Đất và người Long An

Đồng chí Nguyễn Chí Diểu – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định

27/06/2023 02:20:42PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã cống hiến trọn vẹn đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục bền chí, giữ trọn niềm tin của đồng chí là một tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên trung, bất khuất, sống vì Đảng, vì cách mạng và chết không rời Đảng, trọn đời đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên lợi ích riêng tư.

    Đồng chí Nguyễn Chí Diểu (Nguyễn Văn Trọng), sinh năm 1908, quê ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế). Lúc còn nhỏ, đồng chí học chữ Nho ở nhà, đến năm 1925 vào Trường Quốc học Huế. Thời gian này, ông liên hệ mật thiết và kết thân với các nhà hoạt động cách mạng. Ở Trường Quốc học, ông có nhiều người bạn hoạt động trong phong trào học sinh, như: Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều), Nguyễn Thúc Hào...

Trong những năm 1925 - 1927, nhiều tư tưởng tiến bộ từ bên ngoài tác động vào Việt Nam. Hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã truyền bá tư tưởng yêu nước, cách mạng, thúc đẩy phong trào trong nước phát triển theo hướng mới. Năm 1926, học sinh các trường ở Thừa Thiên liên tiếp đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp trả tự do cho nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, đòi được để tang nhà yêu nước cách mạng Phan Chu Trinh, đồng chí Nguyễn Chí Diểu là người tích cực tham gia.

Sau phong trào bãi khóa năm 1927, Tân Việt Đảng mới gây dựng được cơ sở tương đối vững chắc ở Huế. Đào Duy Anh cùng với Võ Liêm Sơn kết nạp một số thành viên mới vào Tân Việt, trong đó có Trần Hữu Duẫn, Phạm Văn Đại, Nguyễn Khoa Văn, Nguyễn Hoàng và Nguyễn Chí Diểu, hình thành nhóm Tân Việt Đảng đầu tiên ở Huế. Đồng chí Nguyễn Chí Diểu được phân công phụ trách xây dựng cơ sở của Tân Việt ở các tổng Mậu Tài, Dương Nổ và Ngọc Anh. Năm 1929, trong đợt đánh phá gắt gao của thực dân Pháp, Đảng bộ Tân Việt ở Thừa Thiên Huế gần như tan rã, đồng chí Nguyễn Chí Diểu bị địch theo dõi nên được tổ chức cử vào Sài Gòn tạm lánh, hoạt động.

Đồng chí Nguyễn Chí Diểu vào Sài Gòn làm thuê để sống và hoạt động ở khu vực cảng Bengichco. Thời gian đồng chí vào Sài Gòn cũng là thời gian Đảng Tân Việt ở Nam Kỳ có nhiều chuyến biến, đấu tranh trong nội bộ. Tháng 8 và tháng 9-1929, số người tiên tiến trong Tân Việt họp bàn việc lập Đảng Cộng sản và phát đi một “Tuyên đạt” kêu gọi các đảng viên giác ngộ cộng sản trong Đảng Tân Việt lập ra Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, nhưng chưa có tổ chức, chưa có cương lĩnh, chưa có Ban Lãnh đạo.

Sau khi Tân Việt ở Sài Gòn chuyển thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, đồng chí Nguyễn Chí Diểu cũng trở thành đảng viên của tổ chức đảng và là một đảng viên tích cực hoạt động cho Đảng.

Sau hội nghị hợp nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt vô cùng quan trọng, mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Việc hợp nhất các tổ chức cộng sản và thành lập các chi bộ mới của Đảng bộ tại Sài Gòn, Gia Định đã được thực hiện trong vòng tháng 3 năm 1930. Một Ban Lâm thời Chấp ủy của Đảng bộ thành phố Sài Gòn cũng được chỉ định gồm 5 đồng chí do đồng chí Nguyễn Văn Lợi (Hữu Dũng) làm Bí thư Tỉnh ủy Lâm thời tỉnh Gia Định cũng sớm được chỉ định do đồng chí Lê Trọng Mân (Khôi) làm Bí thư và các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Hồ Văn Long, Bùi Văn Châu và Lê Văn Phận.

Đồng chí Lê Trọng Mân - Bí thư Tỉnh ủy Gia Định bị thực dân Pháp bắt; đồng chí Nguyễn Chí Diểu được phân công thay đồng chí Mân giữ nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Trong những ngày tháng đồng chí Nguyễn Chí Diểu ở Tỉnh ủy Gia Định, đặc biệt trong vai trò bí thư; đồng chí đã tích cực hoạt động, năng nổ đi đến các xã dự mít tỉnh, diễn thuyết, hội họp; xây dựng tổ chức đảng ở các vùng Bà Điểm, Hóc Môn.

Trong lúc phong trào đấu tranh ở tỉnh Gia Định đang diễn ra sôi nối, Tỉnh ủy Gia Định gặp một tổn thất lớn, cuối năm 1930, trên đường đi công tác ở Sài Gòn, đồng chí Nguyễn Chí Diểu - Bí thư Tỉnh ủy bị địch bắt. Mặc dù bị địch tra tấn, cực hình, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết. Thực dân Pháp giam giữ đồng chí suốt hai năm rưỡi tại Khám Lớn Sài Gòn mà không xét xử.

Tháng 5 năm 1933, phiên tòa Đại hình tại Sài Gòn của thực dân Pháp mở ra để xét xử những người cộng sản với tội danh “gây bạo loạn” đã biến thành nơi tranh đấu về chân lý. Vụ án được gọi là “Procès monstre (Vụ án khổng lồ) và  được mệnh danh là “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”. Các đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Diểu, Hà Huy Giáp, Bùi Lâm và nhiều đồng chí khác ngay trước tòa đã nêu cao dũng khí của người cách mạng, kịch liệt lên án và tố cáo chính sách phản động của đế quốc Pháp. Bọn quan tòa đế quốc đã tuyên 8 án tử hình, trong đó có các đồng chí Phạm Hùng, Lê Văn Lương..., 19 án khổ sai và lưu đày chung thân, trong đó có các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Diểu, Hà Huy Giáp, nữ đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ...

Đồng chí Nguyễn Chí Diểu bị đưa ra Côn Đảo cùng các đồng chí Phạm Hùng, Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương... Đồng chí Nguyễn Chí Diểu bị giam ở Banh I, tại đây, cùng với các đồng chí khác đã tổ chức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và văn hóa cho anh em trong tù.

Ra tù năm 1936, về đến Sài Gòn, đồng chí bắt liên lạc ngay với Đảng và được cử về Thừa Thiên Huế hoạt động. Suốt thời gian từ năm 1936 đến năm 1938, đồng chí đã hoạt động sôi nổi ở Huế và là người lãnh đạo chủ chốt (Bí thư Xứ ủy) trong phong trào cách mạng ở Huế và các tỉnh ở miền Trung.

Mặc dù từ những năm 1936 được phân công trở về Huế hoạt động, nhưng hai lần đồng chí vào lại mảnh đất Sài Gòn, Gia Định lại là hai lần cùng với tập thể Trung ương Đảng có những quyết định quan trọng cho cách mạng Việt Nam.

Từ ngày 25 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9 năm 1937, Trung ương Đảng mở khoáng đại Hội nghị Trung ương Đảng (Hội nghị Trung ương mở rộng lần thứ 3 khóa I) tại xã Tân Thới Nhứt (Bà Điểm-Hóc Môn) nhằm khẳng định và bổ sung các nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng tháng 3-1937 trước tình hình đang chuyến biến rất nhanh. Khoáng đại Hội nghị Trung ương Đảng - nhận định tình hình thế giới, tình hình trong xứ, ghi nhận làm thành bài học “những công tác có thành tích của Đảng” cũng như “những sai lầm khuyết điểm” đã vấp phải, để ra “nhiệm vụ cần kíp của Đảng”. Hội nghị đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Chí Diểu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trước những biến động dồn dập của thời cuộc ở châu Âu và Châu Á, đặc biệt ở Pháp và Đông Dương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị toàn thể vào các ngày 29 và 30-3-1938 tại làng Tân Thới Nhứt, tỉnh Gia Định. Nắm sát tình hình thực tế, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã cùng với Trung ương Đảng quyết định chuyển Mặt trận nhân dân phản đế thành Mặt trận Dân chủ nhằm tập hợp rộng rãi hơn nữa đông đảo quần chúng, tranh thủ hơn nữa mọi lực lượng có thể tranh thủ và xác định đây là nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong giai đoạn hiện tại.

Sau đợt đi này, do làm việc nhiều, bệnh cũ tái phát nên đồng chí phải vào nhà thương; ngày 12 tháng 9 năm 1939 đồng chí gần kiệt sức nên được các đồng chí đưa ra khỏi nhà thương và ngày 15 tháng 9 năm 1939, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã trút hơi thở cuối cùng tại Huế[1].

Theo đề nghị của đồng chí Phan Đăng Lưu, cụ Phan Bội Châu vui lòng để các đồng chí cộng sản và gia đình mai táng Nguyễn Chí Diểu trong vườn cụ. Đám tang của đồng chí Nguyễn Chí Diểu được tổ chức rất trọng thể đã là dịp biểu dương lực lượng của quần chúng.

Ngô Thành Trung (Tổng hợp)

 

[1] Ngày mất của đồng chí Nguyễn Chí Diểu hiện nay vẫn nhiều khác biệt trong các tài liệu.

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối