Đất và người Long An

Tổng Bí thư Trần Phú

16/12/2022 09:55:18AM
Màu chữ Cỡ chữ

    Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, trong điều kiện hoạt động bí mật, bị mật thám Pháp truy lùng gắt gao, đồng chí Trần Phú đã có những cống hiến xuất sắc cho cách mạng Việt Nam, củng cố, xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, lập lại hệ thống Xứ ủy cả ba miền, thống nhất hệ thống tổ chức từ Trung ương đến Xứ ủy, Tỉnh ủy và chi bộ.

Đồng chí chí Trần Phú sinh năm 1904 trong một gia đình giàu truyền thống khoa bảng, yêu nước tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ của đồng chị là cụ Trần Văn Phổ, đậu Tú tài năm 1888 và đậu Giải nguyên năm 1897, được vua phong Hàn lâm viện trước tác chuyên giúp vua soạn các văn kiện, chỉ dụ, sắc phong. Thân mẫu là cụ Hoàng Thị Cát quê ở xã Châu Dương, huyện Nghỉ Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đồng chí Trần Phú là người con thứ bảy trong gia đình có tám anh chị em.

Năm 1901, cụ Trần Văn Phổ từ Quảng Ngãi được điều về làm Giáo thụ ở Phú Yên nên mang cả gia đình vào đây. Năm 1904, đồng chí Trần Phú được sinh ra ở Phú Yên. Năm 1906, gia đình lại chuyển ra Đức Phổ, Quảng Ngãi vì cụ Trần Văn Phổ được triểu đình bổ làm Tri huyện. Do phẫn uất với triều đình đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân chống sưu cao, thuế nặng, cụ đã tuẫn tiết tại công đường.

Năm 1910, bà Hoàng Thị Cát qua đời, vì vậy đồng chí và người em trai ra Quảng Trị sống với anh trai, chị gái và được cho học hành đến nơi đến chốn. Ở Quảng Trị, đồng chí học hết lớp dự bị rồi vào Huế học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba 4 năm cho đến khi tốt nghiệp. Từ năm 1918 đến năm 1922, đồng chí Trần Phú học ở Trường Quốc học Huế - ngôi trường nổi tiếng nhất miền Trung. Tháng 6 năm 1922, đồng chí tốt nghiệp bậc Thành chung và tháng 9 năm 1922 được bổ về dạy học tại Trường tiểu học Cao Xuân Dục ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Đồng chí Trần Phú tiếp tục tham gia phong trào yêu nước, gia nhập Hội Phục Việt, sau đổi là Hội Hưng Nam rồi Việt Nam cách mạng Đảng.

Khu nhà giam bệnh viên Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú bị giam và hy sinh. Ảnh Từ Internet

Năm 1924 đồng chí Trần Phú xin về làm việc tại Văn phòng đốc học tỉnh Nghệ An. Tháng 9 năm 1925, đồng chí được cử sang Lào để vận động đồng bào Việt kiểu hoạt động cách mạng. Năm 1926, cụ Phan Châu Trinh qua đời tại Sài Gòn. Nhân đám tang cụ, cả nước bùng lên phong trào yêu nước. Tại Vinh, Hội Hưng Nam tổ chức truy điệu cụ ở chùa Diệc.

Ngày 14 tháng 6 năm 1925, tại Quảng Châu Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên mà hạt nhân là Cộng sản Đoàn, ra báo Thanh niên và tích cực hoạt động truyền bá cách mạng theo đường lối vô sản về nước. Tháng 6 năm 1926, Hội Hưng Nam cử đồng chí Trần Phú, Tôn Quang Phiệt, Hoàng Văn sang Quảng Châu liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Cuối tháng 7 năm 1926, đồng chí Trần Phú gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tại đây, đồng chí được dự lớp huấn luyện chính trị khóa II gồm 15 học viên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy về con đường cách mạng Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đặt tên mới cho đồng chí Trần Phú là Lý Quý. Sau hai tháng huấn luyện, tháng 10 năm 1926, đồng chí Trần Phú được cử về Trung Kỳ hoạt động. Tháng 12 năm 1926, do bị mật thám Pháp vây ráp nên đồng chí đã quay trở lại Quảng Châu. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc cử đồng chí sang Liên Xô đào tạo trở thành cán bộ lãnh đạo cách mạng sau nảy.

Tháng 01 năm 1927, đồng chí đến Moscow, tháng 02 năm 1927 đồng chí Trần Phú trở thành học viên của Trường Đại học Phương Đông, khóa học 3 năm. Ngay năm học đầu tiên, đồng chị Trần Phú đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô. Lúc này tại Trường Đại học Phương Đông, ngoài đồng chí Trần Phú còn có các đồng chí Nguyễn Thế Rục, Nguyễn Thế Vinh, Bùi Lâm và Ngô Đức Trì được Đảng Cộng sản Pháp cử sang học.

Khi từ Trung Quốc trở lại Liên Xô vào giữa năm 1927, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết thư cho tổ chức đảng của Trường Đại học Phương Đông thông báo Ban Phương Đông, Ban Bí thư La tinh của Quốc tế Cộng sản và đại diện Đảng Cộng sản Pháp ở Ban Chấp hành đã thành lập tại trường một nhóm cộng sản An Nam gồm các đồng chí Trần Phú, Nguyễn Thế Rục, Bùi Công Trừng, Bùi Lâm và Ngô Đức Trì do đồng chí Trần Phú là Bí thư của nhóm. Năm 1929, nhóm sinh viên Việt Nam của trường đã quyết định dịch các tác phẩm: ABC của chủ nghĩa cộng sản, Nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, Cơ cấu của Đảng, Vấn đề dân tộc,... ra tiếng Việt. Đồng chí Trần Phú được cử tham gia dịch thuật và thẩm định bản dịch.

Sau 3 năm kết thúc khóa học học tại Trường Đại học Phương Đông, đồng chí Trấn Phú được nhận xét: “Năng động. Kinh nghiệm thực tế còn chưa nhiều. Tham gia đều đặn các buổi sinh hoạt tập thể, Học tập nghiêm túc. Có sáng kiến. Có khả năng độc lập công tác. Kiên nghị.”

Trong 3 năm đồng chí Trần Phú học tập tại Liên Xô cũng là thời kỳ chuẩn bị diễn ra Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, xu hướng “tả khuynh” chi phối phong trào Cộng sản quốc tế. Học viên của Trường Đại học Phương Đông được giảng dạy và thảo luận kỹ về đường lối của Quốc tế Cộng sản. Với tính nguyên tắc và ý thức tổ chức kỷ luật cao, đồng chí Trần Phú đã nghiên cứu, tiếp nhận và quán triệt đầy đủ các nghị quyết của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, cả phần đúng đắn lẫn những điểm hạn chế của nó. Có thể nói, ngoài lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Phú là lớp cộng sản đầu tiên được đào tạo bài bản có hệ thống và kỹ lưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm cách mạng quốc tế.

Để chuẩn bị cho nhóm cộng sản Việt Nam vừa hoàn thành khóa học về nước hoạt động, ngày 27 tháng 10 năm 1929, Quốc tế Cộng sản soạn thảo bản Chỉ thị việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 11 năm 1929, đồng chí Trần Phú cùng Ngô Đức Trì mang bản Chỉ thị này từ Moscow về nước qua con đường từ Pháp về Sài Gòn. Khi đến Pháp, đồng chí Trần Phú được Quốc tế Cộng sản giao thêm tài liệu dài 48 trang với nhan đề Về những nhiệm vụ trước mắt của những người cộng sản Đông Dương soạn thảo ngày 23 tháng 11 năm 1929. Đây là hai cẩm nang dẫn đường cho đồng chí Trần Phú thực hiện khi về nước hoạt động.

Tháng 02 năm 1930 đồng chí về đến Sài Gòn khi cuộc bạo động Yên Bái và cuộc nổi dậy của công nhân cao su Phú Riềng bùng nổ, thực dân Pháp khủng bố bắt gắt gao những người yêu nước. Ngày 10 tháng 02 năm 1930, đồng chí Trần Phú lên tàu đi Hong Kong và may mắn gặp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Lúc này ở Hong Kong, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cũng vừa triệu tập các tổ chức cộng sản ở Việt Nam họp Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã phân công đồng chí Trần Phú về hoạt động ở Bắc Kỳ và viết thư giới thiệu với Ban Chấp ủy lâm thời của Đảng đang hoạt động tại Hà Nội.

Tháng 4 năm 1230, từ Hong Kong, đồng chí Trần Phú xuống tàu về Hải Phòng rồi lên ngay Hà Nội, sau đó tiếp tục đi một loạt các tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng Hòn Gai để khảo sát phong trào công nhân. Sau mấy tháng liền đi khảo sát tình hình, tháng 7 năm 1930, đồng chí Trần Phú trở lại Hà Nội và được bổ sung vào Ban Chấp ủy lâm thời của Đảng, bắt tay vào soạn thảo Luận cương Chính trị. Đồng chí được bố trí ở ngay tại nhà của viên chức cấp cao là thanh tra Sở Tài chính người Pháp ở 90 phố Thợ Nhuộm ngày nay, giáp phố Quang Trung - Hà Nội, là cơ sở tin cậy của Trung ương Đảng. Từ những chỉ thị và tài liệu của Quốc tế Cộng sản, quá trình đi khảo sát tình hình các địa phương Bắc Bộ cùng việc trao đổi thống nhất với các đồng chí trong Ban Chấp ủy lâm thời, tại số nhà 90 phố Thợ Nhuộm thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), đồng chí Trần Phú đã hoàn thành dự thảo Luận cương chính trị của Đảng, phản ánh trung thành quan điểm và đường lối tả khuynh của Quốc tế Cộng sản.

Tháng 10 năm 1930, tại Hong Kong - Trung Quốc đã diễn ra Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức gồm bảy đồng chí do đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư. Hội nghị đã thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú trình bày, thông qua Án nghị quyết của Trung tương toàn thể đại hội nói về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, Điều lệ Đảng, Điều lệ của các tổ chức quần chúng... Hội nghị cũng ra án nghị quyết thủ tiêu Chính cương văn tắt, Sách lược vẫn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Đại hội thành lập Đảng thông qua vào đầu năm 1930. Hội nghị cũng quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Theo nhiều tài liệu, đồng chí Nguyễn Ái Quốc có tham gia hội nghị này.

Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, trong điều kiện hoạt động bí mật, bị mật thám Pháp truy lùng gắt gao, đồng chí Trần Phú đã có những cống hiến xuất sắc cho cách mạng Việt Nam, củng cố, xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, lập lại hệ thống Xứ ủy cả ba miền, thống nhất hệ thống tổ chức từ Trung ương đến Xứ ủy, Tỉnh ủy và chi bộ.

Tổng Bí thư Trần Phú đã chủ trì nhiều cuộc họp của Thường vụ Trung ương và tổ chức thành công Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương họp từ ngày 20 đến 26 tháng 3 năm 1931 tại đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Với sự đóng góp của Tổng Bí thư Trần Phú, ngày 11 tháng 4 năm 1931, Hội nghị lần thứ XI Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản công nhận: “Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là một chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp từ nay được công nhận là chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản”.

Sau Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lần lượt các đồng chí lãnh đạo của Đảng bị bắt. Đến sáng ngày 18 tháng 4 năm 1931, tại cơ quan in ấn của Đảng ở số nhà 66 phố Champagne, nay là đường Lý Chính Thắng, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trần Phú bị mật thám bắt. Kẻ thù đã giam cầm đồng chí từ bốt Pôlô, bốt Catinat rồi cuối cùng chúng biệt giam ở Khám Lớn - Sài Gòn. Do sự tra tấn tàn bạo của kẻ thù và chế độ lao tù hà khắc, ngày 06 tháng 9 năm 1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán với lời nhắn gửi đến những người đồng chí: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Sau 67 năm ngày Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh, đầu năm 1999 gia đình đã tìm được phần mộ của đồng chí tại Nghĩa trang Chợ Quán, nay là Công viên văn hóa Lê Thị Riêng, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 12 tháng 01 năm 1999 để tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của đồng chí Trần Phú đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, Đảng và Nhà nước quyết định tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí tại Thành phố Hồ Chí Minh và thể theo nguyện vọng của gia quyến, dòng họ đồng chí Trần Phú, Đảng và Nhà nước tổ chức đi dời hài cốt đồng chí Trần Phú về an táng tại quê hương Hà Tĩnh.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối