Đất và người Long An

Đồng chí Tạ Uyên – Bí thư Xứ ủy Nam kỳ

29/08/2022 09:15:24AM
Màu chữ Cỡ chữ

  Trong sự nghiệp cách mạng, đồng chí Tạ Uyên giữ nhiều trọng trách quan trọng. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Ông đã trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ dự kiến diễn ra vào ngày 23-11-1940.

Đồng chí Tạ Uyên sinh ngày 5/8/1898 tại làng Côi Trì, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (nay là xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), trong một gia đình nông dân tương đối khá giả, được đi học từ nhỏ. Năm 18 tuổi, Tạ Uyên đỗ khóa sinh (học trò chữ Nho đậu kỳ thi sát hạch ở địa phương trong chế độ cũ). Sau đó, ông đi học nghề đạc điền. Nhờ có năng khiếu và thông minh, Tạ Uyên học nghề nhanh thành thạo và được bổ dụng làm thư ký đạc điền cho huyện.

Năm 1927, Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội Nam Định được thành lập. Tháng 9 năm đó, Tỉnh bộ cử cán bộ vào Ninh Bình gây dựng cơ sở, đầu tiên ở Hoàng Long, sau đó phát triển sang Yên Mô. Sau một thời gian thử thách, Tạ Uyên được kết nạp vào Hội. Tháng 10/1927, cơ sở Hội ở huyện Yên Mô đã phát triển, kết nạp thêm một số hội viên, Tạ Uyên được cử làm Bí thư. Ông đã chọn hang Bích Động xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư làm nơi sinh hoạt, tổ chức học tập và bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị và in truyền đơn phục vụ các đợt tuyên truyền. Tạ Uyên trực tiếp làm nhiều việc, từ viết, in và rải truyền đơn đến gây dựng cơ sở cách mạng. Tháng 6/1929, Tỉnh ủy Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Định quyết định xây dựng các chi bộ cơ sở Đảng ở Ninh Bình, bằng cách kết nạp những hội viên tích cực nhất của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Sau chi bộ Lũ Phong (xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan), chi bộ Côi Trì được thành lập do đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư.

Năm 1929, để mở rộng ảnh hưởng của Đảng và kỷ niệm lần thứ 12 Cách mạng Tháng Mười Nga, Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng Ninh Bình chỉ đạo mở đợt tuyên truyền lớn trong tỉnh. Đồng chí Tạ Uyên và chi bộ Côi Trì (Yên Mô) đã soạn thảo và rải truyền đơn kêu gọi nhân dân đấu tranh chống đế quốc chiến tranh, chống thực dân Pháp và tay sai đàn áp, bóc lột. Sau đợt tuyên truyền này, địch ra sức đàn áp, khủng bố, vây bắt một số đảng viên và quần chúng. Ngày 19/11/1929, địch theo dõi, vây bắt khi đồng chí Tạ Uyên đang trên đường đi công tác, đem về giam tại nhà lao Ninh Bình. Để khủng bố Tạ Uyên và các cơ sở cách mạng, địch còn về làng Côi Trì lục soát, khám xét, bắt cả cha và 3 người em của Tạ Uyên giam ở thị xã Ninh Bình.

Ngày 24/1/1930, lần đầu tiên ở Ninh Bình, thực dân Pháp mở phiên tòa xét xử những người cộng sản và một số quần chúng cách mạng trong tỉnh bị bắt sau đợt rải truyền đơn đầu tháng 11/1929. Đồng chí Tạ Uyên bị buộc vào tội “phá rối trật tự trị an, âm mưu khuynh đảo chính quyền ở địa phương”, bị kết án 15 năm tù giam, đày đi biệt xứ. Trước tòa án đế quốc, Tạ Uyên hiên ngang vạch tội ác của địch, ông tuyên bố: “Hôm nay các anh là người xử chúng tôi, ngày mai đây cũng chính ở chỗ này chúng tôi sẽ là người xử các anh”. Lời nói của ông đã đi vào lịch sử.

Tháng 6/1930, địch đày Tạ Uyên đi Côn Đảo. Tại đây, đồng chí bắt liên lạc với nhiều cán bộ của Đảng và cùng một số đồng chí lập ra chi bộ nhà tù Côn Đảo. Đồng chí được cử vào Ban Chấp hành chi bộ, phụ trách công tác cứu tế trong nhà tù. Thời gian ở Côn Đảo, đồng chí Tạ Uyên có điều kiện học tập lý luận mác xít, trau dồi tư tưởng cách mạng nên đã trở thành một trong những người có trình độ lý luận. Cuối năm 1934, đồng chí Tạ Uyên được chi bộ giao cùng một số đồng chí khác đóng thuyền và chuẩn bị điều kiện để vượt ngục. Năm 1935, đồng chí Tạ Uyên cùng 8 đồng chí đảng viên và 1 quần chúng tốt, có kinh nghiệm đi biển quyết định vượt ngục. Cuộc vượt ngục thành công, cập bến tại Hà Tiên. Về tới đất liền, đồng chí Tạ Uyên được phân công hoạt động ở vùng Hậu Giang, Bạc Liêu. Giữa năm 1936, Xứ ủy cử đồng chí công tác tại Tỉnh ủy Vĩnh Long. Tại đây, đồng chí Tạ Uyên đã cùng các đồng chí khác củng cố, kiện toàn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Tạ Uyên được cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Giữa năm 1937, theo yêu cầu của phong trào cách mạng, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định thành lập Ban Chấp hành Liên tỉnh ủy Hậu Giang, đồng chí Tạ Uyên được cử làm Bí thư Liên tỉnh ủy Hậu Giang (gồm các tỉnh Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long Xuyên, Châu Đốc). Với cương vị này, đồng chí Tạ Uyên đã xây dựng phong trào cách mạng ở các địa phương, huấn luyện và đào tạo cán bộ cho phong trào.

Đầu năm 1940, đồng chí Tạ Uyên được điều về tham gia Xứ ủy Nam Kỳ, được phân công phụ trách công tác binh vận và trực tiếp phụ trách vùng Hậu Giang. Ở cương vị này, đồng chí đã đến các trại lính của địch ở Sài Gòn, Chợ Lớn nghiên cứu tình hình, tìm cách gây dựng cơ sở.

Từ ngày 21 đến ngày 27/7/1940, thay đồng chí Võ Văn Tần - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ - bị địch bắt ngày 21/4/1940, đồng chí Tạ Uyên triệu tập Khoáng đại Hội nghị toàn Xứ (Hội nghị toàn Xứ mở rộng) tại xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho với sự tham gia của 24 đại biểu thuộc 19 trong số 21 tỉnh của Nam Kỳ. Hội nghị đã quán triệt tinh thần và nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Trung ương Đảng, xem xét thêm tình hình quốc tế và trong nước, thảo luận về tình hình địch và tình hình ta, chuẩn bị khởi nghĩa. Hội nghị quyết định cần khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa. Cùng với việc chuẩn bị lực lượng, một số cơ quan cần thiết trong khởi nghĩa như Ban Tham mưu, Ban Phá hoại, Ban Giao thông, Ban Tuyên truyền, Ban Quân báo, Ban Địch vận được hình thành gấp rút và bắt tay vào công việc. Hội nghị đã bầu đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư Xứ ủy thay đồng chí Võ Văn Tần.

Từ ngày 21 đến 23/9/1940, đồng chí Tạ Uyên triệu tập cuộc họp Xứ ủy (mở rộng) tại Xuân Thới Đông, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, có đồng chí Phan Đăng Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng dự. Nối tiếp Hội nghị Tân Hương tháng 7/1940, Hội nghị đã vạch đường hướng cho cuộc khởi nghĩa, chọn Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn làm trọng điểm và là nơi phát lệnh khởi nghĩa cho toàn Nam Kỳ. Sau khi phân tích tình hình quần chúng, tình hình địch, Hội nghị đánh giá tình hình chủ quan của cách mạng, lực lượng đội tiền phong còn tương đối yếu, tổ chức chưa được củng cố sau mấy đợt khủng bố; phong trào quần chúng chưa mạnh, điều kiện chủ quan chưa chín muồi.

Tuy nhận định như trên, nhưng Hội nghị cho rằng nếu không khởi nghĩa thì có hại vì ta lùi bước quần chúng sẽ xa rời Đảng, Đảng sẽ mất tín nhiệm với quần chúng; Pháp và Nhật sẽ lợi dụng đẩy mạnh âm mưu chia rẽ nội bộ, làm cho cách mạng tan rã… Cuối cùng, Hội nghị kết luận sẽ khởi nghĩa; tất cả các cấp bộ Đảng phải nghiêm túc thực hiện chủ trương của Xứ ủy. Đồng chí Tạ Uyên phụ trách chung và được phân công trực tiếp phụ trách Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.

Thượng tuần tháng 8/1940, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn họp Hội nghị mở rộng do đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy chủ trì để truyền đạt Nghị quyết Hội nghị Xứ ủy và nghe báo cáo về tình hình công tác chuẩn bị khởi nghĩa của Thành phố. Sau đó, cuối tháng 9/1940, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn lại họp kiểm điểm tình hình chuẩn bị. Hội nghị nhất trí thành lập các Ủy ban Khởi nghĩa cấp thành, quận; cử đồng chí Tạ Uyên làm Trưởng Ủy ban khởi nghĩa của Thành phố.

Lễ Khánh thành Nhà lưu niệm đồng chí Tạ Quyên. Ảnh Tư liệu

Trong hai ngày 15 và 16/11/1940, đồng chí Tạ Uyên chủ trì cuộc họp của Xứ ủy tại một địa điểm bí mật ở Hóc Môn. Mặc dù trong thảo luận vẫn còn ý kiến cho rằng tình hình chưa chín muồi cho khởi nghĩa, nhưng theo ý kiến của số đông, Hội nghị quyết định hạ lệnh khởi nghĩa và giao cho Ban Thường vụ quyết định ngày, giờ khởi nghĩa.

Ngày 20/11/1940, đồng chí Tạ Uyên và Ban Thường vụ Xứ ủy họp khẩn cấp quyết định khởi nghĩa sẽ nổ ra vào 24 giờ đêm 22/11/1940 và lệnh khởi nghĩa sẽ được phát đi từ Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy kiêm Trưởng ban khởi nghĩa Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn đã chỉ đạo rất tỉ mỉ việc xây dựng kế hoạch khởi nghĩa, các mặt công tác chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa tại Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Sáng ngày 22/11/1940, Tạ Uyên còn gặp đồng chí Nguyễn Như Hạnh, Bí thư Thành ủy để phổ biến chủ trương triệu tập Hội nghị Thành ủy mở rộng vào 12 giờ trưa ngày 22 để phổ biến lệnh khởi nghĩa.

Do có sự phản bội của một đảng viên đầu hàng địch, 16 giờ cùng ngày, đồng chí Tạ Uyên cũng bị địch bắt, tại 160 đường D’Ayot (nay là đường Nguyễn Thái Bình, Quận 1).

Ngay sau khi bắt được đồng chí Tạ Uyên, địch đưa ông về Sở Cảnh sát tra tấn ngay. Mặc dù địch đã dùng mọi cực hình dã man, đồng chí Tạ Uyên vẫn giữ vững bản lĩnh cách mạng, bảo vệ bí mật của Đảng, bảo vệ đồng chí của mình. Kiệt sức vì địch tra tấn liên tục, đồng chí Tạ Uyên hy sinh ngày 10/12/1940.

Trường học mang tên đồng chí Tạ Quyên

Từ một thanh niên nhiệt thành yêu nước, sớm tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, trở thành người cộng sản trong tổ chức tiền thân của Đảng, là một trong 3 Bí thư chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Ninh Bình, bị địch cầm tù nơi địa ngục trần gian Côn Đảo, đồng chí Tạ Uyên được tôi luyện cả về bản lĩnh, ý chí cách mạng và trí tuệ, thoát khỏi nhà tù đế quốc về Nam Kỳ tiếp tục đóng góp cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc. Đồng chí đã làm hết mình trong việc xây dựng củng cố tổ chức Đảng ở các tỉnh Nam Kỳ, trở thành người đứng đầu Xứ ủy Nam Kỳ đúng vào lúc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940.

Khởi nghĩa Nam Kỳ không thành công vì chưa hội đủ những yếu tố khách quan, chủ quan, nhưng hào khí Nam Kỳ khởi nghĩa, sự hy sinh của đồng chí Tạ Uyên và biết bao chiến sĩ cộng sản đã viết nên trang sử vẻ vang, hào hùng của Nam Bộ kiên cường, truyền thống kiên trung, bất khuất của những người cộng sản, tiếp sức cho ngọn lửa cách mạng trong Cách mạng Tháng Tám và sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Trung Ngô (tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối