Đất và người Long An

Đồng chí Phan Văn Đáng - Phó Chủ tịch Ủy Ban Thường vụ Quốc hội

18/04/2023 03:17:42PM
Màu chữ Cỡ chữ

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã khẳng định: “Đồng chí Phan Văn Đáng là một chiến sĩ cộng sản chân chính, một trong những đồng chí lãnh đạo tiêu biểu của cách mạng miền Nam, suốt đời hoạt động không mệt mỏi vì lý tưởng cao đẹp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Đồng chí Phan Văn Đáng sinh tháng 10 năm 1918 tại xã Mỹ Lộc, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long - mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, văn hiến và đấu tranh cách mạng. Tháng 9 năm 1939, đồng chí Phan Văn Đáng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phan Văn Đáng.

Đứng vào hàng ngũ của Đảng, Phan Văn Đáng càng ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Ông và em gái của mình (tức là bà Phan Thị Tốt) đã thay phiên nhau đi diễn thuyết ở nhiều nơi trong vùng.

Năm 1940, đồng chí đã tham gia rất tích cực vào công tác chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ và trở thành thành viên của Ban lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở quận Tam Bình.

Sau khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long, nhiều quần chúng, đảng viên kiên trung bị địch bắt và bị tù đày ở nhà tù Bá Rá, Tà Lài và Côn Đảo. Do là gia đình hoạt động cách mạng tích cực, cả nhà đồng chí Phan Văn Đáng bị bắt tù đày. Trải qua nhiều nhà giam, đồng chí vẫn giữ vững ý chí chiến đấu. Cuối cùng, thực dân Pháp đã kết án khổ sai, đày đồng chí Phan Văn Đáng ra Côn Đảo.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Đồng chí Phan Văn Đáng được đưa về đất liền. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Để lãnh đạo cuộc kháng chiến tại Vĩnh Long, ngày 16 tháng 2 năm 1946, Ủy ban Mặt trận Việt Minh lâm thời tỉnh được thành lập do Phan Văn Đáng làm Chủ nhiệm. Tháng 7 năm 194ó, Tỉnh ủy lâm thời Vĩnh Long được thành lập, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Cùng với việc Tỉnh ủy lâm thời được thành lập lại, tổ chức đảng ở các quận, xã, bộ máy chính quyền cách mạng, các đoàn thể cũng được tái thành lập. Sau khi Tỉnh ủy Vĩnh Trà thành lập (sáp nhập Trà Vinh và Vĩnh Long), đồng chí Phan Văn Đáng được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Hòa bình được lập lại nhưng đồng bào miền Nam còn phải tiếp tục đấu tranh gian khổ trong vùng kiểm soát của Mỹ - Diệm.

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng quyết định thành lập Xứ ủy Nam Bộ ở miền Nam để chỉ đạo sâu sát tình hình cách mạng miền Nam trong điều kiện mới. Năm 1954, Xứ ủy Nam Bộ được thành lập, do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy, đồng chí Phan Văn Đáng được bầu làm Ủy viên Thường vụ (phụ trách công tác xây dựng Đảng, công tác binh vận). Trong điều kiện xa Trung ương, thông tin liên lạc khó khăn, việc giải đáp kịp thời, sáng tỏ những vấn đề bức xúc của cách mạng ở miền Nam là một sáng tạo rất lớn của các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Nam Bộ, mà trong đó có vai trò của đồng chí Phan Văn Đáng, Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ.

Từ năm 1957, chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ lập nên ở miền Nam Việt Nam đã bộc lộ những mâu thuẫn trầm trọng, trong đó mâu thuẫn giữa chế độ thực dân mới với các giai cấp, tầng lớp yêu nước ở miền Nam ngày càng gay gắt. Vấn đề cấp bách đặt ra là phải chuyển hướng đấu tranh, nhanh chóng tìm ra những chủ trương, biện pháp thích hợp nhằm chống lại sự đánh phá khốc liệt của kẻ thù, bảo vệ lực lượng cách mạng, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Sau khi đồng chí Lê Duẩn ra Bắc, Xứ ủy Nam Bộ đã cử tiếp hai đồng chí Phan Văn Đáng (Thường vụ Xứ ủy) và Phạm Văn Xô (Xứ ủy viên) ra Bắc báo cáo tình hình và xin ý kiến Trung ương về chủ trương, đường lối cách mạng miền Nam.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 diễn ra, đồng chí Phan Văn Đáng và Phạm Văn Xô thay mặt Xứ ủy Nam Bộ dự hội nghị và báo cáo trước toàn thể hội nghị về tình hình Nam Bộ từ sau Hiệp định Genève đến cuối 1958. Bác Hồ khóc mấy lần khi nghe hai đồng chí kể lại sự đàn áp khốc liệt của Mỹ - Diệm đối với đồng bào và cán bộ, chiến sĩ miền Nam. Tháng 5 năm 1959, đồng chí Phan Văn Đáng về Nam, đồng chí đã về đến căn cứ Xứ ủy ở Nam Vang; đồng chí báo cáo lại với Xứ ủy tinh thần nội dung ý kiến của Bác Hồ, đồng chí Lê Duẩn và tình hình Hội nghị Trung ương. Hội nghị Trung ương lần thứ 15 đã họp tiếp đợt 2 (từ ngày 10 đến ngày 15 tháng 7 năm 1959) và lần này mới thông qua được nghị quyết.

Nút thắt của cách mạng ở miền Nam được tháo gỡ, phong trào cách mạng lớn lên như vũ bão; để đáp ứng tình hình mới, theo đề nghị của Xứ ủy, tháng 3 năm 1961, Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư, đồng chí Võ Chí Công, đồng chí Phan Văn Đáng giữ nhiệm vụ Phó Bí thư. Đồng chí Phan Văn Đáng làm Thường trực Trung ương Cục, phụ trách tổ chức, bảo vệ chính trị nội bộ, công tác binh vận và trường Nguyễn Ái Quốc và giữ nhiệm vụ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Trong thời gian làm lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, ngoài cương vị là Thường trực Trung ương Cục, đồng chí Phan Văn Đáng được phân công phụ trách Khối tổ chức, bảo vệ chính trị nội bộ, công tác binh vận, Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam.

Từ tháng 5 năm 1975, đồng chí Phan Văn Đáng được cử làm Ủy viên Thường trực Ban đại diện Trung ương và Chính phủ tại miền Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Đảng Trung ương. Đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa IV, được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên những cương vị được giao phó, phát huy kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Phan Văn Đáng đã có nhiều cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, góp phần cùng cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng chí Phan Văn Đáng mất ngày 09/5/1997.

Với 78 tuổi đời, gần 60 năm tuổi Đảng, đi suốt cuộc trường chinh đấu tranh giải phóng dân tộc và những năm đầu xây dựng, phát triển đất nước, đồng chí Phan Văn Đáng đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối