Đất và người Long An

Đồng chí Bùi Văn Ngữ-Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định

14/06/2023 02:45:49PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Đồng chí Bùi Văn Ngữ là đảng viên gương mẫu, luôn chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương của Đảng, tận tụy hăng hái hoạt động cho Đảng. Mặc dù bị địch bắt và tra tấn rất dã man nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cán bộ cộng sản, tuyệt đối không khai cho địch những bí mật của Đảng.

Đồng chí Bùi Văn Ngữ sinh năm 1910 trong một gia đình nông dân ở Bà Điểm (xã Tân Thới Nhứt), huyện Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay thuộc huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). Bên ngoại đồng chí là con, cháu ông Phan Công Hớn, một người yêu nước nổi tiếng trong vùng, đã từng lãnh đạo khởi nghĩa năm 1885 đánh vào huyện ly Bình Long (Hóc Môn), giết tên Đốc phủ Trần Tử Ca gian ác tay sai trung thành của giặc. Thừa hưởng truyền thống yêu nước của cha ông nên ngay từ khi còn nhỏ, đồng chí đã có ý chí căm thù giặc Pháp và yêu thương nhân dân.

Bùi Văn Ngữ được đi học trường địa phương rồi sau xuống học ở trường tỉnh tại Bà Chiểu. Tuy người nhỏ nhưng lanh lợi và chăm chỉ, lại được người anh là Bùi Văn Thủ dìu dắt, giúp đỡ nên tiến bộ nhanh chóng trong học tập, thi cử luôn đạt điểm cao. Tính tình hiền hòa nên được bạn học cùng lớp, cùng trường thương mến, kính nể.

Năm 1927 - 1928, Bùi Văn Ngữ đã tham gia vào Hội kín Nguyễn An Ninh ở địa phương và hăng hái hoạt động cho Hội. Khi có tổ chức Đảng Cộng sản, đồng chí đã nhanh chóng trở thành đảng viên cộng sản và là đảng viên trong chi bộ xã Tân Thới Nhứt, một chi bộ có đông đảng viên, do đồng chí Phan Văn Đối làm Bí thư. Đồng chí là đảng viên gương mẫu, luôn chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương của Đảng, tận tụy hăng hái hoạt động cho Đảng. Trong các cuộc đấu tranh năm 1930, đồng chí luôn dẫn đầu các đoàn biểu tình, tuần hành của quần chúng ở địa phương.

Sau những đợt khủng bố của địch, nhiều đảng viên bị bắt, Tỉnh ủy Gia Định nhiều lần bị vỡ. Tuy vậy chi bộ xã Tân Thới Nhứt vẫn được bảo vệ, vẫn tồn tại và hoạt động. Khoảng cuối năm 1931, đồng chí Võ Văn Tần và Võ Văn Ngân bị địch truy lùng đã chuyển vùng từ Đức Hòa sang Gia Định hoạt động ở xã Xuân Thới Thượng, một xã bên cánh xã Tân Thới Nhứt. Đồng chí Võ Văn Tần đã nhanh chóng bắt liên lạc được với các đồng chí ở Tân Thới Nhứt. Các đồng chí đã khôi phục lại Tỉnh ủy tỉnh Gia Định do đồng chí Võ Văn Ngân rồi sau là đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư, đồng chí Bùi Văn Ngữ cũng được cử vào Tỉnh ủy.

Với cương vị mới nặng nề hơn, đồng chí đã tích cực hoạt động nên trong những năm từ 1932 đến 1935, các cơ sở đảng trong tỉnh mặc dù bị địch đánh phá liên tục vẫn được duy trì, giữ vững và Tỉnh ủy Gia Định vẫn tồn tại không bị phá vỡ.

Đầu năm 1935, Bùi Văn Ngữ, Xứ ủy viên, phụ trách Chợ Lớn tổ chức lại Quận ủy lâm thời Cần Giuộc gồm Nguyễn Thị Bảy (Bí thư) và các đồng chí Huỳnh Thị Thinh, Nguyễn Thị Nho, Tư Tây, Tư Be... Phong trào cách mạng ở Cần Giuộc lại phát triển, các cuộc đấu tranh đều được Tỉnh ủy, Quận ủy quan tâm chỉ đạo phát triển cơ sở mới, củng cố cơ sở đã có. Cuộc đấu tranh đòi tăng tiền công cấy, lấy làng Phước Vĩnh Đông, làng Phước Lại làm điểm, có sự chỉ đạo của Bí thư Nguyễn Thị Bảy diễn ra quyết liệt, tuy có dẫn đến xô xát, nhưng đã khôn khéo đòi hội tể giải quyết, đạt thắng lợi, có tiếng vang ra toàn quận. Phong trào đòi tăng tiền công, tăng giá gặt nổi lên tại nhiều làng ở khu Hạ (đồng chí Nguyễn Văn Trân có viết bài cổ vũ phong trào đăng trên báo La Luite tiếng Pháp).

Thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1936 - 1939, đồng chí Bùi Văn Ngữ là Bí thư Tỉnh ủy và được cử vào Xứ ủy. Đồng chí đã đóng góp tích cực vào sự lãnh đạo của Xứ ủy. Từ Sài Gòn, đồng chí đi đến các tỉnh ở Nam Kỳ để chỉ đạo phong trào với tỉnh thần hăng say, làm việc quên ăn, thiếu ngủ và rất ít thời giờ về thăm gia đình. Xuất thân từ một gia đình nông dân, đồng chí luôn giữ nếp sống giản dị, lành mạnh và có tác phong quần chúng hóa cao nên đã giữ được bí mật trong hoạt động. Ngay những người cùng lứa, cùng quê cũng không hiểu rõ chức vụ và công tác của đồng chí. Mọi người thấy đồng chí tích cực hoạt động thì chỉ biết là một đồng chí cốt cán của Đảng.

Năm 1937, theo sự phân công của Xứ ủy, đồng chí đã cùng với một số đồng chí trong Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, ba lần tổ chức tranh luận trực tiếp với nhóm Trotsky (Hồ Hữu Tường, Lê Văn Trương, Phan Văn Hùm) ở Sài Gòn lên tại nhà hương cả làng An Thạnh và ở Bình Nhâm. Cuộc tranh luận xoay quanh các vấn để về liên minh công nông, về Mặt trận Bình dân Pháp, về Hội ái hữu và nghiệp đoàn.

Tại chợ Bà Điểm có một hiệu thuốc tên là Tư Sanh Đường của bà Mười Bích giao cho đồng chí Nguyễn Văn Trân (Bảy Trân). Đồng chí Bùi Văn Ngữ cùng đồng chí Nguyễn Văn Trân đã xây dựng hiệu thuốc này (1938) để làm kinh tế cho Xứ ủy đồng thời dùng nơi này làm địa điểm liên lạc cho Xứ ủy và Trung ương Đảng (thời gian này Trung ương Đảng đóng ở xã Tân Thới Nhứt và Xứ ủy đóng trụ sở ở làng Tân Thới Trung). Là một người nhanh nhẹn, tháo vát, với năng lực hoạt động cao, đồng chí Bùi Văn Ngữ đã được cử vào Ban Thường vụ Xứ ủy.

 

Năm 1938, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và đồng chí Bùi Văn Ngữ được cử về Cần Giuộc mở lớp huấn luyện về “Giai cấp đấu tranh” tại ấp Giữa, làng Phước Lại (nhà Mười Thuộc), Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn. Trong lãnh đạo đấu tranh, Đảng bộ tỉnh Chợ Lớn và các cấp ủy đảng bộ địa phương đều rất sâu sát quần chủng, đề ra các khẩu hiệu dân sinh, dân chủ phù hợp nên được quần chúng hưởng ứng nhiệt liệt. Càng về sau các cuộc đấu tranh càng thể hiện rõ tính tổ chức, tính liên kết chặt chẽ, có mục tiêu, yêu sách cụ thể. Các hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp và bất hợp pháp được vận dụng ngày càng linh hoạt, có hiệu quả.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, thực dân Pháp ở Đông Dương đi vào con đường phát xít hóa. Chúng thẳng tay khủng bố, đàn áp Đảng ta và các phong trào đấu tranh của quần chúng cách mạng. Đảng chủ trương các đồng chí hoạt động công khai rút vào bí mật và chuyển hướng về nông thôn. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy, phong trào đấu tranh của quần chúng ở nông thôn lên mạnh hơn bao giờ hết. Nhiều cuộc đấu tranh chống sưu thuế, chống bát lính, chống bắt cán bộ, nhiều cuộc vây bắt gián điệp, giết cò Tây diễn ra sôi nổi ở khắp nơi.

Để đối phó với phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng ngày càng lên mạnh khắp nơi, thực dân Pháp tăng cường giăng lưới tìm bắt các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn và nhiều đồng chí đã bị bắt trong tháng 01 năm 1940 ở Sài Gòn. Một số đồng chí Thường vụ Xứ ủy cũng đã bị bắt như đồng chí Trịnh Ấn (tức Hoàng), Nguyễn Văn Nghỉ (Ba Nghị).

Tháng 02 năm 1940, do một người ở Ba Son bị bắt rồi khai báo, địch đã đến bao vây hiệu may của đồng chí Tư Đồng (Phan Văn Đồng) ở số 9 đường Amiral Courbet (nay là đường Nguyễn An Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh) bắt được đồng chí Bùi Văn Ngữ, Lê Văn Huê (Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Gia Định), Huệ Thới và Phan Văn Đồng.

Mặc dù bị tra tấn rất dã man nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cán bộ cộng sản, tuyệt đối không khai cho địch những bí mật của Đảng, do đó trụ sở của Xứ ủy ở Tân Thới Trung vẫn được đảm bảo. Đầu năm 1941, sau Nam Kỳ Khởi nghĩa, chúng đày đồng chí Bùi Văn Ngữ ra Nhà tù Côn Đảo. Đồng chí bị giam ở banh II, phòng số 7 cùng các đồng chí Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh... Tại đây, đồng chí tích cực tham gia vào các cuộc đấu tranh của tù nhân chống chế độ nhà tù tàn bạo của địch nên đã bị nhốt cấm cố. Cũng vì chế độ tàn bạo đó, đồng chí Bùi Văn Ngữ đã hy sinh vào năm 1942 cùng với người anh ruột là Bùi Văn Thủ.

Gia đình đồng chí Bùi Văn Ngữ còn là nơi ăn ở, hoạt động của Trung ương Đảng tại vùng Mười Tám Thôn Vườn Trầu bao gồm các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn.... Vợ đồng chí Bùi Văn Ngữ, bà Ngô Thị Rạng cũng tham gia nuôi giấu cán bộ và bảo vệ cơ sở cách mạng. Với những công lao to lớn trong hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, gia đình đồng chí đã được Nhà nước tặng bằng Tổ quốc Ghi công; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất cho bà Ngô Thị Rạng. Những chiến sĩ Nam Kỳ năm xưa đã anh dũng hy sinh, nhưng họ mãi là những tấm gương yêu nước sáng ngời cho thế hệ con cháu hôm nay học tập, noi theo.

Ngô Thành Trung (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối