Đất và người Long An

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - Bí thư Thành uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn

19/10/2022 02:34:6PM
Màu chữ Cỡ chữ

    Đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi nhắc tới cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã viết: “Tôi đã gặp và làm việc với nhiều cán bộ nữ, nhưng chưa thấy ai có ý thức vươn lên gánh vác vai trò lãnh đạo cách mạng như đồng chí Minh Khai”.

 Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai sinh ngày 30 tháng 9 năm 1910, tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ra trong một gia đình công chức nhỏ, lúc chín tuổi, chị Nguyễn Thị Minh Khai đã được đi học chữ quốc ngữ tại trường nữ sinh của thành phố Vinh. Học hết lớp nhì trường nữ sinh, chị được chuyển sang học lớp nhất ở trường Tiểu học Cao Xuân Dục. Lúc bấy giờ, tiếng bom của Phạm Hồng Thái mưu giết tên toàn quyền Merlin đang kích động mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân, nhất là thanh niên, học sinh, trí thức ở Nghệ Tĩnh. Được các thầy giáo hướng dẫn, chị Minh Khai tham gia các phong trào yêu nước với tất cả nhiệt tình của tuổi thanh niên. Chị vận động nữ sinh góp tiền mua hoa, mua vải may băng tang đi dự lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh và ký tên vào bản yêu sách đòi thực dân Pháp thả Phan Bội Châu, nhà cách mạng nổi tiếng thời bấy giờ. Tốt nghiệp tiểu học, chị Minh Khai ở nhà giúp mẹ bán hàng, ghi chép sổ sách và chăm lo công việc gia đình, vừa đảm đang việc nhà, vừa tham gia các hoạt động ở thành phố.

Mùa hè năm 1927, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là người đầu tiên trong giới phụ nữ ở thành phố Vinh - Bến Thủy được kết nạp vào Hội Hưng Nam (sau đổi tên thành Tân Việt Cách mạng đảng) và được bầu vào Ban Chấp hành đại tổ (tức cấp thành bộ) Hội Hưng Nam, phụ trách công tác vận động phụ nữ. Năm 1929, chị thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng bí mật.

Từ Đảng Tân Việt, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách tuyên truyền, huấn luyện đảng viên tại Trường Thi, Bến Thủy và những làng lân cận. Ở nhà máy, đồng chí hòa mình trong phong trào công nhân, được công nhân yêu mến, tin cậy, do đó cơ sở đảng được xây dựng, phong trào đấu tranh phát triển.

Mùa hè năm 1930, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được lệnh ra hoạt động ở Hải Phòng rồi từ đó được Đảng cử sang Hương Cảng làm việc tại Văn phòng Phương Nam của Bộ Phương Đông - Quốc tế Cộng sản. Tại đây, đồng chí được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện về lý luận cách mạng. Đồng chí làm liên lạc giữa Thị ủy Hương Cảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc với các tổ chức cách mạng Việt Nam, ở giữa mạng lưới dày đặc cảnh sát và mật thám của thực dân Anh. Trong thời gian ở Hương Cảng, đồng chí lấy bí danh là Cô Duy, Trần Thái Lan, Lý Huệ Phương…

Năm 1931, đồng chí bị thực dân Anh cấu kết với thực dân Pháp và chính quyền phản động ở Quảng Châu bắt giam. Mặc dù bị tra tấn, đánh đập đồng chí không hề bị khuất phục. Nhờ sự can thiệp của Quốc tế Đỏ, năm 1933 đồng chí được trả tự do. Ra tù, đồng chí đổi tên là Thị Vai, tìm đến Thượng Hải bắt liên lạc với đồng chí Lê Hồng Phong và hoạt động trong Ban lãnh đạo của Đảng ở ngoài nước.

Đầu năm 1935, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng chồng là đồng chí Lê Hồng Phong được cử đi dự Đại hội lần thứ bảy Quốc tế Cộng sản tại Moscow. Lần đầu tiên, với tên là Phan Lan, đồng chí đã đọc tham luận dõng dạc lên án chính sách xâm lược của thực dân Pháp, tố cáo tội ác dã man của chúng, nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng của phụ nữ Đông Dương và phụ nữ Việt Nam. Sau Đại hội, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ở lại học tại Trường Đại học Phương Đông.

Vượt qua mạng lưới mật thám dày đặc của bọn đế quốc, đầu năm 1937 đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai về đến Sài Gòn và được Trung ương Đảng phân công đến làm việc tại cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ. Thời gian này, đồng chí viết nhiều bài đăng trên báo Dân chúng, kêu gọi chị em phụ nữ Việt Nam noi gương phụ nữ Liên Xô hăng hái hơn nữa trong các phong trào đấu tranh chống áp bức bóc lột. Lời kêu gọi ấy đã cổ vũ chị em phụ nữ hưởng ứng tích cực các cuộc đấu tranh do Đảng ta lãnh đạo.

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương. Trung ương Đảng chủ trương rút vào hoạt động bí mật và tập trung lực lượng chống chiến tranh đế quốc, giành độc lập dân tộc. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được Xứ ủy Nam Kỳ chỉ định làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong điều kiện khó khăn, đồng chí luôn bám sát cơ sở hoạt động và lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh lớn, đồng chí đã bí mật vào xưởng đóng tàu Ba Son, Công ty hỏa xa Sài Gòn, về Hóc Môn, Gia Định kiểm tra tình hình và chỉ đạo phong trào đấu tranh của công nhân và phụ nữ.

Thời gian này đồng chí Lê Hồng Phong, người chồng, người đồng chí của đồng chí Minh Khai cũng đã về Sài Gòn hoạt động và đến ngày 29 tháng 9 năm 1939 thì đồng chí Lê Hồng Phong bị giặc Pháp bắt giam.

Mùa xuân năm 1940, chỉ vài ngày sau khi sinh đứa con đầu lòng và duy nhất, đồng chí Minh Khai đã phải xa con, tiếp tục công tác cách mạng. Lúc này, Nhật nhảy vào Đông Dương, một phong trào đấu tranh dâng lên sôi sục ở Sài Gòn - Gia Định và các vùng nông thôn Nam Bộ. Xứ ủy Nam Kỳ họp hội nghị nhận định tình hình và đề ra chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền. Sau hội nghị, cơ sở Đảng ở ngã sáu Bình Đông bị lộ. Ngày 30 tháng 7 năm 1940, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị sa vào tay giặc Pháp, giam tại bót Catinat. Chúng đưa đồng chí Lê Hồng Phong về nhận mặt chị để hòng có chứng cứ kết án xử tử hình cả hai người về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Nhưng chúng đã thất bại vì hai chiến sĩ dũng cảm của nhân dân ta không nhận một điều gì kể cả mối quan hệ vợ chồng với nhau. Tra khảo không được, giặc Pháp đưa đồng chí vào giam ở Khám Lớn Sài Gòn.

Sau 8 tháng giam cầm, tra tấn và dụ dỗ, ngày 21 tháng 1 năm 1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Minh Khai ra tòa án và kết án 5 năm tù khổ sai, 20 năm biệt xứ. Ngày 11 tháng 3 năm 1941, Tòa án thượng thẩm Sài Gòn của địch lại nâng án lên 5 năm tù khổ sai, 20 năm biệt xứ, 20 năm mất quyền công dân và phạt 1.100 đồng bạc Đông Dương. Ngày 25 tháng 3 năm 1941 và ngày 3 tháng 4 năm 1941, chúng lại đưa đồng chí ra tòa án binh Sài Gòn, xử tử hình đồng chí Minh Khai cùng các đồng chí khác bị bắt trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ với cái tội mà chúng bịa ra là “xui giục dân chúng làm rối loạn quốc gia” và “mưu toan lật đổ chính phủ”.

Trong bức thư gửi về cho cha mẹ ngày 29 tháng 5 năm 1941, đồng chí viết: “Con xin thày đẻ đừng tủi nhục đau khổ rằng con bị kết án xử tử là phạm điều gì sát nhân, tội ác, xấu xa, dữ tợn như bọn chúng nói. Không, con không phải vậy đâu! Con không phải là đứa con bất hiếu. Con khi nào cũng là đứa con trong sạch, chính đáng, không bao giờ làm điều gì bất nhân hung dữ. Con đầy một tấm lòng nhân ái, minh chính”.

Sáng ngày 28 tháng 8 năm 1941, biết kẻ thù sẽ đem mình và một số đồng chí đi xử bắn, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai nói to, tố cáo tội ác của kẻ thù và kêu gọi bạn tù nổi dậy đấu tranh. Bọn địch hung bạo đâm lưỡi lê vào ngực đồng chí. Các đồng chí chung quanh thét lên phản đối, tiếng hô căm phẫn trút lên đầu quân thù. Chúng sợ hãi vội đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng các đồng chí ra trường bắn. Trước họng súng của địch, các đồng chí đã giật tung giải bịt mắt, ngẩng cao đầu hô lớn: Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ngã xuống nhưng khí phách anh hùng của người nữ đảng viên cộng sản mãi mãi sáng ngời trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta. Đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi nhắc tới cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã viết: “Tôi đã gặp và làm việc với nhiều cán bộ nữ, nhưng chưa thấy ai có ý thức vươn lên gánh vác vai trò lãnh đạo cách mạng như đồng chí Minh Khai”.

Ngô Thành Trung (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối