Đất và người Long An

Đồng chí Nguyễn Văn Tây - Bí thư Xứ ủy Nam kỳ

21/10/2022 11:01:21AM
Màu chữ Cỡ chữ

   Gần 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huy chương “Quân kỳ Quyết thắng”, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất,uân chương Thành đồng Tổ quốc, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất và nhiều huy chương, huy hiệu khác.

Đồng chí Nguyễn Văn Tây (05/11/1910-09/01/1996), còn có tên gọi là Nguyễn Thanh Sơn trong một gia đình truyền thống cách mạng, thuở nhỏ Nguyễn Thanh Sơn học ở trường làng, sau đó theo học trường Collège de Cần Thơ. Tại đây, Nguyễn Thanh Sơn tham gia hoạt động cách mạng, tiêu biểu như năm 1925, đồng chí tham gia phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu, năm 1926 tham gia phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh và học sinh bãi khóa. Năm 1927, đồng chí được tổ chức cử tham gia học tại Trường Huấn luyện Chính trị Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu (Trung Quốc). Trong thời gian dự khóa huấn luyện ở Quảng Châu, Nguyễn Thanh Sơn được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Xong khóa huấn luyện, đồng chí trở về nước hoạt động, được tổ chức phân công về vùng Cao Lãnh, Sa Đéc (nay thuộc Đồng Tháp) hoạt động tuyên truyền hội viên. Tại đây, đồng chí đứng ra tuyên truyền vận động cách mạng trong giới học sinh, trí thức, thợ thuyền.

Năm 1928, đồng chí là thành viên Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Từ tháng 1 đến tháng 8 năm 1929, đồng chí phụ trách Liên Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội hai tỉnh Mỹ Tho và Bến Tre, rồi được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng và chịu trách nhiệm dẫn 3 đồng chí gồm Nhung, Phong, Núi thành lập chi bộ An Nam Cộng sản đầu tiên ở Cà Mau.

Từ tháng 9 năm 1929 đến tháng 5 năm 1930, đồng chí là Bí thư Chi bộ đặc biệt An Nam Cộng sản Đảng vùng Cao Lãnh - Sa Đéc. Sau ngày 3 tháng 2 năm 1930, đồng chí là Bí thư Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam vùng Cao Lãnh, là người tổ chức chỉ huy đấu tranh trực diện trước họng súng quân thù, 5 cuộc biểu tình ở Cái Đầu - Bình Thành (Long Xuyên), Cao Lãnh, Chợ Mới, Tân Dương (Sa Đéc); Cờ Đỏ, Thới Lai, Ô Môn thuộc tỉnh Hậu Giang, góp phần mở đầu cao trào cách mạng 1930 - 1931.Tháng 6 năm 1930 đến tháng 1 năm 1931, đồng chí là Xứ ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Kỳ, kiêm Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Gia Định.

Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1931, đồng chí là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Tháng 5 năm 1931, đồng chí bị bắt và bị kết án tù chung thân, bị đày ra Côn Đảo. Khi vào tù, đồng chí vẫn tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ Đệ tam quốc tế, chống bọn Trotsky Đệ tứ quốc tế. Đồng chí cùng với đồng chí Bùi Công Trừng viết quyển sách Cộng sản sơ giải bí mật xuất bản làm tài liệu huấn luyện đảng viên. Ngoài việc cùng với đồng chí Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Lê Duẩn tham gia lớp nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin cao cấp ở Banh II, đồng chí còn cùng với đồng chí Nguyễn Văn Linh tham gia tổ phục vụ học tập do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Tổ trưởng, chuyên chép sách kinh điển chữ Pháp, chữ Việt, mỗi thứ chép 1 quyển gửi về cho tổ chức đảng ở đất liền và cho các chính trị phạm các banh khác cùng học. Tháng 10 năm 1936, đồng chí được trả tự do.

Đầu năm 1937, đồng chí chịu trách nhiệm tổ chức xuất bản một tờ báo công khai đầu tiên riêng của Trung ương Đảng ở Sài Gòn lấy tên là Avant-garde, sau đổi là Le penple. Năm 1938, theo chỉ thị trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, với nhiệm vụ là Tổng Biên tập, đồng chí xuất bản tạp chí Đông Dương ở Mỹ Tho để tuyên truyền vận động nhân sĩ trí thức và công chức cao cấp với các cộng tác viên Phan Bội Châu, Trần Huy Liêm, Tố Hữu... có 67 đại lý ở khắp Đông Dương và ở nước ngoài. Tháng 9 năm 1939, đồng chí bị bắt và kết án 20 năm biệt xứ Sài Gòn - Chợ Lớn - Bà Điểm - Hóc Môn - Cao Lãnh - Chợ Mới.

Từ tháng 9 năm 1939, sau hai lần bị địch bao vây suýt bị bắt, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn phải chuyển vùng hoạt động, vừa né tránh địch vừa bí mật xây dựng cơ sở mới, vừa khôi phục lại cơ sở cũ bị tàn phá sau Nam Kỳ khởi nghĩa. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (tháng 3 năm 1945), đồng chí Nguyễn Thanh Sơn cùng với đồng chí Phạm Văn Bạch tổ chức Hội nghị nhân sĩ, trí thức Tây Đô ở Cần Thơ, rồi tham gia Xứ ủy Nam Bộ, tổ chức Ban Chấp hành Liên Tỉnh ủy 11 tỉnh miền Tây Nam Bộ do chính đồng chí Nguyễn Thanh Sơn làm Bí thư, tham gia giành chính quyền ở Sài Gòn và tổ chức chỉ đạo Tổng khởi nghĩa thành công ở 11 tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Khi thành lập Ủy ban hành chính Nam Bộ lâm thời, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn là Xứ ủy viên Nam Bộ, kiêm Bí thư Liên Tỉnh 11 tỉnh miền Tây Nam Bộ, kiêm Ủy viên Hành chính Nam Bộ, kiêm Thanh tra Chính trị miền Tây, kiêm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Đồng chí chịu trách nhiệm thay mặt cho chính quyền cấp Nam Bộ tổ chức chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang và tổ chức kháng chiến ở 11 tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Khi thành lập Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam và 3 Quân khu Nam Bộ VII, VIII, IX, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn là quyền Khu bộ trưởng Quân khu IX, tổ chức chỉ đạo bao vây tiêu diệt địch 90 ngày đêm ở mặt trận Cần Thơ.

Từ giữa năm 1946 đến năm 1948, đồng chí là Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam, phụ trách phần tổ chức chỉ đạo kháng chiến 4 Quân khu VI, VII, VIII, IX từ tỉnh Phú Yên đến mũi Cà Mau.Từ tháng 1 năm 1948 đến tháng 4 năm 1950, đồng chí là Xứ ủy viên Xứ ủy thống nhất Đảng bộ Nam Bộ, kiêm Trưởng Phân ban Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ ở miền Tây, kiêm Ủy viên Quân sự và ngoại vụ Nam Bộ, tổ chức chỉ đạo Mặt trận thứ hai và giúp đỡ các nhà yêu nước Campuchia phát động phong trào võ trang tranh đấu kháng chiến chống Pháp, giành độc lập tự do ở Campuchia.

Từ tháng 5 năm 1950 đến năm 1954, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn là Bí thư Ban Cán sự toàn Campuchia kiêm Chính ủy Tình nguyện quân Việt Nam ở Campuchia, Trưởng Ban Vận động thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia. Là thành viên phái đoàn Quân sự tại Hội nghị Genève 1954, Trưởng Phái đoàn đại diện Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng Chỉ huy Lực lượng Võ trang It-xa-rắc Campuchia trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến ở Campuchia năm 1954.

Từ tháng 10 năm 1954 đến cuối năm 1959, đồng chí là Phó Trưởng Ban Lào - Campuchia Trung ương, tiền thân của Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương hiện nay.Từ năm 1960 đến năm 1975, đồng chí là Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tài chính. Năm 1963, đồng chí giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng chí đại diện Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính 12 nước xã hội chủ nghĩa tại Praha (Tiệp Khắc), đoàn kết đấu tranh nâng giá trị đồng tiền Việt Nam được hơn 30% so với trước. Trong thời gian này, đồng chí phát triển tổ chức Vụ Quản lý Ngoại tệ và Công ty Bảo hiểm Việt Nam trong ngành Tài chính; xây dựng được hệ thống đại học và trung học tài chính kế toán trong cả nước; phụ trách ngân sách Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban Thống nhất Trung ương,...

Từ tháng 10 năm 1976, đồng chí nghỉ hưu. Tuy nghỉ hưu, nhưng đồng chí vẫn làm việc, đóng góp các vấn đề chiến lược với Trung ương từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ V, VI, VII cũng như một số Hội nghị Trung ương, đồng thời giúp tư liệu cho công tác lịch sử Đảng Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh Nam Bộ. Ngày 9 tháng 1 năm 1996, đồng chí mất tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 86 tuổi.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối