Đất và người Long An

Tổng Bí thư Lê Duẩn

27/12/2022 02:43:38PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Đồng chí Lê Duẩn có tới hai lần làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, một lần làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, 35 năm liên tục là Ủy viên Bộ Chính trị (1951 - 1986), 26 năm là Tổng Bí thư của Đảng. đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 07 tháng 4 năm 1907 tại làng Bích La Đông, tổng Bích La, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (nay là làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Năm 1914, Lê Văn Nhuận học ở trường phủ Triệu Phong bậc Sơ học yếu lược và năm 1920 lên học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt tỉnh Quảng Trị. Năm 1923, Lê Văn Nhuận vào Huế thi vào Trường Quốc học. Trong thời gian ở Huế, Lê Văn Nhuận tham gia phong trào yêu nước ở đất đế đô.

Tháng 5 năm 1926, Lê Văn Nhuận xin vào làm ở ga xe lửa Đà Nẵng, tham gia nhóm thanh niên yêu nước và cách mạng - nhóm Bưu điện Đà Nẵng, Lê Văn Nhuận là một trong những người lãnh đạo của hội này.

Năm 1927, chủ nhà ga Đà Nẵng điều động Lê Văn Nhuận ra Hà Nội. Trước ra Hà Nội, Lê Văn Nhuận lấy tên là Lê Duẩn. Tại Hà Nội, năm 1928, Lê Duẩn gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng, sau đó chuyển sang gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên.

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Lê Duẩn thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, sinh hoạt tại Đảng bộ Hà Nội. Sau hội nghị tháng 10 năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương có Ban Chấp hành Trung ương chính thức. Đồng chí Lê Duẩn được phân công làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. Ngày 20 tháng 4 năm 1931, toàn bộ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ gồm các đồng chí Trịnh Đình Cửu, Lê Duẩn, Triệu Thị Đỉnh, Nguyễn Thị Lệ bị mật thám bắt. Chúng đưa những chiến sĩ cộng sản về giam, tra tấn dã man tại nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội. Ngày 15 tháng 11 năm 1931, Hội đồng đề hình Hà Nội mở phiên tòa xét xử 102 tù nhân, trong đó có 86 chiến sĩ cộng sản. Sau ba ngày xét xử, những người cộng sản bị khép tội “xúi giục dân phản loạn”, kết án nặng nề, nhiều người bị tử hình như Nguyễn Đức Cảnh, Hồ Ngọc Lân, riêng đồng chí Lê Duẩn bị tòa kết án 20 năm tù cấm cố, định đày đi Côn Đảo. Nhưng vì chưa có tàu biển, đồng chí Lê Duẩn bị địch giam ở Hỏa Lò đến tháng 02 năm 1933 rồi đày đi biệt giam ở Nhà tù Sơn La giữa núi rừng Tây Bắc. Đến tháng 11 năm 1933, địch đưa từ Sơn La đi Côn Đảo. Trong lao tù, đồng chí Lê Duẩn có điều kiện gặp gỡ hầu hết các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước sau này, trở thành những người đồng chí thân thiết, những cộng sự đắc lực của ông như các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh,...

Năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền, đã thi hành chính sách ân xá tù binh chính trị ở Đông Dương. Tháng 10 năm 1936, đồng chí Lê Duẩn được thả. Tháng 10 năm 1936, đồng chí Lê Duẩn về quê hương Quảng Trị bắt tay phục hồi cơ sở cách mạng. Tháng 6 năm 1937, đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị để bầu Ban Chấp hành và Bí thư Tỉnh ủy. Từ cuối năm 1936 đến năm 1939, đồng chí Lê Duẩn cùng các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu trở thành linh hồn của phong trào cách mạng khắp các tỉnh miền Trung gồm Quảng Trị, Huế, Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam. Ngày 20 tháng 3 năm 1937, Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ được lập lại gồm các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn do đồng chí Nguyễn Chí Diểu làm Bí thư Xứ ủy. Khoảng tháng 9 năm 1937, do bị bệnh nặng, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã ủy quyền cho đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy. Tháng 3 năm 1938, Xứ ủy Trung Kỳ chính thức được lập lại, đồng chí Lê Duẩn được cử làm Bí thư Xứ ủy.

Khi phong trào cách mạng ở Trung Kỳ đang phát triển, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập đồng chí Phan Đăng Lưu và đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn - Gia Định, phân công đồng chí ở lại cơ quan Trung ương để chuẩn bị các văn kiện trình Hội nghị Trung ương sắp tới. Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp từ ngày 06 đến ngày 08 tháng 11 năm 1939, tại Mười tám thôn Vườn Trầu, huyện Hóc Môn, Gia Định, gồm các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần. Sau hội nghị, đồng chí Lê Duẩn ở lại cơ quan của Trung ương Đảng để cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ điều hành công việc chung của Đảng.

Ngày 18 tháng 01 năm 1940, tại cơ quan bí mật của Trung ương Đảng, mật thám Pháp đã vây bắt được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn và một cán bộ giúp việc. Sau một thời gian bị địch giam cầm ở Khám Lớn - Sài Gòn, Tòa án Pháp kết án đồng chí Nguyễn Văn Cừ tội tử hình, đồng chí Lê Duẩn 5 năm tù giam, 10 năm quản thúc và đày đi Côn Đảo. Đây là lần thứ hai đồng chí Lê Duẩn bị thực dân Pháp đày đi Côn Đảo. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ngày 17 tháng 9 năm 1945, Ủy ban nhân dân Nam Bộ cử phái đoàn đưa tàu ra Côn Đảo đón các chiến sĩ cách mạng đang bị tù đày ở đây về đất liền, đồng chí Lê Duẩn được phân công công tác tại Sài Gòn.

Ngày 15 tháng 10 năm 1945, tại Cầu Vĩ - Mỹ Tho, Hội nghị cán bộ toàn xứ được triệu tập. Hội nghị đã bầu Xứ ủy Nam Bộ thống nhất gồm đại diện của Xứ ủy Tiền Phong, Xứ ủy Giải Phóng và các chiến sĩ cộng sản từ Côn Đảo trở về. Xứ ủy thống nhất gồm 11 người, do đồng chí Tôn Đức Thắng làm Bí thư. Ngày 25 tháng 10 năm 1945, đồng chí Hoàng Quốc Việt - Thường vụ Trung ương Đảng từ Hà Nội được Trung ương phái vào Nam Bộ chỉ đạo triệu tập hội nghị cán bộ toàn Xứ lần thứ hai tại Thiên Hộ - Cái Bè, Mỹ Tho. Tại hội nghị, Bí thư Xứ ủy Tôn Đức Thắng giới thiệu đồng chí Lê Duẩn thay mình làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Như vậy từ thời điểm này đồng chí Lê Duẩn nhận trọng trách làm Bí thư Xứ ủy.

Cuối tháng 01 năm 1946, đồng chí Lê Duẩn và nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của chiến trường Nam Bộ theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng lên đường ra Hà Nội học tập, công tác. Tháng 3 năm 1946, đồng chí Lê Duẩn được Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ lại làm việc cùng Người.

Từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 5 năm 1946, Trung ương Đảng triệu tập các đồng chí Nam Bộ ở Hà Nội họp riêng để chấn chỉnh công tác tố chức của Nam Bộ. Sau hội nghị, ngày 30 tháng 5 năm 1946, Tổng Bí thư Trường Chinh ký thông báo gửi “Các đồng chí Xứ ủy Nam Bộ hiện đang hoạt động trong Nam, quyết định của Trung ương cử “ba đồng chí Duẩn, Thập, Châu vào Ủy ban cải tổ Đảng bộ Nam Bộ. Các đồng chí này phải về Nam Bộ cùng các đồng chí hiện đang hoạt động trong Nam thành lập Ủy ban cải tổ Đảng bộ Nam Bộ”, “Lập Xứ ủy lâm thời và đi tới Hội nghị cán bộ toàn kỳ để cử ra Xứ ủy chính thức”. Trong thời gian ở Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn thực hiện một số nhiệm vụ do Trung ương giao rồi được cử lại Nam Bộ vào đầu năm 1947. Ngày 15 tháng 12 năm 1947, tại căn cứ Quân khu 8 trên kênh Năm Ngàn, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, Đại hội đại biểu Xứ ủy Đảng bộ Nam Bộ đã bầu Xứ ủy Nam Bộ chính thức gồm 17 đồng chí do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh làm Phó Bí thư thường trực Xứ ủy.

Tháng 2 năm 1951, tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Đảng ở chiến khu Việt Bắc, đồng chí Lê Duẩn được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị gồm 8 thành viên, do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư; Ban Bí thư gồm các đồng chí Trường Chỉnh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương. Sau Đại hội, Đảng đã quyết định điều đồng chí Lê Duẩn về Trung ương công tác. Đại hội cũng quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam gồm các đồng chí ủy viên Trung ương đang công tác trên chiến trường Nam Bộ: Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Kỉnh, Hà Huy Giáp.

Tháng 6 năm 1952, đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng đoàn cán bộ rời Nam Bộ ra Việt Bắc. Đầu năm 1954, thể theo nguyện vọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định cử đồng chí về Nam công tác, Tháng 3 năm 1954, đồng chí Lê Duẩn vào tới vùng tự do Liên khu 5 ở Quảng Ngãi, làm việc với Khu ủy Khu 5, trực tiếp phụ trách lớp chỉnh huấn chính trị cho cán bộ trung cao cấp của Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Hiệp định Genève được ký kết năm 1954, đất nước chia làm hai miền. Tháng 8 năm 1954, đồng chí Lê Duẩn bí mật từ cùng các đồng chí Nguyễn Chánh và Nguyễn Thị Thập đi gấp vào Nam Bộ.

Ngày 06 tháng 9 năm 1954, Bộ Chính trị ra chỉ thị về tình hình cách mạng miền Nam gửi cho các cấp bộ Đảng, quyết định: “Cục Trung ương miền Nam, thành lập Xứ ủy Nam Bộ và các Khu ủy”, Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, tháng 10 năm 1954, tại căn cứ Chác Băng trong rừng U Minh, đồng chí Lê Duẩn và Lê Đúc Thọ chủ trì Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Bộ. Hội nghị kéo dài hơn một tháng và đây cũng là hội nghị kết thúc hoạt động Trung ương Cục, tiễn các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Phạm Văn Kinh được phân công tập kết ra Bác. Hội nghị đã bầu đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy; Phạm Hữu Lầu làm Phó Bí thư; Hoàng Dư Khương làm Thường trực Xứ ủy. Hội nghị cũng quyết định phân chia Nam Bộ thành ba Liên Tỉnh ủy và Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, cử các đồng chí tin cậy làm Bí thư. Như vậy một bộ khung cán bộ từ Xứ ủy xuống Liên tỉnh ủy - Khu ủy, Tỉnh ủy, Huyện ủy và chỉ bộ của Nam Bộ được bố trí vững chắc, có khoảng 60 ngàn đảng viên. Từ sau hội nghị này, hệ thống tổ chức Đảng ở Nam Bộ rút vào bí mật.

Trên cương vị là Bí thư Xứ ủy, đồng chí Lê Duẩn đã đi khắp nơi, từ căn cứ U Minh qua các tỉnh miền Tây, lên Sài Gòn, các tỉnh miền Đông để chỉ đạo và thảo luận với các đồng chí lãnh đạo các địa phương về tình hình cách mạng miền Nam trước sự đàn áp khốc liệt của chính quyền Ngô Đình Diệm. Từ thực tiễn chiến trường, đồng chí Bí thư Xứ ủy đi đến nhận định cách mạng miền Nam muốn tiến lên không có con đường nào khác là con đường bạo lực cách mạng, cả bạo lực chính trị lẫn bạo lực vũ trang để đánh đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Được sự giúp đỡ của lãnh đạo Xứ ủy, các Liên tỉnh ủy, Đặc khu ủy và Tỉnh ủy, năm 1956 đồng chí Lê Duẩn hoàn thành Đề cương đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam, sau này gọi tắt là Đề cương cách mạng miền Nam. Bản đề cương này đồng chí Lê Duẩn đã trực tiếp trình bày và được Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ lần thứ hai thảo luận kỹ vào cuối tháng 12 năm 1956, đầu tháng 01 năm 1957.

Đầu năm 1957, đồng chí Lê Duẩn được điều ra Hà Nội để cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tập thể Bộ Chính trị điều hành đất nước.

Tại Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn là một trong những người chủ trì công việc của Đảng. Tháng 11 năm 1958, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II quyết định đồng chí Lê Duẩn, Ủy viên Bộ Chính trị, được tạm thời ủy nhiệm chủ trì công việc của Ban Bí thư. Ngoài trọng trách này, Bộ Chính trị còn giao cho đồng chí đặc trách về cách mạng miền Nam. Trên cương vị mới, đồng chí Lê Duẩn cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tập thể Bộ Chính trị củng cố lại hệ thống tổ chức, bộ máy của Đảng, bí mật chuẩn bị Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 và chuẩn bị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng.

Khu Lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn bên dòng Thạch Hãn

Từ ngày 05 đến ngày 10 tháng 9 năm 1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã họp tại Thủ đô Hà Nội. Tại Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu đồng chí Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng, đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương. Mười sáu năm trên cương vị là Bí thư thứ nhất, sát cánh bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn đã cùng tập thể Bộ Chính trị hoạch định và chỉ đạo thực hiện đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc, đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bảng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, chi viện tối đa sức người sức của cho miền Nam; lãnh đạo quân và dân miền Nam đánh thắng “Chiến tranh đặc biệt; “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, đánh đổ chế độ tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau khi thống nhất nước nhà, tháng 12 năm 1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội quyết định đổi tên Đảng Lao động thành Đảng Cộng sản Việt Nam; Chức danh Tổng Bí thư thay cho chức danh Bí thư thứ nhất. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và giữ cương vị này suốt 10 năm, qua Đại hội V (tháng 3 năm 1982) cho đến khi qua đời. Đây là giai đoạn đất nước bị bao vây cấm vận nặng nề, lại phải trải qua hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu đất nước, cứu dân tộc Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng, tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, phải tìm tòi con đường đổi mới. Ngày 10 tháng 7 năm 1986, sau một thời gian lâm bệnh nặng, Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 79 tuổi. Về mặt Nhà nước, đồng chí Lê Duẩn có tới 26 năm là đại biểu Quốc hội (1960 - 1986) từ khóa II đến khóa VII.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối