Đất và người Long An

Đình Tân Xuân - Di tích lịch sử - văn hóa

22/06/2022 10:21:45AM
Màu chữ Cỡ chữ

   Theo Sách Di tích Quốc gia trên địa bàn tỉnh Long An xuất bản năm 2021, ngôi đình cách chợ Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, mang phong cách kiến trúc của đình làng Nam Bộ. Đó là đình Dương Xuân Hội hay đình Tân Xuân - nơi đây có Lễ hội Làm Chay diễn ra hàng năm thu hút hàng ngàn du khách.

Đình Tân Xuân ra đời gắn với lịch sử khai hoang mở đất, lập làng của cư dân người Việt ở Long An, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng làng xã. Ngôi đình thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, các vị “Tiền hiền - Hậu hiền” và các đối tượng phối tự khác trong văn hóa tín ngưỡng Nam Bộ.

Đình Tân Xuân chưa có một văn tự nào ghi chép chính xác về sự ra đời của ngôi đình. Tuy nhiên, tại đình còn lưu giữ những cứ liệu khoa học tiết lộ những thông tin quan trọng có thể ước đoán niên đại. Đó là bức hoành phi, đắp nổi chữ “Tân Xuân Đình” cùng dòng lạc khoản “Tân Tỵ thu chế tạo” (tức chế tạo mùa thu năm 1821), cùng chiếc chuông cổ bằng đồng khắc chữ Hán “Tân An phủ, Tân Hòa huyện, Thạnh Hội tổng, Tân Xuân thôn”, “Giáp Ngọ Niên, trọng thu nguyệt, cát nhật”, cho biết địa danh nơi đặt chuông là thôn Tân Xuân, tổng Thạnh Hội, huyện Tân Hòa, phủ Tân An và thời điểm đặt chuông là ngày lành, giữa mùa thu năm Giáp Ngọ (1834). Liên quan đến lịch sử ngôi đình phải kể đến 3 sắc phong của vua Tự Đức phong tặng vào năm 1852: sắc phong thần Bổn Cảnh Thành Hoàng làng Dương Xuân, sắc phong thần Bạch Mã làng Dương Xuân và sắc phong Đại Càn Quốc Gia Nam Hải. Từ cơ sở tư liệu trên, có thể đoán định đình Tân Xuân được xây dựng muộn nhất là từ năm 1821.

Hoạt cảnh rước Ông Tiêu. Ảnh: CTV

Ngoài các lễ cúng Hạ Điền, Thượng Điền, Cầu Bông và Kỳ Yên như các đình làng Nam Bộ, đình Tân Xuân còn là nơi thờ tự ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự - thủ lĩnh nghĩa quân trong phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ XIX của Thủ Khoa Huân ở Châu Thành và 2 vị tiền bối của phong trào yêu nước, cách mạng là Châu Văn Giác, Võ Duy Truyện cùng 155 anh hùng liệt sĩ ở địa phương với lễ nghi và thời điểm cúng diễn ra hàng năm vào dịp lễ Kỳ Yên. Đặc biệt là lễ hội Làm Chay. Đây là lễ hội khơi nguồn từ lòng yêu nước, sự yêu thương và kính trọng các bậc nghĩa khí trung kiên đã hy sinh trong phong trào võ trang kháng Pháp nửa đầu thế kỷ XIX ở Tầm Vu mà tiêu biểu là Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự. Người dân vùng Tầm Vu ngày ấy phao tin “loạn cô hồn dậy dẹp chợ”, không buôn bán được, cần phải cúng tế và mượn cớ để làm lễ trai đàn (hay chay đàn) cúng cô hồn, chiến sĩ trận vong nhằm tránh sự đàn áp của giặc, theo thời gian, trở thành lệ Làm Chay và ngày nay là lễ hội Làm Chay. Đây là một nghi thức cúng tế của Phật giáo là lễ lập đàn cúng chay để cầu siêu cho các cô hồn vất vưởng, các vong linh ma quỷ không để chúng làm hại con người và cầu an cho bá tánh. Lễ hội Làm Chay tại đình Tân Xuân diễn ra vào ngày 15 và 16 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội làm chay được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.

Các hoạt động tại Lễ hội làm Chay. Ảnh: CTV

Trải qua gần hai thế kỷ, chịu ảnh hưởng của khí hậu nóng ẩm, đình Tân Xuân đã bị xuống cấp và được trùng tu vào năm 2018. Khuôn viên đình có diện tích 1026,7m2, trong đó, diện tích đình là 360m2. Kiến trúc của đình Tân Xuân có kiểu chữ Đinh, gồm đình chánh và đình trung, với tổng cộng 52 cột gỗ (đình chánh 40 cột, đình trung 12 cột), bộ giàn trò bằng gỗ có xiên trính, kèo chạm trổ hoa văn. Vách đình xây tường với hai hiên đình. Mái đình lợp ngói lưu ly, trên nóc có gắn hình trang trí lưỡng long tranh châu. Trước tiền đình có xây tấm bình phong thờ thần hổ.

Trung đình có trang trí những câu liễn đối được viết bằng chữ Hán và các biển đại tự sơn son thếp vàng, tạm dịch:

Anh nhường nhịn, em cung kính đó là cơ bản việc tu thân của người quân tử.

Gia đình không có tình huống nào khác (chỉ có) việc bàn luận thơ đường, chữ Tấn, văn chương đời nhà Hán.

Hay:

Bề trên khoan dung khiến người sợ không bằng khiến người thương.

Dùng đức làm việc chánh được của cải không bằng được lòng người.

Bước vào đình chánh có liễn đối, tạm dịch:

Từ ngàn xưa đã hiển hiện rõ ràng sự linh thiêng đó cùng với nhật nguyệt của trời đất.

Từ ngàn năm đã rộng mở rất sâu xa ân tình đó giống như làn sóng trong dòng của non nước này.

Ngoài ra, đình còn lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị như:

Biển đại tự đắp nổi chữ “Quốc thới dân an”“Phong điều vũ thuận”, năm 1917.

Biển đại tự “Tân Xuân Đình”, năm 1821.

Biển đại tự “Dương Xuân Hội Đình”, 1926.

      Biển đại tự đắp nổi chữ “Linh quang phổ chiếu”“Công minh chính trực”, thế kỷ XIX.

      Ba Cặp liễn đối, thế kỷ XIX.

      Bộ ghế chạm, thế kỷ XIX.

      Long đình, năm 1925.

      Đại hồng chung, năm 1843.

Đây là ngôi đình cổ, đã tồn tại gần hai thế kỷ. Đối tượng thờ ở đình Tân Xuân là Thần Thành Hoàng cùng anh linh của những người có công với làng với nước trong đó có những nghĩa sĩ yêu nước hy sinh trong phong trào Thủ Khoa Huân ở Tầm Vu, huyện Châu Thành. Qua đó gợi nhớ về một thời kỳ lịch sử ở địa phương trong bối cảnh Nam Bộ trong phong trào võ trang kháng Pháp nửa cuối thế kỷ 19. Lễ hội Làm Chay là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Đây là họat động văn hóa tín ngưỡng chủ yếu của nhân dân địa phương trong thời kỳ đầu khai phá đất phương Nam trở thành nét văn hóa truyền thống của đất và người nơi đây. Là một thiết chế văn hóa làng xã, đình Tân Xuân là nơi bảo lưu những giá trị văn hóa tâm linh ở địa phương, nhằm nhớ về cội nguồn, chuyển giao văn hóa, liên kết cộng đồng.

Di tích đình Tân Xuân đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hàng là di tích lịch sử - văn hóa theo quyết định số 4109/QĐ-BVHTTDL, ngày 12/12/2014. Lễ hội Làm Chay diễn ra tại đình cũng trở thành một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL, ngày 19/12/2014.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối