Đất và người Long An

Khu Lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ

19/04/2022 09:06:52AM
Màu chữ Cỡ chữ

Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử, có vị trí tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Di tích là nơi lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910 - 24/12/1996) bao gồm ngôi nhà thời niên thiếu và Đền tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

1. Tiểu sử Luật sư Nguyễn Hữu Thọ

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (bí danh Ba Nghĩa) sinh ngày 10/7/1910 tại làng Long Phú, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Thuở nhỏ, Nguyễn Hữu Thọ học tại Trường Tiểu học Long Mỹ, quận Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Hậu Giang). Năm 1921, Nguyễn Hữu Thọ được gia đình cho sang Pháp du học và tốt nghiệp cử nhân luật với tấm bằng hạng ưu vào năm 1932. Tháng 5/1933, Nguyễn Hữu Thọ trở về nước làm luật sư tập sự, rồi trở thành luật sư chính thức từ năm 1939; thành lập văn phòng luật sư riêng tại Mỹ Tho, sau đó là ở Vĩnh Long, Cần Thơ.

Biến động lịch sử những năm 1940-1945 đã lôi cuốn, thôi thúc luật sư Nguyễn Hữu Thọ tham gia các phong trào của thanh niên, sinh viên và giới trí thức đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Con đường đưa ông đến với cách mạng cũng bắt đầu hình thành từ đây. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tích cực ủng hộ chính quyền cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, sẵn sàng đóng góp sức lực, trí tuệ cho công cuộc xây dựng nước Việt Nam mới.

Sau khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông vẫn bí mật tham gia các hoạt động yêu nước của giới trí thức Nam Bộ. Năm 1947, sau khi về chiến khu Đồng Tháp Mười theo lời mời của Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ, ông quyết định từ chức Chánh án Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long lên Sài Gòn mở văn phòng luật sư riêng. Theo sự phân công của tổ chức, ông hoạt động trong Ban Trí vận Thành ủy Sài Gòn. Văn phòng luật sư trở thành nơi tập hợp giới trí thức tiến bộ ở Sài Gòn và miền Nam.

Ngày 16/10/1949, luật sư Nguyễn Hữu Thọ vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Văn phòng luật sư ở Sài Gòn được xem là “tổng hành dinh” của phong trào đấu tranh công khai của các tầng lớp nhân dân thành phố và Nam Bộ.

Do những hoạt động yêu nước, tham gia các phong trào cách mạng, từ năm 1950, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã nhiều lần bị địch bắt giữ, lưu đày. Chúng dùng nhiều thủ đoạn hăm dọa, dụ dỗ nhưng đều không thể lay chuyển được ông. Đến năm 1961, sau gần 10 năm bị lưu đày, ông được lực lượng cách mạng giải thoát và đưa về hoạt động ở chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh). Tháng 2/1962, tại Đại hội lần thứ I Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ông được bầu làm Chủ tịch Mặt trận, trực tiếp tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam.

Tháng 6/1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Chính phủ. Sự kiện này đánh dấu thắng lợi hết sức to lớn về chính trị và ngoại giao của quân dân miền Nam, trong đó có vai trò quan trọng của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ.

Sau thắng lợi hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 4/1976, trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ trúng cử đại biểu Quốc hội với sự tín nhiệm rất cao. Đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch nước. Tiếp sau đó, đồng chí lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Nhà nước và MTTQ Việt Nam, như Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ngày 24/12/1996, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ từ trần tại TPHCM.

Với 86 tuổi đời, 47 năm tuổi Đảng, hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác; đồng thời được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế tặng nhiều giải thưởng và huân chương vì sự nghiệp đoàn kết, chiến đấu, củng cố hòa bình giữa các dân tộc.

2. Ngôi nhà thời niên thiếu

Ngôi nhà thời niên thiếu Luật sư Nguyễn Hữu Thọ từng sống tại đường Huỳnh Châu Sổ, hẻm 3, khu phố 1, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ngôi nhà nằm phía sau đình thần Long Phú, thị trấn Bến Lức, được xây dựng theo kiểu 3 gian 2 chái. Kết cấu nhà kiểu nhà xuyên trính với ưu điểm là bộ khung rất chắc chắn, không gian “rộng lòng căn” do không có hàng cột giữa, thích hợp làm nơi thờ tự.

Nhà lợp bằng ngói âm dương, nền lát gạch tàu màu đỏ, vách ván bổ kho. Phía sau nhà có khoảng sân rộng trồng các loại cây ăn trái như xoài, lê ki ma, chuối già… ở góc sân có hòn non bộ. Phía sau khoảng sân là nhà bếp khá rộng, cũng được cất bằng cột gỗ, mái ngói, vách ván bổ kho. Tuy nhiên, do gia đình chuyển về Vĩnh Long sinh sống nên đến khoảng năm 1954, thân sinh của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là ông Nguyễn Hữu Tuấn đã bán lại ngôi nhà cho ông Thái Văn Hiêu. Ông Hiêu sau đó đã chia nhỏ ngôi nhà cho 4 người con. Vì vậy, hiện nay ngôi nhà trên thuộc sở hữu của 4 hộ dân, trong đó phần của ông Thái Văn Tám (người con thứ 8 của ông Thái Văn Hiêu) là 2 gian trong số 3 gian hai chái của ngôi nhà cũ là còn tương đối nguyên vẹn, các phần khác đã hoàn toàn thay đổi.

Hiện ngôi nhà đã được hạ giải, phục vụ cho công trình phục hồi khu nhà thuở thiếu thời Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Công trình sớm được hoàn thành để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, lịch sử nhất là các yếu tố truyền thống về kết cấu kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc, bố cục trang trí - một nét văn hóa cổ truyền độc đáo còn được lưu giữ đến ngày nay.

3. Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ

Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An có diện tích 10.000m2, gồm các hạng mục như đền tưởng niệm, khối phòng họp - khu trưng bày - thư viện, khu công viên cây xanh, thảm cỏ, nơi trồng cây lưu niệm và các hạng mục phụ trợ khác.

Đền tưởng niệm là nơi thể hiện lòng tôn kính, tưởng nhớ đến cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nguyên quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. Không gian  đền tưởng niệm được thiết kế mang đậm bản sắc văn hóa phương Nam, toát lên sự tôn nghiêm với những màu thâm trầm làm chủ đạo như nâu, vàng kem, màu gỗ và màu của những bức sơn mài, hoành phi câu đối được sơn son thiếp vàng. Tượng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với chất liệu đồng được đặt trang trọng ở vị trí trung tâm trong đền cùng với hai bàn thờ được chạm trổ công phu. Bên trong đền trang trí nhiều hình tượng rồng theo đúng truyền thống văn hoá, tâm linh người Việt. Trong khuôn viên Khu lưu niệm còn có Phòng trưng bày thân thế và sự nghiệp của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Với những hiện vật, hình ảnh tư liệu, bản đồ, tranh, mô hình, biểu bảng… phòng trưng bày giới thiệu về quê hương, đất nước con người và phần thân thế sự nghiệp của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Bên cạnh đó, các hiện vật tiêu biểu gắn liền với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cũng được trưng bày.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối