Đất và người Long An

Đồng chí Huỳnh Văn Một – Bí Thư Tỉnh uỷ Chợ Lớn

16/06/2023 02:55:47PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Thực hiện Hiệp định đình chiến Genève (tháng 7 năm 1954), đồng chí Huỳnh Văn Một được Xứ ủy Nam Bộ chỉ định làm Chủ tịch Ủy Ban Liên hợp đình chiến, trưởng phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hợp đình chiến Nam Bộ. Sau khi kết thúc nhiệm vụ tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Nam Bộ, đồng chí Huỳnh Văn Một được tổ chức phân công ở lại miền Nam, được Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn trực tiếp giao nhiệm vụ làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn (1955 - 1956).

Đồng chí Huỳnh Văn Một sinh ngày 06-2-1912 tại xã Đức Hoà, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An,xuất thân trong một gia đình nông dân, có truyền thống yêu nước. Cha là Huỳnh Văn Bài, người yêu nước hoạt động cùng với Võ Văn Tấn và một số nhà cách mạng tại khu vực Chợ Lớn, Gia Định. Năm 1940, ông Huỳnh Văn Bài hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, Huỳnh Văn Một, vốn được cha hun đúc tinh thần yêu nước, lại nhận được sự chỉ dạy từ nhà cách mạng Võ Văn Tần, nên sớm hình thành ý thức về cách mạng. Năm 1925, Huỳnh Văn Một được giao nhiệm vụ canh gác, phục vụ hậu cần mỗi lần có hội họp tại gia đình ông; đồng thời là người đưa thư của đồng chí Võ Văn Tần đến những người hoạt động cách mạng tại Giống Lốt, Giồng Cám, Bình Hữu, Mỹ Hạnh... Từ đó, Huỳnh Văn Một luôn sẵn sàng chịu đựng và khắc phục mọi khó khăn, hy sinh để học tập, rèn luyện, chiến đấu phục vụ cách mạng và lập được nhiều thành tích xuất sắc.

Ngày 15 tháng 8 năm 1929, ông được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng, làm Tổ trưởng thanh niên Nhơn Hòa. Đầu năm 1930, Huỳnh Văn Một được phân công làm Trưởng ban cán sự ấp Nhơn Hậu (Nhơn Hòa, Hậu Hòa) xã Đức Hòa, sau đó ấp Nhơn Hậu tách ra khỏi xã Đức Hòa, thành xã Nhơn Hậu, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ xã Nhơn Hậu. Với cương vị Bí thư Chi bộ, đồng chí Huỳnh Văn Một được bầu làm trưởng ban lãnh đạo, chịu trách nhiệm lãnh đạo khoảng 5 ngàn người xã Nhơn Hậu tham gia biểu tình ngày 01 tháng 5 năm 1930 tại quận Đức Hòa.

Tháng 2/1931 đồng chí Huỳnh Văn Một  được chỉ định làm uỷ viên Liên huyện uỷ Hóc Môn-Bà Điểm-Đức Hoà, đảm trách công tác tuyên truyền, tổ chức các đoàn vận động khôi phục Đảng và xuất bản tờ báo lấy tên Cờ lãnh đạo, cơ quan ngôn luận của Xứ uỷ Nam kỳ mỗi tháng ra một lần. Ngày 28 thang 12 năm 1931, nhân một số đảng viên bị bắt khi đang sinh hoạt tờ báo Cờ Lãnh đạo, ông bị khai là người phát hành tờ báo và bị địch bát tại nhà, đem về bót Catinat tra khảo cực hình, nhưng ông cương quyết không nhận tội và bọn tòa án, mật thám cũng không tìm được chứng cớ nên chỉ phạt tù 6 tháng. Mãn tù, ông trở về quê nhà, tiếp tục hoạt động cách mạng.

Thượng tá, Hà Duy Cường báo cáo tham luận “Huỳnh Văn Một với huyện Ủy Ban Kháng chiến hành chính tỉnh Tây Ninh”. Ảnh sưu tầm

Năm 1934, đồng chí Huỳnh Văn Một được cử làm Ủy viên Liên Tỉnh ủy Gia Định, phụ trách công tác tuyên truyền. Năm 1935, nhân dịp chính quyền thuộc địa tuyển lính, ông được Liên Tỉnh ủy Gia Định phân công làm công tác binh vận trong thành Ô Ma. Tại đây, ông đã vận động, tuyên truyền, giác ngộ nhiều lính mới, cũ và tổ chức được cơ sở binh vận trong các đạo quân của địch. Chỉ một thời gian ngắn, ông tổ chức được cơ sở nội ứng tại 21 vị trí trong tổng số 22 vị trí đóng quân của Pháp tại Nam Kỳ.

Năm 1939, tình hình có nhiều phức tạp, các cơ sở binh vận bị xáo trộn, ông được lệnh rút lui và chính thức thoát ly gia đình, làm cách mạng chuyên nghiệp.

Năm 1940, Xứ ủy chủ trương phát động khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Kỳ. Huỳnh Văn Một được chỉ định làm Ủy viên Thường vụ Liên Tỉnh ủy Gia Định, Trưởng ban Quân sự Liên tỉnh, chỉ huy Khởi nghĩa Nam Kỳ ở miền Đông Nam Bộ. Ngày 23 tháng 11 năm 1940, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra trong tình thế đã bị lộ, thực dân Pháp đàn áp, tàn sát dã man, một số lãnh đạo Xứ ủy bị bát. Tại Đức Hòa, để bảo toàn lực lượng, một bộ phận do đồng chí Nguyễn Văn Yến và Huỳnh Văn Một chỉ huy rút về Truông Mít (Tây Ninh). Trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, nhiều người con ưu tú của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã anh dũng hy sinh. Riêng gia đình đồng chí Huỳnh Văn Một bị địch bắt 13 người, giết chết 7 người và làm bị thương 6 người.

Sau một thời gian tạm lắng, đồng chí Huỳnh Văn Một cùng một số cán bộ, đảng viên, chiến sĩ cách mạng di chuyển về khu vực Sở Cao su Phú Hưng, Phước Hòa (Thủ Dầu Một) ra sức xâydựng cơ sở quần chúng của Đảng. Đầu năm 1945, đồng chí Huỳnh Văn Một cùng một số đồng chí đứng ra thành lập Ban Cán sự Đức Hòa. Với cương vị là Bí thư Huyện ủy huyện Đức Hòa, Huỳnh Văn Một đã trực tiếp lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang Liên huyện (Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa). Ông trực tiếp chỉ huy lực lượng tổng hợp quân, dân, chính, đảng tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An ngày 25 tháng 8 năm 1945.

Sau Cách mạng tháng Tám (1945), đồng chí Huỳnh Văn Một đã đứng ra thành lập “Tự vệ chiến đấu quân (thường gọi bộ đội Huỳnh Văn Một). Ngày 27 tháng 9 năm 1945, tại Hòa Khánh, Ban Quân sự huyện Đức Hòa được thành lập; “Tự vệ chiến đấu quân” phát triển lên thành “Chỉ đội Giải phóng quân Đức Hòa” do đồng chí Huỳnh Văn Một làm Chỉ đội trưởng, Nguyễn Văn Truyện làm Chính trị viên), Tháng 11 năm 1945, “Chi đội Giải phóng quân Đức Hòa” sáp nhập với Giải phóng quân Hóc Môn, Bà Điểm, thành lập “Giải phóng quân Liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa; đồng chí Huỳnh Văn Một được cử làm Phó Tư lệnh.

Ngày 06 tháng 01 năm 1946, đồng chí Huỳnh Văn Một đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

PGS.TS Hồ Sơn Đài - Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Bộ - trường ĐH Thủ Dầu Một cung cấp thêm thông tin về "Vai trò của đồng chí Huỳnh Văn Một trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11/1940". Ảnh sưu tầm

Tháng 3 năm 1946, đồng chí Huỳnh Văn Một được cử làm ủy viên quân sự tỉnh Chợ Lớn để thống nhất hình thức biên chế chỉ đội lực lượng vũ trang tập trung các tỉnh trên toàn Khu VI.

Ngày 18 tháng 3 năm 1946, Khu trưởng Nguyễn Bình ban hành Quyết định số 25/K7 về việc thành lập Chi đội 15 Vệ quốc đoàn Chợ Lớn. Biên chế Chi đội khoảng 1.000 quân. Đồng chí Huỳnh Văn Một làm Chi đội trưởng đầu tiên của Chi đội này.

Theo yêu cầu tình hình, nhiệm vụ mới, xuân 1948, Xứ ủy Nam Bộ quyết định nâng cấp biên chế lực lượng vũ trang tập trung ở Nam Bộ từ chỉ đội lên trung đoàn. Trên cương vị Trung đoàn trưởng, đồng chí Huỳnh Văn Một lãnh đạo, chỉ huy xây dựng Trung đoàn có quân phong, quân kỷ chặt chẽ, quan hệ mật thiết với nhân dân như tình cá nước. Trung đoàn 308 mỗi lần xuất quân chiến đấu đều giành thắng lợi.

Tháng 12 năm 1948, Khu VII có sự thay đối về tổ chức, không còn bốn phân khu, mà chia lại thành hai khu: Khu Sài Gòn - Chợ Lớn gồm Sài Gòn - Chợ Lớn, tỉnh Gia Định, một phần tỉnh Chợ Lớn, tỉnh Tây Ninh và Khu VII. Tháng 4-1949, tổ chức Sài Gòn - Chợ Lớn mới hoàn chỉnh và chính thức có hiệu lực. Đồng chí Huỳnh Văn Một được cử làm Phó Tư lệnh.

Tháng 9 năm 1949, Xứ ủy triệu tập Hội nghị quân sự Nam Bộ. Theo chỉ thị của Bộ tư lệnh Nam Bộ Khu Sài Gòn - Chợ Lớn được mở rộng về phía tây bắc, gồm thêm tỉnh Tây Ninh. Tháng 10 năm 1949, đồng chí Huỳnh Văn Một được bổ nhiệm về tỉnh Tây Ninh làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 311.

Tháng 11 năm 1949, với yêu cầu “tích cực cầm cự chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công”; Xứ ủy Nam Bộ chủ trương nâng cấp biên chế từ trung đoàn lên liên trung đoàn. Trung đoàn 308 Chợ Lớn và Trung đoàn 311 Tây Ninh hợp nhất thành Liên trung đoàn 308-311 trực thuộc Khu Sài Gòn - Chợ Lớn do đồng chí Huỳnh Văn Một làm Chỉ huy trưởng, hoạt động trên chiến trường Chợ Lớn, Tây Ninh, một phần Gia Định.

Tháng 9 năm 1950, đồng chí Huỳnh Văn Một được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Tây Ninh, kiêm Trưởng Ban Cao Đài vận miền Đông Nam Bộ.

Giữa năm 1951, thực hiện chủ trương Xứ ủy Nam Bộ về tổ chức lại lực lượng và điều chỉnh chiến trường, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ ban hành Nghị định số 252/NĐ-51 giải thể ba khu VII, VIII và IX, sáp nhập 20 tỉnh của Nam Bộ thành 11 tỉnh, chia Nam Bộ thành hai Phân liên khu (lấy sông Tiền làm ranh giới) và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Theo đó, tỉnh Gia Định Ninh được thành lập, trực thuộc Phân liên Khu miền Đông. Đồng chí Huỳnh Văn Một được bổ nhiệm làm Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Dương Minh Châu. Dương Minh Châu từng bước được xây dựng ổn định, an toàn; tạo điểu kiện để Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Phân liên Khu ủy miền Đông chọn làm căn cứ. Năm 1952, đồng chí Huỳnh Văn Một được cử làm Trưởng Ban Căn cứ Phân liên khu miền Đông Nam Bộ. Việc chọn Dương Minh Châu làm căn cứ đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển phong trào cách mạng ở Nam Bộ, miền Đông Nam Bộ nói chung và phong trào kháng chiến nhân dân Tây Ninh, Dương Minh Châu nói riêng.

Từ ngày 15 tháng 11 đến ngày 07 tháng 12 năm 1952, quân Pháp với lực lượng 20 Tiểu đoàn, tổ chức càn lớn vào Dương Minh Châu, tham vọng của chúng là “sau cơn lũ tung lưới bắt gọn các nhà lãnh đạo Xứ ủy, Bộ Tư lệnh Nam Bộ”... Với cương vị là Trưởng Ban Căn cứ của Phân liên khu miền Đông, Huỳnh Văn Một lãnh đạo, chỉ huy quân và dân huyện căn cứ cùng với lực lượng cấp trên (Tiểu đoàn 302, 304, 306) dựa vào thế trận nhân dân, đánh bại hoàn toàn cuộc càn “lớn nhất, chưa từng có của Pháp trên chiến trường Nam Bộ”; bảo đảm an toàn nhiều cán bộ chủ chốt của Xứ ủy Nam Bộ và Bộ Tư lệnh Nam Bộ trong đó có các đồng chí: Lê Duẩn, Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Nguyễn Đức Thuận..., làm thất bại cuồng vọng của giặc Pháp. Đây là một kỳ tích - một chiến công đặc biệt xuất sắc.

Từ năm 1953 đến tháng 7 năm 1954, đồng chí Huỳnh Văn Một được cử về làm Bí thư Liên Huyện ủy Đức Hòa Thành, tỉnh Chợ Lớn. Trong thời gian này, ông trực tiếp lãnh đạo, củng cố, xây dựng bộ đội địa phương và chỉ huy chiến đấu làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, giành được nhiều tháng lợi; qua đó góp phần vào thắng lợi chung của tỉnh, miền Nam và cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Thực hiện Hiệp định đình chiến Genève (tháng 7 năm 1954), đồng chí Huỳnh Văn Một được Xứ ủy Nam Bộ chỉ định làm Chủ tịch Ủy Ban Liên hợp đình chiến, trưởng phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hợp đình chiến Nam Bộ.

Sau khi kết thúc nhiệm vụ tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Nam Bộ, đồng chí Huỳnh Văn Một được tổ chức phân công ở lại miền Nam, được Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn trực tiếp giao nhiệm vụ làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn (1955 - 1956). Năm 1957, đồng chí Huỳnh Văn Một được Xứ ủy Nam Bộ và Liên tỉnh miền Đông phân công nhiệm vụ xây dựng căn cứ cho Trung ương Cục miền Nam ở biên giới Việt Nam - Campuchia. Ông ra sức vận động quần chúng xây dựng vùng này thành một căn cứ hợp pháp với Campuchia, từ Ba Thu, Tà Nôi, Sóc Nóc đến Chifou để đưa cán bộ về “điều lắng” học tập bảo tồn lực lượng.

Năm 1960, đồng chí Huỳnh Văn Một được phân công làm nhiệm vụ tham mưu trong Ban Quân sự T2, phát động phong trào Đồng khởi và ông góp phần cùng với Hoàng Lê Kha xây dựng cơ sở nội tuyến trong thành Tua Hai (Tây Ninh) dẫn đến trận đánh Tua Hai mở màn cho phong trào Đồng khởi võ trang ở miền Đông Nam Bộ.

Năm 1963 - 1967, đồng chí là cán bộ Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam phụ trách xây dựng căn cứ Tân Biên, là Bí thư Huyện ủy huyện Tân Biên - Tây Ninh (huyện Nghỉ Trang).

Năm 1968 - 1972, đồng chí là cán bộ Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam, trưởng đoàn công tác của Hội đồng cung cấp Miền từ Tây Ninh, Long An đến biên giới Campuchia. Đoàn công tác Hội đồng Cung cấp Miền do ông phụ trách đã tổ chức vận động bà con Việt, Hoa kiểu và nhân dân Campuchia ủng hộ lương thực cung cấp cho các đơn vị nói trên. Trong thời gian làm trưởng đoàn công tác Hội đồng Cung cấp Miền, đồng chí Huỳnh Văn Một rất tích cực xung phong vào công tác điểu vận trực tiếp lương thực cho tiền phương, nhất là trong năm 1970, giặc Mỹ gây chiến tranh Đông Dương ta gặp nhiều khó khăn về lương thực. Đồng chí Huỳnh Văn Một đã lao vào tuyến lửa vận động dân Campuchia thu mua lương thực phục vụ chiến trường. Đồng chí Huỳnh Văn Một là một cán bộ mẫu mực chịu đựng khó khăn gian khổ, lập nhiều thành tích xuất sắc được đồng chí, đồng đội và nhân dân Việt Nam, Campuchia vùng biên giới mến thương kính trọng.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, do tuổi cao, đau yếu, ông được tổ chức cho nghỉ hưu. Ông mất vào ngày 16 tháng 9 năm 1992, thọ 80 tuổi.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối