Đất và người Long An

Nguyễn Hữu Huân

13/05/2022 09:53:5AM
Màu chữ Cỡ chữ

Hai bên thiên hạ thấy hay không?

Một cảnh cang thường há phải gông!

Đó là là hai câu đầu của một bài thơ tám câu do Thủ Khoa Huân (1830-1875) làm trong lúc cổ đang mang gông, trên đường từ nhà ngục Mỹ Tho đến pháp trường tại xã Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo). Bài thơ vừa biểu thị chí khí hiên ngang, bất khuất của kẻ sĩ trong lúc thất thế, vừa là lời nhắn nhủ, tâm sự với đồng bào đứng hai bên bờ sông đề tiễn đưa người anh hùng.

Theo Địa chí Long An, Nguyễn Hữu Huân (1830 - 1875) sinh tại làng Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nông dân khá giả. Vốn rất thông minh, lại chăm học, ông đã đỗ đầu khoa thi Hương năm Nhâm Tý (1852) tại Gia Định. Trong hàng khoa mục ở Nam kỳ lúc bấy giờ, ông là người đỗ sớm hơn hết, được Tự Đức bổ làm Giáo thụ huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường.

Khi Pháp nổ súng xâm lược Nam kỳ, ông từ bỏ chức Giáo thụ, từ giã gia đình, liên kết với các sĩ phu yêu nước, chiêu mộ nghĩa binh chống giặc. Tháng 4-1861, giác Pháp tiến chiếm Mỹ Tho, ông cùng với người bạn chiến đấu là Võ Duy Dương phát động cuộc khởi nghĩa hoạt động trên một địa bàn rộng lớn từ Mỹ Tho đến Tân An. Dưới sự lãnh đạo của hai ông, nghĩa quân đã chiến đấu rất dũng cảm. Cuối năm 1861, sau khi Phủ Cậu Trần Xuân Hòa - người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Thuộc Nhiêu (Cai Lậy), bị giặc Pháp bắt được, đem xử chém tại Mỹ Tho, Thủ Khoa Huân đã thay thế Phủ Cậu, tiếp tục giương cao ngọn cờ kháng chiến.

Ảnh: Tư liệu

Nhận rõ ảnh hưởng sâu rộng của ông trong nhân dân và giới sĩ phụ Nam kỳ, giặc Pháp sai Tôn Thọ Tường viết thư khuyên ông về hợp tác cùng “tân trào” với nhiều hứa hẹn bổng lộc. Ông đã viết thư mắng Tường là tên vô sỉ mà không biết nhục. Đầu năm 1862, ông bị giặc bắt trong một trận đánh úp bất ngờ. Chúng đưa ông về Sài Gòn, giao cho Đỗ Hữu Phương, một tên Việt gian đầu sỏ lúc bấy giờ, dùng tiền bạc, chức tước lung lạc ông. Ông kiên quyết chối từ, sau đó tìm cách thoát về, tiếp tục hoạt động.

Với hòa ước Nhâm Tuất (5-6-1862) triều đình Huế hèn nhát cắt dâng ba tỉnh miền Đông cho giặc Pháp, gây lên một làn sóng công phẫn cao độ trong nhân dân. Thủ khoa Huân đã cùng với Võ Duy Dương chiêu mộ nghĩa binh, phất cờ khởi nghĩa lần thứ hai, đoàn kết với Trương Định, hình thành một mặt trận chống Pháp từ Gò Công qua Bình Cách, Hiệp Thạnh (Tân An) đến Thuộc Nhiêu (Mỹ Tho) và Đồng Tháp Mười. Tháng 6-1863, giặc Pháp đem quân bao vây căn cứ địa của quân khởi nghĩa ở Thuộc Nhiêu. Bị thất trận, ông cùng Thiên hộ Dương thoát được, chạy về An Giang (lúc này còn thuộc triều đình Huế). Giặc Pháp gửi tối hậu thư buộc viên quan đầu tỉnh An Giang phải giao nộp Thiên hộ Dương và Thủ khoa Huân; nếu không, chúng sẽ cử binh đánh chiếm An Giang. Vì chậm chân, Thủ khoa Huân bị tên quan tỉnh hèn nhát bắt đem dâng cho Pháp.

Tên tư lệnh quân Pháp Gờrăngđie (De la Grandière) gặp ông, vờ tỏ về tôn trọng người trí thức khoa mục, dụ ông đầu hàng, hứa dành cho ông một chức vụ cao nhất trong ngạch cai trị, nhưng ông kiên quyết từ chối. Chúng kết án ông 10 năm khổ sai, đày sang đảo Bòn Bon (tức Réunion) ở Đông Phi châu. Năm 1870, ông được “ân xá” trước hạn 3 năm, và đưa về quản thúc ở nhà Đỗ Hữu Phương. Một lần nữa, chúng định dùng tên này đề chiêu dụ, lung lạc ông, kết cục vẫn thất bại. Năm 1873, ông để lại một bức thư rồi bí mật tìm đường về An Giang. Đầu năm 1874, bọn do thám của Pháp phát hiện được thuyền chở vũ khí của nhóm “Trường Phát” từ nước ngoài về, kế hoạch bại lộ, ông đành ra lệnh bãi binh, rồi một mình trở về Mỹ Tho, cùng Âu Dương Lân (tục gọi Huyện Lân) tập hợp lực lượng tiến hành khởi nghĩa lần thứ ba. Lần này địa bàn hoạt động của nghĩa quân lan rộng từ Bến Tranh qua Bình Cách sang Nghĩa Lợi (nay thuộc thị xã Tân An) về Cai Lậy (Mỹ Tho) đến Mỹ Quý (Sa Đéc). Cuộc khởi nghĩa đã gây một tiếng vang sâu rộng trong toàn cõi Nam kỳ lúc bấy giờ.

Đầu năm 1875, sau trận giao chiến thất bại ở Bình Cách, ông cùng Đốc binh Hương lẻn về Chợ Gạo, dự định quá giang thuyền buôn ra Bình Thuận cầu viện. Không ngờ Hương đã phản bội, dẫn giặc về vây bắt ông ngày 15-6-1875. Địch tìm mọi cách mua chuộc dụ dỗ, nhưng ông thản nhiên trả lời: “Có chí phô bày vì công quả không thành, đó là do trời định, nay bị bắt, thà chịu từ hình, chứ không tham tước lộc”.

Biết không lay chuyển được ý chí con người bất khuất, giặc Pháp kết án từ hình ông. Ngày rằm tháng tư năm Ất Hợi (19-5-1875), chúng cho tàu chở ông theo dòng sông Bảo Định về quê Mỹ Tịnh An để hành quyết. Năm ấy ông 45 tuổi.

Là một nhà thơ, một trí thức lớn sớm nhận thức được sự hèn yếu của triều đình lúc bấy giờ, Nguyễn Hữu Huân đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa cứu nước cứu dân, Trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lãnh tụ hy sinh, nhưng ông vẫn không nao núng. Ba lần khởi nghĩa, ba lần bị giặc bắt, cường quyền, bạo lực, tù đày không khuất phục được ý chí ông; tiền tài, danh vọng không mua được ông. Trước giờ ra pháp trường, ông vẫn ung dung làm thơ, coi cái chết như không. Nguyễn Hữu Huân đúng là một nhâu cách lớn “một bậc tài hoa, một bậc hùng”, như người đương thời đã ca ngợi ông.

Lúc đầu mộ của ông được đắp bằng đất, đến năm 1927 con cháu của ông và nhân dân địa phương xây lại bằng đá xanh. Để tỏ lòng tôn kính nhân dân địa phương đã lập đền thờ cách nơi ông bị xử trảm 100m, ngay trường tiểu học Mỹ Tịnh An. Đến năm 1995 đền thờ Thủ Khoa Huân được dời về cạnh ngôi mộ của ông ở ấp Hòa Quới, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo. Hàng năm, vào ngày 15/4 (ÂL) đều tổ chức lễ thờ cúng ông tại đền thờ rất trọng thể. Ngày 15/6/1987 Di tích Mộ Thủ Khoa Huân được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Trung Ngô

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối