Đất và người Long An

Đồng chí Nguyễn An Ninh

21/06/2023 02:59:36PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Tuy không phải là người cộng sản, nhưng ông đã đến với chủ nghĩa - xã hội bằng cả tấm lòng của một trí thức yêu nước đích thực. Cho đến chết, ông vẫn không thôi nói lên lòng gắn bó đó: “Tôi tự nguyện làm một chiến sĩ vô danh của Đảng Cộng sản. Dù không phải là đảng viên, tim tôi đã hoàn toàn thuộc về Đảng”.

Nguyễn An Ninh Sinh năm 1900[1] trong một gia đình trí thức nho học. Quê nội ông ở quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Quê ngoại ở quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (một phần tỉnh Long An ngày nay). Cha và chú của Nguyễn An Ninh là cụ Nguyễn An Khương và Nguyễn An Cư đều là hai nhà Nho, nhà văn danh tiếng, bạn của nhiều chí sĩ yêu nước lớn và hành nghề thuốc Đông y có tiếng ở Sài Gòn - Gia Định xưa. Thân mẫu của ông là cụ Trương Thị Ngự - con một gia đình giàu có, danh giá ở Chợ Lớn thời đầu thế kỷ XX. Năm 1910, ông học tiểu học ở Trường dòng Taberd, sau đó học trung học ở Trường Chasseloup-Laubat (nay là Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn) tại Sài Gòn, tốt nghiệp hạng ưu năm 1916.  Ông ra Hà Nội học Cao đẳng Y - Dược Đông Dương. Học được nửa năm, ông xin chuyển sang học luật tại Trường Cao đẳng Pháp chính thuộc Đại học Đông Dương.

Năm 1918, ông bỏ học sang Pháp, thi đỗ vào khoa Luật của Đại học Sorbonne, Paris. Sau hai năm học tập, ông đã hoàn thành chương trình học 4 năm và được cấp bằng Cử nhân Luật hạng xuất sắc.

Những năm học tập trên đất Pháp, Nguyễn An Ninh đã nghiên cứu Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền rồi chuyển sang nghiên cứu Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, có khuynh hướng mácxít. Cha ông là bạn thân của cụ Phan Châu Trinh cho nên những năm sống trên đất Pháp, Nguyễn An Ninh sống và hoạt động cùng cụ Phan, thân thiết với nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, Tiến sĩ Luật Phan Văn Trường, Kỹ sư Hóa học, Cử nhân Triết học Nguyễn Thế Truyền hợp thành “Ngũ Long An Nam” trên đất Pháp. Ông là bạn và là người cộng sự đắc lực của Nguyễn Ái Quốc, cùng tham gia sáng lập Hội Liên hiệp Các dân tộc thuộc địa, cùng viết bài và quảng bá cho báo Le Paria (Người cùng khổ).

Tháng 10-1922, Nguyễn An Ninh về nước, bắt đầu các hoạt động yêu nước chống lại chính quyền thực dân Pháp. Tháng 01-1923, ông trình bày bài diễn thuyết lần thứ nhất trước đông đảo thanh niên trí thức Sài Gòn với chủ đề "Chung đúc một nền học thức cho dân An Nam". Tiếp đó, tháng 10-1923, ông diễn thuyết lần thứ hai tại Hội Khuyến học Nam Kỳ với bài "Lý tưởng của thanh niên An Nam". Trong 2 bài diễn thuyết này, Nguyễn An Ninh đã kịch liệt đả kích các chính sách của chính quyền thực dân, kêu gọi nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên hăng hái giũ bỏ những ràng buộc của hủ tục, bất chấp sự đàn áp của thực dân Pháp ra đi tìm đường cứu nước và xây dựng cho dân tộc một nền văn hoá mới tự do và hiện đại. Ông trở thành thủ lĩnh tinh thần của thanh niên Nam Bộ thời đó.

Ngày 10 tháng 12 năm 1923, báo Tiếng chuông rè (La Cloche Fêlée) số đầu tiên ra mắt ở Sài Gòn do ông sáng lập. Tờ báo đã gióng lên tiếng chuông thức tỉnh đồng bào và lột trần bản chất của chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ. Số báo đầu tiên công bố 8 yêu sách của Nguyễn Ái Quốc đã trình bày tại Đại hội Vécxây (Versaille). Nguyễn An Ninh còn đăng lại trên La Cloche Fêleé một số bài của Nguyễn Ái Quốc đã đăng trên báo Le Paria. Bị chính quyền thuộc địa o ép, ngày 14 tháng 7 năm 1924 Tiếng chuông rè phải tạm đình bản.

Cùng với lớp trí thức yêu nước và cách mạng đương thời như Tổng Bí thư Hà Huy Tập Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Trấn, Dương Bạch Mai v.v... ông đã tham gia vào các phong trào đấu tranh cho dân sinh và dân chủ ở thành phố Sài Gòn. Bản thân ông đã đi sâu vào quần chúng ở nông thôn Nam kỳ, vừa bán dầu cù là để sinh sống, vừa tuyên truyền giác ngộ quần chúng, vận động cách mạng.

Nguyễn An Ninh (bìa trái) và Nguyễn Thế Truyền (bìa phải) năm 1927 tại Pháp (Nguồn: Ảnh gia đình cung cấp).

Sau thắng lợi vang dội của Mặt trận Bình dân Pháp, tháng 6.1936 Chính phủ Bình dân được thành lập ở Paris do Léon Blum đứng đầu, tuyên bố sẽ cử phái đoàn thanh tra sang khảo sát tình hình các xứ thuộc địa của nước Pháp, trong đó có Đông Dương. Nhân cơ hội đó, Nguyễn An Ninh đã hết sức nhạy bén đứng ra phát động phong trào "Đông Dương đại hội", một phong trào đấu tranh mang tính chất quần chúng rộng rãi. Sáng kiến của Nguyễn An Ninh nhanh chóng được Đảng Cộng sản Đông Dương ủng hộ mạnh mẽ. Đến tháng 9.1936, khoảng 600 Uỷ ban hành động đã được thành lập ở Sài Gòn và Nam Kỳ, phần lớn do các Đảng viên cộng sản lãnh đạo, sôi nổi vận động thu thập dân nguyên và thức tỉnh quần chúng.

Do những hoạt động yêu nước từ năm 1926 đến 1943, ông bị thực dân Pháp bắt giam tất cả 5 lần. Trong nhà tù, Nguyễn An Ninh vẫn giữ trọn phẩm chất của một người trí thức yêu nước, nhiệt thành, cương trực. Ra khỏi nhà tù, ông lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Lần cuối cùng, ông bị tòa án đế quốc kết án 5 năm biệt xứ, đày đi Côn Đảo. Chế độ nhà tù hà khắc và tàn bạo đã giết chết ông ngày 14 tháng 8 năm 1943[2].

Tuy không phải là người cộng sản, nhưng ông đã đến với chủ nghĩa - xã hội bằng cả tấm lòng của một trí thức yêu nước đích thực. Cho đến chết, ông vẫn không thôi nói lên lòng gắn bó đó: “Tôi tự nguyện làm một chiến sĩ vô danh của Đảng Cộng sản. Dù không phải là đảng viên, tim tôi đã hoàn toàn thuộc về Đảng”.

Ngô Thành Trung (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối