Đất và người Long An

Đồng chí Nguyễn Thành Thơ, Phó Bí thư Thành uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định

13/07/2023 02:37:28PM
Màu chữ Cỡ chữ

   80 năm hoạt động và công tác, 73 năm tuổi Đảng, trải qua bao khó khăn, gian khổ, đồng chí Nguyễn Thành Thơ được tôi luyện, trưởng thành trong các phong trào đấu tranh cách mạng, từ thực tiến chiến đấu kiên cường, ác liệt, đây gian khổ, hy sinh của hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược và công cuộc bảo vệ Tổ quốc, đồng chí luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, với đồng chí, đồng đội và làm tròn trọng trách được Đảng, Nhà nước giao phó.

Đồng chí Nguyễn Thành Thơ tên thật là Nguyễn Kiến Lập, sinh ngày 03-10-1925 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ba má và anh chị em đều tham gia cách mạng, người cha tham gia phong trào yêu nước, được Xứ ủy Nam Kỳ giác ngộ và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, bị địch bắt đày đi Côn Đảo và đã hy sinh.

Dưới ảnh hưởng của người cha, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Bản thân đồng chí đã trải qua tuổi thơ đây hào hùng, khi còn nhỏ đã đưa thư liên lạc, canh gác, cất giấu tài liệu; 11 tuổi đồng chí đã gia nhập và làm Đội trưởng Đội thiếu niên dân chủ xã Vĩnh Xuân rồi tham gia Đoàn Thanh niên phản đế, Đoàn Thanh niên Cứu quốc; 14 tuổi đồng chí thoát ly gia đình, làm công tác phục vụ cho bộ phận của Tỉnh ủy phụ trách hai huyện Cầu Kè và Trà Ôn thuộc tỉnh Cần Thơ.

Tháng 3 năm 1942, ở tuổi 17, đồng chí Nguyễn Thành Thơ vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được tổ chức giao nhiệm vụ phục hồi tổ chức quần chúng và cơ sở đảng các xã thuộc huyện Cầu Kè - Cần Thơ. Năm 1943, đồng chí được bầu làm Bí thư Chi bộ xã Vĩnh Xuân. Từ đó, đồng chí ngày càng trưởng thành trong hoạt động cách mạng.

Từ năm 1944 đến tháng 8 năm 1945, đồng chí là Bí thư Huyện ủy huyện Cầu Kè, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền xã Vĩnh Xuân và huyện Cầu Kè.

Từ tháng 8 năm 1945 đến năm 1947, đồng chí là Bí thư Huyện ủy huyện Cầu Kè, Bí thư thị xã Cần Thơ.

Từ năm 1948 đến 1949, đồng chí là Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Trà (Vĩnh Long - Trà Vinh); từ năm 1950 đến năm 1953, đồng chí là Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Trà.

Sau năm 1954, đồng chí bí mật ở lại miền Nam hoạt động với bí danh Mười Khẩn. Từ năm 1954 đến năm 1958, đồng chí là Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cần Thơ, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tam Cần; Ủy viên Khu ủy miền Tây, Trưởng Ban Quân sự Khu ủy miền Tây. Trong 10 năm, từ năm 1959 đến 1969, đồng chí được phân công làm Phó Bí thư, Bí thư Khu ủy Khu miền Tây Nam Bộ (Khu IX) kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu miền Tây. Đồng chí đã tham gia chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết 15 chuyển hướng từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang tại miền Tây Nam Bộ. Từ Nghị quyết này, đồng chí cử tàu không số vượt biển ra Hà Nội, vận chuyển vũ khí về Cà Mau, đặt những cơ sở đầu tiên để hình thành đường Hồ Chí Minh trên biển. Đồng chí cũng là một trong những người tổ chức Tuyến đường 195 (còn gọi là Đường 1C), do lực lượng Thanh niên xung phong miền Tây Nam Bộ phụ trách, vận chuyển vũ khí từ biên giới Campuchia đến miền Tây Nam Bộ.

Sau khi Trung ương Cục miền Nam được thành lập vào năm 1961, đồng chí được giao thêm chức vụ Trưởng Ban Nông vận của Trung ương Cục.

Năm 1970, đồng chí được phân công giữ chức Trưởng ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam với bí danh Nguyễn Thành Thơ, hay Mười Thơ.

Từ năm 1972 đến năm 1975, đồng chí được Trung ương điều động làm Phó Bí thư Khu IV (sau đó là Thành ủy Sài Gòn - Gia Định). Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí được phân công phụ trách lực lượng cánh B tiến vào Sài Gòn, chiếm Tòa hành chính tỉnh Gia Định lúc 8 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Sau ngày giải phóng, đồng chí tiếp tục giữ chức Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp, Trưởng Ban giãn dân khai hoang phục hóa và xây dựng nông trường. Tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Năm 1978, đồng chí là Phó Ban trù bị Đại hội đại biểu Hội Nông dân tập thể Việt Nam (nay là Hội Nông dân Việt Nam).

Năm 1986, đồng chí tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; là đại biểu Quốc hội khóa VII (19871992). Năm 1988, tại Đại hội lần thứ I Hội Nông dân Việt Nam, đồng chí được bầu là Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam, Phó Bí thư Đảng đoàn Trung ương Hội.

Từ năm 1992, đồng chí Nguyễn Thành Thơ được thực hiện chính sách nghỉ hưu. Đồng chí Nguyễn Thành Thơ qua đời ngày 21 tháng 4 năm 2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí luôn luôn là một cán bộ trung kiên, bộc trực, thẳng thắn trong đấu tranh xây dựng nội bộ, dám quyết định và chịu trách nhiệm về công việc do mình phụ trách, luôn trăn trở về đời sống của nhân dân, đặc biệt là nông dân, lo toan trước những khó khăn và vui khi thấy nông dân có cuộc sống tốt hơn, là người đã trực tiếp thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Anh thương dân, thương nước, anh phải đi cởi trói cho nông dân” Ông được xem là một trong những người có công lớn giúp Việt Nam từ nông nghiệp sản xuất kém trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

 

Ngô Thành Trung (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối