Đất và người Long An

Đồng chí Trần Bạch Đằng - Nhà lãnh đạo tận tâm với Dân với Đảng

27/01/2023 04:16:13PM
Màu chữ Cỡ chữ

   81 tuổi đời, 64 tuổi Đảng, 66 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Bạch Đằng đã trải qua nhiều cương vị công tác, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Không chỉ cống hiến cho cách mạng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ mà đồng chí còn có nhiều tác phẩm văn học, thơ, chính luận…

Đồng chí Trần Bạch Đằng tên thật là Trương Gia Triều, sinh ngày 15/7/1926 trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Thạnh Hưng (nay thuộc xã Hòa Hưng), quận Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Đồng chí Trần Bạch Đằng tham gia cách mạng từ rất sớm, vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11/1943. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, tháng 3/1945, đồng chí làm Bí thư Khu Ngã Sáu Chợ Lớn, kiêm Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Nam Bộ, tham gia phong trào Thanh niên tiền phong, xây dựng Đoàn Thanh niên Cứu quốc, tổ chức Hội truyền bá quốc ngữ… góp phần vào công tác chuẩn bị lực lượng của Đảng; tham gia giành chính quyền tại Sài Gòn trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Ngày đầu Nam Bộ kháng chiến chống Pháp (23/9/1945), đồng chí làm Chính trị viên bộ đội Bình Đăng. Cuối năm 1946, đồng chí được bổ sung vào Thành ủy lâm thời Sài Gòn - Chợ Lớn, là Ủy viên Thường vụ Thành ủy phụ trách tuyên huấn, thư ký tòa soạn báo Chống xâm lăng - cơ quan ngôn luận của Thành ủy Sài Gòn.

Năm 1947 - 1948, đồng chí là Xứ Đoàn phó Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Đồng chí được Xứ ủy Nam Bộ chỉ định là Trưởng Ban Thanh vận Xứ ủy, vào chiến khu Đồng Tháp Mười, tham gia xây dựng Đài Tiếng nói Nam Bộ.

Đầu năm 1949, trên đường ra Việt Bắc dự Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, khi tới địa phận Dốc Mỏ, Tuy Hòa (nay thuộc tỉnh Khánh Hòa, đồng chí chẳng may rơi vào tay giặc. Kẻ thù giam đồng chí ở Nha Trang một thời gian, sau đó chuyển về bót Catinat, Sài Gòn. Tại những nơi này, đồng chí bị tra tấn hết sức dã man, nhưng địch không khai thác được thông tin gì ở người chiến sĩ kiên trung. Sau hơn nửa năm bị giam ở nhiều nhà tù khác nhau, ngày 11/11/1949, đồng chí vượt ngục thành công, bắt liên lạc được với đồng đội và về hoạt động tại vùng giải phóng Khu 9.

Năm 1950, tại Đại hội lần thứ hai của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Nam Bộ, đồng chí Trần Bạch Đằng được bầu làm Bí thư (Xứ Đoàn trưởng), kiêm Phó Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Năm 1951 đến tháng 7/1954, đồng chí được phân công làm chủ bút báo Nhân dân miền Nam và chủ nhiệm báo Việt - Xô. Tình hình cuộc kháng chiến lúc bấy giờ có nhiều biến động lớn, khó khăn phức tạp, đòi hỏi Ban Thường vụ Xứ Đoàn phải có những chủ trương, biện pháp đối phó. Đồng chí Trần Bạch Đằng đã thể hiện tính nhạy bén, năng động sáng tạo của mình. Thời gian này, Xứ Đoàn và hệ thống Đoàn đã có những cống hiến xứng đáng, phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh, thanh niên quân đội toàn Nam bộ hoạt động sôi nổi, chất lượng cao.

Sau ngày 30/4/1975, đồng chí Võ Văn Kiệt và đồng chí Trần Bạch Đằng về thăm lại căn cứ cũ của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đóng tại xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và thăm mộ liệt sĩ Lê Văn Dơi (Năm Dơi) - đội trưởng đội bảo vệ của đồng chí Trần Bạch Đằng hy sinh tại đây khi bảo vệ căn cứ. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Sau ngày 30/4/1975, đồng chí Võ Văn Kiệt và đồng chí Trần Bạch Đằng về thăm lại căn cứ cũ của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đóng tại xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và thăm mộ liệt sĩ Lê Văn Dơi (Năm Dơi) - đội trưởng đội bảo vệ của đồng chí Trần Bạch Đằng hy sinh tại đây khi bảo vệ căn cứ. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Tháng 8/1954 - 1959, sau Hiệp định Genève, đồng chí được phân công ở lại miền Nam. Trong suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Trần Bạch Đằng đảm đương nhiều công việc, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nổi bật hơn cả, đồng chí thể hiện là nhà cách mạng chuyên nghiệp và là một cây bút tài năng.

Năm 1960, khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đồng chí được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, phụ trách văn hóa - thông tin, kiêm Chủ tịch Hội đồng Văn học - Nghệ thuật Giải phóng.

Năm 1965, sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ đã đẩy cuộc chiến tranh lên một nấc thang mới, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đổ quân trực tiếp tham chiến. Lúc này, đồng chí Trần Bạch Đằng lại một lần nữa về hoạt động ngay tại trung tâm sào huyệt, nơi trú đóng các cơ quan đầu não của kẻ thù, với vai trò Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Tháng 10/1967, giải thể Khu Sài Gòn - Gia Định, lập ra Khu trọng điểm có 6 phân khu, đồng chí Trần Bạch Đằng làm Bí thư nội thành (Phân khu 6). Bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, đồng chí đã cùng Khu ủy có nhiều chỉ đạo sát đúng, qua đó, xây dựng được một lực lượng chính trị đông đảo trong các tầng lớp nhân dân, từ công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên đến nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ. Đồng chí còn tham gia viết báo công khai, đã có đóng góp xuất sắc cho phong trào đô thị cũng như cuộc đấu tranh của ta trên báo chí công khai tại Sài Gòn. Trong Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, đồng chí được cử làm Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Tiền phương Nam (Bộ Tư lệnh tiền phương II), Bí thư Đảng ủy Quân sự Thành phố. Trong chiến dịch này, các đơn vị bảo vệ trực thuộc Khu ủy Sài Gòn do đồng chí Trần Bạch Đằng phụ trách và các đơn vị khác do các đồng chí Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ phụ trách đều đã giữ gìn tuyệt đối an toàn cho lãnh đạo, sẵn sàng chiến đấu kiên cường mỗi khi xảy ra tình huống nguy hiểm. Đồng chí đã cùng Thành ủy vừa đánh địch, vừa củng cố lực lượng, vừa tiến hành tổ chức các Hội nghị Thành ủy mang mật danh “Bình Giã” nhằm tổng kết, rút kinh nghiệm trong đấu tranh đô thị, rút ra những bài học được và chưa được trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vừa qua; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, tìm các phương thức chỉ đạo hoạt động của ba mũi giáp công chính trị, quân sự và binh vận trên toàn bộ địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong tình hình mới.

Đầu tháng 1/1971, khi đồng chí Võ Văn Kiệt được Trung ương Cục điều động về làm Bí thư Khu ủy Khu 9, đồng chí Trần Bạch Đằng thay đồng chí Võ Văn Kiệt giữ nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Đây là thời kỳ hoạt động sôi nổi, đầy năng động, sáng tạo, phản ánh rõ nét bản lĩnh, chân dung, tính cách đồng chí Trần Bạch Đằng.

Sau ngày 30/4/1975, đồng chí Võ Văn Kiệt và đồng chí Trần Bạch Đằng về tham lại căn cứ cũ, chiến trường xưa tại huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Sau ngày 30/4/1975, đồng chí Võ Văn Kiệt và đồng chí Trần Bạch Đằng về tham lại căn cứ cũ, chiến trường xưa tại huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Tháng 4/1972, đồng chí Trần Bạch Đằng nhận nhiệm vụ tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. Từ năm 1973, đồng chí là Phó Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, với vai trò Thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Trần Bạch Đằng đã có liên hệ chặt chẽ với báo chí Thành phố, chỉ đạo nhiều hoạt động tư tưởng, văn hóa của Đảng trong giai đoạn cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 1978, Trung ương điều động đồng chí Trần Bạch Đằng làm Phó Trưởng Ban Dân vận và Mặt trận Trung ương. Từ năm 1981 đồng chí là chuyên gia cao cấp Ban Tuyên huấn Trung ương cho đến ngày nghỉ hưu.

Năm 2002, đồng chí được Chính phủ giao nhiệm vụ Thường trực Hội đồng chỉ đạo, Tổng Biên tập công trình Lịch sử Nam Bộ kháng chiến. Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu nhưng đồng chí Trần Bạch Đằng đã làm việc hết sức cần mẫn, trách nhiệm cho công trình này.

Đồng chí Trần Bạch Đằng là một nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo đầy sắc sảo và là một nhà chính trị lão thành của Việt Nam; là người tham mưu cho Trung ương và Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhiều vấn đề chiến lược của đất nước. Đồng chí đã viết hàng ngàn bài báo đầy tâm huyết và là tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng, đã được xây dựng thành những bộ phim có giá trị lịch sử. Những tác phẩm tiêu biểu của đồng chí:Bác Sáu Rồng, Một ngày của Bí thư Tỉnh ủy, Ông Hai dứt khoát, Ván bài lật ngửa, Bài ca khởi nghĩa, Hành trình, Đất nước vào xuân, Tình yêu và lời đáp, Ông Hai Cũ, Trần Hưng Đạo Bình Nguyên, Đổi mới - Đi lên từ thực tế, Đồng bằng sông Cửu Long 40 năm, Người Công giáo Việt Nam, Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Địa chí Đồng Tháp Mười, Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Nam Bộ kháng chiến…

Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của đồng chí Trần Bạch Đằng đã có những dấu ấn sâu đậm đối với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Sống trong sự chở che, đùm bọc của nhân dân, đồng chí thấu hiểu tình cảnh, nguyện vọng, ý chí cách mạng, động viên, tổ chức để nhân dân đứng lên làm cách mạng. Đó là một quá trình thâm nhập thực tiễn cách mạng rất phong phú; thông qua các hoạt động tại cơ sở, đồng chí đã tích lũy cho mình một vốn kiến thức vô cùng dày dạn và sâu rộng, từ đó phác họa nên những chủ trương, kế hoạch của Đảng bộ Thành phố, nhất là trong chỉ đạo rất nhạy bén phong trào đấu tranh đô thị và nông thôn. Gắn bó mật thiết với nhân dân, bám sát thực tiễn cách mạng là tính cách đặc biệt, làm cơ sở cho hoạt động của đồng chí Trần Bạch Đằng. Đồng chí Trần Bạch Đằng mất ngày 16/4/2007.

Ngô Thành Trung (Tổng hợp

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối