Đất và người Long An

Đồng chí Bùi Văn Thủ- Bí thư Thành uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn

08/05/2023 02:41:53PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Đồng chí Bùi Văn Thủ đã hăng say hoạt động không biết mệt mỏi và làm việc quên mình, đóng góp tích cực cho Đảng và cho phong trào cách mạng của quần chúng ở thành phố cũng như ở các tỉnh Nam Bộ. Đồng chí đã xứng đáng là một cán bộ Đảng gương mẫu, một người con tiêu biểu của vùng Mười Tám thôn vườn trầu có truyền thống anh hùng, bất khuất.

Đồng chí Bùi Văn Thủ sinh năm 1907, tại Bà Điểm (xã Tân Thới Nhứt) huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Nhân dân Bà Điểm vốn giàu lòng yêu nước có truyền thống đấu tranh chống áp bức và chống ngoại xâm mạnh mẽ từ trước khi có Đảng. Khi có Đảng nhân dân Bà Điểm sớm giác ngộ cách mạng và nhanh chóng đi theo Đảng. Ngay từ tháng 5 năm 1930, Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập, lãnh đạo quần chúng nhân dân biểu tình chống sưu cao thuế nặng và chống áp bức bóc lột. Nhiều cuộc đấu tranh nổ ra đặc biệt là tiếng mỏ Đông Lân đã thúc giục đông đảo đồng bào trương cờ đỏ búa liềm tuần hành đến thị trấn Hóc Môn vào ngày 4 tháng 6 năm 1930 đã làm cho giặc phải khiếp sợ. Cơ sở cách mạng đã phát triển vững chắc ở Bà Điểm và Bà Điểm đã vinh dự được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ trú đóng để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước từ năm 1936 đến năm 1939. Trong đó, vai trò của các đồng chí Bùi Văn Thủ, Bùi Văn Ngữ là không nhỏ. Đồng chí Bùi Văn Thủ rất thông minh, sáng dạ nên học rất giỏi, luôn luôn được thầy mến, bạn kính.

Sau khi tốt nghiệp trường địa phương, đồng chí được gia đình cho ra học trường tỉnh ở Bà Chiểu, rồi học ở Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chính quyền thuộc địa đã chọn, đưa sang Pháp đào tạo.

Trường THCS Bùi Văn Thủ, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Tp Hồ Chí Minh

Thời gian học ở Pháp, với truyền thống yêu nước luôn chảy mạnh mẽ trong người và tư chất cách mạng, đồng chí được giác ngộ về chủ nghĩa cộng sản và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp. Tại đây, đồng chí đã gần gũi với giai cấp công nhân Pháp, tham gia tích cực các cuộc đấu tranh của công nhân. Được Đảng Cộng sản Pháp tín nhiệm nên đã giới thiệu đồng chí Bùi Văn Thủ sang Liên Xô học tại trường Đại học Lao động cộng sản Phương Đông (Trường do Quốc tế Cộng sản thành lập vào năm 1921, để đào tạo các cán bộ cộng sản ở các nước thuộc địa và một số nước ở Phương Đông).

Đồng chí tới Liên Xô năm 1929 và học cùng một khóa với các đồng chí Hà Huy Tập, Trần Ngọc Danh, Dương Bạch Mai, Nguyễn Thế Thạch,... Đồng chí lấy bí danh là Giắc-cơ. Trong những năm học tập ở đây, đồng chí sớm biểu hiện là nhà lý luận Mác-xít có khả năng. Sau khi tốt nghiệp, đồng chí trở lại Pháp một thời gian rồi mới từ Pháp về nước.

Về tới Sài Gòn giữa lúc phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương đã bắt đầu phát triển rầm rộ, đồng chí tham gia ngay vào phong trào với tất cả nhiệt tình cách mạng sôi nối. Đống chí viết nhiều bài đăng trong các báo chí tiến bộ và công khai ở Sài Gòn, như tờ báo Dân chúng của Đảng ta.

Năm 1935, đồng chí được bổ sung vào Xứ ủy Nam Kỳ (do đồng chí Võ Văn Ngân làm Bí thư Xứ ủy) và tham gia vào Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (từ năm 1936 đến năm 1940); đặc biệt, đồng chí giữ nhiệm vụ Bí thư Thành ủy một thời gian ngắn (cuối năm 1936 - đầu năm 1937), sau khi đồng chí Trương Văn Nhâm - Bí thư Thành ủy chuyển về công tác tại Trà Vinh.

Được sự phân công của Thành ủy, đồng chí đã lăn lộn trong phong trào công nhân của thành phố, thường xuyên đi xuống các tổ chức cơ sở của Đảng và các xóm lao động để tuyên truyền, giáo dục lý luận cách mạng cho đảng viên và quần chúng tích cực. Đồng thời qua phong trào cách mạng của quần chúng, đồng chí đã rút ra nhiều kinh nghiệm đóng góp vào sự lãnh đạo và chỉ đạo của Thành ủy. Đồng chí được phân công đến những nơi khó khăn và những nơi cơ sở của Đảng còn yếu để hoạt động. Với tài tổ chức và lý luận vững vàng, đồng chí đã nhanh chóng thu phục được nhiều người tin theo đường lối của Đảng, vạch trần những luận điệu bịp bợm của bọn Trosky. Trong nhiều cuộc đấu tranh trực diện với Trosky, đồng chí có một lập trường cách mạng kiên định.

Với lửa tuổi ba mươi, Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, Đảng chủ trương cho các cán bộ hoạt động công khai rút vào hoạt động bí mật, đồng chí cũng rút vào hoạt động bí mật ở vùng Gia Định, Thủ Dầu Một. Năm 1940, trong lúc đang hoạt động ở Thủ Dầu Một thì bị địch bắt. Tuy bị tra tấn cực hình nhưng đồng chí vẫn không khai nên cơ sở Đảng ở Thủ Dầu Một vẫn được giữ vững.

Năm 1941, chúng đã đày đồng chí ra Côn Đảo một lượt với người em là Bùi Văn Ngữ (bị bắt trước đó). Ra đảo, chúng giam đồng chí ở Banh II, phòng số 7 cùng với các đồng chí Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo v.v...

Năm 1942, do bị tra tấn cực hình và bị giam giữ trong điều kiện vô cùng tồi tệ nên đồng chí bị bệnh nặng và hy sinh tại Côn Đảo.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối