Đất và người Long An

Đồng chí Lê Đức Thọ - Bí thư Trung ương Cục miền Nam

05/05/2023 10:52:35AM
Màu chữ Cỡ chữ

   Đồng chí Lê Đức Thọ là chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng, suốt đời vì Tổ quốc, vì nhân dân. Đồng chí là người lãnh đạo chủ yếu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, nhà ngoại giao kiên định, xuất chúng, có những đóng góp lớn trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của Đảng. Xuyên suốt cuộc đời cách mạng của mình, đồng chí chủ yếu làm công tác tổ chức - xây dựng Đảng, có công rất lớn trong việc xây dựng Đảng ta.

Đồng chí Lê Đức tên thật Phan Đình Khải sinh ngày 10 tháng 10 năm 1911 trong một gia đình nhà Nho. Cha ông là cụ Phan Đình Quế, một nhà Nho mất sớm, mẹ ông là cụ Đinh Thị Hoàng, cơ sở cách mạng tin cậy của đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh, Bùi Lâm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đầu năm 1924, Phan Đình Khải được cho lên thành phố Nam Định học. 1925, khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời thì cấp tỉnh hội đã có mặt ở Nam Định.

Năm 1926, Phan Đình Khải đã tham gia những hoạt động yêu nước rồi được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, hoạt động trong Học sinh hội.

Năm 1929, đồng chí Lê Đức Thọ được thầy dạy học Nguyễn Văn Tiến kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, và trở thành Bí thư Chi bộ Học sinh Trường Tiểu học Tư thục Avernin. Năm 1930, đồng chí về quê Địch Lễ tuyên truyền, vận động thanh niên và những người ruột thịt để kết nạp vào Đảng và thành lập Chi bộ Đảng ở đây.

Năm 1930, kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 , Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Nam Định tổ chức cho các chi bộ nhà máy, trường học, đường phố rải truyền đơn, treo cờ Đảng, gây ra nhiều vụ nổ lớn ở thành phố Nam Định. Chính quyền thực dân bắt được 54 người, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ.

Tháng 01 năm 1931, chính quyền thực dân xét xử và kết án đồng chí Lê Đức Thọ tù khổ sai chung thân. Đồng chí kháng án, địch xét xử tại Tòa Thượng thẩm và bị kết án 10 năm tù khổ sai đày đi Côn Đảo. Tại Côn Đảo, đồng chí đã được gặp Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh... Đồng chí được bầu làm Bí thư Chi bộ và Thường vụ Chi ủy nhà tù. Trong hơn 5 năm bị giam cầm ở đây, đồng chí cùng Chi ủy nhà tù tổ chức được nhiều chuyến vượt ngục để đưa các đồng chí đảng viên cộng sản về đất liền hoạt động thành công.

Tháng 6 năm 1936, Chính phủ cánh tả của Mặt trận bình dân Pháp lên cầm quyền, hơn 500 tù chính trị ở Côn Đảo được thả tự do, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ.

Trở lại Nam Định vào cuối năm 1936, đồng chí Lê Đức Thọ đã bắt liên lạc được với tổ chức Đảng để hoạt động được phân công phụ trách công tác báo chí công khai của Đảng ở Nam Định và xây dựng các cơ sở bí mật cũng như công khai của Đảng bộ tỉnh. Trong thời gian này, đồng chí phụ trách đại lý phát hành sách báo công khai của Đảng mang chính tên mình là đại lý Phan Khải, sau đổi thành Tin Tức. Ngày 09 tháng 9 năm 1939, đồng chí bị mật thám bắt lần thứ hai, kết án 5 năm tù, giam ở Nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội, bị đày lên Sơn La, được bầu làm Chi ủy viên Chi bộ nhà tù, cùng đồng chí Tô Hiệu lãnh đạo cuộc đấu tranh trong lao tù. Đầu 1943, đồng chí bị đưa từ Sơn La về giam ở Nhà tù Hòa Bình. Tháng 9 năm 1944, ra tù, đồng chí về Hà Nội gặp đồng chí Hoàng Quốc Việt và được chỉ định vào Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ. Từ giai đoạn này, đồng chí đổi tên thành Lê Đức Thọ, được giao nhiệm vụ phụ trách công tác tổ chức, huấn luyện cán bộ trong Đội công tác với những nhiệm vụ đặc biệt, trong đó có công tác đảm bảo bí mật, an toàn cho An toàn khu (ATK) Trung ương.

Tháng 10 năm 1944, đồng chí được chỉ định tham gia Ban Chấp hành Trung ương phụ trách công tác tổ chức Đảng vụ, huấn luyện cán bộ và bảo vệ Trung ương, xây dựng các An toàn khu của Trung ương, trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.

Tháng 8 năm 1945, tại Tân Trào - Sơn Dương - Tuyên Quang diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng, quyết định phát động Tổng khởi nghĩa và kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương. Đồng chí Lê Đức Thọ được chỉ định vào Ban Thường vụ Trung ương.

Khi Hà Nội Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công, ngày 21 tháng 8 năm 1945, đồng chí Lê Đức Thọ cùng Thường vụ Trung ương đã có mặt ở Hà Nội để chuẩn bị đón Bác Hồ và chuẩn bị cho cuộc mít tỉnh lớn ra mắt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam độc lập.

Sau 1945, đồng chí Lê Đức Thọ được Trung ương phân công phụ trách công tác tổ chức của Đảng, đào tạo, huấn luyện cán bộ. Trong suốt năm 1946, đồng chí Lê Đức Thọ cùng với Thường vụ Trung ương Đảng thành lập Trung ương Quân ủy và xây dựng hệ thống tổ chức của Đảng trong quân đội đến cấp tiểu đoàn do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Tổng Quân ủy. Đồng chí cũng mở một số lớp huấn luyện cán bộ của Trung ương và trực tiếp giảng dạy về công tác tổ chức - xây dựng Đảng. Trong điều kiện chính quyền cách mạng còn non trẻ phải đối mặt với thù trong giặc ngoài, Ban Chấp hành Trung ương không họp được. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương họp hai lần, gửi thư cho Xứ ủy Nam Bộ, và ra một loạt chỉ thị để điều hành toàn Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc như Chỉ thị Tình hình và chủ trương (03 tháng 3), Chỉ thị hòa để tiến (09 tháng 3), Chỉ thị tổ chức kỷ niệm ngày 01 tháng 5 (04 tháng 4)... Đặc biệt trong ngày 18 và 19 tháng 12 năm 1946, đồng chí Lê Đức Thọ tham dự cuộc họp của Thường vụ Trung ương do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì để phát động Toàn quốc kháng chiến, Sau Hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến còn Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị Toàn dân kháng chiến.

Thực hiện Nghị quyết hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng tháng 6 năm 1947: “Chuẩn bị một phái đoàn gồm có đại biểu quân sự, hành chính, đoàn thể vào Nam Bộ và Nam Trung Bộ”, Trung ương cử một phái đoàn lớn gồm 30 cán bộ của Trung ương Đảng, Chính phủ và quân đội vào kiểm tra và chi viện cho chiến trường Nam Bộ, đồng chí Lê Đức Thọ - Ủy viên Thường vụ Trung ương dẫn đầu. Đầu năm 1949, phái đoàn vào đến Đồng Tháp Mười - căn cứ kháng chiến của Xứ ủy Nam, Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ tổ chức lễ mít tinh đón phái đoàn. Tại cuộc mít tỉnh, đồng chí Lê Đức Thọ công bố sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quân hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình - Tư lệnh bộ đội Nam Bộ.

Khi phái đoàn vào Nam Bộ, đồng chí Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn đã báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương xin để đồng chí Lê Đức Thọ và toàn bộ phái đoàn của Trung ương ở lại Nam Bộ công tác và được đồng ý. Cuối năm 1949, đồng chí Lê Đức Thọ được bổ sung làm Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, trực tiếp làm Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra - Dân vận Xứ ủy cho đến khi kết thúc cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tháng 02 năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí Lê Duẩn làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Đồng chí Lê Đức Thọ được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 3 năm 1951, Ban Chấp hành Trung ương họp tại Hội nghị lần thứ nhất quyết định Thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ. Chỉ định các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Kỉnh, Hà Huy Giáp là thành viên của Trung ương Cục.

Tháng 6 năm 1951, Trung ương Cục miền Nam được thành lập, đồng chí Lê Đức Thọ làm Phó Bí thư. Tháng 5 năm 1952, đồng chí Lê Duẩn ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ thì đồng chí Lê Đức Thọ làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam.

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Genève về lập lại hòa bình được ký kết. Đồng chí Lê Đức Thọ - Ủy viên Trung ương Đảng, được điều động ra Hà Nội được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban Thống nhất Trung ương.

Ngày 14 tháng 6 năm 1955, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về việc thành lập Ban Quan hệ Bắc - Nam để thực hiện Hiệp định Genève, đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng ban. Cuối năm 1955, đồng chí được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.

Cuối năm 1956, Bộ Chính trị phân công đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Từ tháng 11 năm 1956, đồng chí kiêm chức Hiệu trưởng Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương cho đến năm 1961. Trong giai đoạn này, đồng chí đã đề xuất Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị điều động đồng chí Lê Duẩn ra Bác để chuẩn bị làm Tổng Bí thư.

Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư, phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Năm 1966 một lần nữa đồng chí kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích, tổng khởi Xuân 1968, Bộ Chính trị thành lập một tổ công tác gồm 5 Ủy viên Bộ Chính trị, có đồng chí Lê Đức Thọ, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về đường lối cách mạng Việt Nam. Thời gian này, đồng chí được chỉ định tham gia Quân ủy Trung ương.

Sau 1968, đồng chí cử làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam để cùng đồng chí Phạm Hùng và Trung ương Cục cũng như Quân ủy và Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam lãnh đạo các cuộc tổng tiến công tiếp theo trong năm 1968.

Ngày 22 tháng 4 năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Chính trị chỉ định đồng chí Lê Đức Thọ về Hà Nội để lãnh đạo hai đoàn đàm phán của ta ở Paris.

Ngày 30 tháng 5 năm 1968, đồng chí Lê Đức Thọ rời Hà Nội đi Paris qua Moscow, trực tiếp đàm phán với Henry Kissinger, đại diện Chính phủ Mỹ để giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam. Qua gần 5 năm đàm phán cả bí mật và công khai, ngày 27 tháng 01 năm 1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Cũng trong năm 1973, đồng chí Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải thưởng Nobel Hòa bình.

Sau khi Hội nghị Paris kết thúc, đồng chí Lê Đức Thọ được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban miền Nam của Đảng, cùng Bộ Chính trị quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Tháng 4 năm 1975, đồng chí đã ở căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại Bắc Tây Ninh. Đồng chí Lê Đức Thọ đã phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị và quyết định của Bộ Chính trị thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Sài Gòn được giải phóng, đồng chí được phân công làm Phó ban đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền.

Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, phân công trở lại vào Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Từ năm 1977 đến năm 1979, đồng chí được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác đặc biệt theo đõi tình hình biên giới phía Tây Nam và giúp cách mạng Campuchia. Ngày 07 tháng 01 năm 1979, chế độ Khmer đỏ sụp đổ, đồng chí đã ở Phnôm Pênh để chỉ đạo công tác giúp bạn. Ngày 24 tháng 8 năm 1979, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban phụ trách công tác K gồm bốn người (Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh, Nguyễn Côn, Hoàng Thế Thiện), đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng ban.

Tháng 01 năm 1980, đồng chí Lê Đức Thọ làm Thường trực Ban Bí thư phụ trách công tác tổ chức, tuyên huấn và nội chính. Tháng 10 năm 1980 làm Hiệu trưởng Trường Chính trị đặc biệt, đào tạo cán bộ cho bạn. Tháng 12 năm 1980, làm Thường trực Ban Bí thư.

Cuối tháng 3 năm 1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Ngày 24 tháng 4 năm 1982, đồng chí Lê Đức Thọ chủ trì công tác của Ban Bí thư, phụ trách công tác tư tưởng và công tác đối ngoại.

Năm 1983, đồng chí được chỉ định làm Phó Chủ tịch Ủy ban quốc phòng của Đảng. Ngày 13 tháng 10 năm 1990, đồng chí qua đời.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối