Đất và người Long An

Đồng chí Trịnh Đình Trọng – Bí thư Thành uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn

09/06/2023 04:24:32PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Xuất thân trong một gia đình nông dân, đồng chí Trịnh Đình Trọng sớm giác ngộ cách mạng, sớm trở thành đảng viên cộng sản. Cuộc đời hoạt động của đồng chí đã gắn bó với quê hương, với nhiều địa phương trước và sau Cách mạng Tháng Tám, đặc biệt là với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng chí là một đảng viên cộng sản kiên trung, từng trải qua lao tù của đế quốc, trong những khó khăn, thử thách ác liệt của cuộc kháng chiến vẫn trung thành với Đảng, với dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Trịnh Đình Trọng, tên thật là Nguyễn Hữu Phú, sinh năm 1908 trong một gia đình nông dân tại xóm Phượng, xã Tây Mỗ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Khi lớn lên, đồng chí là công nhân thủ công, làm nghề thêu ren. Trong những năm 1930 - 1933, ở vùng La - Mỗ - Canh (La Khê, La Cả, Tây Mỗ, Đại Mỏ, Vân Canh) có những nhóm thanh niên yêu nước, tiến bộ. Tuy nhiên, có nhóm ảnh hưởng bởi tư tưởng quốc gia, có nhóm chịu ảnh hưởng của tư tưởng cộng sản. Đồng chí Trịnh Đình Trọng tham gia nhóm chịu ảnh hưởng nhiều tư tưởng cộng sản của đồng chí Chánh Hươu (tức Nguyễn Hữu Hiếu). Những năm 1937 - 1938, đồng chí hoạt động trong tổ chức Thanh niên Dân chủ.

Năm 1938, đồng chí Trịnh Đình Trọng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ở chi bộ ghép Tây Mỗ - Đại Mỗ. Đây là chi bộ cộng sản đầu tiên của phủ Hoài Đức. Cuối năm 1938, xã Tây Mỗ có một chi bộ riêng gồm ba đồng chí Nguyễn Hữu Hiệt, Nguyễn Quý Bình và Nguyễn Hữu Phú. Sang năm 1939, ở Vạn Phúc, La Cả đều đã có chỉ bộ Đảng, do đó hè năm 1939 đồng chí Thạch Can, Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông đã về tổ chức một cuộc họp thành lập Phủ ủy Hoài Đức gồm ba đồng chí do Đồng chí Trịnh Đình Trọng làm Bí thư Phủ ủy. Với tư cách là Bí thư Phủ ủy, đồng chí đã tích cực hoạt động, gây dựng cơ sở Đảng trong phủ.

Đầu năm 1940, khi địch khủng bố gắt gao, Xứ ủy điều động đồng chí Trịnh Đình Trọng xuống xã Vân Đình, huyện Chương Mỹ rồi sau đó điều động xuống Hải Phòng và được chỉ định làm Bí thư Đảng bộ Hải Phòng. Ở đây, để giữ bí mật hoạt động cho Đảng và để có điều kiện sinh sống, đồng chí làm nghề chụp hình. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, cơ sở Đảng ở Hải Phòng ngày càng được củng cố vững chắc,

Tháng 10 năm 1940, đồng chí Lương Khánh Thiện, Bí thư Xứ ủy Bác Kỳ đã triệu tập một Hội nghị ở xã Cổ Phục, tỉnh Hải Dương để thành lập Liên khu ủy Liên khu B. Tại cuộc họp, Hội nghị đã nhất trí bầu Liên khu ủy do đồng chí Lương Khánh Thiện làm Bí thư, đồng chí Trịnh Đình Trọng là Khu ủy viên, phụ trách Hải Phòng.

Đầu năm 1941, do một người liên lạc bị bát rồi khai báo nên đồng chí Lương Khánh Thiện và Trịnh Đình Trọng bị địch bắt ở Hải Dương. Đồng chí Lương Khánh Thiện bị xử tử, đồng chí Trịnh Đình Trọng bị xử tù chung thân. Địch đưa đồng chí về giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, rồi đày đi nhà tù Sơn La đầu năm 1942. Đầu năm 1944, đồng chí bị đày ra nhà tù Côn Đảo.

Tại Côn Đảo, đồng chí bị giam tại Banh II, Banh III (Banh cấm cố). Bị biệt giam, nhưng đồng chí vẫn liên lạc và sinh hoạt Đảng với các đảng viên trong nhà tù. Đây cũng là thời gian đồng chí tranh thủ học tập thêm về lý luận cách mạng, bồi dưỡng thêm về kiến thức, kinh nghiệm công tác thực tiễn từ các đồng chí khác. Thời gian này, trong các sinh hoạt ở nhà tù đã nổ ra các cuộc tranh luận về đường lối cứu nước. Đồng chí đã hăng hái tham gia và giữ vững lập trường của Đảng là tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Để truyền bá quan điểm này, đồng chí cùng một số đồng chí khác lập ra tờ báo Độc lập. Tờ báo đã có tác dụng trong việc đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái và giáo dục, nâng cao trình độ chính trị cho các đồng chí bị tù tại Côn Đảo. Đồng chí Trịnh Đình Trọng còn tích cực tham gia nhiều cuộc đấu tranh của tù nhân chống chế độ nhà tù tàn bạo của thực dân Pháp và phát xít Nhật.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, các đồng chí tù chính trị tại Côn Đảo được đón về đất liền. Tất cả 140 đồng chí quê miền Bắc đều tình nguyện ở lại chiến đấu tại miền Nam, trong đó có đồng chí Trịnh Đình Trọng, thời điểm này đồng chí lấy tên là Trịnh Đình Trọng. Khi mới về Nam Bộ, đồng chí được phân công về Gò Công, sau đó được đổi lại phân công về Sài Gòn - Chợ Lớn.

Lúc này, Mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn đang rất ác liệt. Thực hiện chiến thuật “trong đánh ngoài vây”, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ thành lập bốn mặt trận tiền tuyến ở ngoại thành. Trước ngày 15 tháng 10 năm 1945, do yêu cầu công tác, Xứ ủy đã điều động một số cán bộ chủ chốt của thành phố đi nhận công tác khác. Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn lúc này chỉ còn hai đồng chí Nguyễn Văn Chí hoạt động ở Chợ Lớn và đồng chí Tạ Văn Hảo hoạt động ở Sài Gòn. Cuối tháng 10 năm 1945, Xứ ủy phân công đồng chí Trịnh Đình Trọng cùng với đồng chí Hồng Châu (tức Nguyễn Mạnh Hoan) về tăng cường công tác cùng đồng chí Nguyễn Văn Trân tức Bảy Trân là Ủy trưởng Quân sự, Chỉ huy Mặt trận số 4 ở Nam thành phố, trải dài từ Thủ Thiêm qua Nhà Bè đến Cần Giuộc. Tại đây, hai đồng chí đã giúp đồng chí Bảy Trân xây dựng cơ quan chính trị của Mặt trận. Về tố chức Đảng, sau một thời gian chuẩn bị, Ban Cán sự Đảng Mặt trận số 4 được thành lập, gồm các đồng chí Trịnh Đình Trọng - Bí thư, Nguyễn Mạnh Hoan, Nguyễn Văn Trân. Ban Cán sự Đảng đã mở các lớp huấn luyện về Mặt trận Việt Minh, xây dựng, phát triển Đảng ở cơ sở, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Các đồng chí đã tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị trong các đơn vị bộ đội ở Mặt trận số 4, thường xuyên đi xuống các đơn vị để nói chuyện về Việt Minh, về đường lối, chính sách của cách mạng, động viên chiến sĩ dũng cảm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Các chiến sĩ mặt trận tiền tuyến một mặt chốt giữ các cầu chính nhằm bao vây địch ở nội thành, mặt khác tung các đơn vị vào nội thành, phối hợp với các tổ đội xung kích bám trụ, tiến hành các cuộc đột kích vào những nơi đóng quân, đốt phá các kho tàng, cơ sở kinh tế của địch, nhanh chóng tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch rồi rút ra ngoại thành. Đồng chí Trịnh Đình Trọng đã góp một phần vào chiến công chung đó trên Mặt trận số 4, một mặt trận có nhiều chiến công vang dội những ngày đầu kháng chiến.

Sau khi Mặt trận số 4 được giao cho đồng chí Dương Văn Dương (Ba Dương) chỉ huy, hai đồng chí ở lại khu vực tây nam thành phố hoạt động khôi phục cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng. Được sự giúp đỡ của huyện Cần Giuộc (Tân An), Ban Cán sự Đảng đã cho xuất bản tờ Thông tín kháng chiến, sau đổi thành tờ báo Chống xâm lăng.

Cơ quan báo chí có chỉ bộ Đảng do đồng chí Trịnh Đình Trọng kiêm nhiệm Bí thư Chi bộ. Sau một thời gian hoạt động, Chi bộ tờ báo Chống xâm lăng đã xây dựng được nhiều cơ sở quần chúng và bất liên lạc với cơ sở cách mạng các huyện Cần Giuộc, Trung Huyện và nhóm của đồng chí Nguyễn Văn Chí (Thành ủy cũ) hoạt động ở Chợ Lớn. Dần dần, các chi bộ Đảng thuộc Tân Phong Hạ, các hộ 13, I6, 18 (Chợ Lớn) được phục hồi và trở lại hoạt động. Ủy ban lâm thời Mặt trận Việt Minh vùng Chợ Lớn được thành lập do đồng chí Trịnh Đình Trọng làm Chủ nhiệm.

Tháng 5 năm 1946, tại một địa điểm cạnh hồ bơi An Đông, theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc) - Xứ ủy viên, hai tổ chức Đảng có tên là Thành bộ Việt Minh Sài Gòn và Ủy ban Việt Minh Chợ Lớn đã họp để thảo luận việc thống nhất tổ chức Đảng. Hội nghị đã đi đến thống nhất, thành lập một Thành ủy lâm thời gồm các đồng chí Trịnh Đình Trọng - Bí thư, Nguyễn Thọ Chân, Nguyễn Văn Chí. Đây chưa phải là Thành ủy chính thức mà mới là sự thống nhất hai tổ chức Đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng ở thành phố, đồng chí Trịnh Đình Trọng được phân công phụ trách nội thành. Lúc này, ở Sài Gòn - Chợ Lớn chưa xây dựng được hệ thống tổ chức cấp dưới Thành ủy, mà chỉ có tổ chức quần chúng của Việt Minh được xây dựng xuống đến cơ sở.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc), Thành ủy lâm thời do đồng chí Trịnh Đình Trọng làm Bí thư được tăng cường và củng cố thêm một bước, nhưng ở nội thành vẫn chưa có tổ chức Đảng, chỉ có các đảng viên và cán bộ nòng cốt hoạt động trong các tổ chức cứu quốc. Đầu năm 1947, đồng chí Trịnh Đình Trọng cùng Thành ủy liên tục mở một số lớp huấn luyện về “Đường lối Mặt trận Việt Minh”, “Công nhân vận động”... cho cán bộ, quần chúng cốt cán làm công tác củng cố, phát triển cơ sở Đảng. Các lớp huấn luyện này tổ chức tại Gò Vấp (Hộ 17), .. Vườn Thơm, An Phú Đông. Là Bí thư Thành ủy lâm thời, đồng chí Trịnh Đình Trọng đã cùng các đồng chí trong Thành ủy góp phần quan trọng vào việc khôi phục, phát triển tổ chức Đảng, các tổ chức quần chúng trong những ngày đầu kháng chiến ở thành phố,

Tháng 4 năm 1947, đồng chí Nguyễn Văn Cúc được Xứ ủy điều về làm Bí thư Thành ủy, đồng chí Trịnh Đình Trọng được rút lên Nam Bộ làm Phó Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ. Công tác ở đây một thời gian, đồng chí được rút lên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ (sau này là Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam).

Do bị tù đày nhiều năm, đồng chí Trịnh Đình Trọng bị bệnh nặng và mất ngày 25 tháng 7 năm 1951. Các đồng chí và đồng bào đã đưa đồng chí về yên nghỉ tại bờ kinh Sáng, xã Trí Phải, tỉnh Bạc Liêu (nay là xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau).

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối