lĩnh của Đảng. Ngày 30/9/1988, đồng chí Trường Chinh qua đời tại Hà Nội.

Không chỉ là lãnh tụ của Đảng, đồng chỉ Trường Chinh còn là nhà lý luận, nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn trong thế kỷ XX. Một số tác phẩm tiêu biểu của Tổng Bí thư Trường Chinh có thể kể đến: Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (1945), Kháng chiến nhất định thắng lợi, Thơ Sóng Hồng... Sau khi đồng chí qua đời, các trước tác của đồng chí Trường Chinh được Nxb. Chính trị quốc gia xuất bản thành bộ Trường Chinh tuyển tập gồm 3 tập dày hơn 3.000 trang khổ lớn.

Trung Ngô

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối