Đất và người Long An

Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh – Phó Bí thư Xứ uỷ Nam kỳ

25/04/2023 02:56:52PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Ngưỡng vọng về bậc cách mạng tiền bối, đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã viết “Đồng chí Nguyễn Văn Kinh là nhà lãnh đạo đức trọng tài cao…”.

Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh (Nguyễn Thượng Vũ, Trung Nam) sinh ngày 28 tháng 02 năm 1916 tại Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Xuất thân trong một gia đình khá giả, mang quốc tịch Pháp nhưng đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh có tỉnh thần yêu nước mãnh liệt, sớm giác ngộ con đường cứu nước của những người cộng sản, nên năm 1ó tuổi (năm 1932), đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh từ giã học đường tham gia cách mạng. Năm 1933, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí được Xứ ủy phân công phụ trách tổ chức học sinh, ra tờ báo Tân Học sinh do đồng chí làm chủ bút, tích cực tham gia vào Nam Kỳ Học sinh liên hiệp Hội. Tiếp đó, theo chỉ đạo của Xứ ủy, đồng chí tổ chức ra Hội Liên hiệp Thanh niên và chuyển tờ Tân Học sinh thành tờ Thanh niên đỏ. Hoạt động của đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh trong giai đoạn 1932 - 1935 có tác dụng hỗ trợ cho Đảng ta tiến hành khôi phục và phát triển thực lực trong thời kỳ cách mạng bị thoái trào.

Năm 1935, đồng chí bị Pháp bắt, kết án 1 năm tù nhưng do chống án nên sau chuyển thành 18 tháng án treo. Năm 1936 - 1939, tham gia vận động phong trào Đông Dương Đại hội và hoạt động báo chí công khai của Đảng. Đồng chí cùng với các đồng chí Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Hữu Lầu, Nguyễn Thị Lựu... lần lượt ra các tờ báo L‘Avant Garde, Le Peuple, Dân chúng. Đây là cơ quan ngôn luận của Đảng ta, hoạt động đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập. Vai trò của các tờ báo này là rất lớn đối với phong trào cách mạng ở những năm 40, thế kỷ XX. Đặc biệt là tờ Dân chúng, vào thời điểm đặc biệt của năm 1938, Đảng đứng trước đòi hỏi bức xúc phải có một tờ báo công khai chữ Việt để lãnh đạo thống nhất và kịp thời phong trào cách mạng ở cả ba kỳ và trên khắp Đông Dương, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Hà Huy Tập nhất trí chủ trương xuất bản tờ báo Dân chúng mà không xin phép nhà cầm quyền.

Ngày 22 tháng 7 năm 1938, Dân chúng ra số đầu tiên (số 1), Tham gia Tòa soạn có các đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Thị Lựu, Nguyễn Văn Trấn... Tòa soạn của Dân chúng ở chung với Le Peuple tại số nhà 43 đường Hamelin (nay là đường Lê Thị Hồng Gấm, Quận 1), sau chuyển sang số nhà 51E đường Colonel Grimaud (nay là đường Phạm Ngũ Lão, Quận 1).

Giữa lúc bên chính quốc, Chính phủ Pháp ngày càng thiên về hữu, ở Đông Dương bọn phản động thuộc địa ngày càng thẳng tay đàn áp các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, mà báo Dân chúng (cùng với báo Le Peuple là cơ quan ngôn luận công khai của Đảng Cộng sản) được xuất bản và phát hành là một sự cổ vũ rất lớn giới cần lao và các tầng lớp nhân dân có tinh thần đấu tranh cho tự do dân chủ, tự do báo chí. Báo Dân chúng trở thành tờ báo có đông bạn đọc, nhất là ở Sài Gòn - Chợ Lớn, tỉnh Gia Định, khắp Nam Kỳ và Bắc Kỳ (báo Dân chúng bị cấm lưu hành ở Trung Kỳ, Cao Miên; ở Lào ít người đọc).

Năm 1938, đồng chí bị địch bắt cùng với đồng chí Dương Bạch Mai; năm 1939 đồng chí lại bị bắt cùng với đồng chí Nguyễn Văn Trấn và bị giam trong 6 tháng.

Cuối năm 1939, đồng chí được bổ sung vào cơ quan lãnh đạo của Tỉnh ủy Chợ Lớn và Liên Tỉnh ủy miền Đông. Trong Nam Kỳ khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh phụ trách trực tiếp địa bàn Trung Huyện.

Tại cuộc hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng vào hạ tuần tháng 01 năm 1941 ở xã Đa Phước huyện Cần Giuộc để kiểm điểm nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa lần thứ hai, ông được bầu vào cơ quan lãnh đạo đầu não của Xứ ủy Nam Kỳ, trực tiếp phụ trách công tác tuyên huấn và tờ báo Giải phóng - cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy. Cơ quan của báo Giải phóng được thiết lập tại Hố Bần thuộc vùng ven đô thành phố Sài Gòn. Báo ra được 11 số - từ ngày 22 tháng 01 năm 1941 đến ngày 16 tháng 7 năm 1941 thì tạm ngưng, vì đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh bị địch bắt lần thứ tư vào đầu tháng 8 năm 1941 và bị kết án tử hình cùng với 157 đồng chí khác đã tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Sau đó, một số người được giảm xuống án tù chung thân - trong số này có Nguyễn Văn Kỉnh.

Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, đồng chí thoát khỏi nhà tù để trở về Sài Gòn hoạt động. Đồng chí được bổ sung vào Xứ ủy Nam Kỳ phụ trách tuyên truyền, đồng thời giữ nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn từ tháng 5 năm 1945, đồng chí đã góp phần quan trọng trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Sài Gòn.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Kinh là một trong những nhà lãnh đạo cao nhất trên chiến trường Nam Bộ, đảm nhiệm trọng trách Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam. Đồng chí còn giữ nhiệm vụ Giám đốc trường Đảng nổi tiếng của Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp - trường Trường Chinh tại Chiến khu Đồng Tháp Mười.

Tại Đại hội lần thứ hai của Đảng năm 1951, đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, là một trong sáu lãnh đạo đầu não hình thành Trung ương Cục miền Nam cùng với các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp; đồng chí được giao phụ trách Văn phòng Trung ương Cục. Đồng chí dùng bút danh Trung Nam (viết tắt của Trung ương Cục miền Nam) để viết báo trong những năm kháng chiến. Với cương vị Phó Bí thư thường trực Xứ ủy Nam Bộ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, đồng chí thường ký tên trong công văn, giấy tờ báo cáo công điện gởi ra Trung ương, cũng như cho các cơ quan Quân; Dân, Chính, Đảng ở các cấp.

Năm cuối cùng kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp (năm 1954), đồng chí làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, sau đó tập kết ra Bắc, làm Phó Ban Tuyên huấn Trung ương. Đồng chí còn là một đại biểu vinh dự được bầu vào Quốc hội liên tiếp trong hai khóa, khóa I, khóa II.

Từ năm 1955, đồng chí chuyển sang ngành ngoại giao, được Đảng và Nhà nước tín nhiệm cử giữ các chức vụ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam thứ hai tại Liên Xô trong thời gian 10 năm từ năm 1956 đến năm 1966, và Rumanie phụ trách Ủy ban đoàn kết Á - Phi và Mỹ Latinh.

Năm 1957, đồng chí được bầu làm Chủ tịch danh dự Hội Quốc tế ngữ bảo vệ hòa bình Việt Nam. Đồng chí rất giỏi ngoại ngữ, có thể sử dụng tốt các ngôn ngữ: Nga, Pháp, Anh, Quốc tế ngữ; sử dụng được tiếng Tây Ban Nha, Quảng Đông.

Tại Đại hội lần thứ III của Đảng ta năm 1960, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

14 năm sau khi về nước, đồng chí tiếp tục giữ nhiều chức vụ quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại: Phó Ban Đối ngoại Trung ương Đảng; Bí thư Đảng đoàn Ban Công tác quốc tế nhân dân; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, phụ trách Ủy ban đoàn kết Á - Phi và Mỹ Latinh. Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh mất ngày 26 tháng 10 năm 1981 tại Liên Xô.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối