Đất và người Long An

Thành cổ Quảng Trị “máu và hoa” - mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật

29/06/2022 04:41:28PM
Màu chữ Cỡ chữ

Sau nhiều năm mong ước mãi, cuối cùng trong chuyến công tác ra miền Trung học tập kinh nghiệm, các thành viên trong Đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An do đồng chí Hoàng Đình Cán - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm trưởng đoàn mới có dịp đến thăm Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị, nơi được mệnh danh “mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật”.

Đồng chí Hoàng Đình Cán - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đặt vòng hoa, thắp hương tưởng niệm tại Đài liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An - người con xa xứ của quê hương Quảng Trị vốn không xa lạ gì với địa danh Thành cổ nhưng vẫn không kiềm được xúc động khi cùng với các thành viên trong đoàn đặt vòng hoa, thắp nén tâm hương trên đài tri ân các liệt sĩ. “Đúng là cảm xúc rất là khó nói khi đặt chân đến Thành cổ Quảng Trị. Tôi là người quê gốc ở Quảng Trị nên không xa lạ gì với địa điểm này, nhưng mỗi lần ghé đến Thành Cổ lại cho tôi một cảm xúc khác nhau, rất tâm linh và cảm động”.

Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị

Mặt trời buổi sớm mai rọi trên Thành cổ Quảng Trị, nắng gió miền Trung tháng 6 thật gắt gao cháy bỏng nhưng các thành viên trong đoàn vẫn chăm chú lắng nghe giọng nói trầm ấm, da diết của cô hướng dẫn viên.

Theo tài liệu lịch sử tại Khu di tích, vào đầu thời Gia Long, Thành cổ Quảng Trị được xây dựng tại phường Tiền Kiên (Triệu Thành – Triệu Phong), đến năm 1809, vua Gia Long cho dời đến xã Thạch Hãn (tức vị trí ngày nay, thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị). Ban đầu thành được đắp bằng đất, tới năm 1837 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Thành có dạng hình vuông, chu vi tường thành là hơn 2.000 m, cao hơn 4 m, dưới chân dày hơn 12 m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài nhô hẳn ra ngoài. Thành cổ là một công trình thành lũy quân sự và là lỵ sở cai trị của Nhà Nguyễn trên địa hạt Quảng Trị. Ðây cũng là trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị thời thuộc Pháp và thời chính quyền miền Nam.

Trong cuộc tổng tấn công giải phóng Quảng Trị năm 1972, Thành cổ là nơi được cả thế giới biết đến bởi những chiến công hiển hách, những tấm gương hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã Quảng Trị 81 ngày đêm lịch sử.

Với cuộc tiến công chiến lược mùa xuân 1972 của bộ đội chủ lực quân giải phóng chỉ trong vòng hơn một tháng (30/3/1972 – 1/5/1972) đã đập tan tuyến phòng thủ chiến lược mạnh nhất của Mỹ – ngụy gồm các tập đoàn phòng ngự, cụm cứ điểm mạnh từ Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà, Ái Tử, thị xã Quảng Trị, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị – một đòn quyết định thắng lợi trên bàn Hội nghị Paris.

Quyết không thể để mất Quảng Trị, một tỉnh địa đầu giới tuyến miền Nam giáp miền Bắc XHCN, trong khi Hội nghị Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam đang đến cần một giải pháp chính trị, Mỹ ngụy tiến hành một cuộc hành quân mang mật danh “Lam Sơn 1972” với dự định trong vòng từ cuối tháng 5/1972 đến giữa tháng 7/1972 sẽ cơ bản chiếm xong.

Hình ảnh tái hiện khốc liệt bên trong Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị

Sau 81 ngày đêm bền bỉ chiến đấu, gan góc, táo bạo, dũng cảm, mưu trí đánh địch phản kích tại thị xã Quảng Trị và Thành cổ, quân và dân Quảng Trị lần lượt bẻ gãy các cuộc tấn công của địch. Trên mảnh đất chưa đầy 4km2 này đã hứng chịu 328.000 tấn bom, trên 1,2 triệu viên đạn pháo các loại và hơn 2 nghìn lượt máy bay oanh kích của giặc Mỹ đã dội xuống, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hirosma, Nhật Bản. Ngày cũng như đêm, trời và đất Quảng Trị đỏ rực một màu của máu và lửa. Các nhà khoa học quân sự ước tính trung bình mỗi chiến sĩ Quân Giải phóng ở Thành cổ phải chịu trên 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Người ta ghi nhận được đêm 4/7/1972, pháo đài B52 Mỹ đã ném 4.000 tấn bom; ngày 31/7/1972, khoảng hai vạn quả đại bác cỡ lớn từ 105mm đến 203mm đã nã xuống khu vực thị xã Quảng Trị; ngày 25/7/1972, địch điên cuồng xả vào Thành cổ khoảng 5.000 quả đại bác. Đã có khoảng 1,8 vạn cán bộ, chiến sỹ nằm lại mãi mãi, máu xương trộn từng tấc đất trong Thành cổ. Chiến công ở Thành cổ Quảng Trị đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam những trang hào hùng đầy máu và lửa.

Với ý nghĩa và tầm vóc chiến công đã được đúc kết bằng xương máu của hàng vạn chiến sĩ cả nước và quân dân Quảng Trị anh hùng, cũng như để bảo tồn một công trình kiến trúc cổ, Thành cổ Quảng Trị cùng với các di tích liên quan được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng di tích Quốc gia theo Quyết định số 235/VH-QĐ ngày 12/12/1986. Ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Số 2383/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972. Thành cổ nằm ở vị trí trung tâm của toàn cụm di tích ở phía Nam tỉnh Quảng Trị như: Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Dinh Ái Tử thời Chúa Nguyễn Hoàng, Sân bay căn cứ Ái Tử thời Mỹ - ngụy, Nhà thờ La Vang, Chùa Sắc Tứ... Đó là chưa kể đến các địa điểm in đậm dấu ấn trận đánh 81 ngày đêm (Ngã ba cầu Ga, bến sông Thạch Hãn, Trường Bồ Đề, Nhà thờ Tri Bưu, Long Hưng, chốt Long Quang) đều rất gần Thành Cổ.

Đài chứng tích Sinh viên – Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972

Đến với Thành cổ Quảng Trị hôm nay không chỉ nhìn lại dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, các cổng tiền, hậu, tả, hữu mà là một bảo tàng sống về ý chí và sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Mỗi tấc đất nơi đây thấm đẩm máu xương của biết bao người con yêu quý trên mọi miền Tổ quốc vì một lý tưởng cao đẹp đó là độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, như câu nói của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn được lưu giữ tại Bảo tàng Thành cổ khi ông về thăm nơi đây: “Chúng ta đã chịu đựng được không phải vì chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.

Tháp chuông Thành cổ Quảng Trị

Năm 2022, là dấu mốc kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972 - 2022). Thời gian tuy đã lùi xa, nhưng sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vẫn vang mãi bản hùng ca bất tử trong lòng chiến sỹ, đồng bào cả nước. Bởi 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị không chỉ đơn thuần là một sự kiện lịch sử mà nó đã trở thành bài học lớn, một bài học giá trị mà cha ông ta đã hun đúc nên từ máu xương, từ lòng quả cảm và tình yêu nước nồng nàn để hôm nay Thành Cổ Quảng Trị trở thành biểu tưởng thiêng liêng “máu và hoa” trong lòng mọi người dân đất Việt.

Các thành viên trong đoàn đứng quây quần dưới chân Thành cổ, như nghe những tiếng người xưa vọng về, có những tiếng nấc nghẹn ngào, những bàn tay lặng lẽ đưa lên lau nước mắt, dù đã thầm nhủ lòng mình “thắp nén nhang và khóc ít thôi”.

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi 
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời cũng tự trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay mạnh cành cây
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay, tôi đến nghẹn ngào...”

(trích trong bài thơ “Tấc đất Thành cổ” của cựu chiến binh Phạm Đình Lân).

Thành cổ Quảng Trị nơi tôn vinh, tri ân cho những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự độc lập tự do của Tổ quốc về sự trường tồn của dân tộc. Nơi đây mãi mãi là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước tinh thần bất khuất kiên trung của cả một dân tộc anh hùng cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.  

P.TTTT & LLCT

-----------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

Sở Văn hóa Thông tin - Bảo tàng Quảng Trị (2004). “Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị”. Sở VHTT Quảng Trị xuất bản, tr. 66.

Trương Minh Tuấn (2012). “Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 - biểu tượng sáng ngời về ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Tỉnh ủy Quảng Trị - Bộ quốc phòng. 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ (1972 - 2012). Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 492.

 

 

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối