Đất và người Long An

Đồng chí Hà Huy Tập - Tổng Bí thư Trung ương Đảng

17/11/2022 09:19:5AM
Màu chữ Cỡ chữ

   Đánh giá về Hà Huy Tập và các nhà lãnh đạo thời dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”.

Đồng chí Hà Huy Tập (1906 – 1941), sinh tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngoại (nay thuộc xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Thân phụ của đồng chí là cụ Hà Huy Tương, đỗ cống sinh nhưng không ra làm quan mà ở nhà dạy học và bốc thuốc.

Lúc nhỏ, đồng chí Hà Huy Tập được cha dạy học. Năm 1917, đồng chí ra tỉnh lỵ Hà Tĩnh học tại Trường Tiểu học kiêm bị Pháp – Việt và làm gia sư để có tiền ăn học. Năm 1919, đỗ thủ khoa kỳ thi tuyển học sinh giỏi của trường và nhận học bổng để vào học trung học ở Trường Quốc học Huế. Năm 1923, sau khi tốt nghiệp trung học, đồng chí được bổ đi dạy học ở Trường tiểu học Pháp – Việt ở thị trấn Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Khi dạy học ở trường này, đồng chí Hà Huy Tập tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng, như phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh, đòi thả cụ Phan Bội Châu... Vì vậy giữa năm 1926, đồng chí Hà Huy Tập bị trục xuất khỏi Nha Trang; đến tháng 8 năm 1926 thì ra Vinh dạy học ở Trường Cao Xuân Dục. Ngoài dạy học, đồng chí còn tham gia hoạt động tích cực trong Hội Hưng Nam (sau đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng). Chính ở đây, đồng chí tham gia thành lập Tân Việt Cách mạng Đảng, tham gia các nhóm hoạt động bí mật, đưa thanh niên sang Quảng Châu dự các lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc mở.

Tháng 3 năm 1927, đồng chí Hà Huy Tập vào Sài Gòn, xin dạy ở Trường tiểu học An Nam học đường Gia Định. Ngày 17 tháng 3 năm 1927, đồng chí được Nguyễn Khánh Toàn mời tham gia Hội nghị thành lập Đảng Cao Vọng tại Hóc Môn – Gia Định nhưng đồng chí không tham gia Đảng này. Sau đó, đồng chí Hà Huy Tập cùng các đồng chí của mình lập ra Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Đảng ở Nam Kỳ. Ngày 17 tháng 3 năm 1928, Hội nghị hợp nhất giữa Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và Việt Nam cách mạng Đảng không thành do bất đồng ý kiến, đồng chí Hà Huy Tập rời An Nam học đường ở Gia Định để xuống hoạt động ở Bà Rịa – Vũng Tàu rồi về lại Sài Gòn.

Tháng 12 năm 1928, mật thám Pháp phát hiện ra cơ sở của Kỳ bộ Đảng Tân Việt mà đồng chí Hà Huy Tập là Thư ký của Kỳ bộ, Tổng bộ Tân Việt đã cử đồng chí đi Quảng Châu để tiếp tục bàn bạc cách hợp nhất với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tháng 4 năm 1929, đồng chí liên lạc được với Tổng lãnh sự Liên Xô tại Đại Liên đề nghị Tổng lãnh sự giới thiệu đồng chí với Quốc tế Cộng sản. Tháng 5 năm 1929, Quốc tế Cộng sản đồng ý cấp hộ chiếu và tiền cho đồng chí Hà Huy Tập sang Moscow vào học ở Trường đại học Phương Đông.

Năm 1929, đồng chí Hà Huy Tập chính thức vào học ở Trường đại học Phương Đông với tên mới Xinhitrơkin. Ngày 25 tháng 4 năm 1931, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô, thời gian dự bị 2 năm. Sau 3 năm học tập, đồng chí tốt nghiệp và được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động. Trong thời gian học tại Trường đại học Phương Đông, đồng chí tỏ ra là nhà lý luận xuất sắc, viết nhiều bài báo quan trọng đăng trên các tờ báo và tạp chí lớn của Liên Xô. Trước khi về nước, đồng chí tham gia thảo luận đề án Bản chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương do một số cán bộ của Quốc tế Cộng sản và các đồng chí Việt Nam soạn thảo.

Ngày 30 tháng 4 năm 1932, đồng chí Hà Huy Tập rời Moscow về Việt Nam qua Pháp. Nhà chức trách phát hiện đồng chí dùng căn cước giả nên trục xuất ra khỏi Pháp, vì thế tháng 6 năm 1932 đồng chí qua Bỉ để trở lại Liên Xô chờ cơ hội về nước. Từ tháng 6 năm 1932 đến tháng 4 năm 1933, trong thời gian chờ đợi, đồng chí đã viết một số tác phẩm có giá trị. Sau gần một năm thu xếp, tháng 4 năm 1933, Quốc tế Cộng sản bố trí đồng chí Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Nhựt về nước qua con đường Trung Quốc.

Ngày 01 tháng 8 năm 1933, tại Quảng Châu – Trung Quốc, đồng chí Hà Huy Tập và các đồng chí Nguyễn Văn Nhựt, Lê Hồng Phong họp bàn về tình hình cách mạng Đông Dương, tình hình quốc tế và bàn cách thực hiện quyết định của Ban Phương Đông – Quốc tế Cộng sản về việc thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Tháng 3 năm 1934, tại Ma Cao – Trung Quốc, ba đồng chí quyết định thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng do đồng chí Lê Hồng Phong làm Thư ký, đồng chí Hà Huy Tập là Ủy viên phụ trách tuyên truyền – cổ động kiêm Tổng biên tập Tạp chí BônSêvích. Từ ngày 16 đến ngày 21 tháng 6 năm 1934, tại Ma Cao – Trung Quốc, Ban Chỉ huy ở ngoài và các đại diện của Đảng ở trong nước tổ chức hội nghị để thông qua Nghị quyết Chính trị. Hội nghị đề nghị Quốc tế Cộng sản công nhận Ban Chỉ huy ở ngoài là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị cũng quyết định tổ chức Đại hội I của Đảng vào mùa xuân năm 1935; lập lại Xứ ủy Trung Kỳ và Lào; vấn đề tổ chức của Xứ ủy Bắc Kỳ,...

Khi đồng chí Hà Huy Tập cùng đồng chí Lê Hồng Phong bắt tay chuẩn bị Đại hội I của Đảng thì Quốc tế Cộng sản gửi giấy triệu tập Đảng Cộng sản Đông Dương cử đại diện đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Nọn,... được Ban Chỉ huy ở ngoài cử đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Vì vậy, việc lãnh đạo Ban Chỉ huy ở ngoài và chuẩn bị Đại hội I do đồng chí Hà Huy Tập và đồng chí Phùng Chí Kiên đảm nhiệm. Trong khi đồng chí Lê Hồng Phong đi Liên Xô thì tại Ma Cao – Trung Quốc, từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 3 năm 1935, Đại hội I của Đảng được triệu tập. Tuân thủ sự chỉ đạo của Quốc tế cộng sản, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 13 đồng chí (9 ủy viên chính thức, 4 ủy viên dự khuyết), bầu Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí do Lê Hồng Phong làm Tổng Thư ký (Tổng Bí thư). Đồng chí Hà Huy Tập không tham gia Ban Chấp hành Trung ương nhưng làm Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Đây là một sự kiện lịch sử ghi nhận công lao to lớn của đồng chí Hà Huy Tập. Nghị quyết của Đại hội lần thứ nhất quy định: Ban Chỉ huy ở ngoài là cơ quan lãnh đạo cao hơn Ban Chấp hành Trung ương, chỉ đạo Ban Chấp hành Trung ương, nó chỉ tuân thủ sự chỉ đạo của Đại hội đại biểu Đảng và Quốc tế Cộng sản. Đây là một tình thế rất đặc biệt.

Đầu năm 1936, sau thời gian dài đi Moscow dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong trở lại Thượng Hải, thông báo cho đồng chí Hà Huy Tập về sự chuyển hướng tổ chức và sách lược mới của Quốc tế Cộng sản khi tình hình quốc tế thay đổi nhanh chóng. Hai đồng chí nhận thấy nhất thiết phải sửa đổi một số điểm trong Nghị quyết của Đại hội I. Ngày 26 tháng 7 năm 1936, tại Thượng Hải, đã diễn ra Hội nghị Ban Trung ương do Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài Hà Huy Tập chủ trì. Hội nghị đã thông qua nghị quyết bổ khuyết cho Nghị quyết Đại hội I, chuyển hướng về tổ chức và sách lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản.

Sau Đại hội I, 13 đồng chí Ủy viên Trung ương và 5 đồng chí Ủy viên Thường vụ Trung ương khi về nước hoạt động thì bị địch bắt gần hết. Vì vậy, tại Hội nghị Trung ương lần này phân công đồng chí Lê Hồng Phong làm “cán bộ dự trữ ở ngoài”, còn đồng chí Hà Huy Tập về nước tổ chức Ban Trung ương và để khôi phục các liên lạc với các tổ chức của Đảng. Từ đây (tháng 7 năm 1936) đồng chí Hà Huy Tập được xem là Tổng Bí thư của Đảng khi mới 30 tuổi.

Đầu tháng 8 năm 1936, đồng chí Hà Huy Tập về tới Sài Gòn, đặt cơ quan ở Tân Thới Nhất xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Đây là địa chỉ được bảo vệ tuyệt đối an toàn của Trung ương. Ngày 12 tháng 10 năm 1936, đồng chí Hà Huy Tập đã triệu tập hội nghị cán bộ để bầu ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí làm Tổng Bí thư. Ngay sau hội nghị, Trung ương cử cán bộ đi Bắc Kỳ và Trung Kỳ và Cao Miên khôi phục lại các mối liên lạc. Ngày 13 và 14 tháng 3 năm 1937, Tổng Bí thư Hà Huy Tập triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương tại Bà Điểm và ngày 20 tháng 3 năm 1937 ra Thông báo gửi các cấp bộ Đảng những quyết định mới của Trung ương để chỉ đạo phong trào cách mạng. Trước sự phát triển mới của phong trào cách mạng và biến chuyển nhanh chóng của tình hình trong nước và quốc tế, sau mấy ngày trù bị, ngày 02 tháng 9 năm 1937, Tổng Bí thư Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương mở rộng kiểm điểm một năm tình hình hoạt động của Đảng (từ tháng 8 năm 1936 đến tháng 8 năm 1937). Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức gồm 11 đồng chí, trong đó có 9 đồng chí trong nước là Hà Huy Tập, Võ Văn Ngân, Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Hạ Bá Cang, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Trọng, Phùng Chí Kiên, Võ Văn Tần và hai đồng chí ở nước ngoài là đồng chí Lê Hồng Phong đang ở Trung Quốc, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang ở Moscow. Hội nghị cũng đã đề cử Ban Thường vụ Trung ương gồm 5 đồng chí: Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Tần, do đồng chí Hà Huy Tập là Tổng Bí thư.

Cuối tháng 3 năm1938, tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định diễn ra hội nghị Ban Chấp hành Trung ương. Sau khi kiểm điểm những ưu điểm và khuyết điểm của Đảng, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất Đông Dương, lập lại Xứ ủy Trung Kỳ, xuất bản tờ báo Dân Chúng và ra nghị quyết Về phòng thủ Đông Dương và vận động binh lính. Hội nghị diễn ra cuộc đấu tranh tư tưởng nội bộ rất thẳng thắn và đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư thay đồng chí Hà Huy Tập. Đồng chí Hà Huy Tập vẫn tiếp tục là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương. Từ ngày về nước cho đến thời điểm này, đồng chí Hà Huy Tập là người lãnh đạo cao nhất – Tổng Bí thư của Đảng được gần 2 năm (từ tháng 7 năm 1936 đến tháng 3 năm 1938) và đã có những cống hiến xuất sắc cho cách mạng Việt Nam ở thời điểm kẻ thù đánh phá ác liệt các tổ chức của Đảng.

Chiều ngày 01 tháng 5 năm 1938, đúng vào ngày Quốc tế lao động, mật thám Pháp đã bắt được đồng chí Hà Huy Tập và đưa thẳng về Khám Lớn Sài Gòn. Ngày 24 tháng 5 năm 1937, Tòa tiểu hình Sài Gòn kết án Hà Huy Tập 2 tháng tù giam và cấm lưu trú ở Nam Kỳ 5 năm do tội mang thẻ thuế thân giả. Ngày 26 tháng 7 năm 1938, Tòa thượng thẩm Sài Gòn xử phúc thẩm tuyên phạt Hà Huy Tập thêm 6 tháng tù giam, tổng hình phạt là 8 tháng tù giam và 5 năm cấm lưu trú ở Nam Kỳ. Tháng 8 năm 1939, thực dân Pháp mới thi hành quyết định thả Hà Huy Tập và ngày 06 tháng 9 năm 1939, đồng chí rời Sài Gòn về Vinh bắt liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ nhưng thất bại. Ngày 03 tháng 10 năm 1939, đồng chí Hà Huy Tập về đến quê nhà Hà Tĩnh nhưng bị mật thám giám sát rất nghiêm ngặt.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính quyền thuộc địa càng ra sức lùng bắt những người cộng sản. Ngày 30 tháng 3 năm 1940, thực dân Pháp bắt lại đồng chí Hà Huy Tập từ Hà Tĩnh đưa vào Sài Gòn. Ngày 03 tháng 9 năm 1940, Tòa tiểu hình Sài Gòn mở phiên thứ hai, xử hai đồng chí Hà Huy Tập và Lê Hồng Phong tội “đứng đầu bộ máy bí mật của Quốc tế thứ ba ở Đông Dương”, kết án mỗi người 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc.

Ngày 22 tháng 11 năm 1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ. Thực dân Pháp khủng bố tàn bạo, tàn sát dã man các chiến sĩ cách mạng ở Nam Kỳ. Các lãnh tụ của Đảng đang bị giam cầm trong lao tù kẻ địch cũng bị hủy án, để ngày 25 tháng 3 năm 1941, Tòa án quân sự Sài Gòn mở phiên đại hình xử hàng trăm chiến sĩ cộng sản, các lãnh tụ cộng sản bị chúng tuyên án tử hình không cần chứng cứ.

Ngày 28 tháng 8 năm 1941, đồng chí Hà Huy Tập và nhiều đồng chí khác đã bị kẻ địch bắn tại Hóc Môn – Gia Định khi mới 35 tuổi. Đồng chí hy sinh trong tư thế hiên ngang của một người cộng sản kiên cường dâng hiến trọn tuổi xuân cho cách mạng, cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

Là một lãnh tụ thời dựng Đảng, đồng chí Hà Huy Tập không chỉ là một cán bộ lãnh đạo xuất sắc mà còn là một nhà lý luận của Đảng ta, được Đảng giao là Tổng biên tập Tạp chí Bônsêvích, khi về nước, trên cương vị Tổng bí thư của Đảng, đồng chí đã thành lập và trực tiếp lãnh đạo nhiều tờ báo như L’Avant – Grande, Le Peuple, Kịch bóng … với nhiều bút danh khác nhau.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối