Đất và người Long An

Đồng chí Nguyễn Oanh – Bí Thư Thành uỷ Sài Gòn – Chợ Lớn

30/05/2023 04:49:17PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Sinh ra trong một gia đình nông dân ở Hà Nội, từ nhỏ đã làm công nhân, trở thành đảng viên cộng sản ngay từ năm 1930, gần như suốt đời hoạt động trong phong trào công nhân và lao động ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, dù trải qua nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau, dù hoạt động công khai, bí mật hay trong điều kiện lao tù của thực dân, đế quốc, đồng chí Nguyễn Oanh luôn giữ vững bản lĩnh và phẩm chất của một người cộng sản, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Oanh sinh năm 1902 tại tổng Đa Tốn, phủ Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) Năm 12 tuổi, đồng chí Nguyễn Oanh đã sang Hà Nội học nghề đóng giày. Năm 19 tuổi, đồng chí Nguyễn Oanh vào Nam kiếm sống và hoạt động cách mạng.

Vào Sài Gòn, đồng chí Nguyễn Oanh làm thợ đóng giày. Năm 1929, đồng chí tham gia hoạt động trong tổ chức Công đoàn thợ giày. Năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí gia nhập Đảng và là đảng viên.

Từ năm 1930 đến 1935, đồng chí vẫn hoạt động trong Công đoàn thợ giày. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, đồng chí tích cực hoạt động, năm 1937 đồng chí được bổ sung vào Thành ủy thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Đồng chí Nguyễn Oanh đã đóng góp rất nhiều cho sự lãnh đạo của Thành ủy, đồng thời hăng hái hoạt động trong phong trào công nhân của thành phố. Thời kỳ này, phong trào công nhân của thành phố hoạt động rất rầm rộ, trong cả các xí nghiệp lớn và các ngành thủ công.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ở Đông Dương thực dân Pháp quay sang đàn áp khốc liệt Đảng Cộng sản và các tổ chức quần chúng do Đảng ta lãnh đạo. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6, chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, tập trung cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc, Thành ủy củng cố tổ chức, tăng cường thêm 9 đồng chí trong đó có các đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Oanh. Các chi bộ Đảng cũng được củng cố, lên tới 225 đảng viên. Thành ủy chủ trương củng cố các tổ chức quần chúng như Công hội, Nông hội, Thanh niên phản đế, Phụ nữ phản đế. Vẫn được giao phụ trách Công hội, đồng chí Nguyễn Oanh bám sát cơ sở công nhân, vừa xây dựng tổ chức Đảng, vừa củng cố tổ chức Công hội. Vì vậy, mặc dù địch thẳng tay đàn áp, khủng bố, nhưng các cơ sở trong quần chúng công nhân vẫn được giữ vững.

Tháng 7 năm 1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp Hội nghị toàn Xứ mở rộng tại Tân Hương, Mỹ Tho, chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ. Ở thành phố, cũng thời gian này, các đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - Bí thư Thành ủy và Nguyễn Hữu Tiến - Thành ủy viên bị địch bắt. Tháng 8 năm 1940, Thành ủy được củng cố, gồm đồng chí Nguyễn Như Hạnh - Bí thư và 7 đồng chí khác; đồng chí Nguyễn Oanh là Thành ủy viên lâu nhất trong Thành ủy. Thực hiện Nghị quyết của Xứ ủy và chủ trương khởi nghĩa của Thành ủy, đồng chí Nguyễn Oanh đã tích cực chuẩn bị cho khởi nghĩa.

Ngày 22 tháng 11 năm 1940, khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra ở nhiều địa phương trong toàn Xứ và ngoại thành Sài Gòn - Chợ Lớn, Nhưng vì đồng chí Tạ Uyên - Bí thư Xứ và đồng chí Nguyễn Như Hạnh - Bí thư Thành ủy bị địch bắt nên lệnh khởi nghĩa không được truyền đạt tới thành phố, khởi nghĩa không nổ ra ở nội thành. Khởi nghĩa Nam Kỳ đã thất bại. Địch ráo riết bát bớ, khủng bố những người cách mạng. Được quần chúng che chở, đồng chí Nguyễn Oanh vẫn bám trụ lại thành phố.

Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, các cơ sở Đảng, kể cả Thành ủy liên tiếp bị phá vỡ. Nhiều đồng chí đã tự động lập lại cơ sở, lập lại Thành ủy. Năm 1942, ở thành phố có 5 nhóm đều tự nhận là Thành ủy nhưng rồi 4 nhóm cũng tan vỡ, đến tháng 8 năm 1942 chỉ còn nhóm của đồng chí Nguyễn Oanh. Nhóm này trụ lại và phát triển được vì đồng chí Nguyễn Oanh liên lạc được với Nguyễn Văn Lượng và Nguyễn Văn Tư đều là công nhân các hãng Ba Son, FACI, rồi lập ra một chi bộ ghép với 7 đảng viên. Từ chỉ bộ này, các đồng chí đã phát triển ra thành 27 chi bộ trong các xí nghiệp và 7 chi bộ đường phố. Một Ban Cán sự Đảng (gọi là Thành ủy) được thành lập năm 1943, do đồng chí Nguyễn Oanh làm Bí thư. Thành ủy Sài Gòn do đồng chí làm Bí thư trụ vững và lãnh đạo phong trào trong thành phố suốt năm 1944 đến đầu năm 1945, bất chấp sự đàn áp của kẻ thù. Tháng 3 năm 1945, ở Sài Gòn - Chợ Lớn có hai tổ chức Đảng: Tổ chức Đảng ở Sài Gòn do đồng chí Nguyễn Oanh làm Bí thư; tổ chức Đảng ở Chợ Lớn do đồng chí Nguyễn Văn Chí (Tư Chí) làm Bí thư. Đến tháng 5 năm 1945, Xứ ủy thống nhất hai tổ chức Đảng ở Sài Gòn - Chợ Lớn làm một, Thành ủy được củng cố, tăng cường thêm một số đồng chí vừa trốn khỏi nhà tù của Pháp nhân lúc Nhật đảo chính. Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh làm Bí thư Thành ủy, đồng chí Nguyễn Oanh vẫn ở trong Thành ủy, phụ trách công vận.

Sau ngày Nam Bộ kháng chiến, 10 năm 1945, Xứ ủy điều động đồng chí Nguyễn Oanh về hoạt động tại Thủ Dầu Một. Tại đây, đồng chí được giao làm Giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc (tức công an) của tỉnh. Đến năm 1946, đồng chí làm Thanh tra chính trị miền Đông. Sau đó, đồng chí được cử làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Thủ Dầu Một.

Đầu năm 1950, đồng chí Nguyễn Oanh cùng một số đồng chí ở Thủ Dầu Một xuống miền Tây học lớp chính trị của Xứ ủy tổ chức. Sau lớp học, đồng chí được giữ lại công tác tại Ban Tổ chức Xứ ủy, sau này là Ban Tổ chức Trung ương Cục.

Sau Hiệp định Genève 1954, đồng chí Nguyễn Oanh được phân công ở lại miền Nam hoạt động, được giao làm Phó Ban Tổ chức Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Đồng chí Nguyễn Oanh đã tích cực hoạt động, xây dựng, phát triển đảng viên và tổ chức Đảng trong thành phố. Từ chỗ chỉ có gần 400 đảng viên cuối năm 1954, đến đầu năm 1957, Đảng bộ thành phố đã có trên 80 chỉ bộ với trên dưới 700 đảng viên, 500 đoàn viên Thanh niên Lao động và 3.000 nòng cốt.

Tháng 9 năm 1956, trong một cuộc vây ráp của địch ở khu Bàn Cờ, đồng chí Nguyễn Oanh bị địch bắt trong nhà một cơ sở ở đường Cao Thắng. Đồng chí bị địch đưa về Ty Cảnh sát đặc biệt miền Đông. Địch tra tấn mọi cực hình, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết. Sau đó chúng đưa đồng chí về giam tại nhà tù Gia Định (Bà Chiểu). Tháng 1 năm 1957, chúng làm án và đưa đồng chí ra Côn Đảo.

Tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí cùng một số đồng chí khác lập ra tổ chức Đảng bí mật trong nhà tù để lãnh đạo đấu tranh. Đồng chí chủ trương chống lại bất cứ âm mưu, hành động nào của địch. Các đồng chí đảng viên cũng như quần chúng bị giam ở đây đều coi đồng chí Nguyễn Oanh là tấm gương sáng ngời về ý chí cách mạng. Nhiều người nhờ tấm gương của đồng chí mà giữ vững được khí tiết và hành động cách mạng của mình.

Giữa năm 1959, đồng chí Nguyễn Oanh đã trút hơi thở cuối cùng vì bệnh nặng sau nhiều năm bị địch tra tấn, tù đày.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối