Đất và người Long An

Đồng chí Lê Văn Khương – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định

30/06/2023 03:48:2PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, địch mở nhiều cuộc khủng bố, trả thù, nhiều đồng chí cách mạng của ta bị chúng bắt, xử bắn công khai hoặc đày đi biệt xứ. Đồng chí Lê Văn Khương bị địch bắt và hy sinh anh dũng tại phòng tra tấn vào ngày 10-3-1941.

Đồng chí Lê Văn Khương còn có tên gọi khác là Mười Đen, sinh năm 1914 tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 9 năm 1939, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Tại Đông Dương thực dân Pháp chĩa mũi nhọn vào Đảng Cộng sản, thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, tiêu diệt các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước. Tình hình đó dẫn tới mâu thuẫn giữa dân tộc ta với thực dân Pháp ngày càng trở nên gay gắt. Ngày 29 tháng 9 năm 1939, Trung ương Đảng đã ra Thông báo gửi tất cả các đảng bộ trong cả nước, chỉ rõ: “...Mấy năm gần đây, Đảng ta còn ở thời kỳ đấu tranh thế thủ, ủng hộ các quyền đấu tranh tự do dân chủ đơn sơ của quần chúng và đòi các quyển tự do dân chủ rộng rãi. Nhưng hiện nay tình hình đã thay đối nhiều. Hoàn cảnh Đông Dương sẽ tiến bước đến vấn để giải phóng dân tộc, hoàn toàn vấn đề ấy mau hay chậm là tùy theo tình hình thế giới và năng lực của các đồng chí”.

Từ ngày 06 đến ngày 08 tháng 11 năm 1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định), Đảng ta xác định: “Bước đường sinh tổn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”.

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập Đảng ở Nam Kỳ, đồng chí Lê Văn Khương đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Căn cứ vào tình hình Trung ương chỉ đạo, tháng 7 năm 1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp mở rộng tại xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Đồng chí Lê Văn Khương và Phan Văn Khỏe được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy.

Ngày 04 tháng 9 năm 1940, Xứ ủy Nam Kỳ ra Thông cáo để cập tới vấn đề thành lập Mặt trận dân tộc phản đế, giao thông liên lạc, tài chính cho thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa. Thông báo cũng để cập việc thành lập và huấn luyện các đội tự vệ ở khắp nơi, như Xứ ủy chỉ đạo: “Muốn khởi nghĩa thành công giành được chính quyền ngay từ bây giờ chúng ta phải có một đội quân cách mạng giác ngộ và có tổ chức chặt chẽ”.

Chấp hành chủ trương của Hội nghị Tân Hương, Thường vụ Xứ ủy kiêm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định - Lê Văn Khương đã chỉ thị các quận, tổng thành lập các ban quân sự tổ chức các đội vũ trang. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa tại Gia Định diễn ra rất sôi nổi, các địa phương tiến hành gấp rút, nhiều hoạt động gần như công khai như luyện tập võ nghệ, tập công đồn, rèn đúc vũ khí...

Trung tuần tháng 11 năm 1940, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Văn Khương, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Gia Định họp bàn với Ủy ban Khởi nghĩa các quận để kiểm điểm công tác chuẩn bị và giao nhiệm vụ cho từng quận. Quận Gò Vấp chịu trách nhiệm diệt các bót Bà Điểm, bót vườn tiêu Tân Thới Nhứt, bót Ngã Năm Vĩnh Lộc. Đồng thời, lực lượng quận Gò Vấp có nhiệm vụ đưa quân vào tiếp ứng cho Sài Gòn, bao gồm các cánh quân: làng Xuân Hòa, Thới Hòa, Vĩnh Lộc, Bình Hưng Hòa... Cánh quân tổng Bình Trị Thượng, cánh quân vùng Mỹ Hòa, Trung Chánh, Bà Điểm, Thuận Kiểu, Tân Đông Thượng và lực lượng khởi nghĩa quận Gò Vấp do đích thân Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Khương chỉ huy.

Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 11 năm 1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ. Trước đó, kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, quân Pháp đã bố trí sản lực lượng và chuẩn bị kế hoạch đàn áp. Nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt bị bắt trước giờ khởi nghĩa nên mệnh lệnh khởi nghĩa không được thực hiện thống nhất. Mặc dù vậy, theo kế hoạch định sản, quân khởi nghĩa đã nổi dậy và chiến đấu quyết liệt với địch ở Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh, Biên Hòa, Thủ Dầu Một và nhiều địa phương khác,

Tại Gia Định, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Văn Khương, quân khởi nghĩa đồng loạt tiến công địch ở Lăng Cha Cả, Vườn Tiêu, ngã năm Vĩnh Lộc, Bà Điểm, Phú Lâm và trên các hướng dẫn về quận Hóc Môn. Kết quả, ta làm chủ quận ly trong 4 giờ, tịch thu của địch 14 súng. Sau đó, quân khởi nghĩa rút về Giồng Ông Hòa (Đức Hòa, Chợ Lớn), hội với nghĩa quân Đức Hòa tại đây. Từ Giồng Ông Hòa, hợp quân kéo về Đức Lập, rồi Vườn Điều (Tân Phú Trung, Hóc Môn, Gia Định). Hợp quân được thống nhất gọi là Đội nghĩa quân Hóc Môn - Gò Vấp - Đức Hòa.

Trước hành động phản kích mạnh của địch, tháng 12 năm 1940, Đảng bộ Nam Kỳ họp ở Bà Quẹo (Gia Định) quyết định rút lui để tránh tổn thất, phần lớn lực lượng của đội rút lên Truông Mít (Tây Ninh). Đến cuối tháng 01 năm 1941, lực lượng còn lại kéo về Đồng Tháp Mười xây dựng căn cứ.

Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, địch mở nhiều cuộc khủng bố, trả thù, nhiều đồng chí cách mạng của ta bị chúng bắt, xử bắn công khai hoặc đày đi biệt xứ. Đồng chí Lê Văn Khương bị địch bắt và hy sinh anh dũng tại phòng tra tấn vào ngày 10-3-1941.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối