Đất và người Long An

Ngã ba Đồng Lộc – nơi ghi dấu chiến tích anh hùng

28/06/2022 09:36:38PM
Màu chữ Cỡ chữ

Một ngày cuối tháng 6, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An do đồng chí Hoàng Đình Cán - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm trưởng đoàn có dịp đến thăm Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), vùng đất huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đồng chí Hoàng Đình Cán - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đặt vòng hoa và dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc tại Ngã ba Đồng Lộc

Giữa nắng hè miền Trung trong xanh vời vợi, Đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An đặt vòng hoa tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Trong khói hương trầm mặc, các thành viên trong đoàn đều thấy xúc động và tự hào về tinh thần bất khuất, dũng cảm, kiên cường của mảnh đất và con người Hà Tĩnh.

Ngược dòng thời gian, cách đây hơn 57 năm,  cuối tháng 4/1965, tuyến đường quốc lộ 1A đi qua địa bàn Hà Tĩnh bị đánh phá và chia cắt hoàn toàn, hàng hóa vận tải bằng đường bộ chi viện cho chiến trường miền Nam đều phải đi qua con đường 15A, trong đó Ngã ba Đồng Lộc là một địa điểm hiểm trở trên con đường này. Nơi đây được ví như là yết hầu, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.  Xác định được vị trí chiến lược của Ngã ba Đồng lộc, không quân Mỹ tập trung mọi phương tiện chiến đấu đánh phá liên tục và năm 1968 là năm ác liệt nhất. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, không quân Mỹ đánh vào khu vực Đồng Lộc 1.863 lần. Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi 1m2 đất nơi đây phải gánh chịu trên 3 quả bom, mặt đất bị biến dạng, đất đá bị cày đi xới lại, hố bom chồng lên hố bom, Ngã ba Đồng Lộc nổ tung lên, không có một bóng cây, ngọn cỏ nào có thể mọc nổi.

Đồng chí Hoàng Đình Cán - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đặt vòng hoa và dâng hương tại Khu mộ 10 nữ AHLS TNXP Ngã ba Đồng Lộc

 Tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc lúc bấy giờ có nhiều lực lượng như: Bộ đội, Thanh niên xung phong, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích…số người chiến đấu và phục vụ chiến đấu thời điểm đông nhất lên tới 16.000 người, làm nhiệm vụ chiến đấu tránh trả máy bay địch, cảnh giới, giải tỏa giao thông, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, làm cọc tiêu dẫn đường chỉ lối, đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa chi viện vào chiến trường miền Nam. 

 Để giữ vững mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, hàng trăm, hàng ngàn các chiến sỹ và nhân dân đã ngã xuống. Trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của tiểu đội 10 cô gái TNXP thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Trưa ngày 24/7/1968, một ngày như mọi ngày, 10 chị ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16 giờ, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, 1 quả bom đã nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị đang tránh bom, làm sập hầm và tất cả 10 chị đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Người trẻ tuổi nhất là 17 tuổi, ba người chị lớn tuổi nhất cùng 24 tuổi.

Di ảnh 10 nữ thanh niên xung phong trong bảo tàng ở Ngã ba Đồng Lộc

Sự hy sinh của 10 cô gái TNXP đã viết lên khúc tráng ca bất tử của một thế hệ thanh niên sẳn sàng hiến dâng mình cho tổ quốc. Địa danh Ngã ba Đồng Lộc cũng gắn liền với tên tuổi của hàng loạt các anh hùng, liệt sỹ với những chiến công vang dội như: Nguyễn Xuân Lữ, Nguyễn Tri Ân, Nguyễn Tiến Tuẩn, Vương Đình Nhỏ, Uông Xuân Lý, La Thị Tám…

Di vật chiến tranh tại Ngã ba Đồng Lộc

Đến Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An được tham quan quần thể di tích với nhiều hạng mục công trình ý nghĩa, tiêu biểu như: Tượng đài Chiến thắng, Cột biểu tượng lưu niệm của ngành Giao thông vận tải, Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc, Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong hi sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, Nhà truyền thống thanh niên xung phong toàn quốc, Phòng trưng bày truyền thống Ngã ba Đồng Lộc, Tháp chuông Đồng Lộc và Cụm tượng 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong, Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc, Vườn hoa và Đài tưởng niệm Nhân dân hy sinh tại chiến trường Đồng Lộc.

Anh Nguyễn Tấn Hải, thành viên trong Đoàn công tác chia sẻ, anh chỉ biết về Ngã ba Đồng Lộc qua những bộ phim, câu chuyện chiến đấu anh dũng của các lực lượng, nhất là 10 nữ anh hùng TNXP tại đây. Hôm nay, anh được tận mắt nhìn thấy những chứng tích thảm khốc của chiến tranh và tự tay mình dâng lên mộ những anh hùng liệt sĩ nén hương thơm, khiến anh càng hiểu hơn trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ của một người cán bộ làm công tác tuyên giáo.

Ngã ba Đồng Lộc đã được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1989; được Đảng, Nhà nước, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đầu tư xây dựng thành Khu tưởng niệm TNXP toàn quốc. Ngày 9/12/2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trở thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại và trở thành cái nôi nuôi dưỡng lòng yêu nước và giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân ta, đặc biệt là cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./. 

P.TTTT & LLCT

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối