Đất và người Long An

Lăng mộ và đền thờ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức

14/03/2022 09:53:36AM
Màu chữ Cỡ chữ

Lăng mộ và đền thờ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức là một trong những kiến trúc cổ nhất ở Long An còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Đây là một quần thể kiến trúc bao gồm các công trình chính như cổng, lăng mộ, đền thờ Kiến Xương Quận công, Tiền quân đô thống Nguyễn Huỳnh Đức, một công thần khai quốc của triều Nguyễn.

Theo Sách Di tích Quốc gia trên địa bàn tỉnh Long An của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch biên soạn, Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản năm 2021. Quận công Nguyễn Huỳnh Đức sinh ngày 14 tháng giêng năm Mậu thìn (1748) tại làng Tường Khánh, huyện kiến Hưng, trấn Định Tường (nay thuộc phường Khánh Hậu, thành phố Tân An). Ông vốn họ Huỳnh, tên thật là Huỳnh Tường Đức, thuộc một gia đình quan lại nhiều đời. Năm 1731, thân phụ ông vào Nam đánh giặc rồi ở lại lập nghiệp ở giồng Cái Én và sinh ra ông tại đây.

Từ thiếu thời, Huỳnh Tường Đức đã nổi tiếng là người giỏi võ nghệ, tinh thông binh pháp nên được gọi là “Hổ tướng” và là một trong “Ngũ hổ tướng của Gia Định” (gồm các tướng: Nguyễn Huỳnh Đức, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhân, Trương Tấn Bửu).

Năm 1775, chúa Duệ Tông Nguyễn Phước Thuần bị quân Tây sơn đánh đuổi chạy vào đất Gia Định và hiệu triệu quân cần vương ở các trấn về cứu giá. Theo lệnh này, tướng Đỗ Thành Nhân đã đến gò Tam Phụ (Ba Giồng) mộ được 3.000 quân và tự xưng là quân Đông Sơn để chống lại quân Tây Sơn. Huỳnh Tường Đức đã gia nhập đội quân Đông Sơn, trở thành thuộc tướng của Đỗ Thành Nhân. Năm 1777, Nguyễn Huệ lại vào đánh Gia Định, bắt được chúa Duệ Tông ở Long Xuyên. Nguyễn Ánh - cháu nội Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát - được quân Đông Sơn ủng hộ, tái chiếm Sài Côn.

Năm 1780, Nguyễn Ánh được quân Đông Sơn suy tôn lên ngôi vương tại Sài Côn. Tuy nhiên, tướng Đỗ Thành Nhân vì cậy có công cần vương, ngày càng lộng quyền nên bị Nguyễn Vương giết, riêng Huỳnh Tường Đức vì có tài võ nghệ và thao lược nên được Nguyễn Vương thu dụng.

Năm 1782, vua Tây sơn cử đại binh vào Gia Định, đánh bại Nguyễn Vương ở Thất Kỳ giang (sông ngã bảy) và chiếm được Sài Côn. Năm 1782, Huỳnh Tường Đức chính thức được đổi tên thành Nguyễn Huỳnh Đức.

Năm 1783, Nguyễn Vương thua trận tại Đồng Tuyên nên phải lui về Ba Giồng rồi ra đảo Côn Lôn. Nguyễn Huỳnh Đức được Nguyễn Vương giao trách nhiệm đoạn hậu để cho đại quân rút lui an toàn. Sức tàn lực kiệt, Nguyễn Huỳnh Đức cùng 500 thân binh đều bị Nguyễn Huệ bắt sống. Mến tài Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Huệ đã hết sức hậu đãi ông, khuyến dụ ông quy hàng. Tuy rất khâm phục Nguyễn Huệ, nhưng Nguyễn Huỳnh Đức vẫn quyết giữ lòng trung với Nguyễn Vương và cự tuyệt Tây Sơn. Với quan niệm “Tôi trung không thờ hai chúa”, Nguyễn Huỳnh Đức đã tìm mọi cách để thoát thân về với Nguyễn Vương.

Năm 1786, Nguyễn Huệ đem Nguyễn Huỳnh Đức ra đánh Bắc Hà. Diệt xong họ Trịnh, Nguyễn Huệ trở về Phú Xuân, lưu Nguyễn Huỳnh Đức ở lại Nghệ An làm phó tướng cho trấn thủ Nguyễn Văn Duệ. Nguyễn Huỳnh Đức tìm đường về với Nguyễn Vương. Năm 1790, Nguyễn Huỳnh Đức gặp lại Nguyễn Vương. Nguyễn Vương sắc phong cho Nguyễn Huỳnh Đức chức Trung doanh Giám quân, Chưởng cơ quản lãnh tướng sĩ trung chi.

Năm 1793, Nguyễn Huỳnh Đức được thăng chức Chưởng Hữu quân - Bình Tây phó tướng quân, hợp sức cùng chủ tướng Tôn Thất Hội tiến đánh Bình Thuận. Một thời gian sau, Nguyễn Vương lại triệu Nguyễn Huỳnh Đức về Gia Định.

Năm 1796, Nguyễn Vương thăng Nguyễn Huỳnh Đức chức Khâm sai Chưởng Hữu quân, Bình Tây tướng quân, tước Đức Nhuận hầu, trấn thủ thành Diên Khánh.

Năm 1797, đại quân của Nguyễn Vương lại đánh Quy Nhơn, Nguyễn Huỳnh Đức được lệnh theo Nguyễn Vương đánh Quảng Nam rồi cùng với Nguyễn Văn Thành về giữ Phú Yên.

Năm 1792, Quang Trung qua đời. Nội bộ nhà Tây Sơn xảy ra nhiều biến động nên dần dần suy yếu. Năm 1799, Nguyễn Vương sai Hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức cùng Hậu quân Võ Tánh mang đại quân vây thành Quy Nhơn. Sau chiến thắng này, Nguyễn Huỳnh Đức được Nguyễn Vương điều trở về trấn thủ các đồn lũy ở Trấn Định và Mỹ Tho. Năm 1801 Nguyễn Vương đem quân đánh úp Phú Xuân rồi chiếm luôn Bắc Hà, chấm dứt sự tồn tại của nhà Tây Sơn.

Năm 1802, Nguyễn Vương chính thức lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long. Nguyễn Huỳnh Đức được phong làm Khâm sai Chưởng Hữu quân, Trấn thủ Quy Nhơn, tước Đức quận công.

Năm 1808 Nguyễn Huỳnh Đức được triệu về kinh rồi nhận lệnh cùng Lê Chất chỉ huy công trình đắp đường quan lộ từ Quảng Nam đến Bình Hòa (nay là Khánh Hòa).

Năm 1810 Nguyễn Huỳnh Đức được cử làm Tổng trấn Bắc thành. Trong thời gian giữ quyền chính ở Bắc thành, địa hạt ông trấn nhậm được yên trị. Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi: “Đức ra làm Tổng trấn Bắc thành, hiệu lệnh nghiêm chỉnh, rõ ràng, mọi người đều sợ phục”.

Năm Gia Long thứ 11 (1812), Nguyễn Huỳnh Đức được cử làm Tổng hộ sứ trong lễ Ninh lăng Hiếu Khang Hoàng thái hậu (mẹ vua Gia Long). Sau đó, ông được đổi bổ chức Chưởng Tiền quân, Quận công kiêm giữ chức Tổng trấn Bắc thành.

Năm 1816, Nguyễn Huỳnh Đức được điều làm Tổng trấn Gia Định thành thay Lê Văn Duyệt. Năm 1817, Nguyễn Huỳnh Đức lại lâm bệnh. Thấy mình tuổi cao sức yếu, ông dâng sớ xin vua cho về dưỡng lão tại cố hương - làng Tường Khánh, huyện Kiến Hưng, trấn Định Tường. Tại đây, ông cho xây sẵn sinh phần và tu sửa lại căn nhà cũ của tổ tiên để làm từ đường.

Nguyễn Huỳnh Đức mất ngày mồng chín tháng 9 năm Gia Long thứ 18 (1819), hưởng thọ 72 tuổi. Hàng năm vào 3 ngày: mồng 7, 8, 9 tháng 9 âm lịch, nhân dân trong vùng tề tựu cùng gia tộc làm lễ cúng ông hết sức trọng thể. Truyền thống này đã được kế tục từ năm 1819 cho đến nay.

Khuôn viên lăng Nguyễn Huỳnh Đức có diện tích khoảng 3000m2, được giới hạn bơi tường rào, có cổng tam quan mở về hướng Đông, trên cổng đắp nổi dòng chữ hán Tiền quân phủ. Lăng Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức được xây dựng năm 1817 (trước khi ông mất) bằng đá ong và vữa tam hợp theo hướng bắc-nam. Lăng được xây dựng theo lối cổ, đăng đối nghiêm nhặt, có vòng thành hình chữ nhật dài 35m, rộng 19m, cao1,2m, dày 0,4m bao quanh. Án ngữ lối vào mộ ở phía bắc tường thành là bình phong đá ong cao 3m có đắp nổi hoa văn mai lộc. Từ bình phong có đường thần đạo dài 17m dẫn đến phần chính của mộ gồm bửu thành, các trụ biểu, hai bình phong và bia mộ. Trên hai bình phong có khắc bài Thọ phần minh do Hiệp tổng trấn Gia Định thành là Trịnh Hoài Đức soạn. Toàn bộ ngôi mộ được trang trí hoa văn rồng, hoa lá, mặt trời, mây, hoa sen và nhiều câu đối chữ hán. Nổi bật trong ngôi mộ là bia đá cao 1,56m, rộng 0,95m được mang vào từ Huế. Mặt bia có dòng chữ hán: Việt Cố Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn, Chưởng Tiền quân, tặng Thôi Trung Dực Vận công thần, Phụ Quốc thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Thái phó Nguyễn Huỳnh Quận công chi mộ. Phía sau bia là nơi chôn cất thi hài Quận công Nguyễn Huỳnh Đức. Xung quanh mộ là những cây sứ cổ thụ tỏa hương ngào ngạt tạo nên vẻ thâm nghiêm cho nơi an nghỉ của một đại thần khai quốc.

Cách mộ 20m về phía nam là đền thờ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức. Từ năm 1819 đến 1959, gia tộc Nguyễn Huỳnh thờ ông trong ngôi nhà xưa do vua Gia Long sai người dựng cách ngôi mộ khoảng 500m. Vào năm 1959, để tiện cho việc thờ cúng, gia tộc đã xây dựng ngôi đền thờ mới này theo kiểu tứ trụ, 2 tầng mái, cửa gỗ trông ra hướng đông. Ngay sau cửa chính đền thờ có đặt hương án sơn son thếp vàng, chạm rồng, phụng, hoa lá, phía trên có bức họa truyền thần Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức được vẽ năm 1802. Phía sau hương án có bộ ván độc mộc có niên đại hơn 300 năm vốn là di vật của Quận công. Trong cùng là bàn thờ chính với khánh thờ đặt trên hương án và chiếc hộp sơn son đựng 8 bản chiếu, chỉ, chế, sắc của các triều Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức phong tặng cho Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức. Bên trong đền thờ còn có 3 bộ lỗ bộ, tàn lọng và 4 cặp liễn đối có nội dung ca ngợi sự nghiệp của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức do vua Gia Long ngự ban. Ngoài ra, những hiện vật cổ có niên đại thế kỷ XVIII và XIX còn được lưu giữ trong đền thờ như: đoản kỷ của vua Xiêm tặng năm 1798, khánh lệnh đồng của vua Gia Long ban năm kỷ mão (1819), bức hoành Vạn Lý Danh của vua Tự Đức ban năm giáp dần (1854)…

Phía sau đền thờ là ngôi chánh điện lợp ngói lưu ly xanh được gia tộc xây dựng năm 2000 theo bản vẽ của Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng nguyên Viện trưởng viện Khảo cổ Sài Gòn.

Trước đây, vào năm 1972, gia tộc đã xây dựng 2 cổng lớn ở hai đầu con đường vòng cung dẫn vào lăng với thiết kế giống nhau theo kiểu cổng tam quan truyền thống. Trên cổng có hàng chữ Tiền quân phủLăng Nguyễn Huỳnh Đức bằng đồng. Nhìn từ xa, cổng lăng toát lên vẻ đường bệ, uy nghi như chào đón khách tham quan.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, chính quyền thuộc địa đã liệt hạng lăng Nguyễn Huỳnh Đức là 1 trong 404 cổ tích ở Đông Dương. Năm 1993 Bộ Văn hóa Thông  tin quyết định công nhận Lăng Nguyễn Huỳnh Đức là di tích Quốc gia.

Ngô Thành Trung

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối