Đất và người Long An

Đồng chí Trần Não- Bí thư Thành uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn

07/04/2023 04:18:21PM
Màu chữ Cỡ chữ

  Từ một học sinh, đồng chí Trần Não có tinh thân yêu nước, sớm đi theo con đường của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đồng chí nhanh chóng trưởng thành, đứng trong hàng ngũ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, của An Nam Cộng sản Đảng, trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Thành ủy thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn khi mới 22 tuổi. Đồng chí đã sống và cống hiến trọn đời cho Đảng, cho cách mạng đến hơi thở cuối cùng.

Đồng chí Trần Não, tên thật là Huỳnh Quảng, sinh tại xã Khánh An, huyện Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu (nay là huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), trong một gia đình buôn bán nhỏ và làm vườn. Lúc còn nhỏ, Trần Não học ở trường làng. Cha mẹ mất sớm, đồng chí Trần Não sống với người anh ruột, được anh gửi một người bà con ở Bạc Liêu nuôi cho ăn học tại thị xã Bạc Liêu. Sau khi tốt nghiệp tiểu học ở Bạc Liêu, năm 1924, đồng chí Trần Não được cho lên học nội trú ở Trường Trung học Cần Thơ.

Những năm 1925 đến 1927, ảnh hưởng của phong trào yêu nước rầm rộ trong cả nước đã vang tới trường. Tại đây, học sinh tổ chức bãi khóa, đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, ông Nguyễn An Ninh và làm lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Do tham gia các cuộc đấu tranh của học sinh, lúc đang học năm thứ ba trung học thì đồng chí Trần Não bị nhà trường đuổi học, đồng chí cùng một số học sinh tích cực của trường như Ung Văn Khiêm, Trần Văn Thạnh, Trần Ngọc Diệp, Nguyễn Văn Tây... bỏ học luôn. Sau đó, trường kêu cho học tiếp, lần này, đồng chí Trần Não lên học lại, nhưng chủ yếu để cùng các bạn bàn cách ra nước ngoài tìm gặp Nguyễn Ái Quốc, theo con đường cứu nước, làm cách mạng của Người.

Ngày 14 tháng 7 năm 1927, đoàn học sinh gồm đồng chí Trần Não và 8 người khác trốn dưới tàu “Đại Trung Hoa” rời cảng Sài Gòn sang Trung Quốc. Đến Quảng Châu, chờ một tháng, cuối tháng 8 năm 1928, đồng chí Hồ Tùng Mậu cho người đón đoàn về Trụ sở của Tống bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Là người biết tiếng Trung Quốc, đồng chí Trần Não đã làm phiên dịch cho đoàn trong các giao dịch, đi lại, ăn ở.

Đườnng Trần Não nhìn từ trên cao, Tp. Thủ Đức, Tp Hồ Chí Minh

Lúc này, Tưởng Giới Thạch đã quay ra đàn áp cách mạng Trung Quốc và những người cách mạng chân chính, đồng chí Nguyễn Ái Quốc không còn ở Quảng Châu nữa, chỉ còn đồng chí Hồ Tùng Mậu và một số đồng chí khác. Sau khi thẩm tra lai lịch 9 người, các đồng chí đã mở một lớp huấn luyện ngắn ngày cho đoàn học. Sau lớp học, cả 9 thành viên của đoàn đều được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và chia làm hai đoàn về nước. Riêng đồng chí Trần Não được giữ lại đi học Trường quân sự Hoàng Phố.

Quảng Châu công xã nổ ra, nhiều người ở Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bị bắt. Đồng chí Trần Não cũng bị bắt và bị giam khoảng 8 tháng. Trong khi bị giam, đồng chí vẫn giữ vững tinh thần, bọn Tưởng Giới Thạch không có chứng cứ gì để xử tù, cuối cùng, tất cả những người ở Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đều được thả. Đồng chí cùng Tổng bộ rời xuống Hương Cảng. Tại đây, đồng chí được theo học lớp chính trị đài ngày hơn, nắm vững lý luận Mác-xít.

Mùa thu năm 1929, đồng chí được cho về nước hoạt động. Về nước, đồng chí được giữ lại hoạt động ở Sài Gòn và chính thức trở thành đảng viên của An Nam Cộng sản Đảng. Tháng 11 năm 1929, Ban lâm thời Chỉ đạo của Đảng được thành lập, gồm 5 người, do đồng chí Châu Văn Liêm làm Bí thư, đồng chí Trần Não làm Ủy viên. Đồng chí Trần Não được phân công phụ trách báo chí, đặt cơ quan tại Đa Kao, viết truyền đơn kêu gọi đấu tranh và tài liệu huấn luyện đảng viên. Những người cộng tác với đồng chí Trần Não có đồng chí Trương Châu, Nguyễn Đức Thiện, Lý Tự Trọng... Đồng chí đã tích cực tuyên truyền vận động quần chúng, huấn luyện đảng viên, góp phần vào sự lãnh đạo chung của Ban Chỉ đạo trong việc xây dựng, phát triển Đảng một cách nhanh chóng, cổ vũ quần chúng đấu tranh, đưa hoạt động của Đảng bám rễ sâu trong quần chúng, nhất là công nhân.

Sau khí các nhóm cộng sản thống nhất thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Trần Não được cử vào Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1930, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn gồm 5 người, do đồng chí Nguyễn Văn Lợi (tức Dũng) làm Bí thư. Tháng 6 năm 1930, Thành ủy được tăng cường thêm 3 đồng chí, trong một cuộc họp chính thức, đồng chí Trần Não được bầu làm Bí thư Thành ủy, thay đồng chí Nguyễn Văn Lợi. Với cương vị là Ủy viên Thành ủy, nhất là từ khi giữ nhiệm vụ Bí thư Thành ủy, đồng chí Trần Não đã cùng tập thể lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng lao động, học sinh sinh viên khắp thành phố. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh nhân dịp ngày Quốc tế lao động 01 tháng 5 năm 1931. Cùng với nhiều địa phương, phong trào đấu tranh của nhân dân lao động thành phố dịp 01 tháng 5 đã góp phần tạo ra một bước ngoặt của cao trào cách mạng 1930 - 1931. Tiếp theo đó, các cuộc bãi công của hãng rượu Bình Tây, cuộc biểu tình của nông dân Chợ Lớn, Gia Định ngày 04 tháng 6, nông dân Chợ Đệm (Trung Huyện) ngày 11 tháng 6, hai cuộc bãi công của công nhân Hãng rượu Fontaine (Bình Tây) và Công ty dầu lửa Pháp - Á... đã nổ ra rầm rộ. Đồng chí Trần Não còn cùng Thành ủy tổ chức nhiều cuộc mít tỉnh ngay giữa trung tâm thành phố, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Đáng chú ý là các cuộc đấu tranh phản kháng của quần chúng nổ ra nhưng không xảy ra tình trạng đốt phá, trừng trị tràn lan đối với các thành phần địa chủ, phú hào, cũng chưa dẫn đến việc lập chính quyền cách mạng ở nông thôn. Phong trào đấu tranh của nông dân đã kết hợp được với phong trào của công nhân, liên minh công nông đã hình thành trong thực tế đấu tranh. Điều đó cho thấy, Thành ủy trong đó có vai trò của đồng chí Trần Não, đã lãnh đạo đúng đắn, không phạm những sai lầm có tính chất tả khuynh.

Đườnng Trần Não, Tp. Thủ Đức, Tp Hồ Chí Minh

Đầu năm 1931, giữa lúc phong trào đang lên nhưng cũng còn nhiều khó khăn, do một tên phản bội khai báo, đồng chí Trần Não bị địch bắt giam ở bót Catinat. Biết đồng chí là Bí thư Thành ủy, địch tra tấn đồng chí đã man suốt mấy tháng trời. Trước những cực hình của kẻ thù, đồng chí Trần Não vẫn trung kiên, bất khuất, không hề khai báo ngay cả tên thật của mình. Sức yếu, lại bị địch giam cầm, đày đọa, đồng chí bị lao phổi nặng, địch phải đưa vào giam ở phòng biệt giam trong Nhà thương Chợ Quán. Vợ đồng chí Trần Não tên là Trần Thị Đầy, cũng là một đảng viên cộng sản, thời gian này cũng bị bắt, giam riêng ở khám nữ. Sức khỏe suy kiệt, Trần Não vẫn một lòng khẳng định với tổ chức Đảng, với các đồng chí của mình, và cả với vợ rằng luôn tin tưởng ở tương lai của cách mạng, của đất nước. Đồng chí nhắn nhủ vợ tăng cường hoạt động cho Đảng, cho cách mạng hơn nữa, hoạt động thay cho cả phần của đồng chí!

Trong nhà giam, đồng chí vẫn viết báo, viết bài cho anh em tù nhân học. Năm 1933, khi bệnh tình trầm trọng, biết mình không thể qua khỏi, đồng chí Trần Não nhờ các đồng chí bên cạnh nói lại với Đảng: Tôi đã làm tròn nhiệm vụ của một đảng viên cộng sản! Đồng chí Trần Não hy sinh năm 1933.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối