Đất và người Long An

Đồng chí Dương Quang Đông – Bí thư Xứ uỷ Nam bộ

05/05/2023 10:42:37AM
Màu chữ Cỡ chữ

   Đồng chí Dương Quang Đông mang khí chất của một nhà cách mạng Nam Bộ điển hình, đó là một chiến sĩ cộng sản luôn sẵn sàng làm mọi nhiệm vụ miễn là nhiệm vụ ấy có lợi cho Đảng, cho cách mạng, cho nhân dân. Những thăng trầm của cuộc đời đã không thể bẻ gãy được ý chí của người chiến sĩ cộng sản một lòng kiên trung với Đảng, một lòng vì nước, vì dân.

Đồng chí Dương Quang Đông sinh ngày 02 tháng 5 năm 1902 tại xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Năm 1916, học lên bậc Thành chung tại trường Huỳnh Khương Ninh (thuộc khu vực Đa Kao, Sài Gòn). Năm 1919, khi học lớp đệ tam thì bị đuối học với lý do có biểu hiện chống đối chính quyền đương cuộc. Rời khỏi nhà trường, đồng chí Dương Quang Đông làm thợ máy, lái xe, lái tàu, kéo xe ở Sài Gòn để kiếm sống.

Năm 1920, đồng chí Dương Quang Đông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng trong Công hội đỏ do đồng chí Tôn Đức Thắng lãnh đạo, được phân công làm Thư ký và là Trưởng ban giao liên của tổ chức. Năm 1921, đồng chí được đồng chí Tôn Đức Thắng cử trở về quê hương Trà Vinh vận động, xây dựng tổ chức. Sau thời gian vận động, đồng chí đã thành lập được hai tổ chức Công Nông hội đỏ ở Cầu Ngang và tỉnh ly Trà Vinh, rồi dần dần lan tới các địa phương lân cận như Mỏ Cày, Càng Long, Long Hồ.

Năm 1923, đồng chí Tôn Đức Thắng giới thiệu đồng chí Dương Quang Đông vào làm việc ở hãng Ba Son vì đây là nơi tập trung cả ngàn công nhân, thầy thợ của Sài Gòn. Đồng chí Dương Quang Đông có nhiệm vụ là hợp sức với các đồng chí khác phụ trách một Công hội đỏ tại đây.

Năm 1927, được sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tổ chức Công hội đỏ chuyển thành Kỳ bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội do đồng chí Tôn Đức Thẳng làm Bí thư và đồng chỉ Dương Quang Đông cũng chính thức trở thành thành viên của tổ chức này.

Ngày 20 tháng 3 năm 1930, đồng chí Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu về Nam Bộ thống nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng, lập ra Ban Chấp hành lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư, đồng chí Dương Quang Đông được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ. Đồng chí lại quay về Trà Vinh để thành lập các chi bộ cộng sản ở Cầu Ngang, tỉnh ly Trà Vinh, sau đó thành lập Tỉnh ủy Trà Vinh do đồng chí làm Bí thư kiêm nhiệm Bí thư Quận ủy Cầu Ngang.

Đầu năm 1931, trong sự kiện Lý Tự Trọng bán chết tên Chánh mật thám Le Grand tại sân vận động Mayer, đồng chí Dương Quang Đông bị bắt do một tên mật thám phát hiện và bị kết án ba năm tù giam.

Năm 1934, mãn hạn tù, ông tích cực tìm cách móc nối cơ sở, phát triển lực lượng, gây dựng lại Xứ ủy Nam Kỳ, và được cử làm Trưởng ban giao liên của Xứ ủy.

Năm 1936, khi cánh tả Pháp giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội, đứng ra thành lập chính phủ và chính phủ ban bố các quyền tự do dân chủ từ chính quốc cho tới các nước thuộc địa. Đảng ta nhân cơ hội này đứng ra tổ chức Mặt trận Dân chủ Đông Dương, đẩy mạnh phong trào dân chủ, thành lập các tổ chức công khai, hợp pháp; trong đó cũng lồng vào công tác bí mật của Đảng. Đồng chí được chỉ định tham gia Ủy ban Hành động Nam Bộ.

Đầu năm 1940, Xứ ủy được củng cố lại do đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư. Đồng chí Dương Quang Đông nhận nhiệm vụ Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ.

Ngày 20 tháng 5 năm 1940, khi được Xứ ủy giao nhiệm vụ phổ biến chỉ thị “Chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ” ở các tỉnh miềnTây, trên đường trở về Sài Gòn thì bị mật thám bắt và sau đó bị giam ở Tà Lài cùng các đồng chí khác. Đêm 27 tháng 3 năm 1941, cùng 7 đồng chí khác vượt ngục Tà Lài. Cuộc vượt ngục thành công nhưng lần lượt 6 người bị bắt lại, chỉ 2 đồng chí là Trần Văn Giàu và Dương Quang Đông về được Sài Gòn hoạt động. Đồng chí Dương Quang Đông tập hợp thêm hai đồng chí là Nguyễn Tấn Đức và Trương Văn Nhâm thành lập Ban Vận động Cách mạng Nam Kỳ do ông làm Trưởng ban.

Năm 1941 - 1942, đồng chí tham gia thành lập một số cơ sở Đảng ở các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Kỳ. Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 10 năm 1943, trong Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí triệu tập họp tại Chợ Gạo (Gò Công - tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang), đồng chí Dương Quang Đông được bầu làm Bí thư Xứ ủy (Tuy nhiên ông đề nghị chỉ tạm thời phụ trách và sẽ giao nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy cho đồng chí Trần Văn Giàu hiện vắng mặt).

Từ năm 1943 đến tháng 5 năm 1945, đồng chí là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy kiêm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh.

Ngày 24 tháng 8 năm 1945, Hội nghị Xứ ủy tổ chức tại Chợ Đệm (nay thuộc huyện Bình Chánh - Thành phố Hồ Chí Minh) công bố lệnh Tổng khởi nghĩa. Với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Dương Quang Đông tức tốc về Trà Vinh cùng Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà giành chính quyền về tay nhân dân, đóng góp quan trọng cho thắng lợi trọn vẹn của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Trà Vinh. Ngày 06 tháng 01 năm 1946, đồng chí Dương Quang Đông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I tại đơn vị tỉnh Trà Vinh.

Năm 1947 đồng chí sang Lào phối hợp với bạn thành lập chiến khu tại rừng Thà Khẹt, vẫn tiếp tục công tác mua sắm, vận chuyển vũ khí đưa về Nam Bộ.

Năm 1948, được bổ nhiệm làm Phó phòng Hàng hải Nam Bộ kiêm Trưởng Phân phòng Hàng hải tại Thái Lan. Từ năm 1949 đến năm 1951, đồng chí mở cửa hàng tại Thái Lan cũng chính là Văn phòng của Phân phòng Hàng hải, bên ngoài ngụy trang làm ăn bình thường, là tiệm thuốc bán đủ hàng hóa nội địa, ngoại nhập như các loại máy móc, văn phòng phẩm, thuốc chữa bệnh, cả các loại chất hóa học... và mua tàu thủy để vận tải các hàng hóa cần thiết về Nam Bộ sử dụng cho kháng chiến. Đến ngày 11 tháng 4 năm 1951, đồng chí Dương Quang Đông bị địch bắt giam rồi trục xuất qua Campuchia.

Năm 1949, đồng chí được Xứ ủy cử dự lớp chính trị cao cấp khóa III tại trường Trường Chinh.

Ngày 12 tháng 12 năm 1951, đồng chí được phân công phụ trách Quân Dân Chính Đảng tại vùng Tây Campuchia và cả phụ trách công tác hậu cần hai con đường Xuyên Tây trên bộ và trên biển từ tỉnh Kô Kông về tới tỉnh Long Châu Hà. Từ năm 1952 đến năm 1954, đồng chí thực hiện nhiệm vụ chở hết vũ khí còn để ở Thái Lan và Kô Kông về Nam Bộ.

Theo tinh thần Hiệp định Genève đã ký kết và theo sự chỉ đạo của Khu ủy Tây Nam, đồng chí Dương Quang Đông phụ trách tập kết cán bộ, chiến sĩ toàn khu về Chắc Băng Khu 9 (miền Tây) để xuống tàu thủy Liên Xô đi ra Bắc. Đồng chí được chọn ở lại Nam Bộ, sau khi học lớp “Chính trị công tác thành” tại Cà Mau thì được điều động về Sài Gòn từ năm 1954, được bầu làm Thành ủy viên Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, phụ trách binh vận.

Năm 1957, đồng chí bị địch bắt tại đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Trần Phú, gần chợ An Đông) và bị đưa về bót Catinat tra tấn dã man. Thừa cơ bọn lính gác tù sơ hở, đồng chí chạy thoát xuống Cà Mau, được Khu ủy miền Tây Nam Bộ giúp đỡ lo giấy tờ hợp pháp để đồng chí quay về hoạt động ở vùng Phú Nhuận.

Sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, tuyến giao liên Bắc Nam đã hoạt động ổn định, Trung ương Cục quyết định điều đồng chí sang nhận nhiệm vụ Chỉ huy phó kiêm Chính ủy Đoàn tàu không số mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam phục vụ nhu cầu của cuộc đấu tranh vũ trang đang ngày càng phát triển mạnh của nhân dân miền Nam.

Từ năm 1964 đến năm 1975, đồng chí được Trung ương Cục bổ nhiệm làm Trưởng ban Giao liên công khai Trung ương Cục. Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, đồng chí được phân công phụ trách giao thông công chánh rồi làm Ủy viên Ban Thanh tra thành phố Sài Gòn.

Năm 1977, đồng chí Dương Quang Đông đồng chí được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu. Tháng 9 năm 1977, đồng chí được cử vào cương vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ bộ Hưu trí Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1986, nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông là đại biểu chính thức của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Đồng chí Dương Quang Đông mất ngày 10 tháng 5 năm 2003, hưởng thọ 101 tuổi.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối