Đất và người Long An

Đồng chí Phạm Văn Khung – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định

14/07/2023 02:21:47PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Hơn 60 năm phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng với hơn 50 tuổi Đảng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí Phạm Văn Khung cũng đều thể hiện lòng trung thành với Đảng, với chế độ, cống hiến tất cả sức lực, trí tuệ của mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Trên mọi cương vị công tác, đồng chí luôn tận tụy phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được tổ chức phân công, khiêm tốn, gần gũi với mọi người, có cuộc sống thanh bạch, giản dị, tình nghĩa với đồng chí, đồng đội.

Đồng chí Phạm Văn Khung sinh ngày 15 tháng 01 năm 1915 (có tài liệu thể hiện đồng chí Phạm Văn Khung sinh năm 1913), trong một gia đình nông dân tại xã An Phú Đông, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Dưới ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, đồng chí đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng.

Năm 1936 đồng chí là Ủy viên Ủy ban sáng xuất Công đoàn Xí nghiệp Ba Son đặc trách các tổ chức bán công khai ba vùng: Đa Kao, Tân Định, Phú Nhuận. Đầu tháng 12 năm 1939, đồng chí tham gia Ủy ban bãi công do Chi bộ Đảng ở xưởng Ba Son phát động. Cuối năm 1936 đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Giữa năm 1937, đồng chí tham gia Ủy ban sáng xuất Nghiệp đoàn đặt trụ sở tại 36 đường Alsace Lorraine (nay là đường Phó Đức Chính, Quận 1). Ngày 09 tháng 7 năm 1937, mật thám và cảnh sát ập vào khám xét trụ sở của Ủy ban sáng xuất Nghiệp đoàn Sài Gòn và Nam Kỳ, bắt tất cả những người có mặt, tịch thu tài liệu và chiếm giữ cơ quan. Ngày 9 tháng 9 năm 1937, tại Sài Gòn, chính quyền thực dân mở phiên tòa xử phạt những ủy viên của Ủy ban sáng xuất Nghiệp đoàn Sài Gòn và Nam Kỳ, mỗi người hai tháng tù. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, công nhân thành phố và công nhân cả nước kịch liệt phản đối bằng các hình thức biểu tình, mít tinh, bãi công, nhà cầm quyền thực dân buộc phải tuyên bố lại cho công nhân tổ chức ái hữu, mặc dù chúng rất lo sợ sẽ bùng nổ một phong trào ái hữu.

Tại cuộc mít tỉnh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01 tháng 5 năm 1938 tổ chức tại rạp hát Đội Có, Tân Định, đồng chí Phạm Văn Khung đã tham gia và phát biểu kết thúc.

Tháng 5 năm 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở Phú Nhuận. Đến tháng 4 năm 1941 bị đưa đi đày ở Bạc Liêu và qua các nhà giam Tà Lài, Bà Rá. Tại đây cũng đang giam giữ đồng chí Trần Văn Giàu và đồng chí Dân Tôn Tử.

Tháng 3 năm 1945 đồng chí ra tù, mở lò rèn ở vùng Ngã tư Bảy Hiền để tiếp tục hoạt động cách mạng, lãnh đạo chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945 tại Sài Gòn - Gia Định thắng lợi.

Tháng 7 năm 1945, Xứ ủy Tiền phong tổ chức một Tỉnh ủy do đồng chí Phạm Văn Khung làm Bí thư, hoạt động chủ yếu trên địa bàn vùng Gò Vấp và một phần Thủ Đức.

Ngày 05 tháng 10 năm 1945, tướng Leclerc chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp đến Sài Gòn, Leclerc liên tục tổ chức các cuộc tiến phá vòng vây quanh khu vực trung tâm Sài Gòn, chiến sự lan dần ra ngoại ô, ta củng cố và điều chỉnh nhanh chóng các lực lượng vũ trang, các mặt trận. Bộ chỉ huy Mặt trận số 1 (còn gọi là mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Gia Định hay Mặt trận phía đông, kéo dài từ ngã ba sông Thị Nghè đến cầu Bông) gồm Nguyễn Đình Thâm - Chỉ huy trưởng, Phạm Văn Khung - Chính ủy, Phan Văn Năm, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Hòa Hiệp, Hồng Tảo. Chỉ huy sở đặt tại Gò Vấp, sau chuyển sang An Phú Đông.

Đầu tháng 3 năm 1946, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến tỉnh Gia Định thành lập Chi đội 6 gồm các lực lượng vũ trang của các huyện Dĩ An, Gò Vấp, Thủ Đức, đồng chí Phạm Văn Khung - Bí thư Tỉnh ủy kiêm trực tiếp là Chính trị viên của Chi đội.

Từ tháng 01 năm 1948 đến tháng 10 năm 1950, đồng chí là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn Nam Bộ.

Từ tháng 01 năm 1951 đến tháng 10 năm 1953, đồng chí Phạm Văn Khung là Ủy viên Đảng đoàn Liên hiệp Công đoàn Nam Bộ, đồng thời đảm nhiệm ba nhiệm vụ: Thư ký Liên hiệp Công đoàn miền Tây Nam Bộ, Thư ký Công đoàn sản xuất vũ khí miền Tây Nam Bộ, Giám đốc Khu Lao động Nam Bộ.

Từ tháng 10 năm 1953 đến tháng 10 năm 1954 là cán bộ Công vận Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, đồng chí được phân công ở lại miền Nam hoạt động và giữ các chức vụ: Cán bộ Ban Dân vận Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách huấn luyện các lớp đào tạo cán bộ nội thành, hoạt động trong phong trào bảo vệ hòa bình, tổ chức xây dựng cơ sở ở các đơn vị: Xí nghiệp Ba Son, Nhà Đèn, Hàng không Việt Nam, Trường Tiền Gia Định, chợ Hòa Hưng, Đa Kao...

Từ tháng 10 năm 1954 đến tháng 5 năm 1960, đồng chí là cán bộ Công vận Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Tháng 5 năm 1960 đến tháng 11 năm 1968 đồng chí bị địch bắt lần 2 và đày qua các nhà giam ở Sài Gòn, Gia Định, Chí Hòa, Côn Sơn, Biên Hòa. Tháng 12 năm 1968, đồng chí ra tù và tiếp tục hoạt động đơn tuyến trong nội thành, là cán bộ Dân vận nội thành Sài Gòn.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, đồng chí chuyển về công tác tại Tiểu ban đời sống Liên hiệp Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 10 năm 1975, đồng chí công tác tại Ban Bảo hiểm xã hội thuộc Liên hiệp Công đoàn miền Nam. Tháng 02 năm 1976, đồng chí được điều động về công tác tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó đồng chí nghỉ hưu. Đồng chí từ trần ngày 20 tháng 02 năm 2001.

Ngô Thành Trung (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối