Đất và người Long An

Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam

26/04/2023 03:50:12PM
Màu chữ Cỡ chữ

Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng đánh giá: “Từ buổi đầu tham gia cách mạng đến khi vĩnh biệt chúng ta, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã giữ trọn danh hiệu cao quý của người đảng viên cộng sản, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hy sinh cao cả vì lý tưởng cao đẹp của Đảng”.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh sinh ngày 01 tháng 7 năm 1915 tại Hà Nội, nhưng quê gốc ở Hưng Yên, trong gia đình nhà giáo nghèo tại phố Hàng Thâm, quận Ba Đình, Hà Nội. Cha là cụ Nguyễn Đức Lan làm nghề dạy học. Mẹ ông được gọi theo tên chồng là bà giáo Lan. Thuở nhỏ, đồng chí có tên khai sinh là Nguyễn Đức Cúc, mọi người quen gọi là Nguyễn Văn Cúc. Gia cảnh cơ cực, cha mất sớm nên bà nội và chú ruột đón ông lên Hà Nội cho ăn học.

Năm 1925, khi đang học tiểu học ở Hà Nội, bà nội và chú ruột Nguyễn Đức Thụ chuyển về Hải Phòng, đã đưa ông về thành phố này học tập tại trường Bonnan (nay là trường Trung học phố thông Ngô Quyền thuộc quận Lê Chân).

Những năm 1925 - 1930, Hải Phòng nơi nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng hoạt động như Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Lương Bằng, nên phong trào ở đây rất mạnh.

Ngày 01 tháng 5 năm 1930, được tổ chức Đảng giao nhiệm vụ, Nguyễn Văn Linh cùng hai người bạn học là Nguyễn Văn Thiên và Lê Viên mang truyền đơn cách mạng kỷ niệm Ngày quốc tế lao động đi rải thì bị mật thám bắt, tòa án thực dân Pháp kết tội ông 18 tháng tù giam khi mới 15 tuổi. Ngày 26 tháng 01 năm 1931, tòa án Pháp lại đưa ông ra xử lại cùng với 191 tù chính trị, trong đó có 72 người tù cộng sản, bị kết án chung thân, lưu đày đi Côn Đảo.

Tại Côn Đảo, ông có cơ hội được gặp hầu hết các nhà lãnh đạo của Đảng cũng đang bị cầm tù ở đây như Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Bùi Công Trừng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh, Ngô Gia Tự,... Đầu năm 1932, Chi bộ đặc biệt của Đảng ra đời ở Banh I để lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại sự khủng bố của kẻ thù, giữ vững khí tiết của những người cộng sản.

Tháng 5 năm 1936, chính phủ của Mặt trận bình dân Pháp thắng cử, ra lệnh đại ân xá tù chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Linh được thả tự do cùng với rất nhiều nhà cách mạng khác. Ông lên Hà Nội bắt liên lạc với tổ chức để hoạt động. Tháng 3 năm 1937, Xứ ủy Bắc Kỳ được lập lại ở Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được phân công giúp việc cho cơ quan Xứ ủy và sau đó Xứ ủy cử đồng chí xuống Hải Phòng tổ chức lập lại Thành ủy Hải Phòng. Tháng 4 năm 1937, hội nghị lập lại Thành ủy diễn ra. Hội nghị đã nhất trí cử ông làm Bí thư Thành ủy nhưng ông dứt khoát từ chối vì chưa phải là đảng viên, vì vậy Hội nghị cử đồng chí Nguyễn Văn Túc - tức Nguyễn Cộng Hòa làm Bí thư. Khi trở lại Hà Nội báo cáo với đồng chí Bí thư Xứ ủy Trường Chinh thì Xứ ủy mới biết đồng chí chưa phải đảng viên vì Trung ương vẫn nghĩ là đồng chí đã vào Đảng năm 1930 khi bị đày đi Côn Đảo. Do vậy, đồng chí Bí thư Xứ ủy Trường Chinh đã công nhận đồng chí vào Đảng kể từ năm 1936 và tiếp tục cử xuống Hải Phòng hoạt động, làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng - Kiến An khi đồng chí Bí thư Nguyễn Văn Túc được Xứ ủy cử đi vùng khác hoạt động.

Tháng 01 năm 1939, đồng chí Nguyễn Văn Cúc được Trung ương yêu cầu bàn giao nhiệm vụ ở Hải Phòng cho đồng chí Tô Hiệu để vào tăng cường cho Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy.

Tháng 10 năm 1939, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trực tiếp giao nhiệm vụ ra Nghệ Tĩnh gặp đồng chí Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập đang bị địch cho an trí tại quê nhà, truyền đạt tình hình mới và mời hai đồng chí vào Sài Gòn dự họp Hội nghị Trung ương. Trong chuyến đi này, đồng chí bị địch bắt, nhưng nhờ các đồng chí linh hoạt nên thoát nạn.

Cuối năm 1939, tại Sài Gòn, đồng chí được Trung ương phân công cùng với đồng chí Võ Văn Tần và các đồng chí khác lập lại Xứ ủy Nam Kỳ và trở thành cán bộ trẻ cấp Xứ ủy; được Trung ương cử ra miền Trung lập lại Xứ ủy Trung Kỳ. Đầu năm 1941, đồng chí bị địch bắt tại Vinh, đưa về Sài Gòn xử 5 năm tù và đày đi Côn Đảo lần thứ hai cùng với nhiều đồng chí khác.

Cách mạng Tháng Tám thành công. Đồng chí Mười Cúc được Xử ủy phân công trở lại Sài Gòn lãnh đạo cuộc kháng chiến. Tháng 11 năm 1947, tại căn cứ Vườn Thơm, Hội nghị Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn được triệu tập. Đồng chí Nguyễn Văn Linh chính thức được bầu làm Bí thư Thành ủy. Vào giữa năm 1948, đồng chí được điều động về Xứ ủy công tác.

Tháng 7 năm 1948, được sự ủy nhiệm của Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn triệu tập và chủ trì Đại hội đại biểu Đảng bộ Xứ ủy Nam Bộ. Tại Đại hội lần này đồng chí Mười Cúc được bầu làm Thường vụ Xứ ủy, Bí thư là đồng chí Lê Duẩn; Phó Bí thư là các đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Đức Thuận.

Năm 1950, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Xứ ủy điều động về tăng cường cho Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 8 năm 1950, Hội nghị Thành ủy được triệu tập dưới sự chủ trì của đồng chí Mười Cúc để thực hiện quyết định của Xứ ủy Nam Bộ thành lập Đặc khu ủy. Hội nghị đã chính thức bầu đồng chí Mười Cúc làm Bí thư Đặc khu ủy kiêm Chính ủy Ban Chỉ huy quân sự đặc khu. Cuối năm 1952, đồng chí được Trung ương triệu tập ra Việt Bắc học tại Trường đảng Nguyễn Ái Quốc. Học xong đồng chí được giữ lại để bạt làm Phó Ban Tuyên huấn Trung ương và cuối năm 1953 tham gia làm công tác cải cách ruộng đất thí điểm ở Thái Nguyên. Ông được điều động trở lại miền Nam chiến đấu vào tháng 9 năm 1954.

Sau Hội nghị Genève, Trung ương Đảng có những điều chỉnh lớn về tổ chức đối với miền Nam. Trung ương Cục được giải thể để lập Xứ ủy Nam Bộ cho thích ứng với hình thức mới.

Tháng 10 năm 1954, tại căn cứ Chắc Băng - Cà Mau, Hội nghị thành lập Xứ ủy được triệu tập. Hội nghị đã quyết định chia Nam Bộ thành ba Liên khu ủy và Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Bộ Chính trị chỉ định đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được chỉ định làm Thường vụ Xứ ủy kiêm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Cuối năm 1956, Trung ương và Xứ ủy Nam Bộ phân công đồng chí về chuyên trách công tác ở Xứ ủy.

Tháng 4 năm 1957, đồng chí Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn được Bộ Chính trị điều động ra Trung ương nhận nhiệm vụ mới, chỉ định đồng chí Phạm Hữu Lầu làm quyền Bí thư Xứ ủy. Hai tháng sau, đồng chí Phạm Hữu Lầu qua đời do ốm nặng, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Trung ương chỉ định làm quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ từ năm 1957 - 1960. Đây là giai đoạn cách mạng miền Nam ở thế thoái trào do bị địch đánh phá khốc liệt, cách mạng bị tổn thất nặng nề. Thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng Xứ ủy lãnh đạo nhân dân miền Nam tiến hành cuộc Đồng khởi vĩ đại, chuyển cách mạng miền Nam sang một giai đoạn mới.

Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh và một số đồng chí công tác ở chiến trường được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, nhưng vì đảm bảo bí mật nên không được công bố. Sau Đại hội, ngày 23 tháng 01 năm 1961, Ban Chấp hành Trung ương họp bàn về cách mạng miền Nam, quyết định giải thể Xứ ủy Nam Bộ để lập lại Trung ương Cục miền Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Ủy viên Trung ương Đảng được Bộ Chính trị chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục. Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 10 năm 1961, đã diễn ra Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục (mở rộng), xem như Hội nghị thành lập Trung ương Cục. Tháng 02 năm 1961, Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam được thành lập do đồng chí Trần Văn Quang làm Tư lệnh, đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam đến cuối năm 1964.

Khi chiến lược chiến tranh đặc biệt phá sản, đế quốc Mỹ chuyến sang chiến lược chiến tranh cục bộ, chuẩn bị đưa quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng miền Nam, cuối năm 1964, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp vào Nam Bộ và là người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất của chiến trường. Đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn là Bí thư Trung ương Cục đến năm 1967. Sau khi vào chiến trường Nam Bộ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã triệu tập Hội nghị cán bộ các khu ủy và Quân ủy miền. Tại Hội nghị này, đồng chí Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh được Trung ương Cục phân công kiêm phụ trách Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (chứ không phải làm Bí thư Khu ủy). Ngày 19 tháng 5 năm 1967, Bộ Chính trị điện Trung ương Cục cử đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư Quân ủy kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Miền. Tháng 7 năm 1967, Bộ Chính trị quyết định cử đồng chí Phạm Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ vào Nam Bộ thay đồng chí Nguyễn Chí Thanh (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời), trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam. Cuối năm 1967, đồng chí Phạm Hùng trực tiếp làm Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy miền, kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Phó Bí thư Trung ương Cục.

Trong mười năm liền (1957 - 1967), đồng chí Mười Cúc - Nguyễn Văn Linh liên tục làm Quyền Bí thư Xứ ủy (1957 - 1960) rồi làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1961 - 1967).

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, ngày 25 tháng 10 năm 1967, tại Chiến khu Dương Minh Châu, Thường vụ Trung ương Cục và Quân ủy miền Nam làm việc với Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Trung ương Cục quyết định giải thể Quân khu 7 và Quân khu Sài Gòn - Gia Định lập thành khu trọng điểm, cử đồng chí Nguyễn Văn Linh trực tiếp làm Bí thư Khu trọng điểm.

Tháng 8 năm 1968, khi phân tích tình hình Nam Bộ qua các đợt tổng công kích, Trung ương Cục quyết định lập lại Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Tháng 4 năm 1972, một lần nữa, đồng chí Phó Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh lại trực tiếp được phân công làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đến tháng 10 năm 1973,

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đồng chí Nguyễn Văn Linh được giao nhiệm vụ phụ trách công tác nổi dậy của quần chúng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định vào ngày 30 tháng 4 lịch sử. Ngày 29 tháng 9 năm 1975, tại Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra quyết định: “Giải thể Trung ương Cục miền Nam... đồng thời thành lập Ban đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam”, Tháng 12 năm 1975, đồng chí Nguyễn Văn Linh được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư, tiếp tục làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đến tháng 4 năm 1977.

Từ tháng 4 năm 1977, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban cải tạo Xã hội chủ nghĩa Trung ương. Cuối năm 1977, Bộ Chính trị phân công đồng chí sang làm Trưởng ban Dân vận - Mặt trận Trung ương. Năm 1978, Đại hội IV Tổng Công đoàn Việt Nam bầu đồng chí làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam thay đồng chí Hoàng Quốc Việt. Cuối năm 1980, đồng chí thôi giữ chức chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Bộ Chính trị phân công đồng chỉ theo đõi thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ tại miền Nam. Tháng 12 năm 1981, đồng chí được Bộ Chính trị điều động trở lại làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 3 năm 1982, tại Đại hội V của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, nhưng không tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới.

Nhà Lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Linh tại tỉnh Hưng Yên. Ảnh từ Internet

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa V (tháng 6 năm 1985) đã bầu đồng chí trở lại Bộ Chính trị. Tháng 6 năm 1986, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Trung ương Đảng và phân công làm Thường trực Ban Bí thư.

Tháng 12 năm 1986, tại Đại hội VI của Đảng, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Năm 1987, đồng chí kiêm chức Bí thư Quân ủy Trung ương. Đồng chí đã nỗ lực cao độ cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương kiên định triển khai đồng bộ sự nghiệp đổi mới đất nước, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, cùng với đổi mới kinh tế, tiến hành đổi mới hệ thống chính trị một cách vững chắc. Tháng 6 năm 1987, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh mất ngày 27 tháng 4 năm 1998.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối