Đất và người Long An

Đồng chí Lê Văn Sỹ - Bí thư Thành uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn

09/05/2023 02:35:56PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Khoảng tháng 8 năm 1948 đồng chí được chỉ định giữ nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Giữ nhiệm vụ Bí thư Thành ủy trong thời gian tương đối ngắn, nhưng đồng chí đã tích cực góp sức xây dựng phong trào, xây dựng căn cứ kháng chiến tại Căn cứ Vườn Thơm - Bà Vụ.

Đồng chí Lê Văn Sỹ (tên thật là Võ Sỹ) sinh năm 1913, quê ở thôn Minh Tân, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ năm 1927, tích cực hoạt động, đóng góp cho sự phát triển của Hội tại quê nhà.

Tháng 10 năm 1929, đồng chí bị bắt, bị kết án 2 năm tù và bị giam tại nhà lao Quảng Ngãi. Ngày 7 tháng 11 năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đã biểu tình ở phủ Sơn Tịnh nhằm đấu tranh chống lại việc tra tấn những người bị bắt trong cuộc biểu tình ở Đức Phổ, nên địch đã đưa toàn bộ tù chính trị, trong đó có đồng chí Lê Văn Sỹ đi Quy Nhơn, sau đó tiếp tục chuyển tất cả tù chính trị lên giam ở Kon Tum. Tháng 10 năm 1931, hết hạn tù, đồng chí ra tù, tiếp tục hoạt động.

Giai đoạn này, tổ chức Đảng tại Quảng Ngãi đang tạm lắng, đồng chí đứng ra tổ chức lại Đảng bộ và thành lập Tỉnh ủy do đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy. Nhờ sự hoạt động tích cực, kịp thời của đồng chí nên sau một thời gian, tổ chức Đảng được khôi phục và phát triển.

Năm 1932, đồng chí Lê Văn Sỹ bị địch bắt, do biết đồng chí đang giữ vai trò quan trọng trong tổ thức Đảng, nên địch tra tấn rất tàn khốc nhằm khai thác các cơ sở Đảng, nhưng đòn roi đều thất bại trước khí tiết của người cộng sản kiên trung. Địch xử tù và đày đồng chí lên Lao Bảo.

Tại nhà lao Lao Bảo, đồng chí đã cùng các đồng chí trong tù đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc; mặc dù bị địch đàn áp nhưng đồng chí luôn xung phong đi đầu trong các cuộc đấu tranh. Do vậy, tháng 6 năm 1935, địch đưa đồng chí cùng với các đồng chí Võ Thúc Đồng, Hà Thế Hạnh ra Côn Đảo.

Ra Côn Đảo, đồng chí đã liên hệ với các đồng chí khác, lập ra tổ chức Đảng bí mật trong nhà tù, biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Xứ ủy Nam Bộ tổ chức đón tù chính trị Côn Đảo, đồng chí bắt tay ngay vào hoạt động cách mạng đang sôi nổi.

Đồng chí đã dự Hội nghị cán bộ toàn Xứ ngày ngày 15 tháng 10 năm 1945, tại Cầu Vĩ (Mỹ Tho) để bàn việc thống nhất Đảng và thống nhất Việt Minh nhằm củng cố Đảng thêm vững mạnh để lãnh đạo phong trào kháng chiến. Đồng chí được Hội nghị bầu giữ nhiệm vụ Xứ ủy viên của một Xứ ủy thống nhất gồm 11 đồng chí: Tôn Đức Thắng (Bí thư), Lê Duẩn, Phạm Hùng, Trần Ngọc Danh, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Kỉnh, Hoàng Dư Khương, Nguyễn Thị Thập, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp. Những cán bộ ưu tú của Đảng ta bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo được đưa về đất liền (tại tỉnh Sóc Trăng) ngày 22 tháng 9 năm 1945, ngay lập tức trực tiếp tham gia vào cơ quan lãnh đạo của Đảng. Đây là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với Đảng bộ Nam Bộ.

Ngày 25 tháng 10 năm 1945, Xứ ủy triệu tập cuộc Hội nghị cán bộ lần thứ hai tại Thiên Hộ (Mỹ Tho). Dự Hội nghị có đồng chí trong Xứ ủy và đại biểu các tỉnh, thành. Đây là hội nghị lớn nhất của Đảng bộ Nam Bộ từ sau khi giành được chính quyền nhằm bàn những công việc quan trọng để đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, đặc biệt là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang.

Ngày 10 tháng 12 năm 1945, Xứ ủy Nam Bộ triệu tập Hội nghị mở rộng tại xã Lương Hòa (Bến Lức), Tham dự Hội nghị ngoài các đồng chí trong Xứ ủy còn có các đồng chí Nguyễn Bình, Thanh Sơn, Đào Văn Trường. Hội nghị quyết định giải thể Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, thành lập Ủy ban Kháng chiến miền Nam do đồng chí Cao Hồng Lãnh làm Chủ tịch; Đàm Minh Viễn làm Chủ nhiệm Tham mưu; Trần Ngọc Danh làm Chủ nhiệm Chính trị; Tôn Đức Thắng làm Chủ nhiệm Hậu cần.

Chấp hành quyết định của Trung ương, Hội nghị đã chia Nam Bộ thành ba khu và chỉ định cán bộ chỉ huy:

Khu 7 gồm Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh. Khu trưởng là Nguyễn Bình; Khu phó là Dương Văn Dương; Chính trị bộ Chủ nhiệm là Trần Xuân Độ.

Khu 8 gồm Tần An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc. Khu trưởng là Đào Văn Trường; Khu phó là Trương Văn Giàu; Chính trị bộ Chủ nhiệm là Lê Văn Sỹ.

Khu 9 gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên. Khu trưởng là Vũ Đức (Hoàng Đình Dong); Khu phó là Nguyễn Ngọc Bích; Chính trị bộ Chủ nhiệm là Phan Trọng Tuệ.

Sau khi thị xã Sa Đéc bị Pháp chiếm, đồng chí Đào Văn Trường - Khu trưởng quyết định rút lực lượng xuống Khu 9, do vậy đồng chí Lê Văn Sỹ cũng được điều động xuống Khu 9.

Dâng hương kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Văn Sỹ (1913-2023)

Tháng 2 năm 1946, một hội nghị ở Phước Long bàn về việc nên bám trụ kháng chiến hay rút lên miền Đông rồi ra Trung Bộ gọi là “Xuyên Đông”. Đồng chí Lê Văn Sỹ luôn giữ quan điểm là bám trụ chiến đấu, nên sau khi một bộ phận lực lượng của ta rút ra Trung Bộ, đồng chí Lê Văn Sỹ bám trụ vùng đất mũi Cà Mau (xã Tân Hưng). Sau một thời gian bám trụ, địa bàn bị địch chiếm, đồng chí Lê Văn Sỹ cùng một số đồng chí rút về Bến Tre, lên thuyền ra miền Trung, bị địch bắt tại Kê Gà (Bình Thuận) nhưng đồng chí đã trốn thoát, bắt liên lạc được với tổ chức Đảng tại Phan Thiết nên đồng chí cùng với đồng chí Quản Trọng Linh ra Hà Nội.

Đầu năm 1947, đồng chí Lê Văn Sỹ trở vào Nam cùng với đồng chí Lê Duẩn. Khoảng tháng 8 năm 1948 đồng chí được chỉ định giữ nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Giữ nhiệm vụ Bí thư Thành ủy trong thời gian tương đối ngắn, nhưng đồng chí đã tích cực góp sức xây dựng phong trào, xây dựng căn cứ kháng chiến tại Căn cứ Vườn Thơm - Bà Vụ.

Tháng 4 năm 1948, Xứ ủy Nam Bộ triệu tập một Hội nghị có sự tham dự của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và Quân khu ủy Khu 7. Sau khi phân tích những ưu, khuyết điểm trong hoạt động của các đại đội du kích, Hội nghị quyết định các đại đội du kích lấy lại tên Ban Công tác Thành như trước đây và trực thuộc trực tiếp Bộ Tư lệnh Khu 7. Chỉ huy tất cả các Ban Công tác là Ban Thường vụ 200/CT. Đến ngày 26 tháng 6 năm 1948, tại Chiến khu Vườn Thơm, Hội nghị quân sự về công tác thành đã quyết định giải thể Ban Thường vụ 200/CT, thành lập Ban Chỉ huy 10 Ban Công tác Thành do đồng chí Nguyễn Văn Công làm Chỉ huy trưởng.

Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn có Ban Quân sự chịu trách nhiệm tổ chức lại lực lượng dân quân trong nội thành. Dựa vào các đoàn thể cứu quốc, phong trào dân quân từng bước xây dựng lại ở các khu, hộ. Mỗi khu đều có một tiểu đội dân quân du kích làm nhiệm vụ trừ gian và công tác tuyên truyền xung phong.

Để hình thành thế trận hợp đồng tác chiến giữa nội và ngoại vi thành phố, Mặt trận Quân sự Thành Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập với lực lượng là 10 Ban Công tác Thành trong nội đô và 5 tiểu đoàn của các Trung đoàn 300, 306, 312 đứng chân ở vùng ven.

Việc thành lập các trung đoàn chính quy và việc thanh lọc nội bộ, củng cố bộ đội Bình Xuyên đánh dấu một bước tiến có ý nghĩa rất quan trọng của lực lượng vũ trang Khu 7 nói chung và thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, tỉnh Gia Định nói riêng. Một thời kỳ mới được mở ra, thời kỳ các lực lượng vũ trang được thống nhất biên chế, thống nhất chỉ huy và đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.

Tỉnh Quảng Ngãi, nơi đồng chí Lê Văn Sĩ từng là Bí thư Tỉnh uỷ giai đoạn 1931-1932

Ngày 13 tháng 4 năm 1948, 10 Ban Công tác Thành tập kích đồng loạt vào các mục tiêu ở hộ 17 Chợ Lớn và khu vực Phú Nhuận, xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Đêm 13 tháng 4 năm 1948, Tiểu đoàn 923 của Trung đoàn 308 đóng ở Trung Huyện tiến công đồn giặc ở Lương Hòa rồi kéo về Láng Le. Ngay sau đó, giặc liên tục mở các cuộc hành quân càn quét ra xung quanh thành phố, đặc biệt vào các căn cứ của ta ở Thủ Đức, Hóc Môn, Trung Huyện (Chợ Lớn).

Ngày 21 tháng 9 năm 1948, địch huy động hơn 2.000 quân Pháp và ngụy chia làm 5 hướng từ Tân Kiên, Tân Bửu, An Thạnh, Lương Hòa, Cầu Xáng bao vây Căn cứ Vườn Thơm nơi đóng quân và các cơ quan của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Hai đại đội 2752, 2753 của Trung đoàn 306 Phạm Hồng Thái, cùng lực lượng du kích địa phương và bộ đội bảo vệ căn cứ đã chiến đấu từ sáng tới chiều, tiêu diệt nhiều địch, buộc chúng phải rút lui.

Trong trận chống càn này, đồng chí Lê Văn Sỹ - Bí thư Thành ủy cùng 4 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối