Đất và người Long An

Họa sĩ cách mạng Huỳnh Văn Gấm

18/08/2022 04:01:45PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm không nhiều tác phẩm, những tác phẩm đã ra đời hầu như tập trung vào đề tài cách mạng, như “Trái tim và nòng súng”, “Nam kỳ khởi nghĩa 1940’, “Công hội đỏ”, “Ngô Gia Tự”, “Võ Thị Sáu”, “Bác Hồ thời thơ ấu”; ông thể hiện đề tài cách mạng với một tình cảm chân thành mà không phải bất cứ họa sĩ nào cũng có.

Theo Địa chí Long An, Huỳnh Văn Gấm sinh ngày 10/3/1922 trong một gia đình trung lưu tại xã Bình Lập, huyện Châu Thành, nay thuộc thành phố Tân An, tỉnh Long An. Cha là một thầy giáo, kiêm đại lý thuốc cao đơn hoàn tán. Từ trẻ, ông đã có ý thức dân tộc, không chọn con đường đỗ đạt đề đổi làm công chức cho Pháp, mà chọn con đường nghệ thuật.

Sau khi tốt nghiệp trung cấp trường Mỹ thuật Gia Định, Huỳnh Văn Gấm thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội. Trong những năm theo học tại trường này, ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước ở Hà Nội do Dương Đúc Hiền lãnh đạo.

Khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), đang học năm thứ 3, ông bỏ học, về quê. Về đến tỉnh nhà, ông bắt liên lạc với những đồng chí đảng viên hoạt động bí mật tại thị xã Tân An. Cũng tại đây, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản và được phân công hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền phong với tư cách là tráng trưởng trong những ngày tiền khởi nghĩa. Cùng với một số cán bộ trong Tỉnh ủy Tân An, ông tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh thắng lợi ngày 22/8/1945.

Tháng 9/1945, Huỳnh Văn Gấm được bầu vào Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ Tân An và giữ chức vụ Phó bí thư Tỉnh ủy.

Ông là đại biều Quốc hội khóa đầu tiên (1946). Sau chuyến ra Hà Nội dự khóa họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ông vượt qua muôn vàn khó khăn trên đường về (lúc này giặc Pháp đã chiếm cả Nam bộ và một số tỉnh cực Nam Trung bộ) để trở lại quê hương, cùng nhân dân chiến đấu chống giặc. Năm 1947, với cương vị Trưởng ban Tuyên giáo của tỉnh, ông đa lập nên nhà in, tổ chức đội tuyên truyền xung phong, đội ca múa thiểu nhi Đàn chim Việt mang tiếng hát lời ca thổi sâu vào thôn xóm, làm chủ nhiệm tờ báo Nhứt Trí - cơ quan tuyên truyền kháng chiến của tỉnh Tân An.

Năm 1949, do nhu cầu đấu tranh với địch trên mặt trận kinh tế, tài chính, ông được Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ cử làm giám đốc xưởng in tín phiếu cho chiến trường Nam bộ. Ở giữa bưng biền kháng chiến, ông vừa là người phụ trách, vừa cùng với các họa sĩ, công nhân kỹ thuật vẽ mẫu, khắc, in giấy bạc với kỹ thuật hiện đại. Mặc dù bận rộn với bao công việc, ông vẫn tranh thủ thời giờ để sáng tác. Bức tranh sơn dầu Cánh tay chỉ đạo với chủ đề ngợi ca và khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với kháng chiến được ông sáng tác nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đảng, đánh dấu chặng đường đem nghệ thuật phục vụ cách mạng và kháng chiến của ông. Bộ tranh “Tứ bình” Xuân, Hạ, Thu, Đông gắn chủ đề sản xuất với chiến đấu, sáng tác vào năm 1953, đã được in hàng chục ngàn bản, phổ biến rộng rãi ở các tỉnh Nam bộ, được bà con nông dân ưa thích.

Bức tranh "Trái tim và nòng súng" được hoạ sĩ Huỳnh Văn Gấm vẽ năm 1963

Sau hiệp định Genève, Huỳnh Văn Gấm tập kết ra Bắc, ông được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau: tham gia vẽ mẫu giấy bạc cho Ngân hàng - Việt Nam, ở trong ban lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nan, Tổng biến tập Tạp chí Mỹ thuật... Ở đâu, trên cương vị nào, ông cũng mang hết nhiệt tình ra làm việc, đào tạo cán bộ xây dựng phong trào.

Với sự nhạy cảm về chính trị và năng lực tìm tòi, sáng tạo độc đáo, ông đã sáng tác một số tranh có giá trị nghệ thuật, mang đậm tính dân tộc. Tác phẩm Nam kỳ khởi nghĩa 1940, Trái tim và nòng súng, Em Liên ... hiện được chọn trưng bày ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội. Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật năm 1990.

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông trở về Nam làm đại diện cho Hội Mỹ thuật Trung ương tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 10/2/1987, để lại nỗi thương tiếc trong nhiều bạn bè, đồng nghiệp.

Bức tranh "Cô Liên" được vẽ năm 1962

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Huỳnh Văn Gấm đã thể hiện một cách nhất quán và kiên định quan điểm “nghệ thuật phục vụ đại chúng, phục vụ cách mạng”, hay nói cách khác, ở ông, nghệ thuật và cách mạng là một cống hiến của ông trong hơn 40 năm hoạt động mỹ thuật đã góp phần có ý nghĩa vào di sản nghệ thuật của dân tộc. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt nhận xét “Có thể nói, họa sĩ Huỳnh Văn Gấm đã đem đến cho hội họa sơn mài Việt Nam một hiệu quả phi thường của nghệ thuật diễn tả ánh sáng tập trung và khối nổi - khả dĩ ứng dụng trên những bố cục quy mô hoành tráng, có sức chuyển tải những chủ đề tư tưởng lớn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”. Bức điện chia buồn của Hội Liên hiệp nghệ thuật Việt Nam ngày 12/2/1987 khi nghe tin ông mất đã khẳng định ông là “người nghệ sĩ tài năng để lại nhiều tác phẩm xuất sắc trong kho tàng nghệ thuật dân tộc”.

Trung Ngô

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối